Tờ The Guardian (Anh) hôm 19/2 đưa tin, các nhà phân tích và hoạt động nhân quyền cho rằng cuộc khủng hoảng dịch bệnh do virus corona mới là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với chính quyền Bắc Kinh kể từ sau sự kiện Lục Tứ năm 1989. Để củng cố và bảo vệ chế độ, Bắc Kinh không ngừng tiến hành kiểm soát tự do ngôn luận, nhưng hành động này có thể sẽ phản tác dụng.

Embed from Getty Images

Ảnh: Theo The Guardian, việc Bắc Kinh kiểm soát tự do ngôn luận về dịch bệnh có thể phản tác dụng và dẫn đến bất ổn xã hội

Bắc Kinh không ngừng kiểm soát tự do ngôn luận

Ngày 20/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra chỉ thị cần phải kiên quyết ngăn chặn tình hình dịch bệnh do virus corona mới ở Vũ Hán. Ngay sau đó, thành phố này bị đóng cửa vào ngày 23/1, tiếp nối là hàng triệu khu vực cộng đồng ở Trung Quốc cũng đang áp dụng các biện pháp kiểm soát quản lý khép kín và nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, The Guardian dẫn lời các nhà phân tích nhận định rằng, mặt trái của việc cưỡng chế thực thi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, chính là dẫn đến vi phạm nhân quyền trên toàn quốc. Nhiều hình ảnh đáng lo ngại đã xuất hiện trên các mạng xã hội: một số người vì không đeo khẩu trang mà bị phạt quỳ, bị còng tay, thậm chí bị đánh đập. Cảnh sát thậm chí còn dùng các thanh kim loại chặn bên ngoài nhà dân để ngăn không cho ai đi ra ngoài.

The Guardian dẫn lời một người dân Vũ Hán giấu tên nói rằng: “Mọi người bị trói buộc trong nỗi sợ hãi và lo lắng, chúng tôi rất tức giận, vì thảm họa này hoàn toàn do con người tạo ra”; “Nếu như các bác sĩ như Lý Văn Lượng không bị bắt vì ‘lan truyền tin đồn’, nếu như chính quyền không rêu rao rằng dịch bệnh đã được kiểm soát, thì hết thảy thảm kịch này có để sẽ không diễn ra…”

Bác sĩ Lý Văn Lượng là người đầu tiên lên tiếng cảnh báo về dịch bệnh trước khi COVID-19 bùng phát dữ dội tại Vũ Hán. Nhưng ông đã bị chụp mũ “lan truyền tin đồn” và bị bắt giữ. Sau này, đến khi ông nhiễm bệnh và qua đời, có cư dân mạng phát hiện rằng, lên Baidu tra cứu thông tin về bác sĩ Lý, tin tức về việc ông bị cảnh sát bắt giữ trên các kênh truyền thông đã bị ẩn đi. Tin tức về việc “8 người tung tin đồn về dịch viêm phổi Vũ Hán bị điều tra” cũng đã bị xóa đi.

Có thể thấy rằng, việc chính quyền Bắc Kinh che giấu thông tin đã khiến cho tình hình dịch bệnh lây lan nhanh chóng và trở nên mất kiểm soát. Số lượng ca nhiễm bệnh và tử vong tăng nhanh từng ngày. Nhân viên y tế và thậm chí cả nhân viên tang lễ đã được điều động từ các khu vực khác tới Vũ Hán hỗ trợ. Thậm chí, các lò đốt di động” – “container xử lý rác thải và thi thể động vật” cũng được dùng để chi viện cho Vũ Hán. 

Không ai biết được điều gì đang thực sự diễn ra tại Vũ Hán. Trong khi các nước trên thế giới hết sức quan ngại về tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh vẫn tiếp tục không công bố thông tin minh bạch về tình hình dịch bệnh ở nước này và thậm chí càng kiểm soát dư luận chặt chẽ hơn. 

Bắc Kinh thậm chí còn tấn công các phương tiện truyền thông quốc tế dám coi Trung Quốc là “con bệnh của châu Á“. Sau khi The Wall Street Journal đăng bài bình luận có tiêu đề Trung Quốc – con bệnh thực sự của châu Áhôm 03/02, Trung Quốc đã thu hồi thẻ báo chí của ba phóng viên báo WSJ, yêu cầu họ rời Trung Quốc trong 5 ngày vì bài báo liên quan đến dịch bệnh COVID-19.

Làn sóng phản đối có thể dẫn đến bất ổn chính trị

Bà Vương Á Thu (Wang YaQiu), một nhà nghiên cứu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói với BBC: “Chính phủ độc tài Trung Quốc có lịch sử đàn áp và giam giữ những công dân nói sự thật hoặc chỉ trích chính quyền trong các tình huống nguy cấp cộng đồng. Ví dụ như dịch SARS năm 2003, trận động đất Vấn Xuyên năm 2008, vụ tai nạn tàu hỏa Ôn Châu năm 2011 và vụ nổ hóa chất ở Thiên Tân năm 2015.” Bà nói rằng Trung Quốc cần “học hỏi kinh nghiệm và hiểu rằng tự do thông tin, minh bạch và tôn trọng quyền con người sẽ giúp chứ không cản trở việc kiểm soát dịch bệnh”. 

Thế nhưng, theo The Guardian, chính quyền Trung Quốc dường như không học được bài học nào từ quá khứ. Bắc Kinh đã thẳng tay bắt giữ những ai chỉ trích chính quyền dưới cái cớ “kiểm soát dịch bệnh”. Mới đây, chính quyền Vũ Hán thậm chí còn ban hành một nghị định mới, tuyên bố các trường hợp che giấu nhiễm bệnh sẽ bị trừng phạt, đồng thời cũng cảnh cáo những ai “chế tạo”“tung tin đồn” sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.

Ông Phương Bân, người Vũ Hán đã bất chấp nguy hiểm đến nhiều nhà tang lễ và bệnh viện ở Vũ Hán để quay lại tình hình thực tế và đăng tải lên internet. Tại Bệnh viện Số 5 Vũ Hán, ông đã quay được cảnh 8 thi thể được đưa ra chỉ trong 5 phút, đập tan bức màn sắt che giấu sự thật của ĐCSTQ, gây chấn động trong và ngoài nước. Vào ngày 4/2, Phương Bân đã phát động chiến dịch “hỗ trợ lẫn nhau” trên internet. Thậm chí  ngày 7/2 đã nâng cấp thành phong trào toàn dân chống độc tài, kêu gọi tất cả các lực lượng chống ĐCSTQ cùng đoàn kết lại, người Trung Quốc không còn đường lùi, “chế độ chuyên chế không thể tiếp tục, chắc chắn chúng ta chiến thắng.”

Sau khi Tập Cận Bình hôm 4/2 kêu gọi “ tăng cường kiểm soát truyền thông và Internet”, một trong những người chỉ trích ông Tập mạnh mẽ nhất là giáo sư Hứa Chương Nhuận. Ông đã viết bài bình luận táo bạo “Khi người dân phẫn nộ không còn sợ hãi” đăng ngày 4/2 làm xôn xao giới trí thức Trung Quốc. Bài bình luận của ông chỉ trích hệ thống kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ, chỉ trích việc kiểm duyệt thông tin, phê phán nền chính trị bạo ngược, suy đồi đạo đức, sẵn sàng hy sinh người dân để bảo vệ lợi ích của Đảng, đồng thời báo hiệu sự sụp đổ và thời khắc lập hiến đang đến. Theo thông tin từ bạn bè của giáo sư Hứa, hiện ông đã bị cảnh sát quản thúc tại gia trong nhiều ngày, xóa tài khoản mạng xã hội, và cắt mạng Internet tại nhà.

Một sự kiện nữa khiến cư dân mạng dậy sóng chính là cái chết của “người thổi còi” dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán – bác sĩ Lý Văn Lượng. Mặc dù chính quyền địa phương và các kênh truyền thông không tiếc những lời chia buồn “sâu sắc” trước cái chết của bác sĩ Lý, nhưng sự ra đi của ông đã đưa đến làn sóng phẫn nộ và yêu cầu tự do ngôn luận chưa từng thấy của cư dân mạng trên khắp Trung Quốc đối với chính quyền Bắc Kinh. 

Theo thống kê từ Initium Media, chỉ trong vài giờ đồng hồ ngắn ngủi, hashtag “Chúng tôi muốn tự do ngôn luậnđã có tới hơn 2 triệu lượt xem và hơn 8.000 bài đăng trên Weibo. Ngay khi nó bị kiểm duyệt, hashtag khác cứng rắn hơn “Chúng tôi yêu cầu tự do ngôn luận” lập tức xuất hiện thay thế, cho dù sau đó cũng bị kiểm duyệt cắt bỏ. 

Hàng trăm nhà trí thức tại Vũ Hán và khắp Trung Quốc cũng đã đồng loạt viết thư ngỏ yêu cầu Chính quyền ĐCSTQ thực thi các điều khoản về tự do ngôn luận đã được quy định trong Hiến pháp. 

Chưa kể đến, trong dịch bệnh, vô số những người dân tuyệt vọng cùng cực đã bất chấp cả nguy hiểm tính mạng mà lên tiếng phơi bày thực trạng đau thương ở Vũ Hán, “lên án tin tức CCTV toàn là giả dối”.

Ngày 14/2 người dân Vũ Hán đã khởi xướng hoạt động toàn dân gào thét”, từ video được cư dân mạng chia sẻ cho chúng ta thấy rằng những người Vũ Hán không chỉ đang dũng cảm đối mặt với COVID-19 mà còn đang sẵn sàng chống lại ĐCSTQ, đông đảo mọi người đã hét lên: toàn dân phản kháng, trả lại chính quyền cho dân, lật đổ độc tài. Hoạt động này được ca ngợi là “phát súng đầu tiên toàn dân phản kháng”. 

Johnny Lau, một nhà bình luận cao cấp về các vấn đề chính trị của Trung Quốc, cũng nói rằng việc chính quyền Trung Quốc thắt chặt kiểm soát tự do ngôn luận là nhằm đảm bảo quyền lãnh đạo không thể lay chuyển của Đảng, nhưng điều này sẽ dẫn đến bất ổn chính trị và xã hội. Ông nói: “Khi người ta bị vây hãm trong bóng tối, không còn tin vào Chính phủ, sự bất mãn của họ sẽ có thể dẫn đến phong trào kháng nghị khôn lường.”

Minh Ngọc (T/h)