Mihrigul Tursun là một phụ nữ người Duy Ngô Nhĩ 30 tuổi, sinh ra tại Tân Cương. Cô du học ở British University, Ai Cập, cưới chồng và sinh ba tại đây. Tháng 5/2015, cô bay về Trung Quốc thăm cha mẹ cùng 3 con của mình. Sau khi Tursun đặt chân tới một trong những nơi bị giám sát nặng nề nhất Tân Cương, cô đã 3 lần bị giam giữ bên trong các trại tập trung người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc.

trại tập trung Trung Quốc
Mihrigul Tursun –  Nhân chứng trở về từ trại tập trung người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc. (D.A. Peterson/State Dept.)

Tại Ürümqi, thủ phủ của Tân Cương, không một lý do, Tursun bị tách khỏi 3 đứa con 2 tuổi, và mang đi thẩm vấn. Các viên chức tra hỏi về những người ở Ai Cập mà cô từng quen biết trước khi tống cô vào một trại giam. Sau 3 tháng, một viêc chức nói với cô rằng cô được tạm tha vì các con cô bị ốm.

Khi Tursun tới bệnh viện, cô chứng kiến con trai là Mohaned đã qua đời. Cả ba đứa trẻ đều có vết sẹo trên cổ. Các bác sĩ giải thích rằng họ phải cho chúng ăn bằng ống. Tursun không bao giờ được biết vì sao Mohaned qua đời.

Cảnh sát Trung Quốc đã tịch thu hộ chiếu của Tursun, vì thế cô không thể rời khỏi Trung Quốc.

Trong 3 năm tiếp theo, cô bị giam giữ 2 lần nữa, mỗi lần trong khoảng 3 tháng. Trong thời gian bị giam giữ tháng 1/2018, họ đã nhét cô vào một một căn phòng rộng 430 mét vuông với 60 người. Những người bị giam phải thay phiên nhau ngủ vì không có đủ chỗ cho mọi người nằm xuống. Trong 3 tháng bị giam giữ này, 9 người bạn tù của cô đã chết.

Những người bị giam giữ đã buộc phải hát những bài hát ca ngợi Đảng Cộng sản Trung Quốc và ghi nhớ một cuốn sách về tư tưởng Cộng sản, Tursun nói. Mỗi ngày, lính canh chỉ cho họ bánh hấp để ăn và buộc họ uống các loại thuốc không rõ ràng, khiến họ ngất xỉu và ngừng kinh nguyệt. Tursun nói rằng cô thường bị đưa vào một phòng thẩm vấn, nơi lính canh giật điện và tra tấn cô. Trong đau khổ, cô cầu xin họ hãy giết cô.

Vào ngày 5/4/2018, nhờ có các kiến nghị từ Đại sứ quán Ai Cập ở Bắc Kinh, Tursun được phóng thích và đoàn tụ với các con của cô – những công dân Ai Cập. Cảnh sát Trung Quốc nói với cô rằng cô có thể đưa con về Ai Cập, nhưng cô phải trở về Trung Quốc, nếu không bố mẹ và người thân của cô sẽ phải đối mặt với hình phạt. Cô rời Trung Quốc, nhưng thay vì trở về, cô đến Hoa Kỳ, nơi cô hiện đang xin tị nạn.

Trước đây, Tursun đã kể câu chuyện của mình tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia (Mỹ), Ủy ban Điều hành của Quốc hội Mỹ về Trung Quốc (CECC) và CNN. Nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã phủ nhận câu chuyện của Tursun, cho rằng cái chết của con trai cô là dối trá.

Tursun nói rằng sau khi cô công khai câu chuyện của mình, chính quyền Trung Quốc đã cưỡng ép anh trai cô ở Trung Quốc gọi cho cô và yêu cầu cô từ bỏ việc làm chứng. Tursun lo lắng rằng mình vẫn bị theo dõi ngay cả ở Hoa Kỳ. Đầu năm nay, cô nhận thấy một nhóm người Trung Quốc dường như đang theo dõi cô.

“Khi tôi đang cố gắng bắt đầu một cuộc sống mới ở Mỹ, đi học, đi làm, chăm sóc con trai và con gái tôi, tôi vẫn sợ rằng Chính quyền Trung Quốc sẽ cố gắng làm tổn thương tôi”, Tursun cho biết.

Tursun đã đứng ra làm chứng về các trại tập trung người Duy Ngô Nhĩ trong Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc.

Năm 2017, chỉ trong vòng 9 tháng, chính quyền Trung Quốc đã xét nghiệm máu của từng người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, từ đàn ông, phụ nữ cho tới trẻ em. Tân Cương có hơn một nửa là người Hán nhưng những người Hán đã không bị xét nghiệm, chỉ có người Duy Ngô Nhĩ bị xét nghiệm. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc xét nghiệm máu trên quy mô lớn như vậy chỉ có thể phục vụ cho một mục đích là xây dựng một ngân hàng nội tạng sống. Cho đến hiện tại, ước tính có từ 1 đến 3 triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị đưa vào các trại tập trung ở Tân Cương.

Ngày 17/6/2019, Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc đã công bố một Tuyên án dài 60 trang, kết luận về tội ác Chống lại loài người của chính quyền Trung Quốc trong việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng phục vụ cho ngành công nghiệp cấy ghép tạng nở rộ tại quốc gia này. Theo đó, nạn nhân của tội ác này là những người tập Pháp Luân Công và những người Duy Ngô Nhĩ cùng một số tù nhân lương tâm và tù chính trị khác bị giam giữ trong các trại giam. Các nạn nhân này bị giết chết để phục vụ cho từ 50.000 đến 90.000 ca cấy ghép tạng mỗi năm.

Dưới áp lực của cộng đồng quốc tế, mới đây nhất, các quan chức chính quyền Trung Quốc đã mời BBC đến thăm một trong những “Trung tâm đào tạo” của họ ở Tân Cương. Dường như Đảng Cộng sản Trung Quốc mong đợi các phóng viên sẽ chụp lại những hình ảnh người Duy Ngô Nhĩ đang vui vẻ nhảy múa và diễn kịch. Nhưng phóng viên John Sudworth đã đưa ra những vấn đề mà ông có thể nhận ra trong chuyến thăm “được lên kịch bản trước” của mình.

Đáng chú ý, dữ liệu vệ tinh cho thấy, trước khi các phóng viên được mời đến, cái gọi là trung tâm đào tạo này có chứa kết cấu tháp canh và tường cao giống trại giam. Tuy nhiên tại thời điểm các phóng viên có mặt, khu vực đó đã trở thành hai sân thể thao lớn. Trong một góc của “Trung tâm đào tạo”, phóng viên John Sudworth tìm thấy dòng chữ viết bằng tiếng Duy Ngô Nhĩ: “Ôi trái tim tôi, đừng tan vỡ”. Sự thật nào đằng sau những chuyến thăm “được lên kịch bản trước”? Đến bao giờ cộng đồng quốc tế mới thôi dừng lại ở những lời kêu gọi “Trung Quốc tự tốt lên”?

Minh Nhật

Dựa theo bài viết Life and Death in Detention, World Magazine 

Xem thêm: