Trong vô số scandal của quan trường Trung Quốc, chuyện hồ sơ lý lịch về quá trình học tập dỏm của các quan chức đã không còn là vấn đề bí mật, cách đây vài ngày vấn đề này lại thu hút sự chú ý qua đấu đá nội bộ trong bộ máy ngoại giao đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giữa ông Vương Nghị và ông Dương Khiết Trì.

Dương Khiết Trì
Quá trình học tập dỏm và giả đã trở thành hiện tượng phổ biến trong quan trường Trung Quốc (Ảnh: từ internet)

Từ đấu đá phe cánh đến lật tẩy bằng cấp dởm

Bài báo của tác giả Tưởng Lực (Jiang Li) đăng trên Tạp chí Tiền Tiêu của Hồng Kông số tháng 04/2018 đã chỉ ra thực trạng đấu đá và kéo kết bè phái tồn tại từ lâu trong  hệ thống ngoại giao của ĐCSTQ. Bài viết lột tả các phe phái lớn trong hệ thống ngoại giao ĐCSTQ gồm có phe Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, phe Học viện Ngoại ngữ số 2 Bắc Kinh, phe Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh, phe Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải, phe Học viện Ngoại giao, phe Học viện Quan hệ Quốc tế, phe Đại học Bắc Kinh, phe Đại học Phúc Đán; còn các phe phái nhỏ thì nhiều không kể hết. Các phe phái thường xuyên tranh giành lợi ích quyết liệt.

Theo bài viết tiết lộ, phe Học viện Ngoại ngữ số 2 Bắc Kinh do ông Bộ trưởng Vương Nghị đứng đầu đã gửi thư cho Bộ Chính trị tố cáo học vị Tiến sĩ Lịch sử của ông Dương Khiết Trì (Bộ trưởng Ngoại giao trước ông Vương Nghị) là học vị dỏm, thư tố cáo đề cập đến lực học tệ hại của ông Dương về lịch sử thế giới tại Khoa Sử học Đại học Nam Kinh, ngoài ra còn cho biết ông Dương phong cách làm việc bê bối, bỏ bê nhiệm vụ, thường ngồi trong văn phòng xem các bộ phim phương Tây, phim tình cảm ướt át, thậm chí phim khiêu dâm.

Nhưng bản thân ông Vương Nghị cũng bị tố cáo giả mạo bằng cấp.

Ông Vương Nghị bị tố cáo về hai văn bằng gồm Thạc sĩ Kinh tế Đại học Nam Khai và Tiến sĩ Quan hệ Quốc tế Học viện Ngoại giao là loại bằng hạng bét, thuộc loại học tại chức, từ xa, không thuộc dạng nghiên cứu nghiêm túc, nhờ lợi dụng chức quyền (Học viện Ngoại giao là đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao) khéo léo lấy được.

Có thế nói, thực trạng học lực dỏm và giả trong quan trường Trung Quốc hiện đã không còn là chuyện bí mật, nhiều lần bị phanh phui trước bàn dân thiên hạ.

Chuyện không còn mới

Ngày 26/1 năm nay, tờ Bán Nguyệt Đàm của nhà nước Trung Quốc đưa tin, qua kiểm tra sơ bộ lý lịch của 142 quan to cấp tỉnh bị “ngã ngựa” từ sau Đại hội 18 đã phát hiện những quan chức “ngã ngựa” không những có bằng Tiến sĩ mà còn có học hàm Giáo sư, tuy nhiên những học vị thường theo dạng học cấp tốc, từ xa.

Năm 2016, Nhật báo Kinh tế và Tài chính (Yicai) tại Trung Quốc đại lục cũng chỉ ra, trong số quan to cấp tỉnh “ngã ngựa”, đa số quá trình học của họ thuộc cái gọi là “vừa làm vừa học”, thậm chí một số không qua đào tạo cơ bản nhưng cuối cùng cũng có bằng Tiến sĩ, trở thành giáo sư, nhà nghiên cứu. Ví dụ ông Quý Kiến Nghiệp (Ji Jianye) được mệnh danh là “Quản gia Dương Châu” của ông Giang Trạch Dân, từng là Phó Bí thư và Thị trưởng thành phố Nam Kinh. Hồ sơ học vấn giai đoạn đầu của quan to này không thấy gì, nhưng cuối cùng lại có được bằng Tiến sĩ.

Bài viết này cho rằng, đây thực sự là hệ quả của thực trạng dùng quyền lực chính trị để có được học vị đang diễn ra tràn lan.

Tuy nhiên, ngay từ tháng 08/2004, Tạp chí Tranh Minh tại Hồng Kông đã đưa tin, trong một cuộc điều tra kéo dài một năm rưỡi (kể từ nửa sau tháng 12/2002) liên quan đến lý lịch học tập của cán bộ cơ quan sự nghiệp Nhà nước trong nhiều ban ngành khác nhau do đoàn thanh tra liên ngành của ĐCSTQ phối hợp thực hiện, đã phát hiện hơn 752.300 cán bộ có bằng cấp dỏm hoặc giả.

Ông Hàn Chính, người mới vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, cũng đã bị dư luận nhạo báng: Giả như Hàn Chính cũng làm quan đến tận Trung ương, “lý lịch học vấn” của ông ta sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ.

Vào năm 2016, Đài Á châu Tự do (RFA) từng đăng bài viết “Chính sách dùng người của ĐCSTQ khuyến khích bằng cấp giả và dỏm tràn nan trong giới quan chức”. Bài viết cho rằng, các quan chức thiếu bằng cấp thì khó thăng tiến, vì thế nhiều kẻ phải kiếm bằng được “Thạc sĩ tại chức” rồi đến “Tiến sĩ tại chức” để trang điểm cho lý lịch bản thân.

Bài viết dẫn chứng trường hợp ông Bí thư Thượng Hải là Hàn Chính, trong sơ yếu lý lịch chính thức của ông có ghi rằng “làm nghiên cứu sinh tại chức, bằng Thạc sĩ Kinh tế, chuyên gia kinh tế cao cấp”, nhưng trong thực tế ông ta tiến thân từ vị trí quản lý kho và đội ngũ lắp đặt tại quận Từ Hối thành phố Thượng Hải, chưa qua quá trình học chính quy chuyên ngành nào, được bổ nhiệm làm Bí thư Đoàn Thanh niên của Cục Công nghiệp Hóa chất Thượng Hải.

Trong quá trình nắm giữ vị trí này, sơ yếu lý lịch của ông Hàn Chính dùng ghi chú trong dấu ngoặc đơn (thời gian: 1983 – 1985 học chuyên ban tại Đại học Phúc Đán), quá trình học đầu tiên này của ông Hàn Chính là cái gọi là “bồi dưỡng tại chức”.

Tiếp theo, quá trình ông Hàn Chính làm Phó bí thư Đảng ủy của Trường Công nghiệp Hóa chất Thượng Hải, cũng ghi chú trong ngoặc đơn (từ 1985-1987 học chuyên môn Giáo dục Chính trị lớp ban đêm Khoa Giáo dục Chính trị Đại học Sư phạm Hoa Đông). Chỉ sau 2 năm học ban đêm, ông Hàn Chính có bằng Đại học, và nhờ vào văn bằng này được lên chức Bí thư Đoàn Thanh niên thành phố Thượng Hải.

Thời gian làm Bí thư Đoàn Thanh niên thành phố Thượng Hải và sau đó chuyển công tác phụ trách Đảng tại quận Lô Loan thành phố Thượng Hải, dù ông Hàn Chính đã có trọn vẹn “bằng Đại học” nhưng vẫn “học nữa học mãi”, trong lý lịch giai đoạn này lại tiếp tục ghi chú trong ngoặc đơn (từ 1991 – 1994 làm nghiên cứu sinh tại chức chuyên ngành Quan hệ Quốc tế và Kinh tế Thế giới tại Viện Nghiên cứu Vấn đề Quốc tế Đại học Sư phạm Hoa Đông, đạt được học vị Thạc sĩ Kinh tế học).

Bài viết cho rằng, ông Hàn Chính thuần túy xuất thân từ công nhân, không một ngày trải nghiệm cuộc sống Đại học chính quy, nhưng lại trở thành “phần tử trí thức trong Đảng” với đủ cả “quá trình làm nghiên cứu sinh”“cao cấp chính trị”. Giả như Hàn Chính cũng có ngày trở thành quan chức chính quyền trung ương thì “quá trình học” của ông ta chắc chắn sẽ thành trò cười cho thiên hạ.

Tuyết Mai

Xem thêm: