Trong thời điểm mà vấn nạn cảnh sát Hồng Kông lạm dụng vũ lực đối với người biểu tình đang gây chú ý và lo ngại trên toàn cầu thì lại có thông tin chính quyền Bắc Kinh phát triển vũ khí sóng âm cầm tay đầu tiên trên thế giới, có thể dùng để đối phó người dân biểu tình và bạo loạn. Loại vũ khí này hiện đã được đưa vào sản xuất hàng loạt.

Embed from Getty Images

Buổi tập dợt duyệt binh trên đường phố Bắc Kinh chuẩn bị cho Lễ duyệt binh kỷ niệm ngày ĐCSTQ xây dựng chính quyền 1/10. (Ảnh: GREG BAKER/AFP/Getty Images)

Theo SCMP Hồng Kông, hình dáng bề ngoài loại vũ khí này tương tự súng trường, có báng súng, cò súng và nòng súng, chủ yếu sử dụng sóng âm tần số thấp để phân tán đám đông. Thông tin từ giới khoa học cho biết, loại vũ khí này làm cho cơ thể người đặc biệt khó chịu; do sóng âm tác động  vào màng nhĩ, nhãn cầu, dạ dày, gan và não.

Vũ khí sóng âm là vũ khí dùng âm thanh để tác động hoặc tiêu diệt mục tiêu. Vũ khí dùng công cụ kích âm để bắn ra sóng âm cực lớn, có thể khiến người bị tác động chịu thương vong hoặc mất sức chiến đấu.

Các nghiên cứu bắt đầu vào những năm 1940 cho thấy sóng âm thanh tần số thấp có thể gây chóng mặt, nhức đầu, nôn mửa, ruột co thắt, mất khả năng tự chủ, tổn thương nội tạng và tim, dĩ nhiên mức độ phụ thuộc vào cường độ âm thanh và độ phơi nhiễm của cơ thể người.

Khi một người trong điều kiện không có bất kỳ phương tiện bảo hộ nào mà ở trong môi trường sóng âm từ 120 decibel trở lên thì người đó có thể cảm thấy khó chịu hoặc bị thương tổn thính giác, còn khi trong môi trường âm lượng tăng lên trên 150 decibel thì có thể gây vỡ màng nhĩ, mất thính giác và thậm chí rối loạn tâm thần. Nghiên cứu cho thấy, sóng hạ âm không dễ bị suy giảm, khó bị mất hiệu quả vì môi trường nước và không khí, bước sóng của sóng thứ âm thường dài, do đó có thể nhiễu xạ qua chướng ngại vật tương tự sóng điện từ, phạm vi sát thương rất lớn, nhưng khó kiểm soát phương hướng. Sóng thứ âm công suất cao có thể gây cộng hưởng mạnh trong nội tạng cơ thể, gây buồn nôn, đau đầu, khó thở và thậm chí vỡ mạch máu và làm trọng thương các cơ quan nội tạng.

Vũ khí sóng âm thường có kích thước lớn và phải được lắp đặt trên xe, vì nó đòi hỏi nguồn cung cấp năng lượng lớn và ổn định.

Nhà khoa học chủ trì dự án này là Tạ Tú Quyên cho biết, thiết bị được cung cấp điện bởi khoang chứa đầy khí trơ, sau khi tăng nhiệt thì các hạt khí rung lên và phát ra âm thanh đơn điệu đầy nặng nề. Nhưng Tạ Tú Quyên từ chối tiết lộ tần số hoặc phạm vi hiệu quả của thiết bị, không muốn trả lời công dụng của vũ khí này.

Ngày 4/9, nhóm chuyên gia liên quan của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã họp tại Bắc Kinh, đã đồng ý với thiết kế của nhóm nghiên cứu Tạ Tú Quyên và phê duyệt cho phép sản xuất hàng loạt, cũng đề xuất rằng vũ khí nên được đưa vào sử dụng càng sớm càng tốt.

Thông tin cũng chỉ ra, Chính phủ Trung Quốc đã khởi động Chương trình vũ khí Sóng âm vào năm 2017. Tuy nhiên, có dữ liệu được giải mật cho thấy, nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc về vũ khí sóng âm đã bắt đầu ít nhất hơn một thập kỷ trước đó.

Trung tâm Tình báo Mặt đất Quốc gia Mỹ đã hoàn thành một báo cáo bí mật vào năm 2005 và cho giải mật vào năm 2011, báo cáo chỉ ra khi đó Chính phủ Trung Quốc đang tiến hành thí nghiệm trên động vật đối với vũ khí HPM và sóng điện từ, mục đích của các thí nghiệm này là “điều tra cơ thể con người chịu ảnh hưởng như thế nào khi tiếp túc dưới các phổ sóng cụ thể”.  

Báo cáo cho biết, trọng điểm nghiên cứu tập trung vào mức phổ sóng nhất định có thể gây tổn thương cho mắt, não và các cơ quan nội tạng của con người như thế nào. Con vật bị thử nghiệm “có tỷ lệ tử vong cao” vì hiệu ứng tăng dần của mà vũ khí có, các nhà khoa học Trung Quốc có thể áp dụng để phát triển “công nghệ tra tấn tù nhân”.

Cũng theo Báo cáo, các nhà khoa học tham gia thí nghiệm có mối quan hệ với quân đội ĐCSTQ, liên kết với Viện Y học phóng xạ của Viện Khoa học Quân y, còn Viện Khoa học Quân y và Đại học Công nghệ Quốc phòng cũng đã thực hiện nghiên cứu tương tự vào năm 2001.

Giới quan sát có nhận định cho rằng, bất kể chính quyền Bắc Kinh sử dụng những vũ khí sóng âm được sản xuất hàng loạt này để ổn định trong nước hay vận chuyển đến các nước chuyên chế nước ngoài, đều là hành vi gây ra những thảm họa nhân đạo.

Tuyết Mai

Xem thêm: