Từ sau khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền, Trung Quốc đã đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng, nhưng dường như tình hình tham nhũng tại đất nước này lại tăng mà không giảm.

dai hoi 19, Tap Can Binh, Giang Trach Dan
Ông Tập Cận Bình (trái) và ông Giang Trạch Dân (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Dữ liệu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency Internationa) cho thấy, chỉ số liêm chính của Trung Quốc năm 2017 thụt lùi mạnh, thấp hơn 10 năm trước. Tương lai chống tham nhũng của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng không khả quan. Từng có nhận định cho rằng, bản thân chính thể độc tài với nền tảng văn hóa hủ bại của nó làm cho tham nhũng là vấn đề không thể giải quyết, chỉ có ngày càng tăng lên.

Theo “Chỉ số Liêm khiết 2017” của Tổ chức Minh bạch Quốc tế mới công bố, điểm số của Trung Quốc Đại Lục là 41, đứng hạng 77. Thang điểm được chấm từ 0 – 100, trong đó 0 là rất tham nhũng và 100 là rất trong sạch. Trong 180 quốc gia và khu vực trên thế giới, 5 vị trí đứng đầu là New Zealand, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Sĩ.

Ngoài ra, Tổ chức Minh bạch Quốc tế cũng cho biết, mặc dù ông Tập Cận Bình nhấn mạnh vấn đề chống tham nhũng, nhưng tính liêm khiết trong nhiệm kỳ của ông Tập không bằng người tiền nhiệm, xếp hạng của Trung Quốc về tính liêm khiết trong năm 2007 và 2008 đều là hạng 72.

Vào tháng Ba năm ngoái, tổ chức Minh bạch Quốc tế cũng công bố báo cáo, theo đó 73% số người trả lời phỏng vấn cho rằng, mặc dù ông Tập Cận Bình đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng, nhưng tình hình tham nhũng lại nghiêm trọng hơn.

Kể từ năm 2012 khi Trung Quốc chuyển đổi nhà lãnh đạo, chính quyền đã mở ra chiến dịch đấu tranh chống tham nhũng, tuyên bố “đánh từ hổ già cho đến ruồi nhặng”, những kẻ “ngã ngựa” vì chiến dịch này từ lãnh đạo cấp cao như Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, đến tận trưởng thôn quan huyện.

Cuối năm ngoái, Trung Quốc đã công bố số liệu chống tham nhũng năm 2017: Tổng cộng 18 cán bộ quản lý trung ương bị điều tra, cộng thêm những đối tượng bị xử phạt thì là 36 người, trong khi vào năm 2016 con số này là 26 người.

Hiện nay, chính quyền Bắc Kinh đang chuẩn bị cho việc thành lập Ủy ban Giám sát Quốc gia. Nhà cầm quyền ĐCSTQ cho biết, mục đích của cải cách là để kết hợp giữa thi hành pháp luật của Nhà nước với chống tham nhũng trong Đảng, cơ quan Giám sát sẽ có nhân viên công vụ.

Tuy nhiên, nhiều nhận định cho rằng, chính thể chế cai trị là nguyên nhân mấu chốt, khi một đảng độc tài thì quan chức tham nhũng sẽ tăng theo thời gian, không thể bắt hết được.

>> Ông Vương Kỳ Sơn “tái xuất” sẽ tranh giành chức vụ quan trọng với ông Triệu Lạc Tế?

Ngày ​​29/3/2017, VOA (Đài Tiếng nói Hoa Kỳ) dẫn phân tích của một học giả Mỹ cho rằng, công tác chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình phải đối mặt với những thách thức cực lớn, không giải quyết được bao nhiêu vấn nạn này. Nguyên nhân chủ yếu là Trung Quốc có một dạng gọi là văn hóa tham nhũng, tham nhũng đã trở thành căn bệnh phổ biến có ở khắp Trung Quốc Đại Lục, loại văn hóa tham nhũng này bùng phát mạnh hơn từ năm 2002 khi ông Giang Trạch Dân đưa ra “Thuyết ba đại diện”, tiếp nạp giới nhà giàu mới nổi vào hệ thống chính trị, văn hóa hủ bại này đã liên lụy đến phát triển kinh tế. Ông Tập Cận Bình không thể truy cứu tất cả các quan chức tham nhũng, đây không phải là vấn đề có thể giải quyết được bằng mệnh lệnh hành chính hoặc một chiến dịch.

>> Vòng xoáy hủ bại của ông Giang Trạch Dân trong hệ thống quan lại Trung Quốc

Quan điểm này làm sáng tỏ thêm nhận định trên Tạp chí Giám sát Kiểm tra Kỷ luật Trung Quốc ngày 05/8/2017, theo đó, các quan tham Trung Quốc học được ba “bí kíp” khi nhìn vào các quan tham “ngã ngựa”, bao gồm: im lặng giữ mình, giả nghèo khổ; vạch rõ ranh giới chỉ quan hệ với nhà doanh nghiệp “thật sự tin cậy”; ẩn mình, nhờ kẻ thay mặt lên tiếng.  

Bên cạnh đó, dù chiến dịch chống tham nhũng này được xem là “triệt để”, nhưng chưa chạm được vào nhân vật “tổng quản tham nhũng” được cho là cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và nhiều gia tộc quyền quý phái Giang. Ngoài ra còn vô số quan tham đã bị phanh phui tình trạng bê bối dâm loạn nhưng vẫn đường đường thăng tiến, tiêu biểu như Bí thư Thiên Tân hiện nay là Lý Hồng Trung (Li Hongzhong), Tỉnh trưởng Vân Nam Nguyễn Thành Phát (Ruan Chengfa), Phó Tỉnh trưởng Phúc Kiến Lý Đức Kim (Li Dejin)… Nhưng nghiêm trọng nhất có thể kể là nhân vật Hàn Chính đầy tai tiếng khi cầm quyền tại Thượng Hải nhưng vẫn được chen chân vào được Ban Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội 19 vừa qua.

>> Hàn Chính: Nhân vật gây nhiều tranh cãi trong Ban Thường vụ khóa mới của Trung Quốc

Ngày ​​29/10/2016, VOA từng dẫn lời học giả Bùi Mẫn Hân cho rằng, qua chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn của ông Tập Cận Bình cho thấy, tham nhũng đã thấm vào tất cả các cấp của bộ máy quan lại ĐCSTQ. Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập không thể chạm được vào cái gốc đâm chồi nảy lộc đó là vấn đề thể chế chính trị, cũng chính là câu “mảnh đất của tham nhũng” mà ông Tập thường nói. Ông Tập chỉ tạm thời làm gián đoạn “thị trường tham nhũng” trong từng thời điểm nhất định, thị trường này có thể sôi động trở lại bất cứ lúc nào một khi cái gốc của nó còn kiên cố.

Tuyết Mai

Xem thêm: