Tinh thần tự tôn dân tộc khiến người Trung Quốc thường cho rằng “Trăng nước ngoài không tròn bằng Trăng Trung Quốc”, vậy thì hãy thử so sánh văn hóa ứng xử trước thảm họa sương mù ô nhiễm của Trung Quốc xem có khác biệt gì với nước khác?

Sương mù ô nhiễm ở Trung Quốc đang ở mức báo động.
Sương mù ô nhiễm ở Trung Quốc đang ở mức báo động.

Khác biệt thứ nhất, giới truyền thông và khoa học các nước dân chủ dám thẳng thắn vạch trần sự thật tình hình sương mù ô nhiễm. Ở Trung Quốc không phải không có ai lên tiếng, nhưng thực tế cho thấy những tiếng nói này luôn bị dập tắt nhanh chóng. Cô Sài Tĩnh (Chai Jing) là người làm trong giới truyền thông, là người tự quay và chiếu phim “Dưới vòm trời”, nhưng sau vài ngày trình chiếu đã bị ngăn chặn, trong khi giới khoa học trong ngành không ai lên tiếng bênh vực, các cơ quan truyền thông hàng đầu cũng chỉ im lặng. Vừa qua, nơi lên tiếng đầu tiên về vấn đề PM2.5 ở Trung Quốc là Đại sứ quán Mỹ, các cơ quan truyền thông đều chung nhận định không phải người ta cố ý làm xấu hình ảnh Trung Quốc.

Như vậy, dư luận xã hội chính là tuyến phòng thủ đầu tiên để ngăn chặn sương mù ô nhiễm. Các nhà khoa học có lương tâm cùng những phóng viên dũng cảm đã không ngừng nỗ lực để người dân hiểu rõ căn nguyên của tình trạng sương mù ô nhiễm. Trong khi người dân Trung Quốc không những gặp muôn vàn khó khăn trong tiếp cận sự thật, thậm tệ hơn còn bị hệ thống tuyên truyền làm cho mê muội, ví dụ như “trong không khí có sương mù, nhưng trong tim không có sương mù”…

Khác biệt thứ hai là về logic nhận thức trong xử lý trách nhiệm. Kết quả nghiên cứu về sương mù ô nhiễm ở Los Angeles là do khí thải xe hơi gây ra, logic của người Mỹ ở đây là: tôi mua chiếc xe, sau khi đóng tiền thuế cho Chính phủ, mua bảo hiểm và có giấy phép lái xe, việc tôi dùng chiếc xe một ngày 24 giờ là quyền của tôi. Còn chuyện ô nhiễm khí thải là do nhà sản xuất xe và các hãng nhiên liệu, nếu hạn chế đi lại có nghĩa là tước đoạt tài sản mà tôi chi dùng mua chiếc xe.

Còn logic của Trung Quốc là, mỗi người dân đều phải có trách nhiệm trong việc gây ra sương mù ô nhiễm, vì thế không những mọi người phải ủng hộ hạn chế đi lại bằng cách quy định ngày đi phân chia đối với số xe chẵn và lẻ, thậm chí còn phải hạn chế xe cá nhân. Rõ ràng đây là thứ quan niệm lộn ngược đầu đuôi. Giới doanh nghiêp ô tô, nhiên liệu, sắt thép thu được lợi nhuận khổng lồ, họ phải chịu trách nhiệm chính trong vấn đề đảm bảo chất lượng sản phẩm để làm sao không gây ô nhiễm, chuyện này không thể đổ lên đầu người tiêu dùng.

Khác biệt thứ ba là thủ phạm phải chịu kinh phí xử lý, không thể bắt người bị hại phải chịu. Mọi công dân đều có quyền được thở không khí trong lành, dựa vào đâu bắt họ bỏ tiền mua khẩu trang, bỏ tiền ra mua máy làm sạch không khí? Người ta mua xe hơi trả tiền và đóng thuế đầy đủ, dựa vào đâu bắt người ta chỉ được chạy xe trong một số ngày nhất định?

Trong quản lý sương mù ô nhiễm ở Los Angeles, đối tượng phải chịu trách nhiệm là giới trùm dầu lửa và doanh nghiệp sản xuất xe hơi. Những ông chủ doanh nghiệp này phải tìm mọi cách cải thiện thiết bị khí thải, phải nâng cao tiêu chuẩn về xăng dầu…

Còn ở Trung Quốc, đa số địa chỉ gây sương mù ô nhiễm là các doanh nghiệp nhà nước, vì thế không đối tượng nào phải chịu trách nhiệm. Ví dụ giới doanh nghiệp sắt thép, cộng đồng quốc tế phản đối Trung Quốc bán phá giá sắt thép vì những doanh nghiệp sắt thép này hoạt động hết công suất, thủ phạm chính gây sương mù ô nhiễm và bán sản phẩm ra thị trường với giá rẻ mạt, kiểu làm ăn vô trách nhiệm này vừa hại người lại hại mình. Ngành công nghiệp dầu mỏ Trung Quốc cũng trong tình trạng tương tự.

Ở đây có vấn đề trong tổ chức kết cấu nghề nghiệp của Chính phủ Trung Quốc gây tình trạng sản xuất dư thừa, nếu bắt ngừng lại thì lại gây lãng phí và tình trạng công nhân thất nghiệp. Vấn đề là nếu Chính phủ điều chỉnh thì giới doanh nghiệp sẽ khiếu nại vì dự án hoạt động đã được Nhà nước phê duyệt, không thể tự nhiên bắt đóng cửa tùy tiện, tiền vay nợ ngân hàng ai chịu?…

Điểm khác biệt thứ tư là tinh thần cộng đồng. Ở Mỹ, khi xảy ra tình trạng sương mù ô nhiễm thì tất cả mọi người ra đường kháng nghị. Theo lịch sử ghi lại, sương mù ô nhiễm ở Los Angeles đã khiến cả nước Mỹ cùng nhau đứng lên kháng nghị chứ không chỉ có người dân ở Los Angeles, không chỉ người dân ở California mà tất cả mọi người trên toàn nước Mỹ đều lên tiếng phản đối. Ý thức bảo vệ môi trường sống chung khiến mọi người dân dù sống ở những nơi không bị ô nhiễm cũng phải lên tiếng. Còn ở Trung Quốc, ngay cả những người ở trong vùng sương mù ô nhiễm cũng giữ im lặng, vừa qua dường như chỉ có duy nhất người dân ở Thành Đô lên tiếng phản đối nhưng cuối cùng cũng bị dẹp vì danh nghĩa giữ ổn định, trật tự.

Tại sao mọi người lại cùng nhau biểu tình phản đối Chính phủ? Sương mù ô nhiễm có liên quan gì đến Chính phủ? Vì người dân trao quyền cho Chính phủ quản lý cỗ máy quốc gia. Người nắm quyền lực công mà không hoàn thành trách nhiệm sẽ bị hạ bệ bằng lá phiếu cử tri, thay người khác lên làm. Ở đây cho thấy được sức mạnh của chính thể với hệ thống bầu cử dân chủ.

Điểm khác biệt thứ năm là, ở các nước dân chủ, nếu xảy ra sương mù ô nhiễm thì tổ chức dân sự sẽ lên tiếng kiện cho người bị hại. Chuyện này không chỉ xảy ra ở Mỹ, mà còn ở Anh, Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia… Những bệnh nhân vì sương mù ô nhiễm gây ra cũng được bồi thường khoản tiền lớn, vì thế mà giới doanh nghiệp rất chú ý đến tình hình khí thải của họ.

Tại sao doanh nghiệp sắt thép của Trung Quốc lại bán ra thị trường quốc tế với giả rẻ mạt? Tại sao doanh nghiệp hóa dầu Trung Quốc lại hủ bại khủng khiếp như thế? Vì sau khi làm hại mọi người dân thì những thủ phạm vẫn không bị trừng phạt. Nhiều người bị ung thư, trong quá trình trị liệu phải tán gia bại sản nhưng không thấy có ai bồi thường…

Dư Hiểu Bình (Mộc Vệ biên dịch)

Xem thêm: