Thiên Tân, một trong những cảng biển bận rộn nhất thế giới với trung tâm thành phố là nơi đặt văn phòng của hàng trăm công ty đa quốc gia, gồm khá nhiều công ty nằm trong danh sách Fortune 500, vừa mất đi hai vị lãnh đạo cao cấp.

Vào ngày 10/9, Ủy ban Kỷ luật Trung ương (UBKL) tuyên bố ông Hoàng Hưng Quốc, Thị trưởng và quyền Bí thư Thiên Tân bị điều tra vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, một lý do thường được cho là có liên quan đến tham nhũng.

Ông Doãn Hải Lâm, phó thị trưởng Thiên Tân, cũng đã bị bắt với cùng lý do vào ngày 22/8. Vẫn chưa có thông báo nào về việc ai sẽ thay hai ông này.

Tham nhũng, hủ bại có vẻ như là nguyên nhân cho việc các lãnh đạo đứng đầu Thiên Tân bị bắt, tuy nhiên lý do thực sự có thể là chính trị. Hoàng và Doãn được cho là thuộc về phe của ông Giang Trạch Dân, cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Thành phố Thiên Tân trong nhiều năm hoạt động không có sự giám sát chặt chẽ, các vụ án tham nhũng và scandal vẫn luôn bị lộ. Tuy nhiên, năm nay, ông Tập Cận Bình dường như đang nhắm mục tiêu đến ông Giang Trạch Dân. Việc thanh trừng hai ông Hoàng và Doãn vào thời gian ngay trước một cuộc họp quan trọng của ĐCSTQ vào tháng 10 có mục đích răn đe các đồng minh thuộc phe Giang.

Mối liên hệ bè phái

Ông Doãn Hải Lâm, 56 tuổi, được cho là có quan hệ chính trị với ông Trương Cao Lệ, Thường ủy viên Bộ chính trị và từng là Thị trưởng Thiên Tân, được biết đến là một đồng minh của ông Giang Trạch Dân.

Ông Doãn cũng là Chủ nhiệm của Phòng Quy hoạch thành phố Thiên Tân khi ông Trương còn đang là Bí thư của Thành ủy Thiên Tân, đã giúp ông Trương xây dựng khu vực Tân Hải, một vùng kinh tế giàu có. Các công ty lớn trên thế giới như Airbus, Motorola, Rockefeller và Tishman Speyer đều đặt văn phòng ở khu Tân Hải.

Tháng 5/2012, ông Doãn được bổ nhiệm làm Phó thị trưởng Thiên Tân. Ông Trương Cao Lệ, người chuyển lên làm Thường ủy viên Bộ chính trị từ tháng 10/2012, được cho là đã thực hiện việc đề bạt ông Doãn.

Ông Hoàng Hưng Quốc, 61 tuổi, là Thị trưởng của Thiên Tân khi ông Trương là lãnh đạo thành ủy năm 2007, và cả hai có mối quan hệ công việc vô cùng khắng khít.

Một vài người phân tích cho rằng ông Hoàng có liên hệ với ông Tập Cận Bình do thời gian hai người cùng công tác tại tỉnh Chiết Giang. Ông Hoàng cũng từng bày tỏ thái độ đề cao ông Tập là lãnh đạo “trung tâm” của đảng vào cuối tháng Sáu vừa rồi.

Tuy nhiên, mối quan hệ của ông Hoàng với ông Giang Trạch Dân có vẻ sâu đậm hơn. Theo truyền thông tiếng Trung hải ngoại, tờ Đa Duy, năm 1998, khi ông Hoàng còn là Bí thư của thành phố Ninh Ba, phía Đông Trung Quốc, ông này đã treo rất nhiều ảnh chân dung lớn của ông Giang ở đầu các con đường cao tốc vào thành phố để thể hiện sự trung thành. Tờ Đa Duy cũng báo cáo rằng ông Hoàng là một phần của “bang Thượng Hải” nổi tiếng của ông Giang.

Các bước chuẩn bị

Việc tước quyền đột xuất hai vị lãnh đạo cấp cao của Thiên Tân sẽ giúp cho ông Tập Cận Bình có lợi thế về chính trị với các đối thủ trong cuộc họp cấp cao sắp tới của ĐCSTQ.

Vào tháng 7, ông Tập công bố phiên họp thứ 6 (Lục Trung Toàn Hội) của Đại hội 18 sẽ giải quyết các “vấn đề quan trọng trong việc nghiêm trị kỷ luật trong Đảng”. Những “lãnh đạo tổ chức và đoàn thể tại tất cả các cấp, cũng như các lãnh đạo cấp cao của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, cũng như Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị” phải “đồng điệu đời sống chính trị của mình trong khuôn khổ của Đảng”. Công bố này được cho là sớm bất thường vì thường lịch trình chỉ được đặt vào 1 hay 2 tuần trước khi phiên họp khai mạc vào tháng 10.

Gần đây, việc thông qua các điều lệ mới của ĐCSTQ trong đó cho phép quy kết trách nhiệm cho các lãnh đạo về việc làm sai trái của thuộc cấp, được giới phân tích cho rằng sẽ được dùng để tấn công ông Giang Trạch Dân và ông Tăng Khánh Hồng.

Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình có vẻ như đang trong quá trình sắp xếp để đảm bảo các đối thủ chính trị trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị sẽ không thể ngăn cản việc bắt hai biểu tượng chính trị của họ.

Cú tấn công vào Thị trưởng và Phó thị trưởng Thiên Tân có thể là một đòn kiểm tra ông Trương Cao Lệ, để gây sức ép cho ông Trương phải bầu hạ bệ ông Giang trong phiên họp vào tháng 10.

Cũng có nhiều tin đồn về việc ông Trương Đức Giang, một thường ủy viên khác của Bộ Chính trị, chịu trách nhiệm theo dõi các vấn đề Hồng Kông, một người của phe cánh ông Giang Trạch Dân, cũng đang có dấu hiệu bị cảnh cáo. Các đơn vị thanh tra đang điều tra tham nhũng tại Văn phòng Điều phối tại Hồng Kông, cũng như Phòng Sự vụ Hồng Kông, Ma Cao.

Tờ “Tranh Minh” của Hồng Kông trước đây từng đưa tin, ông Lưu Kỳ Bảo, một thân tín của Thường ủy viên Bộ Chính trị Lưu Vân Sơn, đã bị điều tra suốt từ đầu năm 2015. Nếu ông Lưu Kỳ Bảo bị bắt vào trước tháng 10 này thì đó có vẻ sẽ là một đòn nhắm vào ông Lưu Vân Sơn.

Nhắm vào ông Giang Trạch Dân

Ngày 14/6 vừa qua, luật sư nhân quyền tại Thượng Hải ông Trịnh Ân Sủng tiết lộ cho báo tiếng Trung tại hải ngoại rằng cha con ông Giang Trạch Dân đã bị giam lỏng tại gia. Ông Trịnh Ân Sủng nói, theo nguồn tin từ một người thuộc cấp Thứ trưởng trở lên cung cấp cho ông, ông Giang Trạch Dân đã không còn được cho phép tham gia các lễ hội và lễ chúc mừng. Ngoài ra, những cảnh sát đang giám sát ông Trịnh Ân Sủng cũng chủ động bàn tán về tin tức này.

Ông Giang Trạch Dân chưa từng xuất hiện trước công chúng kể từ mùa đông năm 2015. Ông này cũng không gửi hoa viếng một người thân hữu vào cuối tháng Bảy vừa qua. Trước sinh nhật lần thứ 90 của ông Giang vào tháng 8, cảnh sát cũng cảnh cáo những người ủng hộ ông này tổ chức ăn mừng.

Tự Minh

Xem thêm