ĐCSTQ đang yêu cầu các nhân viên y tế phải nhập thông tin về tôn giáo tín ngưỡng của người bệnh vào hệ thống cơ sở dữ liệu mà chính quyền dùng để kiểm soát người dân, tạp chí nhân quyền Bitter Winter đưa tin.

Tháng 10/2018, một phụ nữ mang thai tại phía Đông tỉnh Sơn Đông phải nhập viện cấp cứu do chảy máu quá nhiều. Bác sĩ chuẩn đoán rằng cô đang trong tình trạng nguy kịch và buộc phải phẫu thuật ngay lập tức. Một y tá được cử tới để lấy thông tin của bệnh nhân, nhưng trước sự ngạc nhiên của gia đình người phụ nữ, nhân viên y tá này lại cố gắng hỏi người bệnh về tín ngưỡng của cô thay vì tình trạng sức khỏe.

Khi gặp phải phản ứng giận dữ từ người nhà bệnh nhân, nữ y tá đã giải thích rằng chính phủ yêu cầu phải thu thập thông tin về tín ngưỡng của từng bệnh nhân để đưa vào dữ liệu y tế, và bệnh viện không được phép bỏ qua thông tin này. Ngày hôm đó, mặc dù ở trong tình trạng nguy kịch, người phụ nữ đã hai lần bị hỏi về tín ngưỡng của cô trước khi cô được đưa vào phòng phẫu thuật.

Người dân Trung Quốc sống tại Hà Bắc, Hắc Long Giang, Sơn Đông, Hà Nam và một số tỉnh khác đã kể với phóng viên của tạp chí nhân quyền Bitter Winter những câu chuyện tương tự, một số xuất hiện từ năm 2017.

Các tín đồ lo ngại bị phân biệt đối xử

Một giám đốc bệnh viện tại Sơn Đông tiết lộ với Bitter Winter rằng thông tin của bệnh nhân, bao gồm tiền sử bệnh của bản thân và gia đình, tình trạng tài chính, tín ngưỡng, v.v.. sẽ được đưa lên một cơ sở dữ liệu do chính quyền quản lý. “Không chỉ có công an đọc được, mà những người chủ cũng đọc được thông tin về người làm thuê. Nếu ai đó bị đánh dấu, họ sẽ không thể mua vé tàu xe để di chuyển. Họ cũng không được tuyển dụng.”

Một nhân viên y tế tại Hà Nam nhận định: “Một số bệnh nhân không biết tại sao bị hỏi thông tin về tín ngưỡng, nhưng họ vẫn thành thực trả lời. Việc này không tốt. Lúc đầu nó có vẻ là vô thưởng vô phạt thôi, nhưng chính quyền sẽ dùng thông tin này khi họ cần.”

Kể từ năm 2018, các chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc đã bắt đầu chiến dịch điều tra và đăng ký đối với những người có tín ngưỡng. Bên cạnh bệnh viện, thông tin này cũng được thu thập trong các cơ quan chính phủ, quân đội, doanh nghiệp, trường học, v.v.. Khi đức tin bị tiết lộ, một số tín đồ sẽ phải đối mặt với việc bị sa thải, bị phân biệt đối xử qua hệ thống chấm điểm công dân, v.v..

Một số thành viên trong các nhóm tôn giáo bị đàn áp tại Trung Quốc cho biết bác sĩ thậm chí đã có sẵn thông tin tín ngưỡng của họ. Điều đó cho thấy chính quyền đang sử dụng một cơ sở dữ liệu tập trung để thu thập thông tin của tất cả người dân và chia sẻ trong mạng lưới các cơ quan từ địa phương tới trung ương.

“Chính quyền có thể sử dụng thông tin này để hạn chế các tín đồ bằng cách không hoàn lại chi phí y tế, hay thậm chí là bắt giữ họ”, một tín đồ Kitô giáo tại gia (tín đồ Kitô giáo từ chối tham gia vào các nhà thờ do chính quyền ĐCSTQ quản lý) từng tiết lộ thông tin tín ngưỡng của mình cho bác sĩ lo ngại.

Cấm mọi hành vi tôn giáo bên trong bệnh viện

Tạp chí Bitter Winter đã có được một văn bản của tỉnh Hà Nam, với tựa đề: “Danh sách các nhân viên giáo chức và người phụ trách quản lý hoạt động tôn giáo có vấn đề”, trong đó cũng nêu rõ: “Người dân không được phép lợi dụng việc thăm người bệnh để cử hành các hành vi tôn giáo trong bệnh viện hay ở các địa điểm công cộng”.

Một bác sĩ tại Bình Dương, Ôn Châu cũng tiết lộ, chính quyền nơi ông ở đã áp dụng một tài liệu tương tự từ nửa đầu năm 2018. Tất cả các nhân viên trong bệnh viện đều phải đọc và ký tên vào danh sách. Bệnh viện nơi ông làm việc cũng treo biển cấm các hành vi tôn giáo.

“Kể từ năm ngoái, các tín đồ không được phép cầu nguyện cho bạn bè hay người thân ở bệnh viện. Những ai làm vậy có thể bị bắt”, một nhân viên y tế tại Bình Dương cho biết. “Trước đây, 7 hay 8 tín đồ Kitô giáo sẽ tới vào 2h chiều thứ 7 hàng tuần để cầu nguyện cho bệnh nhân. Tuy nhiên sau khi có lệnh cấm trên, việc cầu nguyện cho bệnh nhân bị cấm, và các tín đồ không đến nữa.”

Theo Bitter Winter (BitterWinter.org)
Minh Nhật biên dịch

Xem thêm: