Trong bối cảnh biểu tình Hồng Kông leo thang, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung căng thẳng, cộng thêm bị nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế lên án, hoàn cảnh của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình tại “lò lửa” Trung Nam Hải hiện như thế nào?

Embed from Getty Images

Hình ảnh phe Tập Cận Bình dâng vòng hoa tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào đêm trước ngày 1/10/2018. (Ảnh: Getty Images)

Trần Phá Không: Phe Tập Cận Bình ở thế bất lợi

Trả lời phỏng vấn Đài RFI (Pháp) hôm 21/9, nhà bình luận chính trị người Hoa sống lưu vong tại Mỹ – ông Trần Phá Không đã đưa ra một số phân tích về tình hình chính trị ở Bắc Kinh hiện nay.

Ông Trần Phá Không cho rằng tình hình chính trị Bắc Kinh vốn dĩ vẫn phức tạp và không ngừng đấu đá giữa các phe phái, nhưng hiện đã có nhiều thay đổi kể từ sau Hội nghị Bắc Đới Hà.

Những thông tin rò rỉ cho thấy tại Hội nghị Bắc Đới Hà, giới nguyên lão thể hiện rõ thái độ bất bình với cách làm việc của Tập Cận Bình. Những vấn đề nổi cộm như quan hệ Mỹ – Trung rơi vào vực thẳm, đàm phán Trung-Mỹ bế tắc, chiến tranh thương mại không ngừng leo thang, đặc biệt là cuộc phản kháng chưa có hồi kết của người Hồng Kông hiện nay.

Ông Trần Phá Không phân tích hoàn cảnh khó khăn mà hiện nay Tập Cận Bình gặp phải: Trại tập trung Tân Cương trở thành tâm điểm chú ý quốc tế, cùng với đó là tình hình lao dốc không phanh của nền kinh tế Trung Quốc, có thể nói đã hình thành vấn đề kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ sau khi Trung Quốc mở cửa với thế giới. Hiện còn liên tiếp bùng nổ nạn thất nghiệp, công xưởng đóng cửa, gây thất thoát nguồn đầu tư nước ngoài…

Ông Trần nhận định rằng rõ ràng các phe phái khác trong bộ máy lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ không thể hòa thuận với phe Tập Cận Bình. Tiêu biểu như phái Đoàn Thanh niên, phái Thủ tướng Lý Khắc Cường, phái Chủ tịch Chính hiệp Uông Dương. Ngoài ra, việc ông Tập Cận Bình dường như gạt bỏ giới “thái tử Đảng” và “thế hệ Đỏ thứ hai” (những người cùng thế hệ ông Tập, là con cái của các nguyên lão thời đầu ĐCSTQ giành chính quyền) ra bên lề quyền lực chính trị, khiến họ bất mãn.

Ông Trần Phá Không cho biết, hiện ông Tập Cận Bình đang nỗ lực dùng bộ máy dư luận tuyên truyền là để củng cố địa vị, gần đây cũng đã có động thái đi thăm hỏi bên quân đội nhằm lấy lòng tướng sĩ thuộc thế hệ sau của nghĩa quân đường phía tây (đội quân hy sinh bi thảm hồi tháng 10/1936 trong nội chiến giữa ĐCSTQ và Quốc dân đảng) nhằm tìm kiếm chỗ dựa trong “thế hệ Đỏ thứ hai”. Một vấn đề nữa đáng chú ý là gần đây nội bộ ĐCSTQ công bố lại bài phát biểu của ông Tập Cận Bình từ 5 năm trước, phát tín hiệu gián tiếp rằng Tập Cận Bình đã chấp nhận chế độ nhiệm kỳ (hồi tháng 3/2018 ông Tập đã thông qua sửa Hiến pháp bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước).

Nhà bình luận Trần Phá Không cho rằng cuộc chiến ngầm giữa phe Tập Cận Bình và phe đối lập đang ở thời khắc rất nhạy cảm, có thể nổ ra biến cố bất cứ lúc nào. Một trong những điểm nhấn quan trọng hiện nay là phải theo dõi xem bên nào chiếm ưu thế tại Hội nghị toàn thể lần 4 khóa 19 sắp tới, chưa biết phe Tập Cận Bình với đa số Ủy viên Trung ương chiếm ưu thế, hay các phe khác hợp thành thế lực chống Tập Cận Bình chiếm ưu thế?

Ông Trần Phá Không cho rằng tình hình hiện tại đang bất lợi đối với Tập Cận Bình.

Hồng Kông thành tâm điểm cuộc chiến giành quyền lực

Vấn đề Hồng Kông hiện đang là một vấn đề lớn ở Bắc Kinh. Thỉnh thoảng lại có thông tin tiết lộ về cuộc đấu nội bộ giữa các nhà lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ liên quan đến vấn đề Hồng Kông.

Ngày 26/8, Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) đã cho biết trong vấn đề Hồng Kông, chính giới Bắc Kinh đang nổ ra mâu thuẫn giữa phe cứng rắn và phe ôn hòa, mục tiêu mấu chốt là vừa đảm bảo “một nước” vừa giữ được “đặc tính ưu đãi kinh tế”, bất cứ khoản nào bị mất đều đồng nghĩa ĐCSTQ bị “thua cuộc”.

Ngày 7/9, tờ New York Times (Mỹ) đã công bố bài viết chỉ ra, về bất bình của người Hồng Kông không ngừng leo thang, phản ứng của ĐCSTQ cũng leo thang hung hăng hơn, nhưng đôi khi dường như khó nắm bắt hành xử của giới chức Trung Quốc. Điều này cho thấy có những xung đột về cách đối phó với vấn đề Hồng Kông trong giới lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ.

Bài viết dẫn lời của giáo sư chính trị học Jean-Pierre Cabestan thuộc Đại học Baptist Hồng Kông, cho rằng dường như nổ ra cuộc luận chiến tại Hội nghị Bắc Đới Hà giữa phe muốn nhượng bộ và phe muốn hành động cứng rắn.

Bài viết cho rằng, trên thực tế cách xử lý của ông Tập Cận Bình trong vấn đề Hồng Kông có điểm tương đồng với xử lý cuộc chiến thương mại với Mỹ, đó là trì hoãn chờ thay đổi, nhưng cách làm này không mang lại kết quả tốt. Diễn biến của Hồng Kông có thể đang ngày càng gây rủi ro cho ông Tập Cận Bình, đặc biệt là nếu vấn đề Hồng Kông làm trầm trọng thêm xung đột nội bộ giới lãnh đạo ĐCSTQ trong các vấn đề khác.

Thời báo Tự do của Đài Loan từng công bố bài viết của nhà bình luận chính trị kỳ cựu Lâm Bảo Hoa cho rằng trong bối cảnh hiện nay không còn chính quyền liên hiệp Anh – Hồng Kông làm bệ đỡ, vấn đề Hồng Kông đã trực tiếp đi vào cuộc đấu nội tâm ĐCSTQ. Hồng Kông hiện đang trong tình thế nan giải này, vì không thể biết cuộc đấu giành quyền lực lãnh đạo ĐCSTQ sẽ phát triển đến mức độ nào. Hiện nay Hồng Kông nằm ở trung tâm cuộc chiến quyền lực ĐCSTQ, các phe phái đều mong đối phương phạm sai lầm để phe mình giành được lợi thế, nhưng dù phe nào chiến thắng thì Hồng Kông trong vai trò là vật hy sinh trong trò chơi quyền lực này vẫn sẽ bị thiệt hại!

Cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ trong xung đột Trung Nam Hải

Giới lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ không chỉ xung đột quyết liệt trong vấn đề Hồng Kông. Hôm 16/9, nhiều cơ quan truyền thông nước ngoài đã trích dẫn bài viết trên truyền thông Mỹ của Liên minh pan-Blue Đài Loan, cho biết trong cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ giới quan chức cấp cao của ĐCSTQ cũng chia rẽ đặc biệt nghiêm trọng, là nguyên nhân chính gây gián đoạn trong đàm phán thương mại Trung – Mỹ trước đây.

Bài viết dẫn thông tin từ một “quan chức Trung Nam Hải” tiết lộ, trong cuộc chiến thương mại, ĐCSTQ ở thế kẹp giữa hai phe tả và hữu, vì phái quan thầy (phái Vương Hộ Ninh) cùng phái nguyên lão (phái Giang Trạch Dân) cho rằng việc ký kết một hiệp định thương mại nhượng bộ nhục nhã sẽ làm hại vai trò cai trị của ĐCSTQ. Trong khi phe mềm mỏng (bám sát thực tiễn) do Uông Dương, Lý Khắc Cường và Lưu Hạc đại diện cho rằng không nên tiếp tục bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, vì thảm họa vô cùng khó lường.

Thông tin cũng cho biết ông Tập hiện trong tình thế khó xử, không biết nên đi theo đường lối phe nào.

Nhưng bài viết chỉ ra gần đây Bắc Kinh “phát tín hiệu thiện chí” với Mỹ, ngày 12/9, Trung Quốc đã cho phép mua ít nhất 10 tàu đậu nành của Mỹ, là đợt mua lớn nhất trong nhiều tháng qua. Ngoài ra, ngày 11/9, lần đầu tiên ĐCSTQ tuyên bố bỏ tăng thuế quan đối với 16 loại sản phẩm Mỹ, việc thi hành bắt đầu từ ngày 17/9. Giới truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây cũng đã chuyển hướng ôn hòa với Mỹ. Có lẽ vì nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khủng hoảng, Bắc Kinh không muốn tiếp tục khiêu khích Trump, hiện nay có vẻ muốn thay đổi lập trường về cuộc chiến thương mại, như vậy cho thấy phái thiết thực đã áp đảo được phái cứng rắn.

 

Quan to bí ẩn tiết lộ ba thế lực đang quyết đấu

Ngoài ra, ngày 4/9, cộng đồng mạng Internet người Hoa cũng đã chia sẻ một đoạn ghi âm được cho là của một quan chức cấp cao ĐCSTQ, tiết lộ rằng cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ đã gây nguy cơ đối với vị thế quyền lực của ĐCSTQ, do biến động quá lớn về kinh tế ở Trung Quốc đã gây lo ngại lan rộng. Ghi âm cũng đề cập hiện nay trong ĐCSTQ có ba thế lực chủ yếu tranh giành quyền lực, nhưng dù phe nào lên cầm quyền đều không phải điềm lành.

Quan chức cấp cao này cho biết, mọi thứ chúng ta đang làm không thể thay đổi được tình hình cơ bản của Trung Quốc hiện nay, bởi vì giới chức cấp cao nhất của ĐCSTQ vẫn đang trong trận chiến giành quyền lực khốc liệt, tình hình ngày càng quyết liệt hơn và chưa biết quyền lực trong tương lai sẽ về phe nào.

Về đoạn ghi âm này, nhà bình luận Trịnh Trung Nguyên của tờ Vision Times (Mỹ) đã có bài viết cho rằng, nội dung của đoạn ghi âm về cơ bản phù hợp với tình hình Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ. Còn đối với ba thế lực, bài viết của ông Trịnh Trung Nguyên cho rằng sau khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền thì giới quan sát thường đồn rằng có ít nhất bốn phe phái trong giới cấp cao của ĐCSTQ. Các phe phái gồm: phe lãnh đạo đương nhiệm Tập Cận Bình, phe cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân (về cơ bản trùng với băng Thượng Hải), phe Đoàn Thanh niên (còn được xem là phe cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào), phe “thái tử Đảng”. Các phe nằm trộn lẫn lộn trong các thế lực như bang Giang Tô, Tứ Xuyên, Giang Tây, và Quảng Đông, khi thế lực phái Giang Trạch Dân còn hùng mạnh thì các phe trong  tình cảnh phụ thuộc. Nhưng thực tế hiện nay mức độ giao thoa phức tạp hơn nhiều.

Theo ông Trịnh Trung Nguyên nhận định, sau cuộc đấu thanh trừng dưới danh nghĩa chống tham nhũng thì hiện nay thực sự trong Trung Nam Hải còn lại ba thế lực đang quyết đấu: phe Tập Cận Bình, phe Giang Trạch Dân, phe Đoàn Thanh niên. Cái gọi là thế lực “thái tử Đảng” không hình thành một phe mà nằm xen kẽ bên trong các phe. Ví dụ cục diện 7 ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị hiện nay là kết quả thỏa hiệp và giao dịch ngầm giữa các phe phái tại Đại hội 19 ĐCSTQ, tương ứng với kế hoạch phân chia quyền lực trong Đảng.

Ông Trịnh Trung Nguyên cũng cho biết, trong công tác điều hành hiện nay ông Tập Cận Bình luôn nhẹ dạ tin vào “quan thầy cánh tả” Vương Hộ Ninh, nếu tiếp tục sẽ đi vào con đường như thời đại Mao Trạch Đông trước đây và tương lai Trung Quốc có thể quay lại hệ thống kinh tế kế hoạch, đây chính là chủ ý của Vương Hộ Ninh.

Cuối cùng, bài viết nhấn mạnh, trong bối cảnh quyết chiến vì quyền lực của các phái hiện nay, chưa thể biết sắp tới phe nào sẽ lên vũ đài. Nhưng trong những năm qua phe nào cũng tay dính máu người dân, chỉ khác ở mức độ, cho nên phe nào lên nắm quyền cũng không phải điềm lành.

Tuyết Mai

Xem thêm: