Mới đây, tại một bến vận tải hành khách ở thành phố Phật Sơn tỉnh Quảng Đông có lan truyền thông tin công an tại đây đang thu thập mẫu nước bọt của từng hành khách. Hành động này của chính quyền bị nghi là để xây dựng kho dữ liệu DNA mang tính toàn quốc, và nhân rộng “mô hình giám sát Tân Cương” ra toàn Trung Quốc. 

công an, Quảng Đông, lấy mẫu nước bọt
Công an tại bến vận tải hành khác Đan Táo thành phố Phật Sơn tỉnh Quảng Đông lấy mẫu nước bọt của hành khách. (Ảnh: RFA)

Theo Đài Á châu Tự do (RFA) đưa tin, sáng ngày 5/8 tại bến vận tải hành khách ở thị trấn Đan Táo, quận Nam Hải, thành phố Phật Sơn tỉnh Quảng Đông, có công an khi kiểm tra thẻ căn cước của hành khách đã dùng tăm bông để lấy mẫu nước bọt của từng người, sau đó lưu trữ lại vào thẻ thu thập.

Về vấn đề này, Đài RFA đã gọi điện đến bến vận tải khách, người của bến vận tải thừa nhận có công an thu thập mẫu nước bọt của từng hành khách, mục đích là để “kiểm tra người sử dụng ma tuý”. 

Còn đồn công an Đan Táo quận Nam Hải thành phố Phật Sơn cũng thừa nhận có việc này, tuy nhiên nguyên nhân việc thu thập mẫu nước bọt lại có nhiều giải thích khác nhau. Phía đồn cảnh sát nói rằng hành động này là để “ngăn chặn hành vi phạm tội như cướp giật, v.v.” và chỉ là làm theo mệnh lệnh của cấp trên. 

Nhận định về việc này, một đại lý chuyên cung cấp các thiết bị dùng trong y tế phán đoán, công an Quảng Đông sử dụng có lẽ là “que lấy mẫu nước bọt”, và cho biết nó tương tự như sản phẩm của đại lý hoặc nhà sản xuất của họ, khách hàng lớn nhất chính là cơ quan giám định Tư pháp và Cục công an. Các dữ liệu mà công an thu thập bằng thiết bị này, sẽ dùng để xây dựng hồ sơ dữ liệu. 

Năm 2016, đồn công an này từng phát đi thông báo mời thầu liên quan đến “hệ thống nhận diện khuôn mặt động”, tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa thấy có tài liệu mời thầu liên quan đến “que lấy mẫu nước bọt”. 

Học giả Đằng Bưu hiện cư trú tại Mỹ cho rằng, việc công an Quảng Đông thu thập mẫu nước bọt, cho thấy chính quyền đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã mở rộng “mô hình giám sát Tân Cương” ra toàn quốc. Ông cho biết, ĐCSTQ thường mượn danh nghĩa tấn công tội phạm, để nắm thông tin riêng tư và các thông tin cá nhân, dùng công nghệ số và công nghệ nhận dạng để tiến hành giám sát toàn xã hội “không bỏ sót nơi nào”, và có thể gọi hành động này của ĐCSTQ là “chủ nghĩa tập quyền công nghệ cao”. 

Ông cho biết, Trung Quốc đang bước vào thời đại giám sát còn nghiêm trọng hơn cả so với tiểu thuyết “1984” của George Orwell. 

Tờ New York Times từng tiết lộ, chính phủ Trung Quốc sử dụng hệ thống nhận diện khuôn mặt, nhằm tìm kiếm người Duy Ngô Nhĩ ở những thành phố giàu có ở khu vực Hoa Đông như Hàng Châu, Ôn Châu và các tỉnh ven biển, để tiến hành giám sát họ. 

Tháng 12/2017, tổ chức “Theo dõi Nhân quyền” (Human Rights Watch) cũng từng công bố báo cáo, cáo buộc chính quyền ĐCSTQ thu thập mẫu sinh trắc học của tất cả cư dân từ 12 tuổi đến 65 tuổi ở Tân Cương, trong đó có lấy dấu vân tay, quét mống mắt và mẫu máu. Đồng thời còn lợi dụng việc kiểm tra sức khoẻ miễn phí để thập mẫu máu và DNA. Chính quyền ĐCSTQ mới đầu nói rằng vì để phối hợp với “kế hoạch thoát nghèo” của địa phương, để xây dựng dữ liệu về sức khoẻ cư dân, và đến nay đã 2 năm, tình hình giám sát tại Tân Cương đã đạt đến mức chưa từng có. 

Tháng 6 năm nay, có cư dân mạng Trung Quốc chia sẻ trên Twitter cho biết tại rất nhiều nhà ga tàu điện ngầm, đều có công an kiểm tra các hình ảnh trong điện thoại của từng người, mỗi người đều phải mở khoá điện thoại để công an kiểm tra phần mềm nhắn tin trong máy. 

Tháng 5 năm nay, Tổng lãnh sự quán Nga tại Quảng Châu đã đăng một bản thông báo bằng tiếng Nga trên trang web chính thức của mình để nhắc nhở du khách Nga, khi nhập cảnh vào Trung Quốc, sẽ bị kiểm tra các thông tin lưu trữ trên điện thoại, bao gồm cả nội dung trên mạng xã hội và trong các phần mềm nhắn tin.

Trí Đạt

Xem thêm: