Trong những ngày vừa qua, có tin tức cho biết, Công ty năng lượng Hoa Tín (Tên quốc tế: CEFC China Energy) của Trung Quốc đang tiếp cận để mua cổ phần của Rosneft, một công ty dầu khí quốc gia hàng đầu của Nga. Việc này làm cho ngoại giới bắt đầu quan tâm đến vị Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc mới 40 tuổi của công ty Hoa Tín là Diệp Giản Minh. Diệp Giản Minh được cho là có xuất thân “Thái tử Đảng”, có liên quan đến hệ thống tình báo, là “người thần bí nhất Fortune 500”, và trong những năm gần đây đã lộ diện tham gia chính trị tại Hồng Kông.

163578d9e0a54698911bb69491f3c5a4
(Ảnh: Sina.com.hk)

Ngày 18/8, Reuters dẫn lời một nguồn tin cho biết, kể từ tháng 7, Diệp Giản Minh đã hai lần gặp Igor Sechin, giám đốc công ty Rosneft để thảo luận hợp tác. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được quy mô đầu tư cũng như việc Hoa Tín sẽ mua cố phần phát hành thêm hay mua một lượng cổ phần có sẵn của công ty dầu khí Nga này.

Chính phủ Nga vẫn đang giữ 50% cổ phần của công ty dầu khí này thông qua một công ty nhà nước là Rosneftgaz. Ngoài ra, BP của Anh giữ 19,5% cổ phần

Người phát ngôn của Hoa Tín cho Reuters biết rằng công ty và Rosneft đã ký một thỏa thuận hợp tác mở rộng, tuy nhiên không bình luận về việc liệu thỏa thuận này có liên quan đến việc mua cổ phần hay không.

“Người thần bí nhất trong Fortune 500″

Hoa Tín là một công ty có hậu cảnh vô cùng thần bí và phức tạp. Thành lập vào tháng 1/1980, công ty TNHH năng lượng Hoa Tín không phải là một công ty nhà nước mà là một “xí nghiệp dân doanh tập thể”. Tuy nhiên, nghiệp vụ cơ bản của Hoa Tín lại là thực hiện các giao dịch trung gian giữa Sinopec (Công ty Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc) với các công ty dầu khí của nước ngoài, ví dụ như thu mua dầu của Kazakhstan và bán lại Sinopec.

Trong năm 2014, Hoa Tín có doanh thu 33,6 tỷ đô-la, xếp thứ 349 trong danh sách Fortune 500 (danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới về mặt doanh thu do tạp chí Fortune tổng hợp). Đến năm 2015, Hoa Tín có doanh thu 41,8 tỷ đô-la, xếp thứ 229. Năm 2016 vừa qua, Hoa Tín có doanh thu 43,7 tỷ đô-la, xếp thứ 222 trong danh sách Fortune 500. Năm nay vừa tròn 40 tuổi, Diệp Giản Minh có khả năng cao là tổng giám đốc trẻ nhất của một công ty trong Fortune 500.

Tạp chí Fortune phiên bản phát hành tại Trung Quốc đã có một buổi phỏng vấn độc quyền với Diệp Giản Minh. Lần đó có thể coi là lần đầu tiên Diệp bước ra ánh sáng. Tờ tạp chí nhận định Diệp chính là “người thần bí nhất trong Fortune 500”.

Tạp chí Fortune cho biết, Diệp Giản Minh tham gia vào thị trường dầu khí dựa vào việc mua lại một số tài sản của tập đoàn Viễn Hoa sau vụ scandal của Lại Xương Tinh vào năm 1999. Công ty hàng không Hạ Môn, một công ty con của Viễn Hoa có nắm giấy phép giao dịch dầu khí. Sau khi mua được công ty này, Diệp Giản Minh bắt đầu thiết lập đế chế Hoa Tín của mình.

Tuy nhiên, theo thông tin chính thức được công khai, công ty Hoa Tín được thành lập vào tháng 1 năm 1980, lúc đó Diệp mới chỉ 3 tuổi. Khi được bổ nhiệm làm tổng giám đốc của Hoa Tín vào năm 2002, Diệp mới có 25 tuổi.

Trên trang web của Hoa Tín, người ta có thể tra được thông tin về thời gian vào công ty của tất cả những người thuộc cấp quản lý. Tuy nhiên, trang web lại không hề đăng thông tin gì về Diệp Giản Minh. Trong bài phỏng vấn với tạp chí Fortune, Diệp Giản Minh cho biết, mình là người quê Phúc Kiến, sinh ra và lớn lên tại Phúc Kiến.

Nhiều thông tin trên mạng cho biết, Diệp Giản Minh nhất định phải có xuất thân từ một gia đình “quý tộc đỏ”, tuy nhiên không phải họ Diệp ở Lĩnh Nam của Diệp Kiếm Anh, mà là từ gia đình họ Diệp ở Phúc Kiến. Người ta đồn đoán rằng Diệp Giản Minh có cha là Diệp Tiểu Khi, một người có quyền lực trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhưng không lộ mặt, ông nội là Diệp Phi, nguyên Tổng tư lệnh Hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên, Diệp Giản Minh chưa bao giờ xác nhận thông tin gì về thân thế của mình.

Andrew Chubb, giáo sư đại học Tây Úc và John Garnaut, phóng viên kỳ cựu của tập đoàn Fairfax ở Úc cũng từng cho rằng Diệp Giản Minh có liên quan đến Trung tướng Diệp Tuyển Minh, người từng đảm nhiệm chức Cục trưởng Cục Liên lạc Bộ tổng Chính trị Quân đội Giải phóng Trung Quốc trước năm 1998, hoặc là Thượng tướng Diệp Phi, Tổng tư lệnh Hải Quân Trung Quốc từ năm 1980 đến 1982.

Ngoài ra, Diệp Giản Minh còn có một chức danh thần bí khác, đó là Tổng giám đốc Quỹ Năng lượng Trung Quốc. Quỹ Năng lượng Trung Quốc được thành lập bởi Hoa Tín, đăng ký ở Hồng Kông, đóng vai trò như một công ty tư vấn. Nó có rất nhiều chi nhánh trên thế giới, một trong số đó ở tầng 21 của tòa nhà Taipei 101 (tòa nhà cao thứ hai thế giới, ở Đài Bắc, Đài Loan).

Phân tích viên của cục tình báo Canada, Michael Cole vào năm 2015 đã tiết lộ cho tạp chí National Interest biết rằng chính quyền Trung Quốc sử dụng các công ty tư vấn để thực hiện thu thập thông tin về Đài Loan. Trong số các công ty đó, có Quỹ Năng lượng Trung Quốc. Michael Cole cũng cho biết, các cuộc chiến chính trị nhắm vào Đài Loan chủ yếu được thực hiện bởi Cục Liên lạc Bộ tổng Chính trị Quân đội Trung Quốc.

Có báo cáo cho biết, ngay sau khi ĐCSTQ nắm được chính quyền vào năm 1949, công tác chính của Cục Liên lạc Bộ tổng Chính trị Quân đội là tiến hành các hoạt động tình báo nhắm vào Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao. Sau khi Hồng Kông và Ma Cao quay trở về Trung Quốc, các hoạt động của cục này mở rộng sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên và các nước láng giềng khác.

Từ năm 2003 đến 2005, Diệp Giản Minh đã từng giữ chức Phó tổng Thư ký “Hội liên lạc hữu hảo quốc tế Trung Quốc”. Đây là một hội đồng gồm chủ yếu là những người có vai trò trong xã hội như quan chức trong chính phủ, nhà khởi nghiệp, nhà giáo dục, nghệ sĩ và học giả v.v. Hội này được giới phân tích ghi nhận là cơ sở thực hiện nhiều hoạt động tình báo tại nước ngoài của Cục Liên lạc Bộ Chính trị Quân đội Trung Quốc. Vì vậy, giới quan sát không thể không nghi ngờ Diệp Giản Minh có liên quan đến các hoạt động tình báo.

Trong khi vẫn có nhiều nghi ngờ về hậu cảnh chính trị của Diệp Giản Minh thì trong những năm gần đây Diệp đã ra mặt tham gia vào chính trị Hồng Kông. Vào cuối năm 2016, trong thời gian diễn ra bầu cử Trưởng đặc khu Hành chính Hồng Kông, Diệp Giản Minh đã đóng vai trò cố vấn đặc biệt cho bà Diệp Lưu Thục Nghi, chủ tịch đảng Tân Dân. Sau đó, Diệp Giản Minh tiếp tục là cố vấn chính trị cho bà này.

Tờ “Hồng Kông 01” cho biết, trên trang web của đảng Tân Dân, trong số 31 vị cố vấn thì Diệp đứng đầu tiên, cũng là cố vấn chính trị duy nhất.

Tự Minh

Xem thêm: