Hồi tháng 6, người dân Hồng Kông đã hai lần diễu hành quy mô lớn với hàng triệu người tham dự, ngăn chặn thành công việc giới chức Hồng Kông thúc đẩy sửa đổi Luật dẫn độ. 

bieutinh hk
Hơn 550.000 đã biểu tình tại Hồng Kông yêu cầu xóa bỏ hoàn toàn luật dẫn độ gây tranh cãi (Ảnh: Epoch Times)

Ngày 1/7 vừa qua, 550.000 người Hồng Kông lại xuống đường biểu tình, một lần nữa làm nên lịch sử và gây chấn động thế giới. Một số nhà bình luận chỉ ra rằng các nhà chức trách Bắc Kinh trên bề mặt dường như không thể hiện rõ là họ lo lắng trước hàng loạt cuộc kháng nghị ở Hồng Kông. Tuy nhiên, các tài liệu bí mật của Bộ Công an gần đây cho thấy Bộ này đã yêu cầu các sở công an địa phương tổng động viên nhằm ngăn chặn tình hình ở Hồng Kông lan sang Đại Lục.

Mới đây, một báo cáo đặc biệt của Bộ chỉ huy nhằm duy trì và ổn định khu tự trị người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương đã truyền xuất ra ngoài. Nội dung chính của tài liệu này là bài phát biểu của ông Tăng Hiến Giang, Đội trưởng đội điều tra hình sự của Bộ Công an tại khu tự trị, trong cuộc họp với Bộ chỉ huy hôm 12/6. Trên đầu tài liệu được đóng dấu hai chữ “cơ mật”.

Theo nội dung của tài liệu được tiết lộ trên mạng, phần đầu tiên trong bài phát biểu của ông Tăng Hiến Giang đã đề cập đến vấn đề Hồng Kông, nói rằng cần phải “tăng cường cảnh báo sớm và kiên quyết bảo vệ an ninh chính trị quốc gia”. Tài liệu còn nhắc đến cuộc biểu tình ngày 9/6 tại Hồng Kông “lượng người đông đảo, cảnh tượng hùng tráng, đã gây nên ảnh hưởng đáng kể… Căn cứ theo tình hình nắm được, cùng với việc sửa đổi pháp lệnh bước vào giai đoạn bàn thảo và biểu quyết, hoạt động diễu hành biểu tình có thể sẽ tiến tới mở rộng hơn nữa”. 

Ông Tăng Hiến Giang yêu cầu các cơ quan công an địa phương nghiêm ngặt phòng chống ảnh hưởng của Hồng Kông, ảnh hưởng của hoàn cảnh bên ngoài và ảnh hưởng của tin tức trên mạng Internet đến tình hình trong nước. Ông còn yêu cầu phải “theo dõi sát sao động tĩnh của các đối tượng hoạt động chính trị trọng điểm ở Trung Quốc, đề phòng họ…” 

Tài liệu này cũng đề cập đến bản tin ngày 29/6 của tờ South China Morning. Bài báo viết, Bộ Công an Trung Quốc đã bí mật đàm phán và dẫn hướng dư luận rằng cuộc biểu tình ở Hồng Kông là do thế lực nước ngoài (như Hoa Kỳ) xúi giục. Chính quyền ĐCSTQ yêu cầu “đội quân trên mạng” khởi động chiến dịch bôi nhọ và tung tin cuộc diễu hành Hồng Kông là do thế lực thù địch nước ngoài thao túng, khiến người Trung Quốc nghĩ rằng đây là “hành động bạo lực” chứ không phải là hoạt động diễu hành ôn hòa, lý trí.

Theo một bản tin trên Thông tấn xã Trung ương ngày 28/6, sau cuộc đại biểu tình ở Hồng Kông, để cấm dư luận lan truyền, chính quyền ĐCSTQ thậm chí còn cắt cử công an đến tận nhà từng người dân, yêu cầu họ không được thảo luận đến vấn đề ở Hồng Kông.

Một công dân Bắc Kinh chỉ vì lên tiếng đồng tình với người dân Hồng Kông mà đã bị cảnh sát và nhân viên an ninh quốc gia gọi đến “uống trà” hai lần. Cảnh sát còn in các bình luận trên mạng xã hội như Wechat về vấn đề Hồng Kông, sau đó ép buộc người dân phải ký tên vào và viết bản hối lỗi, đảm bảo từ nay về sau sẽ tự kiểm duyệt các nội dung đăng tải lên mạng Internet, không đăng bất kỳ nội dung nào “gây bất lợi cho ổn định xã hội”.

Một người dân làm việc ở miền Đông Trung Quốc cũng bị cảnh sát mượn cớ kiểm tra hộ khẩu đến tận nhà và yêu cầu “Không được lên mạng nói gì về sự việc ở Hồng Kông.”

Theo Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI), chính quyền ĐCSTQ còn ban hành một văn kiện, yêu cầu nhân viên của tất cả các cơ quan và tổ chức chính phủ không được đến Hồng Kông và Macao kể từ tháng 7. Hơn nữa, chỉ có các kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ mới được đưa tin về các vấn đề Hồng Kông và phải thận trọng đề phòng ảnh hưởng của Hồng Kông lan sang Đại Lục.

Minh Ngọc

Xem thêm: