Hai cuộc đại diễu hành quy mô lớn với sự tham gia của hàng triệu người Hồng Kông nhằm phản đối Luật dẫn độ đã làm bùng phát khủng hoảng tại Hồng Kông, đồng thời gây chấn động giới quan chức cao cấp tại Trung Nam Hải. Có thông tin cho rằng, ông Tập Cận Bình hết sức bất mãn trước tình hình ở Hồng Kông và còn chỉ trích tổ công tác của ông Hàn Chính đã không đưa ra sách lược đúng đắn để giải quyết vấn đề.

bieu tinh 1
Ngày 9/6, hơn 1 triệu người Hồng Kông đã xuống phố diễu hành nhằm phản đối chính phủ Hồng Kông sửa đổi pháp lệnh về Luật dẫn độ và yêu cầu bà Carrie Lam từ chức. (Ảnh: EpochTimes)

Ngày 9/6, khoảng 1,03 triệu người Hồng Kông đã xuống đường biểu tình phản đối Luật dẫn độ, nhưng Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam vẫn nhấn mạnh rằng chính phủ kiên trì đến cùng với dự thảo sửa đổi. Đến ngày 12/6, khi dự thảo được đưa ra bàn luận tại cơ quan lập pháp, hàng chục nghìn người biểu tình đã bao vây Hội đồng Lập pháp, yêu cầu triệt để xóa bỏ Luật dẫn độ. Tuy nhiên, những người biểu tình đã bị cảnh sát khống chế và dùng vũ lực nhằm giải tán đám đông, khiến ít nhất 72 người bị thương. Sự việc này gây chấn động quốc tế, nhiều quốc gia đã lên tiếng chỉ trích hành vi bạo lực của chính phủ Hồng Kông.

Mặc dù vào ngày 15/6, Chính phủ Hồng Kông tuyên bố tạm hoãn sửa đổi Pháp lệnh người tội phạm bỏ trốn, nhưng đến ngày 16/6, khoảng 2 triệu người Hồng Kông tiếp tục tổ chức đại diễu hành quy môn lớn nhằm phản đối Luật dẫn độ. Đến ngày 1/7, nhân kỷ niệm 22 năm Hồng Kông được Anh trao trả chủ quyền cho Trung Quốc, hơn 550 nghìn người một lần nữa xuống đường để kháng nghị hòa bình. Cùng ngày, những người biểu tình đã chiếm lĩnh Tòa nhà Hội đồng Lập pháp. Gần đây nhất, ngày 7/7, 230 nghìn người lại tuần hành ở Cửu Long nhằm biểu tình phản đối điều luật này.

Trước làn sóng phản đối của người dân Hồng Kông, nhiều kênh truyền thông đưa tin ông Hàn Chính, Ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, đồng thời cũng là người chịu đứng đầu tổ công tác của Trung ương phụ trách các vấn đề về Hồng Kông và Ma Cao, đã hai lần tới thành phố Thâm Quyến ở phía Nam Trung Quốc để thảo luận các biện pháp đối phó.

Tờ Apple Daily của Hồng Kông ngày 12/7 đưa tin, chỉ trong vòng nửa tháng, ông Hàn Chính đã hai lần xuống phía Nam. Tình huống này rất hiếm gặp và không khó để nhận thấy tính nghiêm trọng của sự việc.

Bài báo cho hay, ông Tập Cận Bình không chỉ bất mãn với Văn phòng Liên lạc của chính phủ trung ương (Liaison Office) ở Hồng Kông cũng như Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông – Macao, mà còn có “vài lời” về tổ công tác phụ trách các vấn đề Hồng Kông – Ma cao của ông Hàn Chính.

Hiện tại, nhiều cơ quan của chính phủ trung ương đang thu thập thông tin từ các bên và dự kiến sẽ điều chỉnh ​​chính sách về Hồng Kông. Bài báo cũng tiết lộ, Văn phòng Liên lạc cùng Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông – Macao sẽ có sự thay đổi nhân sự trong tương lai. Theo diễn biến của tình hình, Bắc Kinh sự định sẽ giao cho Bộ Ngoại giao chỉ đạo hoàn toàn sự việc. Hai văn phòng liên quan đến Hồng Kông đều đứng bên ngoài vụ việc.

Trước đó, một kênh truyền thông thân ĐCSTQ đã dẫn một nguồn tin thân cận với Bắc Kinh cho hay, “làn sóng tháng 6” phát triển đến cục diện ngày hôm nay, khiến giới lãnh đạo cao cấp của ĐCSTQ cảm thấy sách lược điều hành có sai sót lớn. Các cơ quan liên đới đến Các vấn đề Hồng Kông như Văn phòng Liên lạc, Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông – Macao, thậm chí nhiều đơn vị công an đều bị kiểm điểm sâu sắc.

Được biết, chính quyền Trung Quốc vẫn không ngừng cố gắng thắt chặt kiểm soát Hồng Kông. Để đạt được mục tiêu này, Chủ nhiệm Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông – Macao Trương Hiểu Minh đã soạn ra dự thảo sửa đổi Pháp lệnh người phạm tội bỏ trốn, sau đó thảo luận với Văn phòng Liên lạc và Chính phủ Hồng Kông. Cuối cùng, Chính phủ Hồng Kông mới chính thức đề xuất sửa đổi.

Sau hàng loạt các cuộc biểu tình phản đối Luật dẫn độ, đến ngày 9/7, Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam đã gặp gỡ các phóng viên trước khi tham dự hội nghị hành chính theo thường lệ của chính phủ. Trong cuộc họp báo, bà đã lần đầu tiên thừa nhận dự luật này “thất bại hoàn toàn”, chính thức tuyên bố “Dự luật đã chết”. Tuy nhiên, bà vẫn không khẳng định dự luật này đã bị xóa bỏ hoàn toàn.

Trước tuyên bố của bà Lam, các nhà dân chủ và giới học thuật đều không tiếp thụ, cho rằng bà đang dùng “kỹ thuật ngụy tạo” trong ngôn ngữ hòng đánh lừa người dân Hồng Kông chứ không có giá trị pháp lý. Họ tin rằng các cuộc biểu tình sẽ còn tiếp tục không ngừng trong thời gian tới.

Minh Ngọc

Xem thêm: