Sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bùng nổ, mạng lưới truyền thông nhà nước Trung Quốc và nhiều người dùng mạng xã hội đã đồng loạt lên cơn sốt chia sẻ thông tin về ông Tập Cận Bình bị truy cứu trách nhiệm. Về vấn đề này, học giả Tân Tử Lăng (Xin Ziling) tại Trung Quốc cho rằng, theo một chi tiết do cá nhân ông trải nghiệm thì gốc rễ của những tin đồn này không xuất phát từ các lực lượng của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng mà xuất phát từ nguồn gốc khác.

Tập Cận Bình
Ông Tập Cận Bình (Ảnh từ Getty Images)

Tân Tử Lăng phân tích tin đồn chống Tập

Kể từ sau Đại hội 19 năm ngoái, ông Tân Tử Lăng hoàn toàn không thấy xuất hiện và “lên tiếng”, đến gần đây khi lên cơn sốt tin đồn chĩa vào Tập Cận Bình thì ông Tân Tử Lăng mới xuất hiện trả lời tờ Vision Times tại Mỹ về vấn đề này. Ông tiết lộ, qua một chuyện nhỏ mà gần đây ông gặp phải có thể thấy rõ nguyên nhân của vụ việc.

Câu chuyện liên quan việc ông muốn gửi bài viết nhằm thể hiện quan điểm ủng hộ ông Tập Cận Bình, tại bước đầu tiên gửi đến “trợ lý chuyển tập tin” thì mọi thứ hoạt động bình thường, nhưng khi đến người nhận kiểm tra thì không thể tìm thấy tập tin mà ông gửi đi. Ông tin rằng khi bài viết gửi đến mạng lưới “cấp thấp” đã bị “dư luận viên” sàng lọc và xóa đi.

Ông Tân Tử Lăng cho biết, sau Đại hội 19 thì lãnh đạo cấp cao của cả Ban Tuyên truyền Trung ương và Văn phòng mạng internet Trung ương đều đã được thay người mới, nhưng mạng lưới quản lý internet tại các cơ sở và hàng ngàn “dư luận viên” vẫn là thuộc hạ trung thành của cựu Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương Lưu Vân Sơn, những kẻ này có “lập trường kiên định”. Ông nói: “Họ là những kẻ nắm giữ quyền cho phép dòng trạng thái nào có thể hiện ra, dòng trạng thái nào bị loại bỏ, vì thế cơn sóng những trạng thái chống Tập do chính những kẻ này tung ra. Ví dụ như: gần đây có một số dòng trạng thái chống Tập Cận Bình, chuyện về hội nghị Bắc Đới Hà, Uỷ viên Ban thường vụ người nào lên người nào xuống, số phận chính trị của Tập Cận Bình, những dư luận viên lập tức xen vào làm ầm lên, biến chuyện nhỏ thành lớn, tự nhiên sinh ra chuyện ồn ào.”

Ông Tân Tử Lăng suy luận, “trong bối cảnh đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát mạng internet chặt chẽ như vậy mà những tin tức đảo chính, lật đổ ông Tập lại có thể bùng nổ trên mạng xã hội Weixin (Wechat) mà không bị cản trở thì quả thật khó hiểu”. Nhưng chuyện ông trải nghiệm đã chứng minh rằng việc bài báo của ông có thể gửi đi thuận lợi, cho thấy trách nhiệm không ở bộ máy quản lý cấp cao, không phải từ Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng. Ông Tân Tử Lăng nói: “Đây thực sự không phải là chỉ đạo của Giang và Tăng (thế lực của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng), dĩ nhiên họ có ý đồ này nhưng không có điều kiện và khả năng cụ thể để thực hiện, kẻ tải lên những tin đồn này không phải là vệ sĩ của Giang cũng không phải là bảo mẫu của Tăng. Những chuyện này chỉ là xuất phát từ tầng dưới thuộc bộ máy ở  các cơ sở”.

Về tin đồn Bắc Kinh mở Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng

Đối với tin đồn trên mạng cho rằng các nguyên lão gồm Giang Trạch Dân, Chu Dung Cơ, Ôn Gia Bảo đã cùng ký vào một lá thư gửi Bộ Chính trị đề cập đến vấn đề sau Đại hội 19 xuất hiện khuynh hướng thiên tả và tệ sùng bái cá nhân, đòi triệu tập một cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng. Những tin đồn còn chỉ ra cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng vào lúc 2:30 sáng ngày 11/7 và kéo dài trong hai ngày đến tận thứ Sáu. Ông Tập Cận Bình bị truy cứu vì hiện nay ĐCSTQ gặp quá nhiều khó khăn, lao vào cuộc chiến thương mại, trong thời gian hội nghị thành Bắc Kinh cho thay thế toàn quân bảo vệ, ban hành thiết quân luật, bộ đội ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Ông Tân Tử Lăng nhấn mạnh, hiện nay Trung Quốc không có Đặng Tiểu Bình và Trần Vân, không có Bạc Nhất Ba, Tập Cận Bình không phải là Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, càng không phải là Hoa Quốc Phong. Do đó làm gì có chuyện dễ dàng xảy ra “ép cung, đảo chính”.

Ông phân tích, mặc dù trước đây ông Hoa Quốc Phong là Chủ tịch Quân ủy Trung ương nhưng không có thực quyền, chuyện diễn tập hải quân Liêu Đông cũng không quyết được. Giờ đây ông Tập Cận Bình đang nắm chắc toàn quyền lực, khó có ai đó có thể thay thế ông Tập khai màn Hội nghị Bắc Đới Hà hoặc đứng ra tổ chức được cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng.

Ông Tân Tử Lăng cho rằng ngay cả khi có một người can đảm đứng ra triệu tập thì cũng không thể đủ người can đảm tham gia. Ông nói: “Khó ai có thể tham gia Hội nghị Bắc Đới Hà cũng như hội nghị trung ương nào khác mà không do Văn phòng Trung ương tổ chức. Khi giới lãnh đạo cấp cao nhận được thông báo dự hội nghị mà không rõ ràng thì họ sẽ lập tức chất vấn Văn phòng Trung ương. Ai dám tham gia vào loại hội nghị vô tổ chức như vậy khác nào tự mình nộp mạng?” Bịa ra một cuộc họp như vậy, hoàn toàn là do thế lực “đảng hổ già” (đảng Hổ già là một khái niệm mới do ông Tân Tử Lăng đưa ra, chủ yếu đề cập tập đoàn cánh tả tham nhũng và giới quyền quý dựa dẫm vào chúng, đó là giới quyền quý theo phái Đặng Tiểu Bình hay phái Giang Trạch Dân tôn thờ chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông cùng Đặng Tiểu Bình), những kẻ này có ý đồ như vậy nhưng không có lực lượng để hành động.

Về tin đồn hội nghị đã được tổ chức vào ngày 11/7, ông Tân Tử Lăng cho biết hôm đó ông Tập Cận Bình gặp cựu Chủ tịch Quốc Dân Đảng Liên Chiến (Lien Chan), còn ông Lý Khắc Cường đến thăm Đức, họ không có mặt nhưng chắc chắn không có một cuộc họp như vậy. Ông cũng cho biết về tin đồn cho rằng để tổ chức hội nghị này, lãnh đạo cảnh vệ Bắc Kinh đã bị thay thế để bảo vệ người của “đảng hổ già”, đổi người giám sát “đảng hổ già”, những kẻ phát tán tin đồn làm mọi thứ trở nên mơ hồ bí hiểm. Ông Tân Tử Lăng cho biết: “Đây không phải chuyện nghìn lẻ một đêm. Không thông qua Chủ tịch Quân ủy Trung ương bổ nhiệm thì sao có thể thay lãnh đạo quân cảnh vệ Bắc Kinh?” Vì vậy, ông Tân Tử Lăng khẳng định tất cả điều này là hoàn toàn tin đồn nhảm.

Ông Tân Tử Lăng cũng chỉ ra những tin đồn bắt đầu từ cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ, còn nguồn gốc dẫn đến cuộc chiến tranh thương mại có liên quan thế lực tuyên truyền của cựu quan to phái Giang là ông Lưu Vân Sơn; ông Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng, Lưu Vân Sơn là ba “hổ trùm” có ý định sử dụng chiến tranh thương mại Trung – Mỹ để đẩy ông Tập Cận Bình đi đến bờ vực, từ đó giành lại quyền lực cho phe cánh.

Trí Đạt

Xem thêm: