Gần đây tại huyện Kim Hồ, thành phố Hoài An tỉnh Giang Tô có hơn 100 trẻ em sau khi uống vắc-xin quá hạn đã xuất hiện phản ứng lạ. Có phụ huynh phát hiện, vắc-xin quá hạn không chỉ có một lô. 

 

Embed from Getty Images

Ảnh minh họa từ Getty Images

Theo Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CNR) đưa tin, nhiều phụ huynh tại huyên Kim Hồ nói, sự kiện vắc-xin quá hạn này là do một phụ huynh công tác tại một bệnh viện đưa con đi tiêm chủng hôm 7/1 đã tình cờ phát hiện. Do vị phụ huynh này cũng hiểu về kiến thức y dược, nên đã đã đặc biệt đi kiểm tra vắc-xin mà con mình dùng, thì phát hiện vắc-xin dùng hôm 7/1 có vấn đề và đã thông báo cho mọi người.

Chính quyền địa phương thông báo, đến 4 giờ chiều ngày 9/1, huyện Kim Hồ cho tổng cộng 145 trẻ dùng vắc-xin quá hạn.

Vắc-xin bại liệt này là loại vắc-xin uống OPV. Lô vắc xin bại liệt quá hạn này có mã số 201612158, do công ty Công TNHH Sản phẩm Sinh học Beishengyan Bắc Kinh sản xuất, thời hạn sử dụng là đến ngày 11/12/2018. 

Vắc-xin quá hạn 1 tháng, nhưng Trung tâm Y tế Lê Thành huyện Kim Hồ không báo cáo cấp trên mà vẫn tiếp tục sử dụng.

Có phụ huynh phản ánh, sau khi uống loại vắc-xin quá hạn này, “có trẻ xuất hiện ban đỏ, nóng, sốt cao, còn có trẻ bị táo bón, v.v. Không loại trừ khả năng loại vắc-xin quá hạn này trong thời kỳ ủ bệnh, 1 hoặc 2 năm sẽ khiến cho hệ thống miễn dịch của cơ thể tổn thương đến mức nào?”

Một bà mẹ cho biết, con bà sau khi uống loại vắc xin quá hạn này, đã xuất hiện những phản ứng xấu, “ngày 11/12/2018, con tôi đi uống loại vắc xin này, đến tối ngày 17/12 thì sốt cao hơn 39 độ, tình trạng như ho, cảm mạo của cháu kéo dài đến nửa tháng, còn bị nôn mửa nhẹ.”

Bên cạnh đó, tờ Thanh niên Trung Quốc còn đưa tin, khoảng 7:19 ngày 8/1, một người tến Trương Đức (25 tuổi) đã nhận được một cuộc điện thoại bảo anh “mau đi đăng ký”. Lúc này, anh mới phát hiện, tin tức “vắc-xin quá hạn” đã tràn ngập trong vòng tròn bạn bè của mình.

Bản tin nói, mấy ngày qua, hàng trăm phụ huynh như Trương Đức rơi vào khủng hoảng. “Hiện tại rất nhiều phụ huynh lo lắng, cũng không biết nên đưa con đi đâu để kiểm tra.” Trương Đức nói. 

Sau khi sự việc được phơi bày, không ít phụ huynh ở huyện Kim Hồ đã đi tìm hiểu xem con mình liệu có bị dùng vắc-xin quá hạn hay không. Một số phụ huynh phát hiện, tình hình sử dụng vắc-xin quá hạn không chỉ riêng lô vắc-xin bại liệt có mã “201612158”.

“Con tôi tiêm 4 mũi quá hạn, 3 mũi không tra được thông tin hồ sơ”, một phụ huynh họ La, 32 tuổi, cho biết đã mất ngủ 2 ngày từ khi phát hiện con gái uống vắc-xin hết hạn . Chị nói, “ít thì quá hạn 8 ngày, còn lâu thì quá hạn đến gần 1 năm. Giờ nghĩ lại vẫn còn thấy sợ hãi.”

Hiện tại, các phụ huynh đã thành lập “Nhóm người bị hại bởi vắc-xin quá hạn”, số thành viên tham gia đã lên đến gần 1000 người.

Ngày 10/1, chính quyền địa phương thông báo cho biết, nhân viên liên quan của Trung tâm Y tế Lê Thành, cơ quan quản lý vắc-xin thuộc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh huyện Kim Hồ có vấn đề về “quản lý lộn xộn, tắc trách trong công việc, giám sát không hiệu quả”. Hiện tại ban lãnh Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh huyện Kim Hồ và nhân viên các phòng ban liên quan đã bị miễn nhiệm chức vụ.

Mấy năm nay, liên tiếp xảy ra các vụ bê bối liên quan đến vắc-xin tại Trung Quốc. Năm ngoái, sự kiện vắc-xin giả phòng bệnh dại do công ty sản xuất văc-xin hàng đầu Trung Quốc là Công ty Công nghệ Sinh học Trường Sinh đã gây chấn động Trung Quốc. Năm 2016, hai triệu liều vắcxin ở Trung Quốc bị lưu giữ sai cách. Năm 2015, hàng trăm trẻ em ở Hà Nam bị tiêm vắc-xin quá hạn, trong đó hai trẻ tử vong. Năm 2010, nhà báo điều tra Vương Khắc Cần đã phát hiện vắcxin không trữ lạnh ở tỉnh Sơn Tây khiến 4 trẻ tử vong và hơn 70 em có phản ứng bất thường.

Trí Đạt

Xem thêm: