Vào ngày 09/9 năm nay là tròn 42 năm lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Mao Trạch Đông qua đời, có cư dân mạng Trung Quốc chỉ ra rằng Bộ Giáo dục và Ban Tuyên truyền của ĐCSTQ  phối hợp đưa ra một phiên bản mới sách giáo khoa lịch sử năm thứ hai khối trung học cơ sở, theo đó đã xóa bỏ hai chữ “sai lầm” liên quan đến Mao Trạch Đông phát động Cách mạng Văn hóa, đây là lần thứ hai ĐCSTQ thực hiện chủ trương làm nhẹ những tội ác trong Cách mạng Văn hóa, lần trước đó là vấn đề sửa đổi cho rằng Cách mạng Văn hóa là “hành trình tìm kiếm trong gian khổ”.

la thụy khanh
Hình ảnh cựu Tổng tham mưu trưởng La Thụy Khanh trong thời đầu Cách mạng Văn hóa, sau khi ông nhảy lầu tự tử đã bị gãy chân, nhưng Hồng vệ binh vẫn ném ông vào trong cái sọt rồi khiêng đến hiện trường đấu tố. Sự kiện ngày 04/1/1967 (Ảnh tư liệu lịch sử)

Ngày 9/9, có cư dân mạng Trung Quốc đã đăng tải dòng trạng thái “Xem này, trong sách giáo khoa mới thì Chủ tịch Mao không còn chịu trách nhiệm ‘sai lầm’”. Khi dòng trạng thái này được chia sẻ thì các nhà chức trách Trung Quốc đã hoàn thành việc sửa đổi nội dung thành “Mao Trạch Đông là lãnh đạo vĩ đại không có sai lầm” trong bộ sách giáo khoa lịch sử năm thứ hai trung học cơ sở.

Trong khi đó sách giáo khoa lịch sử cũ đã mô tả Cách mạng Văn hóa là “Trong những năm 1960, Mao Trạch Đông đã sai lầm khi cho rằng Trung ương Đảng xuất hiện xu thế theo chủ nghĩa xét lại, Đảng và Chính phủ có nguy cơ phục hồi con đường tư bản chủ nghĩa. Để ngăn chặn tình trạng này, Mao quyết định phát động ‘Cách mạng Văn hóa’”.

Nhưng nội dung của sách giáo khoa mới được sửa là: “Giữa những năm 1960, Mao Trạch Đông cho rằng Đảng và Chính phủ phải đối mặt với nguy cơ phục hồi chủ nghĩa tư bản. Do đó ông nhấn mạnh ‘lấy đấu tranh giai cấp làm cương lĩnh’, muốn khởi động cuộc ‘cách mạng văn hóa’ để ngăn chặn xu thế phục hồi chủ nghĩa tư bản. Mùa hè năm 1966, ‘Cách mạng Văn hóa’ đã mở màn toàn diện.”

Như vậy, sách giáo khoa mới đã lược bỏ hai từ “sai lầm” trong câu “Mao Trạch Đông sai lầm cho rằng”, động thái này được cư dân mạng hiểu là: Các nhà chức trách Cộng sản Trung Quốc muốn phủ nhận sai lầm của Mao Trạch Đông.

Thực tế, ngay từ ngày 10/1 năm nay, trang weixin “Giảng đường lịch sử” (jiangshitang) đã chia sẻ thông tin rằng sách giáo khoa lịch sử mới sửa của Trung Quốc sẽ xóa bỏ thuật ngữ “Cách mạng Văn hóa”, giai đoạn lịch sử này sẽ miêu tả với cái gọi là “cuộc thăm dò gian khổ”, theo đó các từ ngữ đánh giá Cách mạng Văn hóa cũng được sửa đổi.

Theo @jiangshitang tiết lộ, trong sách giáo khoa lịch sử trung học cơ sở cũ, phần nội dung liên quan “Cách mạng Văn hóa” là một vấn đề riêng biệt, nhưng nội dung của sách giáo khoa lịch sử phiên bản mới được thêm vào cái gọi là “mười năm tìm đường”“hành trình gian khổ để xây dựng thành tựu”, còn độ dài nội dung liên quan cũng đã được thu gọn lại ngắn hơn nhiều.

Ngoài ra, sách giáo khoa phiên bản mới không chỉ lược bỏ hai từ “sai lầm” trong câu “Mao Trạch Đông sai lầm khi cho rằng Trung ương Đảng có xu thế theo chủ nghĩa xét lại”, mà còn lược bỏ hai chữ “loạn lạc và thảm họa” trong tựa đề cũ, thậm chí còn bổ sung câu “sự nghiệp trong nhân gian không thể thuận buồm xuôi gió” vào sau phần đánh giá nhận xét ở bản cũ như lý do bào chữa cho tội ác của Cách mạng Văn hóa.

Theo thông tin công khai, sau khi kết thúc Cách mạng Văn hóa, vào tháng 08/1980, trong một cuộc phỏng vấn của phóng viên người Ý Fallaci (Oriana Fallaci), lãnh đạo cao nhất khi đó là ông Đặng Tiểu Bình thừa nhận rằng “Ông ta (Mao Trạch Đông) trong những năm tháng cuối đời đã phạm sai lầm, đặc biệt là sai lầm trong cuộc Cách mạng Văn hóa, gây ra thảm họa lớn cho Đảng, đất nước và nhân dân”.

Ngày 27/6/1981, Hội nghị toàn thể Trung ương khóa 11 ĐCSTQ thông qua “Nghị quyết Về một số vấn đề lịch sử của Đảng kể từ khi thành lập”, qua đó đã xác định rõ Cách mạng Văn hóa là một “Sai lầm của người lãnh đạo, bị bè lũ phản động lợi dụng, gây thảm họa nghiêm trọng đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân”, đã đề cập đến “Mao Trạch Đông là người phải chịu trách nhiệm chính vì sai lầm nghiêm trọng khuynh tả trong một thời gian dài.”

Hiện nay các quan chức Trung Quốc lại bắt đầu trang điểm đánh bóng lại giai đoạn lịch sử tàn ác này trong sách giáo khoa lịch sử, động thái một lần nữa làm dấy lên sự cảnh giác của dư luận xã hội Trung Quốc tại hải ngoại.

Sau thông tin đăng tải hồi tháng Một trên trang “Giảng đường lịch sử” về vấn đề sửa đổi nội dung lịch sử trong sách giáo khoa về Cách mạng Văn hóa, đài Phát thanh Hy Vọng (Sound of Hope) đã phỏng vấn nhà bình luận Hoành Hà (Heng He) và được ông chia sẻ, bây giờ ĐCSTQ sửa đổi “mười năm thảm họa” của Cách mạng Văn hóa thành “hành trình tìm kiếm gian khổ”, điều này rõ ràng là không muốn mọi người phủ nhận thành quả của giai đoạn lịch sử này, đây là thủ đoạn nguy hiểm khi biện minh cho cái ác.

Ông Hoành Hà còn nhất mạnh: Nền móng cai trị của Chế độ Cộng sản Trung Quốc là dối trá, vì thế nhà cầm quyền này không chỉ xuyên tạc lịch sử thời Cách mạng Văn hóa mà thậm chí là xuyên tạc “hầu như tất cả lịch sử”, cái gọi là “lịch sử” mà người dân Trung Quốc ở Trung Quốc Đại lục đã học được trên thực tế hầu hết không còn là lịch sử chân thực, còn thủ đoạn ĐCSTQ bóp méo lịch sử thường có ba cách sau đây:

Thứ nhất là cố tình bao biện và che đậy những tội ác trong lịch sử mà ĐCSTQ gây ra, tìm mọi cách làm cho mọi người quên đi những sự kiện lịch sử đen tối đẫm máu mà Cộng sản Trung Quốc gây ra. Cụ thể, trước tiên là làm cho vấn đề trở nên “mờ nhạt nhẹ nhàng”, các tội ác của ĐCSTQ được biện bạch bào chữa trong các ấn phẩm từ sách giáo khoa đến truyền thông, đối với những người muốn nghiên cứu lại sẽ bị ngăn chặn. Ví dụ: các sự kiện lịch sử điển hình như “chống hữu khuynh”, “Cách mạng Văn hóa”Thiên An Môn là minh chứng rõ nhất.

Thứ hai là thêu dệt và phóng đại. Ví dụ: Đối với giai đoạn lịch sử chiến tranh Trung Quốc chống Nhật Bản, tuyên truyền của ĐCSTQ ngụy tạo tùy tiện hoặc thổi phồng cái gọi là lực lượng vũ trang chống Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ, thậm chí còn bịa ra một số cái gọi là nhân vật “anh hùng”, ngày nay khi vô số nội dung ngụy tạo sơ hở này bị lột trần thì ĐCSTQ lại cho ra đời cái gọi là “luật bảo vệ anh hùng liệt sĩ” để cấm mọi người chất vấn và xác minh.

Loại thứ ba là đối với những sự kiện gần như tương đồng nhau, nhưng tuyên truyền của ĐCSTQ lại chọn lọc “cái thì bị che giấu, cái thì cho quảng bá mạnh mẽ”. Ví dụ: “Đại thảm sát Nam Kinh”“Bao vây thành Trường Xuân” đều là sự kiện lịch sử gây thiệt mạng thường dân trên quy mô lớn, số lượng người chết trong hai sự kiện này cũng tương đồng. Tuy nhiên, vây thành Trường Xuân là cuộc bao vây kéo dài 5 tháng của quân đội ĐCSTQ đối với quân Quốc dân đảng, kết quả là hàng trăm ngàn thường dân trong thành Trường Xuân bị chết đói, nhưng ĐCSTQ tìm mọi cách che giấu sự thật của sự kiện lịch sử này.

Nhiều người đã biết, trận chiến này xảy ra ở thành Trường Xuân tỉnh Cát Lâm trong cuộc nội chiến ở Trung Quốc lần thứ hai giữa Cộng sản Trung Quốc và Quốc dân đảng. Thời điểm đó, 100 ngàn binh của ĐCSTQ đã bao vây 100 ngàn binh của Quốc dân đảng đóng quân tại Trường Xuân. Với ý đồ để cho mọi người dân trong thành làm tiêu tốn quân lương, quân của Cộng sản Trung Quốc dùng dây thép gai và đào hào ngăn chặn không cho thường dân trong thành rời khỏi thành Trường Xuân. Ai muốn chạy ra là lập tức bị ép đẩy trở lại vào trong vùng phong tỏa, đối với những người cố gắng để thoát khỏi thì bị nổ súng, cuối cùng đã làm hơn 100 ngàn người bị chết đói trong vòng vây. Nhưng để che đậy tội ác này, điều ngoài sức tưởng tượng là các tài liệu có liên quan của ĐCSTQ đã tô vẽ sự kiện này trở thành “giải phóng Trường Xuân không đổ máu”.

Lê Minh

Xem thêm: