Người dân ở Tân Cương mỗi ngày đều sống dưới sự kiểm soát chặt chẽ, ngay cả ở trong nhà của chính mình cũng không ngoại lệ, ai cũng bị đối đãi như phần tử khủng bố, cuộc sống như thế này khiến cho ta phải kìm nén chịu đựng giống như đang ở trong nhà tù. 

dac canh tuan tra tai tan cuong
Đặc cảnh đang làm nhiệm vụ tuần tra tên đường phố ở Tân Cương. (Ảnh từ internet)

Những thủ đoạn giám sát như cảnh sát vũ trang tuần tra, trạm gác trị an, nhận diện khuôn mặt, .v.v, có thể thấy bất cứ nơi nào ở Tân Cương, và nó đã len lỏi vào trong cuộc sống thường ngày của cư dân nơi đây, trở thành một phần không thể nào né tránh. Kiểu giám sát quy mô lớn mượn danh nghĩa “duy trì ổn định” này không những không đem lại sự yên ổn như đã cam kết ban đầu, mà ngược lại, lại mang đến nỗi sợ hãi và bất an cho cư dân nơi đây. 

Đường trắng bị coi là nguyên liệu chế thuốc nổ và bị quản lý

Duy trì ổn định được coi là nhiệm vụ cấp bách hiện nay ở Tân Cương, trong mắt của chính quyền Tân Cương, duy trì ổn định có nghĩa là cần kiểm soát toàn diện người dân. Các biện pháp trước đó từng được áp dụng như: yêu cầu phải khắc số thẻ căn cước lên dao dùng trong nhà, đồng thời trước khi sử dụng cần dùng dây xích khóa lại, yêu cầu các hộ kinh doanh phải mua dụng cụ chống bạo động, cưỡng chế họ tham gia diễn tập chống bạo động, nhiều thứ thường ngày trong nhà được liệt vào danh sách vật phẩm kiểm soát.

Chính sách duy trì ổn định này mang đến sự bất tiện vô cùng lớn cho cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, một biện pháp cấm được chính phủ Tân Cương áp dụng hồi năm ngoái lại khiến người ta rất khó hiểu: Đường trắng cũng bị liệt vào danh sách quản lý, kiểm soát, và bị hạn chế mua. Biện pháp hạn chế này có thể là vì để kiểm soát nguyên liệu có thể mua bán để chế tạo chất nổ. 

Theo một cư dân ở thành phố Thạch Hà Tử tiết lộ, từ tháng 11 năm ngoái, khi ông mua đường cát trắng đã bị yêu cầu trình ra thẻ căn cước. Người bán hàng nói với ông, nếu ông không đăng ký số thẻ căn cước, nếu bị công an kiểm tra ra, thì sẽ bị bắt đưa vào “lớp học tập” (chỉ nơi cưỡng chế tẩy não). Người bán hàng này còn tiết lộ, có một lần, một nhân viên của cửa hàng đã bán đường cát trắng cho một khách không mang theo thẻ căn cước, và nhân viên này đã bị phạt 4000 Tệ (khoảng 510 USD), và còn bị bắt đến lớp học tập. Theo quy định mới, mỗi một thẻ căn cước mỗi lần chỉ được mua 1kg đường cát trắng.

Về nhà phải “quét khuôn mặt”

Các biện pháp giám sát và kiểm soát len lỏi vào cuộc sống đã khiến cho người dân nơi đây cảm thấy ở đâu cũng bị hạn chế. Ở cổng một khu dân cư ở Ô Lỗ Mộc Tề, có thể thường xuyên nhìn thấy mọi người xếp hàng bên ngoài cổng, đợi quẹt thẻ căn cước hoặc quét khuôn mặt để về nhà. Ngoài việc đối chiếu danh tính,  cỗ máy đó còn có nhiệm vụ quan trọng ghi lại hành tung của cư dân để sau này có thể kiểm tra lại. Nếu có người không muốn quẹt thẻ căn cước mà lại đi theo sát người khác để đi qua cửa, cửa quay sẽ dừng lại, cả hai người đều sẽ bị giữ yên trong cánh cửa đó. 

Video: Người dân vào nơi ở của mình cũng cần phải quét thẻ căn cước.

cua quay
Cửa quay được lắp đặt ở lối vào của khu dân cư. (Ảnh: Bitter Winter)

Theo người dân địa phương cho biết, từ tháng 9 năm ngoái, nhiều khu dân cư ở Ô Lỗ Mộc Tề đều đã lắp đặt loại cửa quay nhận biết danh tính cư dân, các thông tin của cư dân đều được nhập vào hệ thống này. 

Một người lớn tuổi nói thẳng, do quy trình đi qua cửa phức tạp, nên đã mang đến nhiều bất tiện trong cuộc sống. “Đến tối muốn ra ngoài đi loanh quanh, cứ nghĩ đến ra vào khu dân cư lại phải quẹt thẻ căn cước, phiền phức như thế nên lại đành thôi không đi nữa.”

cua quay 2
Cửa quay chưa hoàn thiện tại một khu dân cư. (Ảnh: Bitter Winter)

Khi cửa quay được đưa vào sử dụng, thường xuyên có người quên mang theo thẻ căn cước, và họ cần phải liên lạc với bảo vệ để mở cửa. Một cư dân nói: “Về nhà còn cần phải quét khuôn mặt, quẹt thẻ căn cước, đây đâu phải là về nhà, mà giống như vào trong nhà tù!”

Giám sát danh tính liên tục tại nơi công cộng

Không chỉ có khu dân cư, một số chợ thực phẩm và chợ bán buôn tại Ô Lỗ Mộc Tề cũng đã lắp đặt loại cánh cửa giám sát danh tính này, người dân cần phải quẹt thẻ căn cước mới được vào. 

cua an ninh cho o lo moc te
Cửa kiểm tra an ninh tại một số chợ ở Ô Lỗ Mộc Tề. (Ảnh: Bitter Winter)

Những chính sách này rất khó được lòng dân. Một nữ cư dân 40 tuổi nói thẳng, sau khi loại cửa này được lắp đặt, bà không muốn đến chợ nữa. “Nó khiến cho người ta cảm thấy quá phiền phức” bà nói với giọng tức giận, “Tay cầm nhiều thứ như thế này, ra khỏi chợ lại còn phải quẹt thẻ nữa. Người ra khỏi cửa nhiều như thế, mà lại phải xếp hàng thì có mệt hay không, điều quan trọng nhất là quá lãng phí thời gian.”

Không chỉ người dân đi chợ, mà cả các hộ kinh doanh cũng tỏ ra bất mãn với việc giám sát này. Tuy nhiên, do lo sợ bị chính quyền trả thù, nên họ cũng chỉ dám tức giận trong lòng mà không dám nói ra. Bà chủ của một sạp hàng nói, chính sách này đã gây ảnh hưởng xấu đến việc làm ăn buôn bán, bởi vì người ta đều ngại và không muốn vào chợ nữa. Bà nói một cách sợ hãi: “Việc buôn bán của chúng tôi đã không còn tốt như trước nữa. Nhưng hiện nay không có ai dám nói, ai nói là người đó bị bắt. Chính quyền này đề phòng người dân còn hơn cả phòng trộm cướp.”

Video: Người dân vào chợ sau khi qua cửa kiểm tra an ninh.

Nhiều người phải rời khỏi Tân Cương

Ngoài ra, khi đi trên đường phố ở Ô Lỗ Mộc Tề, người dân có thể bị yêu cầu đưa điện thoại ra để kiểm tra với lý do kiểm tra thiết bị gây nổ. Nếu cảnh sát nghi ngờ, họ có thể xem tất cả nội dung trong điện thoại của người dùng. Vì áp lực cao và sự kiểm soát nghiêm ngặt này, nên người dân không hề có cảm giác an toàn, nhiều người đã không dám cư trú ở Tân Cương nữa.

Một người lớn tuổi di cư đến Tân Cương nói với Bitter Winter, nếu các biện pháp giám sát như thế này vẫn còn tiếp tục, thì mọi người đều sẽ chuyển đi chỗ khác, không có ai muốn đến Tân Cương. “Chúng ta ra đường bị kiểm tra, về nhà vào khu dân cư cũng cần phải quẹt thẻ căn cước, đi chợ mua rau cũng phải quẹt thẻ”, vị này nói đầy tức giận, “Tôi đã đến Tân Cương 5 năm, vậy mà còn kiểm tra chúng tôi như vậy, chúng tôi là phạm nhân, là phần tử khủng bố hay sao?”

Một người đến Tân Cương thăm  người thân cũng cảm thấy biện pháp quản lý giám sát của chính quyền Tân Cương quá nghiêm ngặt, ông nói: “Chúng tôi không dám ở đây nữa”.

Một người làm buôn bán tiết lộ, tại khu chợ chỗ ông, ban đầu là 3 ông chủ bỏ vốn hợp tác, đến tháng 7/2018, đã có 2 người rút vốn rời khỏi Tân Cương, ban đầu tại chợ có 46 hộ kinh doanh, nhưng hiện tại chỉ còn lại 11 hộ.

Theo Bitter Winter

Xem thêm: