Từ khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bùng nổ đến nay, việc chính quyền Trung Quốc tự lấy đá ném chân mình đã không còn gì là lạ; có thể thấy rõ nhất là việc Trung Quốc tăng thuế quan đối với thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ, ảnh hưởng đến túi tiền của người dân.

Embed from Getty Images

Hiện tại, Trung Quốc đã có dấu hiệu mở cửa đối với thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ, chuyên gia dự báo, tình hình giá thịt lợn tại Trung Quốc tăng cao là điều khó tránh. Từ tháng 4/2018, sau khi Bắc Kinh tăng 25% thuế quan đối với thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ để đáp trả phía Mỹ tăng thuế quan hàng hóa Trung Quốc, hiện tại mức thuế đang áp dụng cho các sản phẩm thịt lợn của Mỹ là 62%.

Tuy nhiên, do dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra toàn bộ 31 tỉnh thành và khu tự trị tại Trung Quốc, nên số lợn xuất chuồng đã giảm nhanh chóng, chuyên gia dự tính sản lượng thịt lợn của cả nước Trung Quốc sẽ giảm 30% so với năm 2018, lượng thiếu hụt sẽ buộc phải nhập từ Mỹ để bổ sung.

Bộ Nông nghiệp Mỹ: Hai tuần trước, Trung Quốc đã trở thành đối tác mua nhiều thịt lợn của Mỹ Nhất

Bộ Nông nghiệp Mỹ mới đây công bố báo cáo cho biết, hai tuần trước (tuần từ ngày 16/5), Mỹ đã xuất khẩu 46.300 tấn thịt lợn. Trong đó, Trung Quốc mua 31.400 nghìn tấn (chiếm khoảng 70%). Đây là mức xuất khẩu thịt lợn lớn nhất của Mỹ trong vòng 6 tuần trở lại đây.

Trước đó, sau khi Mỹ tuyên bố tăng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ có tổng trị giá 200 tỉ USD, Trung Quốc cũng đã tuyên bố trả đũa Mỹ bằng cách hủy bỏ nhập khẩu 3200 tấn thịt lợn Mỹ.

Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc dùng thịt lợn để trả đũa Mỹ. Từ tháng 4/2018, Bắc Kinh tăng thuế nhập khẩu thịt lợn Mỹ lên 25% để đáp trả Mỹ tăng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc.

Cộng thêm các khoản thuế quan khác mà Trung Quốc áp vào thịt lợn Mỹ, hiện tại các sản phẩm thịt lợn Mỹ nhập vào Trung Quốc phải chịu mức thuế cao lên đến 62%. Mức thuế này khiến cho lượng xuất khẩu thịt lợn của Mỹ sang Trung Quốc trong năm 2018 và đầu năm 2019 giảm mạnh.

Năm 2018, lượng thịt lợn Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 28,7% so với cùng kỳ năm trước (năm 2017), từ 309.200 tấn (năm 2017) giảm còn 220.435 tấn (năm 2018). Hai tháng đầu năm 2019, tổng lượng sản phẩm thịt lợn mà Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 42.000 tấn, cũng thấp hơn con số 46.300 nghìn tấn của năm 2018.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cân nhắc đến tình hình hiện tại, bắt đầu từ hai tuần trước, Trung Quốc đã bắt đầu mua thịt lợn Mỹ, và sau đó rất có khả năng việc mua bán này sẽ trở thành bình thường hóa trong thương mại hai nước.

Báo cáo của Quốc hội Mỹ về tình hình dịch tả lợn châu Phi tại Trung Quốc

Báo cáo mới nhất của Ủy ban Thẩm định Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung (USCC) về “Dự báo tình hình dịch bệnh trên lợn tại Trung Quốc” chỉ ra, dịch tả lợn đã làm giảm mạnh số lượng lợn tại Trung Quốc, dự tính Mỹ sẽ tăng xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, do số lượng lợn sống Trung Quốc giảm nên xuất khẩu sản phẩm thức ăn chăn nuôi như đậu tương và cao lương sang Trung Quốc được dự báo cũng sẽ giảm theo.

Tính đến tháng 4/2019, số liệu cho thấy, tất cả các tỉnh thành của Trung Quốc đều đã phát hiện dịch tả lợn châu Phi, số lượng lợn của Trung Quốc đã giảm 53 triệu con (từ 428 triệu con giảm xuống 375 triệu con), quy mô ngành chăn nuôi giảm 12,5%.

Phó Tổng thư ký Hiệp hội thú y Trung Quốc Mã Phùng dự tính, số lượng lợn còn lại của năm 2019 so với năm 2018 của Trung Quốc có thể sẽ giảm 30%, tức khoảng 128 triệu con.

Báo cáo chỉ ra, mặc dù dưới áp lực thuế quan cao, dịch tả lợn châu Phi vẫn tạo cơ hội cho các nhà sản xuất thịt lợn của Mỹ xoay chuyển tình hình nhập khẩu thịt lợn sang Trung Quốc.

Dịch tả lợn châu Phi làm Trung Quốc thiếu khoảng 16 triệu tấn thịt lợn

Christine McCracken – Nhà phân tích của Ngân hàng Hợp tác Hà Lan (Rabobank) cho biết, dịch tả lợn châu Phi đã khiến cho ngành nuôi lợn của Trung Quốc tổn thất lớn, mức độ thiệt hại còn lớn hơn sản lượng cả năm của ngành nuôi lợn của Mỹ, có thể gây ra nạn thiếu protein mang tính lịch sử cho Trung Quốc và khu vực châu Á.

“Theo phân tích của chúng tôi, chúng tôi dự đoán Trung Quốc thiếu khoảng 16 triệu tấn thịt lợn”, bà Christine McCracken nói.

Christine McCracken cho biết thêm, Trung Quốc có thể tăng thêm các loại thịt khác để bổ sung nguồn thiếu hụt protein, như thịt gà, thịt vịt, trứng gà, hải sản. Tuy nhiên, dù có cân nhắc đến những nguồn cung protein này, thì cũng không thể nào bù đắp được tình trạng thiếu thịt mang tính lịch sử mà châu Á gặp phải.

“So với cùng kỳ năm ngoái, các loại thịt khác và nguồn cung protein khác chỉ có thể tăng thêm khoảng 4 triệu tấn, do đó, 16 triệu tấn thịt lợn thiếu hụt của Trung Quốc trừ đi 4 triệu tấn protein bổ sung từ nguồn khác thì vẫn còn thiếu hụt rất nhiều.” bà nói.

Bà nói thêm, Trung Quốc sẽ buộc phải dựa vào nhập khẩu protein từ các nơi trên thế giới, bao gồm thịt lợn, thịt gà, thịt bò, nhưng lượng cung ứng để có thể xuất khẩu lại không nhiều.

Mỹ được lợi từ việc bổ sung nhu cầu đang thiếu hụt của Trung Quốc

Một phương diện khác, các nước mà Trung Quốc có thể lựa chọn để nhập khẩu thịt nhằm bổ sung cho nhu cầu thiếu hụt là có hạn.

Christine McCracken nói, nước mà Trung Quốc có thể lựa chọn để cung cấp khoảng thiếu hụt protein chỉ có Mỹ, Canada, Mexico, và Brazil.

“Sẽ có một ngày, nếu Trung Quốc cần cung cấp một lượng protein lớn, họ sẽ buộc phải tìm đến Mỹ, mặc dù Trung Quốc tăng thuế quan nhập khẩu từ Mỹ.” bà giải thích, nguyên nhân rất đơn giản – bởi vì có rất ít nước nằm trong danh sách có thể xuất khẩu đủ thịt lợn cho Trung Quốc .

“Không có quá nhiều lựa chọn, tôi nghĩ rằng đây là nguyên nhân quan trọng giúp Mỹ thu được lợi ích”, bà Christine McCracken  nói.

Bà cho biết, mặc dù châu Âu cũng là khối xuất khẩu nhiều nhất thế giới, sản lượng thịt lợn gấp đôi Mỹ. Nhưng dịch tả lợn châu Phi cũng tấn công châu Âu, điều này cũng sẽ hạn chế khả năng xuất khẩu thịt lợn của Liên minh châu Âu đến Trung Quốc và châu Á.

“Mặc dù nói rằng trên thế giới có rất nhiều nước có thể xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc, nhưng thực tế danh sách các nước này rất ngắn. Không có nhiều nước có thể cung ứng cho thị trường Trung Quốc, và toàn bộ thị trường châu Á”, bà nói.

“Tôi cho rằng, Mỹ sẽ xuất khẩu sang Trung Quốc 3 triệu – 4 triệu tấn thịt lợn, nhưng Trung Quốc vẫn sẽ thiếu protein”, “Sau khi trải qua một khoảng thời gian lỗ vốn, lúc này sẽ là cơ hội lớn cho các nhà sản xuất của Mỹ, bởi chúng ta có thể nhìn thấy giá cả tăng lên”.

Số liệu hải quan của Trung Quốc cũng cho thấy, tháng 4, lượng nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc đã tăng 24%.

Huệ Anh

Xem thêm: