Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, kể từ năm 2016 tỷ lệ hủy bỏ doanh nghiệp siêu nhỏ ở Trung Quốc đã tăng đáng kể, nền kinh tế nước này đã bước vào chu kỳ đi xuống, chu kỳ này tiếp tục trầm trọng từ bùng phát đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán).

GettyImages 1245955578
Bệnh nhân tại bệnh viện Tongren Thượng Hải 3/1/2023. (Nguồn ảnh: HECTOR RETAMAL/AFP qua Getty Images)

Tỷ lệ hủy đăng ký tăng cao tập trung vào doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

Nhà chức trách Trung Quốc chia các doanh nghiệp vừa và nhỏ thành 3 loại hình: vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Tại Trung Quốc, doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng nhất trong nâng cao năng suất lao động, mở rộng việc làm, thu hẹp khoảng cách thu nhập và thúc đẩy cạnh tranh thị trường.

Tính đến năm 2018, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc đã vượt quá 30 triệu, còn số hộ gia đình làm công nghiệp và thương mại cá thể đã vượt quá 70 triệu, đóng góp 50% doanh thu thuế, 60% GDP, 70% đổi mới công nghệ, 80% việc làm tại thành thị.

Tạp chí Caijing tại Trung Quốc cho biết trong một bài báo vào ngày 20/3, rằng nhà chức trách Trung Quốc đã chọn được 40 thành phố xem là quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc (bằng các tiêu chí như mức sống, dân số…), gọi là thành phố trọng điểm, đồng thời tìm hiểu trong 9 năm từ 2014 – 2022 có bao nhiêu công ty ở 40 thành phố trọng điểm đã hủy đăng ký.

Phân loại theo vốn đăng ký: Doanh nghiệp siêu nhỏ có vốn đăng ký dưới 1 triệu nhân dân tệ; doanh nghiệp nhỏ có vốn đăng ký từ 1 -10 triệu nhân dân tệ; doanh nghiệp vừa có vốn đăng ký từ 10 – 50 triệu nhân dân tệ; và doanh nghiệp có vốn đăng ký từ 50 triệu nhân dân tệ trở lên là doanh nghiệp lớn.

Tổng số doanh nghiệp tại 40 thành phố này vào năm 2022 là 28,216 triệu, trong đó tổng số hủy đăng ký là 1,94 triệu, tỷ lệ hủy là 6,9%. Dân số thường trú của 40 thành phố này là 427 triệu người, chiếm khoảng 30% dân số cả nước Trung Quốc. Như vậy, nếu tính trên phạm vi toàn Trung Quốc thì số lượng doanh nghiệp hủy đăng ký có thể còn cao hơn nhiều.

Bài báo chỉ ra “thu nhập khả dụng bình quân đầu người” phản ánh mức sống bình quân của người dân, còn với doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ) thì sức mua là yếu tố then chốt quyết định sinh tồn.

Theo thu nhập khả dụng bình quân đầu người của cư dân thành thị cho thấy tỷ lệ hủy bỏ của doanh nghiệp siêu nhỏ cao hơn nhiều so với các loại hình doanh nghiệp khác: Doanh nghiệp siêu nhỏ nhiều hơn 2 lần so với doanh nghiệp nhỏ, hơn 3 lần doanh nghiệp quy mô vừa, và gấp 4 lần doanh nghiệp quy mô lớn.

Trong số doanh nghiệp hủy đăng ký, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm đại đa số. Số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ hủy đăng ký chiếm hơn một nửa tổng số doanh nghiệp hủy đăng ký; tổng số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hủy đăng ký chiếm hơn 93% tổng số doanh nghiệp hủy đăng ký.

Bài viết cũng chỉ ra điểm nhấn suy thoái vào năm 2016 khi số lượng doanh nghiệp hủy bỏ tăng nhanh ở nhiều thành phố quan trọng, báo trước một giai đoạn suy thoái kinh tế. Năm 2016, vấn đề hủy đăng ký của doanh nghiệp siêu nhỏ bắt đầu tăng đáng kể với tỷ lệ khoảng 7%, tăng lên 8,8% năm 2018 và lên 11,7% vào năm 2019, tỷ lệ hủy đăng ký sau đó giảm nhẹ nhưng giá trị vẫn ở mức cao vào khoảng 10%, phản ánh nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu suy yếu kể từ năm này.

Thượng Hải đứng đầu về số doanh nghiệp siêu nhỏ hủy đăng ký

Theo thống kê của Tianyancha Trung Quốc, tỷ lệ đăng ký và hủy bỏ của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ở Trung Quốc đã tiếp tục giảm kể từ năm 2017. Năm 2020, số lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đăng ký chỉ là 6,13 triệu, giảm 56,3% so với năm 2019, trong khi số lượng hủy cao tới 4,35 triệu doanh nghiệp, tăng 84,3% so với năm 2019 và là mức cao nhất trong lịch sử.

3 năm qua, tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc Đại Lục tái đi tái lại khiến nền kinh tế Trung Quốc suy yếu, giá chi phí thượng nguồn tăng cao khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối mặt với áp lực sinh tồn ở mức chưa từng thấy.

Dưới tác động của dịch bệnh, tỷ lệ đăng ký và hủy đăng ký của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đã giảm mạnh, vào năm 2020 chứng kiến cảnh biến mất hơn 10% số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Phó Chủ nhiệm Chen Long của Trung tâm Nghiên cứu Tài chính và Quản trị – Viện Khoa học Tài chính Trung Quốc, cho rằng những năm gần đây nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc đang phải vật lộn bên bờ vực phá sản, tác động của dịch bệnh khiến khó khăn càng chồng chất.

Theo thống kê từ Tianyancha, tính đến ngày 4/11/2021 Trung Quốc có 84,63 triệu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tại Trung Quốc biến mất vào năm 2020 chiếm 11,7%.

Tờ SCMP đưa tin vào cuối năm 2021 rằng số doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc đang hứng chịu áp lực kinh tế rất lớn. Vào năm 2021, trung bình mỗi tháng ở Trung Quốc có 397.400 doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ phải đóng cửa, vượt mức trung bình hàng tháng của năm trước đó là 370.700 doanh nghiệp.

Theo thống kê, Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm nay có khoảng 4,37 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng cửa vĩnh viễn, gấp hơn 3 lần số doanh nghiệp mới thành lập trong cùng kỳ; ước tính số doanh nghiệp vừa và nhỏ bị hủy bỏ năm 2021 có khả năng vượt mức 4,45 triệu của năm 2020 – mức cao kỷ lục gần gấp đôi năm 2019 và gấp khoảng 10 lần năm 2018.

Tại Thượng Hải trong thời gian 2 tháng vào năm 2022 bị phong tỏa vì COVID-19, có 216.000 doanh nghiệp siêu nhỏ biến mất – số lượng doanh nghiệp hủy đăng ký đứng đầu Trung Quốc, còn tỷ lệ hủy là 19,9% đứng thứ 2 Trung Quốc. Đứng đầu Trung Quốc năm 2022 về tỷ lệ hủy đăng ký của doanh nghiệp siêu nhỏ là ở thành phố Thái Nguyên (lên tới 33,2%).

Sau khi phân tích dữ liệu, bài viết trên Caijing rút ra kết luận chính:

Thứ nhất, trong giai đoạn kinh tế khởi sắc, tỷ lệ hủy của doanh nghiệp siêu nhỏ ở mỗi nhóm thành phố trong 40 thành phố trọng điểm là khoảng 5% -6%, còn giai đoạn kinh tế kém thì cao hơn 10%; trường hợp cực đoan, tỷ lệ này tại một số nơi có thể tới 20%; Thứ hai, suy thoái của chu kỳ kinh tế hiện nay bắt đầu vào năm 2016.

Theo Phương Hiểu, Epoch Times