Một phụ nữ nông thôn Trung Quốc vì túng quẫn đã giết 4 con của mình sau đó tự sát. Chồng của cô sau khi lo hậu sự cũng tự tử theo gia đình.

3 con bò, lý do chính để hủy bỏ trợ cấp hộ nghèo cho gia đình chị Dương Cải Lan.
3 con bò, lý do chính để hủy bỏ trợ cấp hộ nghèo cho gia đình chị Dương Cải Lan.

Ngày 26/8, Dương Cải Lan, 28 tuổi, người huyện Khang Lạc, tỉnh Cam Túc sau khi dùng rìu giết chết 4 con của mình đã uống thuốc độc tự sát. Một tuần sau đó, chồng của chị Lan sau khi lo hậu sự cho gia đình cũng đã uống thuốc trừ sâu tự vận. Vụ thảm cảnh này đã làm chấn động xã hội Trung Quốc.

Nguyên nhân là do có cán bộ thôn báo cáo nhà của chị Lan có 3 con bò, nên gia đình chị bị gạt tên ra khỏi danh sách được nhận tiền trợ cấp hộ nghèo của huyện. Số tiền này được chuyển cho một hộ gia đình khác khá giả hơn. Người trong thôn nói rằng trong 3 con bò đó, 2 con là dùng để cày ruộng, con còn lại chưa đủ lớn, vậy nên nếu cắt trợ cấp thì gia đình chị Lan không có biện pháp để xoay sở.

Ngày 16/9, chính quyền huyện Khang Lạc, Cam Túc công bố, do vụ việc có ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, các quan chức có liên quan không thể không chịu trách nhiệm. Ban kỷ luật của huyện và cơ quan điều tra đã đề xuất xử lý các quan chức thi hành chính sách tại cả ba cấp huyện, trấn và thôn. Huyện phó huyện Khang Lạc, Mã Vĩnh Trung cùng 6 người khác đã bị xử lý ở nhiều mức khác nhau.

Dương Cải Lan có phải là trường hợp đặc biệt?

Cái chết của 6 người nhà chị Lan đã làm xã hội Trung Quốc đau thương, phẫn nộ, nghi hoặc và sốc… Nhiều người tự hỏi, chị dùng cách này để từ giã cõi đời liệu có phải là một cách làm cực đoan không?

Gần đây, một bài viết trên mạng xã hội tiếng Trung có tên “Con sâu cái kiến trong thời thịnh thế” đã chất vấn các quan chức rằng: “Nếu như Dương Cải Lan không bị dồn đến đường cùng phải làm cái việc “tự ngã diệt gia” thì liệu ai có thể tin được trong cái thời “thịnh thế” này còn có người phải rơi vào tình cảnh bi đát đến mức như vậy?”

Truyền thông nhà nước “Thời báo Hoàn Cầu” ngay lập tức đăng bài bình luận của Đan Nhân Bình có tiêu đề “Dương Cải Lan không phải là vụ việc phức tạp đến thế”. Trong đó nói rằng chị Lan phải chịu trách nhiệm chính, cũng như phải bị phê phán đạo đức về chuyện này. Bài viết nói Trung Quốc mấy chục năm gần đây là quốc gia thành công nhất thế giới trong việc hỗ trợ người nghèo, tuy nhiên vì quá rộng lớn nên có chỗ rò rỉ là việc không thể tránh được.

Sau đó, Đài Á Châu Tự Do đăng bài bình luận “Vì sao Dương Cải Lan đi vào tuyệt cảnh?” để đáp lại những lời lẽ “máu lạnh” của tờ “Thời Báo Hoàn Cầu”. Bài viết cho rằng:

“Truyền thông nhà nước chỉ luôn đứng về phía chính quyền. Vụ việc bi thảm thế này có nguyên nhân từ chính quyền tham nhũng hủ bại mà ra. Ở Trung Quốc không có việc thực sự hỗ trợ cho hộ nghèo. Tiền rơi vãi khắp nơi, nhưng không hề có tiền nào được dùng để quan tâm những người đang sống dưới tầng đáy khốn cùng. Người dân sống trên đất của mình, vì bần cùng mà phải chọn cách cực đoan. Nói một câu quốc gia quá rộng lớn, có chỗ rò rỉ là việc không thể tránh để giải thích có phải là cách lấp liếm thái quá không? Liệu có ai đang sống một cuộc sống bình thường có thể giết tất cả con mình rồi tự sát không? Sự việc này không phải cần suy nghĩ cho thấu đáo hơn sao?”

Bài viết cũng nhận định, ở nông thôn Trung Quốc có rất nhiều địa phương rơi vào 2 nạn lớn là bất công và tham nhũng. Trường hợp của chị Dương Cải Lan hoàn toàn không phải là trường hợp cá biệt.

Một tờ báo khác ở Đại Lục tiết lộ, gia đình chị Lan sau khi bị mất xếp hạng hộ nghèo, thì phần trợ cấp đã được chuyển cho anh họ và cháu trai của bí thư thôn.

Gia cảnh nhà chị Dương Cải Lan.
Gia cảnh nhà chị Dương Cải Lan.

Phát biểu trên chương trình “Bình luận thời sự” của VOA, chuyên gia nghiên cứu chính sách Hạ Nghiệp Lương cho biết, vụ việc phản ánh sự yếu kém trầm trọng của chế độ phúc lợi và cơ chế cứu trợ của Trung Quốc, cũng như việc có sự phớt lờ vô cảm với đời sống nhân dân.

Anh xa hoa, tôi bần cùng

Nhà bình luận nổi tiếng Thái Thận Khôn có viết bài “Anh xa hoa, tôi bần cùng”, trong đó có viết:

“Ở Trung Quốc, trường hợp bần cùng như gia đình Dương Cải Lan không phải là duy nhất. Năm 1985, mức nghèo đói được quy định là thu nhập mỗi người hàng năm 200 nhân dân tệ. Đến năm 2009, tiêu chuẩn này tăng lên là 1196 tệ. Năm 2012 thì lại tăng lên lần nữa thành 2300 tệ. Như vậy trong 26 năm, tiêu chuẩn được nhận hỗ trợ đói nghèo tăng 11 lần.

Tuy nhiên, tính từ những năm 80 của thế kỷ trước đến nay, thu nhập tài chính của Trung Quốc tăng 103 lần. Từ năm 1979 đến năm 2009, GDP của Trung Quốc tăng 93,41 lần. Từ năm 1985 đến năm 2010, tổng cung ứng tiền của Trung Quốc tăng 814 lần. Vậy mà tiêu chuẩn hỗ trợ đói nghèo chỉ tăng 11 lần?”

Nhà bình luận thời sự Viên Bân cũng cho đăng bài “Ai quan tâm đến người bần cùng chứ?”, trong đó có liệt kê các công trình, sự kiện chủ yếu để lấy thể diện với bên ngoài: Olympic 800 tỷ tệ, 600 tỷ tệ cho World Expo, mua trái phiếu Mỹ 400 tỷ tệ, chi viện 60 tỷ đô-la cho châu Phi, miễn nợ quá hạn cho Zimbabwe 40 triệu đô-la, viện trợ cho Venezuela 25 tỷ đô-la, cho Ecuador 7,5 tỷ đô-la, cho Pakistan 46 tỷ đô-la, cho Nga 31,8 tỷ đô-la, cho Brazil 53 tỷ đô-la, cho Myanmar 20 tỷ đô-la. Chi phí điều trị cho cán bộ hết 600 tỷ tệ, chi phí cho G20 hết 200 tỷ tệ v.v.

Bài viết nhận định, nếu chính quyền Trung Quốc giảm bớt các chi tiêu lãng phí thì nhất định sẽ không có những trường hợp như chị Dương Cải Lan.

Đài BBC của Anh ngày 16/9 cũng nhận định, xử lý một vài quan chức địa phương là đúng trách nhiệm, tuy nhiên liệu sau đó có giải quyết được các vấn đề còn tồn tại trong công tác hỗ trợ người nghèo trên toàn quốc không mới là vấn đề đáng quan tâm hơn cả.

Những thảm cảnh tương tự trong xã hội Việt Nam cũng không phải là ít. Ngày 15/9 vừa qua, TAND TP Hà Nội xử chị Nguyễn Thị Sự (SN 1972, ở Sóc Sơn, Hà Nội) 18 năm tù vì tội giết người. Chồng mất, nợ nần chồng chất nên chị Sự giết chết con trai của mình với ý định lo hậu sự xong sẽ tự tử cùng con gái để 3 mẹ con được ở cùng nhau. Một phiên tòa ràn rụa nước mắt của bị cáo, người xem và cả luật sư bào chữa.

Trước đó, ngày 24/4/2013, chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân, 38 tuổi, ngụ ấp 5, xã An Xuyên, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã quyết định tự vận để mong kiếm được ít tiền phúng điếu và gia đình được cấp sổ hộ nghèo. Trong lá thư để lại, chị nhắn chồng đi xin hòm về liệm, dành tiền đóng tiền học cho con.

Tự Minh

Xem thêm: