Vào chiều Chủ Nhật (ngày 11/3), Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc (Nhân đại/Quốc hội Trung Quốc) đã thông qua Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp. Sau đó, nhiều vấn đề liên quan đến việc bỏ phiếu này đã bị giới truyền thông tiết lộ.

Tập Cận Bình
Ông Tập Cận Bình bỏ phiếu biểu quyết sửa đổi Hiến pháp (Ảnh cắt từ video của CCTV)

Chiều ngày 11/3, Quốc hội Trung Quốc đã bỏ phiếu thông qua Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp, kết quả có 2958 phiếu tán thành, 2 phiếu phản đối, 3 phiếu trắng và 1 phiếu không hợp lệ. Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp bao gồm 21 khoản, bản kiến nghị dài lên tới hơn 4000 chữ, bao gồm việc bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước không kéo dài liên tục quá hai nhiệm kỳ.

Số đại biểu tham gia bỏ phiếu biểu quyết là 2.964 đại biểu. Truyền thông Hồng Kông đưa tin, bỏ phiếu lần này không áp dụng biện pháp ấn phím điện tử thường thấy, mà sử dụng hòm phiếu điện tử với phiếu không ghi danh tính. Phiếu in 7 loại ngôn ngữ, bao gồm Hán, Mông Cổ, Tây Tạng, Uighur, Triều Tiên, v.v, cho phép người bầu theo ba lựa chọn gồm “tán thành, phản đối, bỏ phiếu trắng”.

Minh Báo (Mingpao) của Hồng Kông đưa tin, trước khi đại hội bắt đầu ban tổ chức đã chiếu một video giới thiệu cách sử dụng thùng phiếu điện tử. Các đại biểu phải sử dụng bút chuyên dụng do nhân viên phân phát để điền vào các ô trống “ủng hộ, phản đối hoặc bỏ phiếu trắng”, người bỏ phiếu chỉ được phép đưa ra một lựa chọn, trường hợp không lựa chọn hoặc có nhiều hơn một lựa chọn là không hợp lệ.

Nhật báo Đông Phương (Orientaldaily) của Hồng Kông chỉ ra, bỏ phiếu đã sử dụng phiếu không ghi danh người bỏ phiếu. Các đại biểu dùng bút chuyên dụng điền phiếu tại nơi kín đáo rồi trực tiếp bỏ thẳng vào thùng phiếu, sau đó hệ thống điện tử tự động thống kê phiếu.

Có tổng cộng 28 thùng phiếu, không bố trí thùng phiếu lưu động; các đại biểu phải bỏ phiếu vào thùng phiếu được chỉ định và không được uỷ thác cho người khác bỏ phiếu. Thùng phiếu có thể đọc kết quả ngay lập tức và đưa vào máy chủ tổng hợp kết quả, nếu phiếu vô hiệu sẽ có nhân viên chuyên trách kiểm tra. Đại hội bố trí 35 nhân viên giám sát bỏ phiếu.

Liên hợp Tảo báo (Zaobao) của Singapore chỉ ra, thời gian đại biểu điền phiếu trong khoảng 5 phút, tất cả mọi người ngồi trên tầng hai của Đại lễ đường và không cho truyền thông tiếp cận, nhưng quá trình bỏ phiếu thì công khai trước giới truyền thông.

Bắt đầu bỏ phiếu, ông Tập Cận Bình bỏ phiếu đầu tiên, sau đó các thành viên còn lại của Ban Thường vụ Bộ Chính trị lần lượt bỏ phiếu. Khoảng 3:50 chiều, kết quả bỏ phiếu xuất hiện trên màn hình của đại hội đường. Nhân viên phát thanh nói: “Việc sửa đổi Hiến pháp được thông qua.”

Theo hãng tin AP của Pháp đưa tin, ông Tập Cận Bình không biểu lộ cảm xúc gì sau khi nghe kết quả, chỉ ngồi yên tại vị trí để lắng nghe báo cáo công việc của hội nghị.

Với kết quả bỏ phiếu là 2958 phiếu thuận và 6 phiếu chống, Thời báo Tự do (Liberty Times) của Đài Loan dẫn lời phóng viên Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) trú tại Bắc Kinh cho biết, trước khi bỏ phiếu giới truyền thông đã thầm đoán được “sẽ có bao nhiêu phiếu chống”. Những phiếu chống này chẳng qua là các nhà chức trách bố trí, tránh để tình trạng chỉ toàn phiếu thông qua, cho thấy tình trạng “phi dân chủ” quá lộ liễu. Kết quả cuối cùng với 2958 phiếu thuận so với 6 phiếu chống cũng phù hợp với ý đồ của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc rằng họ được sự ủng hộ của toàn dân.

Sửa đổi Hiến pháp lần này là lần thứ 5 kể từ khi thực hiện Hiến pháp hiện hành năm 1982, lần sửa đổi Hiến pháp gần đây nhất là vào năm 2004, cách đây 14 năm.

Tuyết Mai

Xem thêm: