Mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cố gắng che giấu sự thật về dịch bệnh và số người chết, nhưng ngoại giới vẫn phát hiện ra rằng số lượng người gạch tên khỏi hộ khẩu ở nhiều nơi đã tăng vọt, và số người chết ở các vùng nông thôn đã đẩy doanh số bán quan tài tăng cao. 

quan tai
Ngành quan tài ở nhiều nơi ở Trung Quốc Đại Lục đang bùng nổ và các nhà sản xuất đang tăng ca để sản xuất và giao hàng. (Ảnh chụp màn hình video)

Số người gạch tên khỏi hộ khẩu ở nhiều nơi tăng vọt

Vương Ninh (Wang Ning), một người làm trong hệ thống y tế và sức khỏe tỉnh Giang Tô, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng kể từ đầu tháng 12 năm ngoái, số người gạch tên khỏi hộ khẩu đã tăng gấp 3 đến 5 lần so với cùng kỳ năm trước đó, và con số thậm chí còn cao hơn ở các thành phố hạng hai và hạng ba.

Ông nói: “Ví dụ như ở thành phố này, mỗi tháng có 100 người chết, nhưng hiện nay cơ bản là từ 300 đến 500 người. Tôi có một số bạn bè là công chức, họ phải làm thủ tục gạch tên khỏi hộ khẩu, số lượng gấp 3 lần thông thường. Theo một số dữ liệu liên quan từ những người trong ngành kinh doanh tang lễ, con số này là khoảng 4 đến 5 lần.”

Vương Ninh nói rằng điều kiện y tế ở các thành phố hạng hai và hạng ba của Trung Quốc rất kém, nên số người chết [do dịch COVID] cao hơn.

Phóng viên RFA hôm 25/1 đã gọi điện đến Đồn công an đường Hợp Tác (Hezuo), thành phố Thạch Gia Trang (tỉnh Hà Bắc) để tìm hiểu về việc xóa tên khỏi hộ khẩu, viên cảnh sát trả lời cuộc gọi cho biết bộ phận hộ khẩu của Cục công an thành phố sẽ xử lý sau dịp nghỉ Tết Âm lịch. Phóng viên cũng hỏi về tình hình tại đồn cảnh sát Bạch Trang (Baizhuang) của huyện Thâm Trạch (Shenze) của thành phố Thạch Gia Trang, đối phương nói rằng vào ngày đi làm vào mồng bảy Tết, đến lúc đó chắc chắn sẽ có rất nhiều người.

Số người chết ở nông thôn lớn, nhu cầu về quan tài tăng vọt

Phóng viên BBC đã phỏng vấn thực địa một nhà sản xuất quan tài ở phía bắc tỉnh Sơn Tây. Các thương nhân nói rằng họ không có thời gian dừng lại trong những tháng gần đây. Một khách hàng trong làng cho biết, đôi khi quan tài bán hết sạch, những người làm dịch vụ tang lễ “kiếm được một khoản tiền nhỏ”.

BBC cho biết, số liệu thực về số người chết vì dịch ở Trung Quốc gây nhiều tranh cãi. Có rất ít cơ sở y tế ở khu vực nông thôn và thậm chí không có ước tính chính thức về số ca tử vong ở nông thôn. Nhưng BBC phát hiện, có bằng chứng cho thấy số người chết là đáng kể, hơn nữa vẫn đang liên tiếp tăng lên.

Phóng viên BBC có dịp đến thăm một lò hỏa táng, người bên trong rất bận rộn; ở một làng khác, phóng viên cũng bắt gặp một nhà đang làm tang sự.

Theo báo cáo, tất cả những người tham gia vào ngành tang lễ mà phóng viên gặp ở khu vực Sơn Tây này đều nói rằng số người chết vì dịch bệnh ngày càng tăng.

Đổng Dũng Minh (Dong Yongming), một bác sĩ điều hành một phòng khám rất nhỏ ở nông thôn, nói với BBC rằng ít nhất 80% cư dân đã bị nhiễm bệnh. Ông nói: “Tất cả dân làng đến với chúng tôi khi họ bị ốm. Chúng tôi là phòng khám duy nhất ở đây”.

Khi lái xe, phóng viên BBC đã để ý thấy một số gò đất mới có cắm cờ đỏ, có rất nhiều. Một nông dân chăn cừu xác nhận đây là những ngôi mộ mới: “Có người chết hôm trước, hôm sau lại có người chết. Trong suốt cả tháng qua, đều không ngừng lại.”

Theo báo cáo, hiện đang là kỳ nghỉ Tết Âm lịch cổ truyền, trước đó, hàng trăm triệu thanh niên từ các thành phố đã về quê đón tết. Tuy nhiên, những thôn làng mà họ trở về hiện chủ yếu là người lớn tuổi, những người này càng dễ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hơn.

Phóng viên nước ngoài đến Hồ Nam

Kênh Tiếng nói nước Đức (Deutsche Welle) đưa tin vào ngày 25/1, tại một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Hồ Nam với dân số chỉ 2.000 người, hầu hết người dân trong làng đã bị nhiễm dịch vào tháng 12 năm ngoái, có 7 –  8 người trong số họ đã chết vì dịch. Theo một cụ bà 85 tuổi trong làng, có lần bà ở bệnh viện thị trấn 2 ngày, bác sĩ trong làng sẽ đưa những bệnh nhân nặng đến đó để điều trị, nhưng không phải ai cũng có thể có được giường bệnh. Bà cho biết bệnh viện quá tải vào tháng 12 năm ngoái nên bà không thể nhập viện.

“Khi vừa mới mở cửa dịch bệnh thì có nhiều bệnh nhân hơn một chút, nhưng ít ca nặng, viêm phổi cũng không nhiều. Lúc đó rất bận, bản thân tôi cũng bị nhiễm bệnh, nhưng không được nghỉ ngơi. Hành lang cũng đầy bệnh nhân đang nằm,” Vương Mẫn (Wang Min), một bác sĩ tại bệnh viện quận nói một cách thận trọng rằng đỉnh của làn sóng lây nhiễm này đã qua. Trong 2 tuần qua, có rất ít bệnh nhân nhiễm viêm phổi Vũ Hán.

Một bệnh viện huyện khác cũng xảy ra tình trạng tương tự, các bác sĩ cũng cho biết, thời kỳ cao điểm vào tháng 12 năm ngoái, giường bệnh rất thiếu, ở đây có khoảng 20.000 cư dân, khoảng 80% cư dân bị nhiễm virus, số người chết đã vượt quá 100 người.

Ông Lưu (Liu), một tài xế taxi ở thành phố Trường Sa (tỉnh Hồ Nam), nơi có tổng dân số hơn 10 triệu người, tiết lộ: “Mặc dù sống ở thành phố nhưng chúng tôi vẫn liên lạc với người thân và người ở quê. Khi dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng vào tháng 12 , hình như ai cũng bị nhiễm bệnh, lúc đó tôi gọi điện cho người nhà ở quê thì đều bị nhiễm bệnh.”

Tại một phòng khám ở làng nhỏ cách Trường Sa khoảng 50 km, có bác sĩ Trần (Chen) đã hành nghề y hơn 20 năm. Ông cũng cho biết phòng khám địa phương đông bệnh nhân nhất vào khoảng ngày 20/12 năm ngoái. Những người bệnh nặng ông đều đề nghị đến bệnh viện lớn để điều trị.

Điều đáng nói là mặc dù những người nói trên ở Hồ Nam đã được truyền thông nước ngoài phỏng vấn. Nhưng trước đó có tin một số phóng viên truyền thông nước ngoài đã đến Trung Quốc để thực hiện các cuộc phỏng vấn về dịch bệnh, cơ quan tuyên truyền của đảng ủy địa phương sau khi nhận được thông báo, đã ra lệnh yêu cầu nắm chắc tung tích của các phóng viên nước ngoài. Đồng thời còn cảnh báo rằng “không ai được nhận trả lời phỏng vấn riêng, trả lời thắc mắc của họ về dịch bệnh, tất cả phải chờ ban tuyên truyền của huyện / quận ủy báo cáo ban tuyên truyền tỉnh, thành phố duyệt, sau đó mới có thể trả lời phỏng vấn.”

Đầu tháng 1/2023, sau báo cáo của Airfinity, một công ty phân tích dữ liệu y tế dự đoán của Anh, ước tính rằng số người chết vì dịch bệnh ở Trung Quốc trong một ngày sau ngày 23 tháng này lên tới 25.000 người. Hôm 14/1, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần đầu tiên đột ngột tuyên bố số ca nhiễm tại bệnh viện ở Trung Quốc trong 1 tháng qua, theo đó số người chết vì dịch lên tới gần 60.000. Tuy nhiên, dữ liệu liên quan trong báo cáo chính thức của chính quyền chỉ giới hạn ở phần “ở bệnh viện”, vì vậy đã làm dấy lên nghi ngờ rằng dữ liệu của ĐCSTQ vẫn bị làm sai lệch.

Đến ngày 19/1, Bloomberg trích dẫn một báo cáo mới từ Airfinity rằng trong dịp Tết âm lịch, 36.000 người có thể chết vì bệnh viêm phổi Vũ Hán ở Trung Quốc mỗi ngày, trở thành một trong những giai đoạn nguy hiểm nhất của đại dịch.

Ben Cowling, một nhà dịch tễ học tại Đại học Hồng Kông, cũng tin rằng có một khoảng cách rất lớn giữa tuyên bố chính thức của ĐCSTQ và dự đoán của các tổ chức chuyên nghiệp. Ông ước tính rằng mùa đông năm nay “số người nhiễm virus corona mới ở Trung Quốc ít nhất sẽ là 1 tỷ, bao gồm cả bệnh nhân nặng và tử vong. Con số chắc chắn sẽ cao hơn so với thông báo chính thức của chính quyền. Con số 60.000 là không thuyết phục, ít nhất là 600.000 ca tử vong.”

Trí Đạt (t/h)