Ngày cuối cùng của năm 2019, trên mạng lan truyền nóng một bản thông báo khẩn cấp của Ủy ban Y tế Sức khỏe thành phố Vũ Hán, theo đó, một chợ hải sản ở địa phương liên tiếp xuất hiện 27 trường hợp “viêm phổi không rõ nguyên nhân”, trong đó có 7 trường hợp bệnh tình nghiêm trọng, nghi là dịch SARS, yêu cầu các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng ứng phó, thông tin vừa được phát đi đã khiến dư luận xôn xao. 

virus
Một chợ hải sản ở Vũ Hán liên tiếp xuất hiện 27 trường hợp “viêm phổi không rõ nguyên nhân” (Ảnh minh họa: Kateryna Kon/Shuttestock)

Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) đưa tin hôm 31/12 cho biết, chiều cùng ngày, trang web chính thức của Ủy ban Y tế Sức khỏe thành phố Vũ Hán đã phát đi thông báo cho biết thành phố xuất hiện nhiều trường hợp viêm phổi không rõ nguyên nhân có liên quan đến Chợ hải sản Hoa Nam. Cơ quan y tế toàn thành phố triển khai thu thập điều tra các trường hợp bệnh liên quan tại Chợ hải sản Hoa Nam, hiện đã phát hiện 27 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 7 trường hợp bệnh tình nghiêm trọng.

Thông báo cho biết, biểu hiện lâm sàng của các trường hợp mắc bệnh này chủ yếu là sốt, số ít bệnh nhân khó thở, phim chụp X-quang ngực cho thấy hai phổi có chỗ bị tổn thương.

Theo thông tin từ Ủy ban Y tế Sức khỏe tỉnh Hồ Bắc và Ban tuyên truyền thành ủy Vũ Hán, chiểu ngày 31/12, tổ công tác Ủy ban Y tế Sức khỏe quốc gia đã đến Vũ Hán, đang triển khai công tác kiểm tra xác nhận.

Đối với 7 trường hợp “viêm phổi không rõ nguyên nhân” tại Vũ Hán, trên mạng Internet lan truyền đó là bệnh một hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (hay SARS), thông tin liên quan khiến dư luận có nhiều đồn đoán. Nhiều cư dân mạng vào các bài viết liên quan để lại bình luận, lo lắng virus SARS quay trở lại.

Về nghi ngờ của dư luận, cơ quan kiểm soát dịch bệnh Vũ Hán chỉ xác nhận địa phương xuất hiện bệnh nhân “viêm phổi không rõ nguyên nhân”, số người mắc vẫn đang được thống kê. Chính quyền Trung Quốc Đại Lục hiện vẫn chưa nói rõ về các trường hợp mắc bệnh này.

Đến 22:00 ngày 31/12/2019, các bài có hastag #Wuhan, #sars có hơn 1 triệu lượt đọc.

Có cư dân mạng cho biết: “Hãy lập tức cho sinh viên Vũ Hán nghỉ học về nhà, nhỡ chẳng may xảy ra chuyện thì hậu quả không thể tưởng tượng.”

Cũng có người nói: “Bệnh viện chúng tôi sáng nay đã có cuộc họp khẩn cấp nói về việc này, cảm giác 80-90% là thật …, dối trên lừa dưới lâu nay đã là đặc sắc xã hội Trung Quốc.”

Còn có cư dân mạng chỉ ra: “Năm 2003 dịch SARS bùng phát tại Trung Quốc và hoành hành nhiều nơi trên thế giới, đến nay đã 17 năm trôi qua, chính quyền dường như vẫn không hề tiếp thụ bài học từ các nhân họa, vẫn luôn tiến hành tăng cường can thiệp vào tự do thông tin, làm như thế này kết quả sẽ khiến cho rất nhiều người Trung Quốc phải trả giá bằng tính mạng.”

Hiện tại, ngoài Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Vũ Hán chứng thực 2 tài liệu lan truyền trên mạng vào ngày 31/12 là thực, thì chính quyền lại lựa chọn im lặng trước nghi ngờ của người dân.

SARS
Xác nhận chẩn đoán 7 trường hợp SARS tại Vũ Hán lan truyền trên mạng (Ảnh từ internet)

Ngoài ra còn có cư dân mạng cho biết, đã có bài viết liên quan đến #Vũ Hán, #sars bị xóa.

Về tình hình dịch bệnh thực tế tại Vũ Hán vẫn cần đợi điều tra xác nhận.

Năm 2002, Trung Quốc từng bùng phát dịch SARS, khi đó dịch bệnh từ Quảng Đông lan ra toàn quốc. Mới đầu, chính quyền thành phố Quảng Châu và chính quyền tỉnh Quảng Đông không công bố thông tin liên quan, cũng cấm truyền thông đưa tin về dịch bệnh.

Đến cuối tháng 12/2002, thông tin về dịch bệnh SARS này mới bắt đầu lan truyền trên mạng internet, tuy nhiên chính quyền Trung Quốc cũng đã lập tức triển khai hành động ngăn chặn trên mạng, thông tin về dịch SARS trên tất cả các diễn đàn đều biến mất.

Năm 2003, Bộ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc khi đó là Trương Văn Khang từng công khai cho biết: “Đầu năm 2003, Trung Quốc phát hiện trường hợp dịch SASR, đến ngày 31/3, tổng cộng có 1190 trường hợp bị lây nhiễm, trong đó tỉnh Quảng Đông có 1153 trường hợp, Bắc kinh có 12 trường hợp …”, tuy nhiên, bác sĩ nghỉ hưu thuộc Bệnh viện 301 thuộc quân đội Trung Quốc là Tưởng Ngạn Vĩnh nghi ngờ ông Trương Văn Khang không tiết lộ tình hình thực tế.

Do thông tin tại Đại Lục không minh bạch khiến cho sau khi dịch bệnh bùng phát dường như bị mất kiểm soát, ngoài Trung Quốc Đại Lục, Hồng Kông cũng là nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo tài liệu chính thức, thời điểm đó tại Hồng Kông xác nhận có 1755 người lây nhiễm, 299 người tử vong.

Lần này Vũ Hãn lan truyền thông tin xuất hiện nhiều trường hợp mắc dịch SARS, Hồng Kông và Đài Loan cũng đều rất quan tâm.

Theo Apple Daily đưa tin, bác sĩ chuyên khoa hệ hô hấp tại Hồng Kông Lư Hạo Nhiên cho biết, mặc dù hiện tại không thể võ đoán xác định là SARS quay trở lại, nhưng bệnh viêm phổi lây truyền trong môi trường đặc biệt là rất phổ biến, cần xác nhận xem liệu có liên quan gì đến chợ hải sản hay không, cũng cần phải thông qua phân tích điều tra dịch tễ học.

Ông Viên Quốc Dũng, Giảng viên bộ môn Bệnh truyền nhiễm, Khoa Vi sinh, Học viện Y – Đại học Hồng Kông chỉ ra, năm 1997 Trung Quốc xuất hiện dịch cúm gia cầm, năm 2003 bùng phát dịch SARS do cầy hương và dơi lan truyền, trong đó tỉ lệ tử vong thấp nhất là 10% đến cao nhất là 50%. Lần này các trường hợp mắc bệnh xuất hiện vào tháng 12 ở Vũ Hán, có 25% trường hợp nghiêm trọng, có điểm giống với cúm gia cầm và SARS. Nhưng giai đoạn hiện nay, chính quyền Đại Lục vẫn chưa xác nhận nguồn gốc lây lan, nên rất có khả năng là bệnh truyền nhiễm mới bùng phát.

Về phía Đài Loan, Cục quản lý dịch bệnh thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi cho biết, đang xác nhận với Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc, nếu nhận được xác nhận là có dịch bệnh, thì sẽ công bố và khởi động cơ chế ứng biến liên bộ.

Theo thông tin của Cục kiểm soát dịch bệnh, SARS là loại virus SARS-CoV, có khả năng lây truyền, độc lực và mầm bệnh mạnh hơn các loại virus đường hô hấp thông thường. Bệnh nhân có thể bị xơ phổi và thậm chí gây suy hô hấp và tử vong. Ngày 15/3/2003, WHO công bố tên gọi “Hội chứng đường hô hấp cấp tính nghiêm trọng”.

Trí Đạt