Theo dự đoán của chuyên gia phân tích tình hình chính trị Trung Nam Hải Tân Tử Lăng (Xin Ziling), năm 2017, trong ba Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc thuộc phe cánh của ông Giang Trạch Dân sẽ có người ‘thoái vị’ trước Đại hội 19.

Ông Tân Tử Lăng, chuyên gia trong thể chế quyền lực của Trung Quốc cho biết UBKLTW Trung Quốc sắp có hành động quan trọng trong tháng 1/2017. Trong ba Ủy viên Thường vụ phái Giang sẽ có người thoái vị trước Đại hội 19.
Ba Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc gồm ông Trương Cao Lệ (trái), ông Trương Đức Giang (giữa) và ông Lưu Vân Sơn (phải)

Vào thời điểm chuyển giao sang năm mới 2017, Trung Nam Hải lại triệu tập họp Bộ Chính trị và công bố “trạng thái áp đảo trong chống tham nhũng” của ông Tập Cận Bình đã hình thành, sẽ mở Hội nghị toàn thể Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (UBKLTW) trong ngày 6 – 7/1/2017.

Tình thế áp đảo trong chống tham nhũng đã hình thành

Gần năm mới 2017, Trung Nam Hải liên tục triệu tập hội nghị. Ngày 28/12, ông Tập Cận Bình triệu tập hội nghị Bộ Chính trị lần thứ hai trong tháng, được giới quan sát nhận định là động thái khá hiếm thấy. Hội nghị nghe Báo cáo Công tác UBKLTW năm 2016 và nghiên cứu bố trí công tác chống tham nhũng năm 2017.

Trả lời phỏng vấn trên truyền thông ngoài Trung Quốc, ông Tân Tử Lăng, cựu Giám đốc Nhà Xuất bản Học viện Quân sự cho biết: “Điểm sáng trong hội nghị lần này nằm ở phát biểu của ông Tập Cận Bình, theo đó ông Tập nhận định: Tình thế mang tính áp đảo trong chống tham nhũng đã hình thành”.

Ông Tân Tử Lăng cho rằng, ông Tập Cận Bình là người rất cẩn trọng trong cách dùng từ ngữ: “Vào năm 2014, khi bắt Chu Vĩnh Khang và Từ Tài Hậu nhiều người cảm thấy ông Tập quá quyết đoán, nhưng ông ấy vẫn nói tình thế còn hạn chế. Năm 2015, ông Tập Cận Bình vẫn tiếp tục nhận định tình thế áp đảo chưa định hình, dù khi đó đã bắt ông Quách Bá Hùng”.

Ông Tân Tử Lăng nói: “Cho đến giờ ông Tập Cận Bình mới nhận định thế áp đảo đã hình thành. Đây là bước chuyển quan trọng…”.

Chuyên gia này chia sẻ: “Trước Đại hội 18, ông Lý Nguyên Triều đã thực hiện điều tra và phát hiện, trên 85% số Ủy viên Trung ương, ủy viên dự khuyết và Ủy viên UBKLTW có người thân (vợ hoặc con cái) định cư và mua nhà nước ngoài. Có thể nói, sau sự kiện Thiên An Môn (1989) và ông Giang Trạch Dân lên cầm quyền thì số quan chức hủ bại bắt đầu phát triển nhanh. Vì thế tại hội nghị hồi tháng Sáu, ông Tập Cận Bình đã nói, phải thừa nhận Đảng của chúng ta đã đứng bên bờ vực sụp đổ”.

Vì thế theo ông Tân Tử Lăng, Đại hội 19 sẽ là đợt cải tổ quan trường mạnh mẽ chưa từng có, sẽ làm mới lại bộ máy quan chức: “Tùy theo mức vi phạm nặng hay nhẹ, ai còn có thể giữ được thì cho thử thách thêm một thời gian. Sẽ thay mới nhiều người thuộc những vị trí quan trọng…”, chuyên gia Tân Tử Lăng nói.

>> Xem thêm: Anh quốc mở niêm phong tài liệu liên quan đến sự kiện Thiên An Môn

Sẽ tiếp tục kế hoạch “đả hổ” mạnh mẽ trong năm 2017

Ngày 25/12/2016, Ủy viên Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc đã thông qua “Quyết định Thí điểm Cải cách thể chế Giám sát quốc gia tại Bắc Kinh, Sơn Tây và Chiết Giang”.

Ông Tân Tử Lăng cho rằng, việc này có ý nghĩa rất quan trọng, giống như trước đây ông Tôn Trung Sơn xây dựng thể chế ngũ viện: “Ủy ban Giám sát có chức năng của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật, có cả chức năng của tòa án và viện kiểm sát, nó không chỉ giám sát mà còn được điều tra. Nó sẽ dùng kỷ luật sắt để chống tham nhũng và hủ bại”.

Kế hoạch “đả hổ” năm 2017 sẽ không nơi lỏng mà tiếp tục phát triển, tình thế hiện đang thuận lợi: “Phát biểu ‘tình thế áp đảo trong chống tham nhũng đã hình thành’ của ông Tập Cận Bình rất đáng chú ý, cho thấy âm mưu lật ngược thế cờ của phái Giang dường như vô vọng”, chuyên gia Tân Tử Lăng nhấn mạnh.

Thời điểm “tính sổ” trong vấn đề Hồng Kông

Gần đây ông Chu Ba (Zhoubo), Phó Chủ nhiệm Văn phòng Hồng Kông – Ma Cao bị thay thế, giới quan sát cho rằng đây là tín hiệu ông Tập Cận Bình thực hiện cuộc đại cải tổ hệ thống Hồng Kông – Ma Cao.

>> Xem thêm: Ba giai đoạn “thay máu” hệ thống Hồng Kông – Ma Cao

Ông Tân Tử Lăng nói: “Sau khi ông Tập lên cầm quyền thì Hồng Kông trở thành cứ điểm của ông Tăng Khánh Hồng trong kế hoạch lật đổ ông Tập Cận Bình. Vì trước đây ông Tăng Khánh Hồng có quan hệ mật thiết với giới chức Hồng Kông. Vì thế hiện ông Tập Cận Bình đang hạ quyết tâm phải bình ổn địa bàn này”.

“Vì phong trào Ô Dù đã cho ông Tập Cận Bình bài học sâu sắc, rõ ràng đây là hành động do phái Giang gây ra nhằm gài bẫy ông Tập. Khi đó người dân Hồng Kông liều chết, cương quyết không nhân nhượng, nếu ông Tập muốn bình ổn cục diện phải dùng vũ lực, đây sẽ là cơ hội để phái Giang xin cứu giúp cho nhân dân. Ông Tập Cận Bình đã nhìn thấy được âm mưu này nên không trúng kế. Ông Tập biết đây là việc do phái Giang gây ra, tự họ phải giải quyết, nhưng có một điều kiện: không được phép dùng vũ lực, không được nổ súng. Lệnh của ông Tập đã làm họ phải sững sờ. Vì họ đã tính sẵn kế hoạch giết người, đã có đề án chỉ tiêu giết bao nhiêu người. Dĩ nhiên tội lỗi này sẽ chụp vào đầu ông Tập Cận Bình, nhưng kế hoạch đã không thành”.

“Vấn đề Hồng Kông đã đến lúc tính sổ, không thể để nó biến thành căn cứ để lật đổ. Tình hình hiện nay cho thấy trung ương đang rất quyết tâm, sẽ giải quyết triệt để”, chuyên gia này nhận định.

Trong ba Ủy viên Thường vụ phái Giang sẽ có người “ra đi” sớm

Thế lực phái Giang hiện chiếm ba ghế trong Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị (gồm các ông Trương Đức Giang, Lưu Vân Sơn, Trương Cao Lệ). Theo ông Tân Tử Lăng, nếu việc gì cũng có ba phiếu phản đối thì rất khó khăn. Nếu xử lý được một thì tỷ lệ sẽ là 2 chọi 4, đây là vấn đề khó khăn nhưng đã đến lúc phải giải quyết.

Hiện nay còn cách Đại hội 19 khoảng hơn 10 tháng, ông Tân Tử Lăng cho rằng không loại trừ trong ba người này có người “mãn khóa” sớm. “Tôi nghĩ sẽ có hành động, phải chú ý phát biểu của ông Vương Kỳ Sơn: cho dù Ủy viên Bộ Chính trị hay Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, ai có vấn đề cũng sẽ bị xử lý”.

Chuyên gia Tân Tử Lăng phân tích thêm:

“Tính toán ban đầu cho rằng để họ làm hết nhiệm kỳ xem ra không xong. Vấn đề Hồng Kông do ông Trương Đức Giang gây ra rất ghê sớm, phía sau lại có ông Tăng Khánh Hồng. Việc ông Trương Đức Giang nghỉ sớm là hoàn toàn có khả năng. Vì mỗi khi ông Tập Cận Bình đưa ra chính sách mới đều bị ông Trương Đức Giang phản đối, ngay cả việc bỏ chế độ cưỡng bức lao động. Trong vai trò là nhân vật quyền lực thứ ba, ông Trương đã gây nhiều cản trở cho ông Tập”.

Ông Tân Tử Lăng nhấn mạnh: “Việc giải quyết vấn đề Hồng Kông hiện nay là có ý đồ, kết quả cuối cùng sẽ tập trung vào ông Trương Đức Giang”.

Điểm cuối cùng là ông Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng

Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 6, Ban Tổ chức Trung ương và UBKLTW đã nhiều lần nhắc đến nhà âm mưu, nhà dã tâm trong Đảng ngông cuồng muốn làm chính biến.

Sau đó, «Thời báo Học tập» của Trường Đảng Trung ương Trung Quốc nhấn mạnh: Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng và Lệnh Kế Hoạch chính là đại biểu điển hình âm mưu cướp quyền lực, còn giới truyền thông cũng liên tục nhắc đến việc xử lý Văn phòng Hồng Kông – Ma Cao, Văn phòng Liên lạc Trung Quốc…

>> Xem thêm: Trung Quốc: Phía sau mật độ tuyên án “hổ to” dày đặc cuối năm

Ông Tân Tử Lăng cho biết, vấn đề chính trị trung tâm hiện nay chính là vấn đề “chính biến”. Cho dù Chu Vĩnh Khang có thế lực hùng hậu trong Ban Chính pháp, cũng là người xây dựng nên Bộ đội Cảnh sát vũ trang, nhưng nếu không được quân đội ủng hộ thì không cách nào ông ta cướp quyền lực được, vì thế mà ông ta phải lôi kéo phe quân đội. Ban đầu ai biết được hai ông Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu lại lún sâu như thế. Sau này chuyện lộ ra mọi người mới giật mình. Hiện mọi chuyện cũng đã tra ra nhân vật cụ thể đứng sau chính là ông Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng.

“Hai ông này đã liên quan quá nhiều chuyện, phạm vi trải rộng khắp các tỉnh thành, quan hệ chằng chéo phức tạp trong các hệ thống trung ương. Cuối cùng từ từ mọi chuyện cũng lộ rõ, cũng đào đến tận gốc, nay đã đến thời điểm giải quyết, tình thế mang tính áp đảo đã hình thành. Tín hiệu quan trọng sẽ được UBKLTW đưa ra trong tháng 1/2017”, chuyên gia Tân Tử Lăng nhận định.

Mộc Vệ

Xem thêm: