Ngày 4/6 năm nay là tròn 29 năm xảy ra vụ thảm sát người dân và sinh viên Trung Quốc kháng nghị đòi dân chủ vào năm 1989. Mới đây, cuốn sách “Thảm sát Thiên An Môn” (Thiên An Môn sát lục, 天安门杀戮) đã được xuất bản tại Đài Loan. Đứng tên sách là ông Bào Đồng (Bao Tong), người từng là thư ký chính trị của cố Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Triệu Tử Dương. Sách lấy chủ đề từ cuộc đảo chính quân sự và đấu đá phe cánh Trung Nam Hải, kể lại câu chuyện các nguyên lão chính trị do ông Đặng Tiểu Bình đứng đầu làm thế nào để thực hiện đảo chính quân sự, tước quyền lực của Tổng Bí thư Triệu Tử Dương và đàn áp đẫm máu phong trào sinh viên đòi dân chủ; sách cũng tố cáo ĐCSTQ chỉ là “chính quyền cộng sản vô nghĩa về tính chính danh nhìn từ góc độ pháp luật” trong suốt thời gian 97 năm tồn tại từ khi thành lập năm 1921 cho đến nay.  

thảm sát thiên an môn
Quân đội Cộng sản Trung Quốc sử dụng vũ khí đàn áp đẫm máu người kháng nghị trên Quảng trường Thiên An Môn. Theo tài liệu giải mật mới nhất của Anh, quân đội nhà cầm quyền Trung Quốc đã giết chết ít nhất hơn 10.000 người.

Cuốn sách “Thảm sát Thiên An Môn” được Quỹ văn hóa họ Tề (Qi) và nhóm biên tập “Thảm sát Thiên An Môn” biên soạn, hoàn thành sau thời gian chỉnh lý kéo dài gần ba năm, sách lần đầu ra mắt tại Đài Loan vào ngày 31/5.

Người sáng lập Quỹ Văn hóa họ Tề là Tề Gia Trác (Qi Jiazhen) giới thiệu, cuốn sách là tập hợp thông tin từ đông đảo cơ quan truyền thông hàng đấu thế giới đã đưa tin về sự kiện Thiên An Môn như New York Times, tạp chí Time, Newsweek (Mỹ), Daily mail (Anh), người Paris Match (Pháp)… cùng nhiều nhiếp ảnh gia và nghệ sĩ nổi tiếng đã bất chấp nguy hiểm tính mạng đi chụp hình và viết bài, ghi lại những hình ảnh lịch sử chân thực phơi bày tội ác của nhà cầm quyền ĐCSTQ qua vụ thảm sát ngày 4/6/1989.

Bí mật quân sự lần đầu được tiết lộ

Tài liệu nội bộ từ quân đội Trung Quốc được đánh dấu là “bí mật” lần đầu tiên được cuốn sách tiết lộ. Mặc dù ĐCSTQ chưa bao giờ công nhận đã nổ súng đàn áp trong ngày 4/6/1989, nhưng tài liệu bí mật chỉ ra giới chức cấp cao ĐCSTQ đã thừa nhận cho nổ súng, đồng thời cố tình cho thiêu hủy trang thiết bị quân sự.

Sách kể lại, sau vụ thảm sát, vào ngày 17/6, tại hội nghị công tác chính trị lần thứ hai quân giới nghiêm, ông Dương Bách Băng (Yang Baibing), Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đã giải thích lý do nổ súng: “Tôi muốn nói chuyện về vấn đề đặc biệt cho nổ súng. Trong hoàn cảnh những tên côn đồ đập phá, cướp bóc, đốt, giết, các binh sĩ không thể chịu nổi, buộc phải tự vệ, bắn cảnh cáo, đây là vấn đề hoàn toàn cần thiết, là đúng đắn. Nếu không làm như vậy sẽ không thể dẹp bạo loạn nhanh chóng, sẽ gây ra tổn thất lớn hơn.”

Về lý do quân đội thiêu hủy thiết bị quân sự rồi đổ lỗi cho người dân và sinh viên, ông Dương cho biết chuyện này đã đóng một vai trò rất tốt trong giáo dục người dân, “vì vậy mà chúng ta giành được chủ động về ​​chính trị. Trong ý nghĩa này, phải trả chút giá cũng xứng đáng”.

Bên cạnh đó, cuốn sách cũng lần đầu đề cập đến tổng hành dinh quân giới nghiêm công bố khẩu hiệu đàn áp phong trào sinh viên là lấy “bảo vệ Đảng” như một cái cớ để “kiên quyết ngăn chặn bạo loạn!”

Cuộc đảo chính của Đặng Tiểu Bình

Đối với bản chất sự kiện Thiên An Môn, Tề Gia Trác cho biết, sách “Thảm sát Thiên An Môn” chỉ ra việc Đặng Tiểu Bình phế bỏ Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương thực chất là một cuộc đảo chính, để thực hiện đàn áp đẫm máu tại Quảng trường Thiên An Môn. Sách liệt kê một số lượng lớn các hình ảnh quý tái hiện lại vụ thảm sát bi thảm.

Trong sách, phóng viên Jan Wong của The Globe and Mail đã mô tả: “Đáng ngạc nhiên là việc quân đội sử dụng các loại vũ khí dùng trong chiến trường… Đạn Đum-đum chúng bắn ra có thể xuyên thủng thép của xe tăng kẻ thù, nhưng đã được dùng để chống lại những người dân thường mặc quần áo mùa hè…. Nhiều người bị bắn trúng trong đêm hôm đó, vì quân đội liên tục bắn vào đám đông.”

Liên quan đến số người thương vong trong thảm kịch Thiên An Môn hiện vẫn còn là một bí ẩn, cuốn sách trích dẫn lời một sinh viên Bắc Kinh nói với tờ Newsweek rằng, “Tại Quảng trường Thiên An Môn khi đó có khoảng 1000 người nằm trên mặt đất, tôi không biết là ai sống hay ai chết.”

thảm sát thiên an môn
Sinh viên và dân chúng tập trung thỉnh nguyện tại Thiên An Môn vào ngày 4/6/1989 (Ảnh chụp từ sách “Thảm sát Thiên An Môn”)

>>Sự kiện Thiên An Môn 1989: Cuộc chính biến của Đặng Tiểu Bình loại Triệu Tử Dương

Vào cuối năm ngoái, các tài liệu được giải mật mới nhất của Anh đã tiết lộ, quân đội cộng sản Trung Quốc đã giết chết ít nhất 10.000 người. Số liệu do Đại sứ Anh tại Trung Quốc là Alan Donald có được từ một người bạn là Ủy viên Chính phủ Trung Quốc, sau đó chuyển về nước Anh thông qua điện báo bí mật.

Phơi bày cái ác và đánh thức dân chúng

“Thí nghiệm chủ nghĩa cộng sản không tưởng đã gây chiến tranh, khủng bố, nạn đói, thảm sát, đàn áp chà đạp số phận của một nửa loài người, đã được ủng hộ trong từng khu vực, kéo dài ba phần tư thế kỷ, những tín đồ đi theo nó đều mê giết người, làm ít nhất 150 triệu người đã chết oan”, theo cuốn sách đã viết.

Đối với tình hình Trung Quốc ngày nay, cuốn sách mô tả Trung Quốc đã vào thời kỳ giám sát toàn dân, không ai còn tự do nhân thân, “Ngày 4/6 của 29 năm trước, ĐCSTQ đã giết chết nền dân chủ. Ngày nay, nó đã lợi dụng mũi nhọn kỹ thuật số nhằm diệt trừ từng người bất đồng tiềm ẩn, nguyên tử hóa từng người trong 1,4 tỷ người Trung Quốc.”

Tề Gia Trác hy vọng thông qua việc xuất bản của cuốn sách này, một lần nữa phơi bày cho mọi người biết rõ sự tàn ác của ĐCSTQ, “sự sụp đổ của ĐCSTQ không còn xa”, và cổ vũ mọi người ghi nhớ tội ác tại Thiên An Môn xem như bài học phải ghi tạc.

Huệ Anh

Xem thêm: