Ngày 15/10, Hạ viện Mỹ đã thông qua “Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông”, thông tin khiến nhiều ban ngành của ĐCSTQ phản ứng lên án. Ngày 16/10, Bộ Ngoại giao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho biết sẽ “trả đũa Mỹ”, nhưng chưa đề cập đến các biện pháp cụ thể. So với phía Trung Quốc “chỉ nói suông”, phía Mỹ đã tiếp tục có những hành động thực chất. Hôm 17/10, Chính phủ Mỹ lại ra quy định mới nhắm vào giới ngoại giao ĐCSTQ, ngoài ra Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) đã đóng băng 18 tài sản, chủ yếu là của thương nhân Trung Quốc…

Luật Nhân quyền và Dân chủ, Hồng Kông
Hình ảnh tại Công viên Chater ngày 8/9: người dân Hồng Kông cầu nguyện cho Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông, kêu gọi “Trục xuất ĐCSTQ, Phục hồi Hồng Kông” (Ảnh: Epoch Times)

Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông có thể thành luật trước cuối năm nay

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã dẫn đầu Hạ viện thông qua Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông mà không có ai phản đối. Bà Pelosi cho biết rằng cả hai Đảng và hai Viện của Quốc hội Mỹ đều ủng hộ cuộc đấu tranh dân chủ của người dân Hồng Kông.

Đạo luật có ba yếu tố quan trọng: thứ nhất, kiểm tra hàng năm về quyền tự trị của Hồng Kông; thứ hai, xử phạt đối tượng vi phạm quyền tự trị và nhân quyền tại Hồng Kông; và thứ ba, không giới hạn vấn đề visa đối với những người Hồng Kông bị bắt vì tham gia biểu tình vì dân chủ.

Sau khi đạo luật được Hạ viện thông qua sẽ được đệ trình lên Thượng viện để xem xét. Reuters dẫn lời một trợ lý Quốc hội Mỹ cho biết, có thể ngay tuần tới Thượng viện sẽ bỏ phiếu về đạo luật. Nếu Thượng viện thông qua, bước tiếp theo sẽ được đệ trình lên Tổng thống để xin chữ ký, sau đó sẽ trở thành luật chính thức.

Giới quan sát đã có phân tích, Mỹ là một quốc gia tam quyền phân lập, Tổng thống cũng bị Quốc hội kiểm soát. Ngay cả khi ông Trump không muốn ký thì Quốc hội vẫn có thể cưỡng chế ông ấy. Hơn nữa, áp lực ở Mỹ rất mạnh mẽ, dư luận chính thống rất ủng hộ Hồng Kông. Ở giai đoạn cần lôi kéo cử tri cho chiến dịch tranh cử Tổng thống, chắc chắn ông Trump sẽ phải cân nhắc về kho phiếu của ông.

Cơ quan Tình báo Kinh tế của Mỹ cũng đã sớm chỉ ra đạo luật này sẽ trở thành luật thực sự trong năm nay.

>> Hạ viện Mỹ thông qua 2 dự luật, 1 nghị quyết ủng hộ biểu tình Hồng Kông 

ĐCSTQ quyết liệt lên án nhưng không dễ để “phản đòn”

Vụ việc đã khiến ĐCSTQ phản ứng mạnh mẽ. Người phát ngôn Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã bày tỏ “vô cùng phẫn nộ và kịch liệt phản đối” Hạ viện Mỹ thông qua Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông, Cảnh Sảng đe dọa rằng Bắc Kinh sẽ “có biện pháp đáp trả mạnh mẽ”.

Dù nhiều tiếng nói từ giới quan sát cho biết muốn biết rõ những biện pháp đối phó của ĐCSTQ, nhưng không thấy phía Trung Quốc nêu cụ thể các biện pháp.

Ngoài Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các cơ quan khác như Văn phòng Sự vụ Hồng Kông – Macao, Văn phòng Ủy viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông, Ủy ban Đối ngoại của Nhân đại ĐCSTQ, và Chính phủ Hồng Kông cũng phản ứng mạnh mẽ. Văn phòng Ủy viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông cáo buộc giới chính khách Mỹ đang thực hiện “cuộc cách mạng màu”, muốn gây rối Hồng Kông. Tân Hoa Xã cũng đưa chỉ trích phía Mỹ “can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”, đây là “hành động kiêu ngạo và nguy hiểm trên con đường cố tình phá rối Hồng Kông”.

ĐCSTQ lên án giới chính trị gia Mỹ thực hiện “cuộc cách mạng màu” ở Hồng Kông, hàm ý là Mỹ đe dọa chế độ Cộng sản Trung Quốc. Kiểu ngôn từ này cho thấy thái độ phản ứng của ĐCSTQ đã tăng lên một mức mới. Nhưng ĐCSTQ sẽ trả đũa như thế nào?

Nhiều nhà quan sát chính trị đã chia sẻ phân tích trên Thời báo Kinh tế Hồng Kông rằng, Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông không phải là một đạo luật kinh tế thuần túy, mà là sự kết hợp giữa chính trị và kinh tế, khá phức tạp. Nếu dựa theo nội dung đạo luật thì không dễ để có thể phản bác Mỹ. Hơn nữa, dù ĐCSTQ muốn trả đũa Mỹ, nhưng “kho vũ khí” của họ  rất hạn chế.

Một bài viết trên Thời báo Hoàn Cầu cho biết, có thể cấm vận các quan chức, thành viên Quốc hội cũng như chính giới Mỹ khác vào Hồng Kông. Cách đây không lâu, khi Thượng nghị sĩ Ted Cruz tới Hồng Kông để khảo sát thực địa, tờ báo này cũng gợi ý cấm ông vào Hồng Kông.

Thứ hai là ĐCSTQ có thể mở rộng “Danh sách thực thể không đáng tin cậy”. Reuters dẫn nguồn tin từ chính phủ ĐCSTQ cho biết, về cơ bản ĐCSTQ đã hoàn thành “Danh sách thực thể không đáng tin cậy”, không loại trừ sẽ mở rộng danh sách đối thủ của cuộc chiến thương mại này.

Tuy nhiên, cả hai thủ đoạn này bị xem là “thủ đoạn bẩn”. Cấm các chính trị gia Mỹ vào Hồng Kông không khác gì ĐCSTQ tự công khai bản chất lưu manh, khiến chính khách Mỹ thấy rõ ĐCSTQ đã nuốt chửng Hồng Kông. Còn mở rộng “Danh sách thực thể không đáng tin cậy” thì thậm chí còn tệ hại hơn. Việc ĐCSTQ trả đũa Mỹ kiểu này không khác gì thêm dầu vào lửa, sẽ dẫn đến các lệnh trừng phạt đáp trả mạnh mẽ hơn của Mỹ.

Trên thực tế, Mỹ chưa bao giờ ngừng “ra đòn” đối với ĐCSTQ. Chưa kể Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông có thể được Thượng viện thông qua bất cứ lúc nào, hiện nay Chính phủ Mỹ cũng đang gây sức ép và tấn công lần lượt đối với từng nhân vật cấp cao ĐCSTQ.

Pompeo tiếp tục kêu gọi “giải quyết nhân đạo”

Mike Pompeo, một nhân vật diều hâu nổi tiếng trong chính quyền Trump, hôm 16/10 lại tiếp tục công kích ĐCSTQ. Ông cho biết những người biểu tình ở Hồng Kông chỉ yêu cầu chính phủ Trung Quốc tuân thủ nguyên tắc “một nước hai chế độ”, Bắc Kinh nên “giải quyết một cách nhân đạo” tình hình ở Hồng Kông.

Trong trả lời phỏng vấn kênh Fox News, ông Pompeo chỉ ra rằng Tổng thống Trump muốn đảm bảo rằng chính quyền Bắc Kinh “có tính người khi đối phó người biểu tình ở Hồng Kông”, đây là hạt nhân trong chính sách của Mỹ ở Hồng Kông. Đây cũng là cam kết của ĐCSTQ trong Tuyên bố chung Trung-Anh năm 1984, là cam kết của ĐCSTQ với người Anh. Chính sách nhất quán của Mỹ cũng là dựa theo sự tuân thủ của ĐCSTQ với cam kết này.

Trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông David Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương cho biết, các giá trị nòng cốt của người Hồng Kông như tự do ngôn luận và hội họp phải được bảo vệ, cho nên Mỹ sẽ tiếp tục thúc giục Bắc Kinh tuân thủ các cam kết.

Mọi người đều biết, tuyên bố muốn Bắc Kinh “xử lý một cách nhân đạo” vấn đề Hồng Kông chính là lời mà Trump đã tuyên bố trong ngày 14/8. Vì tình hình lúc đó khá nguy kịch, ĐCSTQ đã tập hợp một số lượng lớn binh lính ở Thâm Quyến, diễn tập dùng vũ lực đối phó người biểu tình. Cùng lúc, nhiều xe quân sự của ĐCSTQ cũng đã xuất hiện trên đường phố Hồng Kông, những dấu hiệu cho thấy một Thiên An Môn phiên bản Hồng Kông sắp bắt đầu.

Trong tình hình nguy cấp, ông Trump buộc phải cảnh báo Bắc Kinh thông qua Twitter: “Nếu bạn muốn đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ, bạn phải xử lý một cách nhân đạo các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.”

Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng Bắc Kinh đang muốn sớm đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ. Từ góc nhìn chính trị, đạt được thỏa thuận có thể giúp Bắc Kinh giải tỏa nguy cơ khủng hoảng quyền lực, hạ nhiệt được những tiếng nói chỉ trích. Từ góc nhìn kinh tế, có thể giúp Bắc Kinh giảm bớt suy thoái kinh tế, ngăn chặn viễn cảnh sụp đổ mang tính hệ thống. Do đó, chỉ vài thao tác nhỏ nhưng lập tức thấy hiệu quả, ĐCSTQ hạ dần con dao đồ tể giết người đang giơ cao.

Sau hai tháng trôi qua, vòng đàm phán thương mại thứ 13 (cấp cao) mới kết thúc chưa lâu, dường như ĐCSTQ đã quên lời cảnh báo của ông Trump, lại muốn cứng rắn với Mỹ. Ông Pompeo lập tức nhắc lại những lời của ông Trump, hàm ý rằng “nếu ĐCSTQ nhe nanh giơ vuốt sẽ không thể ký được thỏa thuận thương mại”. Dù ngôn từ ngắn và đơn giản nhưng rất có hiệu quả.

Quy tắc ngoại giao mới mà Mỹ tặng ĐCSTQ

Trên thực tế, bất kể ĐCSTQ có thúc đẩy trả đũa hay không thì các lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn không bao giờ ngừng. Hôm 16/10, hai quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ đã trả lời Tiếng nói nước Đức rằng, bắt đầu từ ngày hôm nay, các nhà ngoại giao Trung Quốc tại Mỹ muốn tổ chức bất kỳ cuộc họp nào trong các tổ chức nghiên cứu và giáo dục công hay tư cũng như muốn gặp các quan chức Mỹ đều phải thông báo trước cho Chính phủ Mỹ.

Quan chức Mỹ cho biết, động thái mới này là “thúc đẩy có qua có lại”, vì ĐCSTQ có các quy định tương tự đối với các nhà ngoại giao Mỹ tại Trung Quốc, thậm chí còn nghiêm ngặt hơn. ĐCSTQ yêu cầu các cuộc họp liên quan phải được phía Trung Quốc phê chuẩn. Còn quy định của Mỹ không yêu cầu được Mỹ phê chuẩn trước khi hội họp.

Quan chức Mỹ cho rằng động thái này “không liên quan trực tiếp” đến bất kỳ vấn đề nào khác trong quan hệ Mỹ-Trung.

Thật vậy, nhìn bề ngoài thì vấn đề không thấy có liên quan trực tiếp gì đối với vấn đề Hồng Kông. Tuy nhiên, “không có liên quan trực tiếp”, không có nghĩa là “không có liên quan gián tiếp”.

Ông Pompeo đã trình bày rõ, việc Bắc Kinh có “xử lý nhân đạo” đối với tình hình Hồng Kông hay không chính là mấu chốt trong chính sách của Mỹ đối với Hồng Kông. Nhưng hiện nay Hồng Kông hoàn toàn bị che phủ trong bầu không khí khủng bố trắng do Chính phủ Hồng Kông cùng Cảnh sát Hồng Kông và ĐCSTQ tạo ra. Vì vậy động thái mới này của Mỹ cũng phần nào liên quan đến Hồng Kông!

Mỹ đóng băng tài sản của 18 thương nhân

Hôm 16/10, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) cho biết, có 18 thương nhân thao túng cổ phiếu đã bị đóng băng tài sản, trong số đó có 2 người đã bị khởi tố hình sự.

Theo tuyên bố của SEC, đa số các thương nhân này đến từ Trung Quốc, đã kiếm được hơn 31 triệu Đô la Mỹ bất hợp pháp bằng cách đẩy giá cổ phiếu lên hoặc xuống. Hai thương nhân bị truy tố là Vương Gia Lệ và Vương Tiểu Tùng.

Nhìn bề ngoài, sự cố này dường như không mấy liên quan đến Hồng Kông. Nhưng cần hiểu rằng, nếu cuối cùng Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông trở thành luật của Mỹ thì tất cả các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông vi phạm nhân quyền sẽ bị Mỹ xử phạt, trong đó bao gồm cả tài sản cá nhân của họ…

Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông sắp được xem xét tại Thượng viện Mỹ, trong lúc này mà Mỹ đóng băng những tài sản giao dịch này, truy tố hình sự 2 thương nhân, ai có thể khẳng định không liên quan gì đến Hồng Kông? Có khả năng cơ quan chức năng của Mỹ đang biểu diễn cho Bắc Kinh và Chính phủ Hồng Kông xem, kiểu như giết gà dọa khỉ.

Ấn Độ – Thái Bình Dương là một phần quan trọng của cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung

Giới chức Mỹ dường như cũng đã giải thích về những đòn tấn công liên tục của Mỹ đối với ĐCSTQ. Hôm 16/10, tại phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Trợ lý Joseph Stilwell của Ngoại trưởng Mỹ cho biết, ĐCSTQ đe dọa các nước láng giềng ở vùng Biển Đông, thậm chí còn vỗ ngực “Trung Quốc là nước lớn, các nước khác là nước nhỏ”, phá hoại ổn định khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Cũng tại phiên điều trần, Randall G. Schriver, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, phụ trách về các vấn đề an ninh châu Á và Thái Bình Dương cho biết, Mỹ thúc đẩy các giá trị nhân quyền và dân chủ ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong khi các phát ngôn và hành động của ĐCSTQ không đáp ứng các mục tiêu chiến lược của Mỹ tại khu vực này.

Schriver chỉ ra rằng khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên của Bộ Quốc phòng Mỹ, người Mỹ thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực theo các quy định quốc tế và nguyên tắc cạnh tranh công bằng. Để đạt được “mục tiêu chiến lược” này, Mỹ sẽ phải cạnh tranh với các cường quốc. Khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương là một phần quan trọng trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.

Người Hồng Kông hiên ngang chống chủ nghĩa toàn trị

Phát biểu của các quan chức Mỹ cho thấy Mỹ đã xem ĐCSTQ là mối đe dọa số một của Mỹ tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, cho đến trên toàn cầu. Đây là lý do Mỹ liên tục gây áp lực lên ĐCSTQ. Hành động của Mỹ không chỉ liên quan đến tương lai của Hồng Kông, mà còn tương lai của thế giới.

Các hành động của Mỹ, đặc biệt là áp lực trong vấn đề Hồng Kông, đã khiến ĐCSTQ vô cùng khổ sở. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là sức ép của Mỹ, mà cuộc đấu tranh bất khuất của người Hồng Kông cũng là một vấn đề lớn đối với ĐCSTQ, khiến tổ chức toàn trị này đã hao tâm tổn trí rất nhiều.

Để giành lại chút quyền lợi theo Luật cơ bản, trong hơn 4 tháng qua, hàng triệu người Hồng Kông đã không ngừng ra đường biểu tình bất chấp dùi cui, súng đạn và hơi cay của cảnh sát Hồng Kông.

Tuần trước, Chính phủ Hồng Kông tuyên bố rằng cảnh sát đã bắt giữ gần 2.700 người; trong đó 750 người dưới 18 tuổi và 104 người dưới 16 tuổi; người lớn nhất là 78 ​​tuổi, còn nhỏ nhất chỉ mới 12 tuổi.

Gần đây, trong chuyến thăm Nepal của ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo này đã có phát ngôn “mất bình tĩnh” hiếm thấy, cho biết “Bất cứ kẻ nào cố gắng chia rẽ bất kỳ khu vực nào của Trung Quốc, sẽ tan xương nát thịt”. Có vẻ trước nguy cơ Hồng Kông, ông Tập Cận Bình không còn giữ bình tĩnh được nữa.

Nhưng bất kể sức ép khủng bố trắng, người dân Hồng Kông vẫn không chùn lòng, quả là “rút dao chặt nước nước càng chảy”!

Mới đây, người triệu tập Sầm Tử Kiệt của Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền Hồng Kông đã bị tấn công lần thứ hai trong hai tháng qua, hiện ông đang được điều trị tại bệnh viện. Dù vậy ông vẫn kêu gọi mọi người đừng trả thù riêng tư bất cứ ai. Ông chỉ ra rằng vấn đề thực sự xuất phát từ “bạo lực của chế độ”, do chính quyền Hồng Kông đã không đáp ứng yêu cầu của những người biểu tình.

Phát ngôn viên của Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền Hồng Kông cũng cho biết họ có kế hoạch tổ chức hoạt động diễu hành vào ngày 20/10, kêu gọi người dân Hồng Kông tiếp tục tham gia diễu hành.

Bắc Kinh còn cách nào trong tình thế mắc kẹt?

Trước ý chí kiên trì và tinh thần không sợ hãi của người dân Hồng Kông, Chính phủ Hồng Kông và nhà cầm quyền Bắc Kinh biểu hiện rõ mệt mỏi và cạn kiệt ý tưởng ứng phó, chỉ biết leo thang trấn áp.

Nhưng ĐCSTQ càng gây khủng bố trắng, càng leo thang đàn áp thì càng khiến Chính phủ Mỹ đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt. Thời báo Kinh tế Hồng Kông cho biết, Trump đã viết một kịch bản “Chiến tranh Lạnh mới”, sẽ không cản trở Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông.

Một mặt là cuộc chiến không đội trời chung của đông đảo người Hồng Kông, một mặt khác là sức ép của chính phủ Mỹ khiến Bắc Kinh dường như bị rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Tình cảnh khiến có nhà bình luận cho rằng, việc Bắc Kinh rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan hiện nay, đa số giới quan sát thấy rõ, đó là vì vi phạm nghiêm trọng các quyền con người và các giá trị dân chủ, vì không tuân thủ các quy tắc quốc tế. Đi ngược lại xu hướng lịch sử thì chắc chắn sẽ bị lịch sử đào thải.

Cũng có bình luận chỉ ra, trên thực tế không phải Bắc Kinh đã vào đường cùng, nếu họ trả quyền lực về nhân dân và điều chỉnh hành động “biết mình biết người”, có lẽ những vấn đề này sẽ không khó hóa giải. Cụ thể chính là: tôn trọng luật pháp nhân quyền, thực thi cam kết trong các thỏa thuận quốc tế.

Huệ Anh

Xem thêm: