Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hôm 30/1 thông báo quốc gia này đã vào giai đoạn “mức độ dịch bệnh thấp”, tình hình dịch bệnh ở nhiều nơi đã giảm dần. Tuy nhiên, những nguồn tin từ giới chuyên gia bên ngoài cũng như chia sẻ từ người dân địa phương cho thấy tuyên bố này là không đáng tin.

mo moi o trung quoc 2
Những ngôi mộ mới bên đường ở nông thôn Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình video DW)

COVID-19 tại Trung Quốc vào giai đoạn “mức độ dịch bệnh thấp”?

Cơ chế phòng ngừa và kiểm soát chung của Quốc vụ viện ĐCSTQ đã tổ chức một cuộc họp báo vào chiều ngày 30/1. Người phát ngôn Mi Feng (Mễ Phong) của Ủy ban Y tế cho biết tại cuộc họp rằng tình hình dịch bệnh chung ở nước này đã bước vào giai đoạn “mức độ dịch bệnh thấp”, dịch bệnh ở nhiều nơi đang xu hướng “giảm dần”.

Chuyên viên Fu Wei (Phó Vệ) của Ủy ban Y tế và Sức khỏe cho biết từ ngày 21 – 27/1 số lượng chẩn đoán và điều trị tại các phòng khám sốt là “ở mức thấp”, giảm khoảng 40% so với trước Tết Nguyên đán, so với ngày đỉnh điểm 23/12 của năm ngoái đã giảm 94%. Ngày 27/1, lượng khám chữa bệnh tại các khoa cấp cứu phổ thông ở các cơ sở là 2,036 triệu lượt, bằng khoảng 44% so với đỉnh điểm vào 29/12 năm ngoái và giảm gần 30% so với trước kỳ nghỉ Tết.

Người phát ngôn Mễ Phong cho hay khu vực nông thôn vẫn là “ưu tiên hàng đầu” trong công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay tại Trung Quốc; trong khi ông Mao Đức Trí (Mao Dezhi) – Phó Vụ trưởng Vụ Hướng dẫn Kinh tế Hợp tác thuộc Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc – cho rằng tình hình dịch bệnh ở khu vực nông thôn Trung Quốc nhìn chung “bình ổn”, không có dấu hiệu gia tăng.

Tuy nhiên ngày 27/1, trang web “Think Global Health” của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (Council on Foreign Relations) đã đăng bài cho hay họ quan sát thấy nhiều linh đường được dựng bằng lều dọc đường đến các vùng nông thôn của tỉnh Hồ Bắc.

Bài báo dẫn lời một người dân làng nói rằng ông đang rất bận rộn chuẩn bị cho đám tang của người thân và bạn bè trong làng, nhiều người già ở nông thôn đã chết tại nhà vì dịch bệnh, các đạo sĩ thực hành nghi lễ cũng vì thế mà bận rộn làm không xuể.

Ông Tedros: Tử vong COVID-19 ở Trung Quốc “chắc chắn cao hơn nhiều”

Cùng ngày Ủy ban Y tế Quốc gia ĐCSTQ tuyên bố dịch bệnh đã bước vào “mức độ dịch thấp”, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có tuyên bố trái ngược rằng COVID-19 vẫn duy trì mức báo động cao nhất thế giới.

Theo tuyên bố của WHO, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết sau cuộc họp: “Tôi đồng ý với các khuyến nghị rằng COVID-19 vẫn là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại trên quốc tế”.

Ông cho biết vào tháng 10 năm ngoái, số người chết vì dịch bệnh trong một tuần đã giảm xuống dưới 10.000, nhưng đã tăng trở lại vào đầu tháng 12. Đến giữa tháng 1 năm nay, số người chết vì dịch được báo cáo đã lên tới 40.000 người trong một tuần, hơn một nửa trong số đó đến từ Trung Quốc nên số người chết thực sự ở Trung Quốc “chắc chắn cao hơn nhiều”.

AFP đưa tin rằng ngày 27/1, Ủy ban Khẩn cấp của WHO đã tổ chức cuộc họp thứ 14 (kể từ khi dịch bệnh bùng phát) để thảo luận về việc liệu đại dịch có nên duy trì ở mức cảnh báo toàn cầu cao nhất hay không.

WHO chưa thể dựa vào dữ liệu từ Trung Quốc

Vào tuần trước, ĐCSTQ đã công bố một loạt dữ liệu, ngày 25/1 Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc (CDC) cập nhật dữ liệu cho biết từ ngày 8/12/2022 đến ngày 19/1/2023 Trung Quốc có 72.596 ca tử vong nhập viện liên quan đến COVID-19, theo đó so với mức cao điểm ngày 5/1 thì số lượng bệnh nhân nhập viện giảm 85 % và bệnh nhân nặng giảm 72%.

Tuy nhiên, WHO không đưa hai dữ liệu đó vào báo cáo cập nhật hàng tuần về tình hình dịch bệnh toàn cầu. Theo tin từ Wall Street Journal (WSJ), WHO không chắc được về dữ liệu từ thông báo chung của Trung Quốc. Trong báo cáo mới nhất được công bố ngày 26/1, WHO đã đưa dữ liệu về tử vong do COVID-19 cùng các dữ liệu liên quan khác của Trung Quốc vào một phụ lục, chưa thể có được phân tích độc lập tình hình tại đây.

Trước đó, người phát ngôn Margaret Harris của WHO nói với WSJ: “Chúng tôi cần dữ liệu theo từng tuần để có những phân tích có ý nghĩa theo từng tuần”.

Nhiều chuyên gia không tin theo dữ liệu chính thức từ Trung Quốc

Trong toàn bộ thời kỳ dịch bệnh COVID-19, dữ liệu dịch bệnh chính thức do ĐCSTQ công bố đã bị thế giới bên ngoài nghi ngờ.

Trả lời tờ Epoch Times hôm 30/1, chuyên gia bảo tồn nước nổi tiếng Vương Duy Lạc nói rằng dữ liệu của ĐCSTQ không minh bạch và có sự khác biệt lớn giữa dữ liệu do nhà chức trách công bố và dữ liệu mà ông nhận được từ người thân và bạn bè. Ông nói: “Theo tôi tìm hiểu được, rất nhiều người mắc COVID-19, quá trình đó bùng phát chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, đột nhiên hầu như mọi người ở Trung Quốc đều bị COVID-19. [Tình hình Trung Quốc] không giống như phương Tây cả về mô hình và hệ số lây nhiểm, số người thiệt mạng chắc chắn cao hơn nhiều so với thông báo chính thức. Một số người bạn tốt của chúng tôi gần đây đã qua đời và họ còn ít tuổi hơn tôi. Dữ liệu về tình hình tử vong COVID-19 từ người thân và bạn bè của chúng tôi cho thấy nhiều hơn, dữ liệu (chính thức của ĐCSTQ) thấp hơn nhiều những gì chúng tôi biết”.

Ông Vương Duy Lạc cho hay ĐCSTQ nói rằng đỉnh dịch đầu tiên đã qua, nhưng cũng không cho biết đỉnh thứ hai đã đạt đến như thế nào. “Nếu nghiên cứu đỉnh này, hướng đường cong này lên trên sẽ thấy rằng đỉnh rất nhọn và con số đã tăng lên rất cao trong một khoảng thời gian ngắn”.

Tiến sĩ Matt Linley, trưởng bộ phận phân tích tại công ty dữ liệu y tế Airfinity của Anh, cho biết dữ liệu của Trung Quốc không bao gồm các trường hợp tử vong bên ngoài bệnh viện, và họ định nghĩa quá hẹp về trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19. Dữ liệu do phía Trung Quốc đưa ra nhìn chung không hữu ích cho việc hiểu tình hình hiện thực và nhiều dữ liệu chính thức gần đây không nhất quán.

Theo WSJ đưa tin, giáo sư dịch tễ học Ben Cowling tại Trường Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Hồng Kông ước tính số ca nhiễm mới nhất của Trung Quốc lên tới 1 tỷ người, ông nhận định nhà chức trách ĐCSTQ đánh giá quá thấp số ca nhập viện và tử vong liên quan đến COVID-19 của nước này.

Giáo sư dịch tễ Trương Tác Phong (Zhang Zuofeng) tại Đại học California, Los Angeles, tin rằng dịch bệnh ở Trung Quốc sẽ tiếp tục trong một thời gian dài sau khi đạt đỉnh mà nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố, thực trạng gia tăng du lịch tại Trung Quốc vào dịp Tết Nguyên đán có thể châm ngòi cho một đợt lây nhiễm mới ở nước này. Giáo sư Trương Tác Phong nói rằng rất khó để sử dụng dữ liệu chính thức của ĐCSTQ để ước tính bất cứ điều gì hiện nay.

Tại một cuộc họp ở Bắc Kinh vào đầu tháng 1, chuyên gia Tằng Quang (Zeng Guang) của Ủy ban Y tế Quốc gia ĐCSTQ cho biết rằng đỉnh điểm của dịch bệnh này tại Trung Quốc vẫn chưa qua và sẽ kéo dài hơn hai tháng. Ông nói với tờ WSJ rằng ngay cả khi số ca nhiễm bệnh và ca bệnh nặng ít hơn, hầu hết bệnh nhân cao tuổi dự kiến ​​sẽ mất hơn hai tháng để hồi phục và nhiều người có thể bị tái nhiễm và thậm chí tử vong.

Bức tranh thực tế

Chủ bán đồ tang lễ: Vòng hoa rải khắp đường, chết nhiều người quá

Ngày 29/1, tài khoản Twitter @tchigtvnews đăng tải đoạn video cho biết về một chủ doanh nghiệp tổ chức tang lễ đưa tin về cái chết của những người già ở vùng nông thôn Trung Quốc do dịch bệnh. Trong video, một người phụ nữ cho biết: “Hôm trước ở một ngôi làng có 13 người chết, ở một ngôi làng khác có 9 người chết”.

Tài khoản Twitter @tchigtvnews:

-“Dọc đường đầy vòng hoa người chết, thật sự là nhiều lắm! Kiếm được xe làm tang lễ rất khó, đồ cho người quá cố cháy hàng…”.

-“Cả đạo sĩ lo tang lễ cũng làm không xuể, thân nhân người quá cố rất khó mà tìm mời được họ. Thực sự là có quá nhiều (người chết)! Trong cả khu vực rộng lớn bao la hầu như hàng ngày thôn nào cũng có nhiều người già qua đời… Tôi cảm thấy thực sự khủng khiếp!”

Ngày 28/1 có đoạn video cho biết: “Hãy nhìn những ngôi mộ này có phải là mộ mới không?” Qua video cho thấy cảnh gần xa một số lượng lớn các ngôi mộ mới, nhiều ngôi mộ vẫn còn tro giấy sót lại.

Trong một video khác, người ta ghi lại cảnh những hàng mộ mới được thêm vào nằm trên cánh đồng ở vùng nông thôn Phụ Dương tỉnh An Huy: “Chỉ trong 3 ngày ở những ngôi làng xung quanh đã có 27 người qua đời”.

Phóng viên CNN đưa tin về vùng nông thôn Quý Châu

CNN đưa tin, gần đây, phóng viên người Trung Quốc Selina Wang và nhóm của cô đã đến một ngôi làng ở Quý Châu để cố gắng tìm hiểu tác động của dịch bệnh COVID-19 tại vùng nông thôn, nhưng ngay khi họ đến đó thì đã bị cơ quan chức năng ĐCSTQ theo dõi.

Theo mô tả của Selina Wang, sau khi đến Quý Châu, nhóm phỏng vấn bắt taxi đến làng Đại Lợi Đồng Trại ở Quý Châu, người lái xe taxi nói với họ rằng người nhà của anh ở làng quê ai cũng đã bị nhiễm COVID-19, không ít người thiệt mạng tại nhà vì không có tiền đi bệnh viện.

Selina Wang tình cờ gặp một nhóm thanh niên đang ăn lẩu và được nghe kể rằng “gần như tất cả dân làng đã bị nhiễm COVID-19”. Một trong những người trẻ tuổi là bác sĩ cho hay nhiều người bị các triệu chứng thực sự phù hợp với bị COVID-19 nhưng do không xét nghiệm nên cũng không thể nói họ chưa bị nhiễm.

Selina Wang chỉ ra rằng ngay khi nhóm phỏng vấn đến làng thì có 6 quan chức “chào đón” họ và theo sát nhóm, theo dõi “mọi hành động” của họ. Tại một bệnh viện công ở khu vực, nhóm của Selina Wang hỏi một y tá xem bệnh viện có đông không, cô y tá nói: “Ở đây lúc nào cũng đông, rất bận…”, nhưng có bác sĩ bệnh viện ngay lập tức làm gián đoạn cuộc trò chuyện của họ.

Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Anh (BBC) ngày 25/1 đưa tin rằng phóng viên BBC Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán đã đến thăm các vùng nông thôn ở phía bắc tỉnh Sơn Tây. Những người buôn bán quan tài địa phương cho hay vài tháng gần đây không lúc nào ngớt đơn hàng, quan tài thường xuyên trong tình trạng hết hàng, nhu cầu trang trí tang lễ cũng tăng cao, doanh số bán ra gấp 2 – 3 lần ngày thường.

Phóng viên lái xe dọc theo con đường ở vùng nông thôn và phát hiện vô kể những ngôi mộ mới. Một nông dân chăn cừu xác nhận đây là những ngôi mộ mới, “Cha mẹ tôi mất rồi, chôn ở đây, quá nhiều người chết”.

Phóng viên cũng phát hiện ra rằng do ở các vùng nông thôn thiếu cơ sở y tế nên những người chết tại nhà không được đưa vào thống kê, nhà chức trách Trung Quốc thậm chí còn chưa đánh giá số người chết vì COVID-19 ở nông thôn.