Hôm thứ Năm (30/8), Tổng thống Mỹ Trump cho biết, nếu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tiếp tục đối xử không công bằng với Mỹ thì Mỹ sẽ rút ra khỏi tổ chức này.

Embed from Getty Images

Trụ sở Tổ chức Thương mại Thế giới  tại Geneva (Ảnh: Getty Images) 

Ảnh hưởng sẽ lớn hơn cả cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Bloomberg tại Nhà Trắng hôm thứ Năm, Tổng thống Trump nói: “Nếu họ (WTO) không cải thiện, tôi sẽ rút khỏi WTO.”

Tháng trước Tổng thống Trump đã cho biết ông hy vọng sẽ hợp tác với các nước khác để thực hiện các cải cách WTO. Trong nhiều năm, Mỹ đã phải chịu “đối xử rất xấu” trong WTO, đây là một bất lợi lớn đối với Mỹ và cách làm này phải thay đổi.

Trước đó Fox News cũng đưa tin, ông Trump đã cho biết “WTO được thành lập để mang lại lợi ích cho tất cả”, nhưng Mỹ lại đang phải chịu tổn thất.

Chính quyền Trump tuyên bố rằng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO đã có vấn đề, vì thế các tranh chấp thương mại không thể được xử lý công bằng.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, nếu Mỹ rút khỏi WTO, ảnh hưởng của sự kiện này đối với thương mại toàn cầu sẽ lớn hơn cả cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang leo thang, động thái có thể thay đổi hệ thống thương mại thế giới sau Thế chiến thứ Hai.

Rắc rối chủ yếu từ Trung Quốc

Các nền kinh tế lớn của thế giới do Mỹ đứng đầu đã thành lập WTO tại Geneva vào năm 1994, xem như một sân chơi và cơ chế để giải quyết các tranh chấp thương mại. Năm 2001, WTO chấp nhận sự tham gia của nền kinh tế phi thị trường là Trung Quốc.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer từ lâu đã kêu gọi Mỹ chấp nhận một thái độ tích cực hơn đối với WTO. Ông từng cho rằng WTO để cho Trung Quốc tham gia là một sai lầm lớn. Ông cho rằng WTO sẽ rất phức tạp nếu tiếp nhận nền chính trị độc tài cùng nền kinh tế phi thị trường của Trung Quốc.

Tổng thống Trump cũng đã nhiều lần nhấn mạnh WTO phải có lập trường cứng rắn hơn về vấn đề bán phá giá thép, hành vi trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, cùng rất nhiều vấn đề khác mà chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra.

Theo VOA đưa tin, tại một cuộc họp của WTO hồi tháng trước, Đại sứ Mỹ tại Ngân hàng Thế giới là Dennis Shea đã chỉ trích rằng Trung Quốc (ĐCSTQ) không tuân theo nguyên tắc tự do thương mại và làm hại các thành viên khác của WTO. Ông kêu gọi WTO xem lại các quy định liên quan đến chính sách công nghiệp, trợ cấp của chính phủ và doanh nghiệp nhà nước, để giải quyết hiệu quả hơn những bức xúc của các thành viên WTO đối với chính sách công nghiệp của Trung Quốc.

Nguồn tin cho rằng, không chỉ có Mỹ mà cả Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản cùng nhiều nước khác đã chỉ trích Bắc Kinh vì không tuân thủ các nguyên tắc dựa trên thị trường và phản đối việc chính phủ Trung Quốc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ cũng như vấn đề cơ chế trợ cấp Chính phủ dành cho doanh nghiệp.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, WTO cần cải cách, nhưng cải cách phải “đi từng bước từ từ”. Bắc Kinh cũng nhấn mạnh rằng các cải cách phải “nâng cao quyền lực và sự lãnh đạo của WTO”.

Hiện nay, EU đang dẫn đầu trong việc thúc đẩy cải cách WTO và hy vọng sẽ giải quyết được những xung đột hiện nay. Tuần trước, các quan chức EU và Nhật Bản đã thảo luận với các quan chức Mỹ tại Washington về những phương án tiềm năng để cải cách WTO, và cách cùng nhau giải quyết các vấn đề thương mại của Trung Quốc (WTO).

Hôm thứ Năm, bà Cecilia Malmstrom, quan chức thương mại hàng đầu của EU, cho biết ông Lighthizer – Đại diện thương mại Mỹ  sẽ sớm gặp nhau để thảo luận về cách thúc đẩy đàm phán thương mại, về các phần khác của thỏa thuận đã đạt được trong tháng Bảy với Tổng thống Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Juncker (Jean-Claude Juncker), đặc biệt là cam kết cùng nhau cải tổ lại WTO.

Huệ Anh

Xem thêm: