Trước hàng loạt cuộc biểu tình của người dân trong ba tháng qua, Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) luôn thể hiện thái độ cứng rắn không chấp nhận thỏa hiệp với người biểu tình. Tuy nhiên đến ngày 4/9 vừa qua bà đã có động thái gây bất ngờ khi tuyên bố rút Dự luật dẫn độ. Hiện nay giới quan sát đang đặt câu hỏi không biết động thái này là quyết định độc lập của Chính phủ Hồng Kông hay làm theo chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Carrie Lam

Vào 6 giờ chiều ngày 4/9, Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã xuất hiện trên truyền hình và tuyên bố rút Dự luật dẫn độ. (Ảnh: ShutterStock)

Động thái đầy bất ngờ

Vào 6 giờ chiều ngày 4/9 bà Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã xuất hiện trên truyền hình và công bố từ bỏ Dự luật dẫn độ, đồng thời cho biết rằng Hội đồng Lập pháp sẽ thực hiện trình tự thủ tục hủy bỏ dự luật này sau khi tổ chức họp bàn lại.

Trong buổi họp báo vào sáng ngày 5/9 bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga khẳng định rằng việc từ bỏ Dự luật dẫn độ là quyết định của chính quyền Hồng Kông và được Trung ương ĐCSTQ “hiểu, tôn trọng và ủng hộ”.

Nhưng cùng ngày hôm đó tại Bắc Kinh, khi phóng viên hỏi liệu việc hủy bỏ Dự luật dẫn độ là quyết định của chính phủ Hồng Kông hay của chính quyền ĐCSTQ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã từ chối trả lời câu hỏi.

Đây là lần đầu tiên Chính phủ Hồng Kông chính thức ra tuyên bố rõ ràng hủy bỏ Dự luật dẫn độ kể từ khi người dân Hồng Kông bắt đầu chiến dịch chống đối vào cuối tháng Ba năm nay. Vào đầu tháng Bảy năm nay, do sức ép chống đối của người Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã từng buộc phải tuyên bố “tạm ngưng” dự luật này, nhưng luôn từ chối tuyên bố chính thức hủy bỏ một cách chắc chắn.

Ngày 3/9 bà Lâm cũng bác bỏ việc sẽ từ chức. Ngày 2/9, hãng tin Reuters đã công bố đoạn ghi âm cuộc trò chuyện kín giữa bà Lâm và một số doanh nhân. Trong đoạn ghi âm, bà Lâm cho biết nếu có lựa chọn sẽ từ chức và xin lỗi. Trong buổi họp báo vào ngày 3/9 bà Lâm đã thừa nhận đoạn ghi âm bị rò rỉ, nhưng đính chính rằng bà chưa từng đề xuất chuyện từ chức với Bắc Kinh.

Về động thái hủy bỏ Dự luật dẫn độ này của Chính phủ Hồng Kông, xu hướng phổ biến của thế giới phương Tây mà tiêu biểu như Mỹ và Anh đều tán đồng, cũng kêu gọi Chính phủ Hồng Kông đối thoại với người dân để giải quyết hình hiện tại ở Hồng Kông một cách hòa bình.

Tuy nhiên đông đảo các tổ chức và nhà đấu tranh dân chủ như Trại dân chủ Hồng Kông, người biểu tình chống Dự luật dẫn độ, Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền (CHRF), Hội phóng viên quần chúng, Tổng thư ký đảng Demosistō Hoàng Chi Phong, và cựu Phó tổng thư ký Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông Sầm Ngạo Huy… cùng cho rằng quyết định của chính phủ Hồng Kông “quá muộn, quá ít, quá giả tạo”. Họ tuyên bố: “Phải đáp ứng đủ 5 yêu cầu chính.”

Giới quan sát bên ngoài băn khoăn không biết quyết định bất ngờ hủy bỏ Dự luật dẫn độ của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga là chủ ý của Chính phủ Hồng Kông hay theo lệnh của ĐCSTQ?

 

Chủ ý của Bắc Kinh

Hôm 4/9, trong buổi tọa đàm tại Đài Loan với chủ đề “Đài Loan noi theo Hồng Kông”, Tổng thư ký đảng Demosistō Hoàng Chi Phong đến tham dự và có phát biểu rằng chính Bắc Kinh yêu cầu Chính phủ Hồng Kông hủy bỏ Dự luật dẫn độ, mục đích cơ bản là để người Hồng Kông không còn ra đường biểu tình vào thời điểm cận kề ngày 1/10 ĐCSTQ tổ chức kỷ niệm tròn 70 năm xây dựng chính quyền, nhưng Hoàng Chi Phong cho biết hoạt động đấu tranh vẫn sẽ tiếp tục.

Ngày 1/10 kỷ niệm 70 năm xây dựng chính quyền, ĐCSTQ sẽ tổ chức nhiều sự kiện khác nhau, quan điểm phổ biến cho rằng nếu người Hồng Kông tiếp tục biểu tình sẽ khiến ĐCSTQ bị bôi nhọ hình ảnh.

Thực tế cũng có nhiều học giả có quan điểm tương tự như ý kiến mà Hoàng Chi Phong đưa ra. Tiêu biểu như học giả Kim Chung là Tổng biên tập Tạp chí Khai Phóng (Open Magazine) tại Hồng Kông, và học giả chính trị độc lập Cố Vi Quần ở Mỹ, họ cũng bày tỏ quan điểm tương tự trong trả lời phỏng vấn Đài RFA (Á châu Tự do).

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga là con rối của Bắc Kinh?

Tổng biên tập Kim Chung của Tạp chí Khai Phóng tại Hồng Kông cho biết, hồi đầu tháng Bảy khi Chính phủ Hồng Kông tuyên bố “tạm ngưng” triển khai Dự luật dẫn độ, đáng lẽ nên có tuyên bố chính thức hủy bỏ, nhưng lại không làm như vậy. Ngày 4/9 vừa qua mới quyết định làm vậy hiển nhiên là bước đi nhượng bộ, nhưng đây không phải sự nhượng quan trọng, bởi vì trên thực tế thì Dự luật dẫn độ cũng đã chết rồi.

“Tất nhiên quyết định của Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải được chính quyền Bắc Kinh chấp thuận, hoặc đó chỉ đơn giản là chủ ý của Bắc Kinh,” Kim Chung nói, “Lâm Trịnh Nguyệt Nga chỉ là con rối của ĐCSTQ, mọi bước đi đều thực hiện theo chỉ đạo từ Bắc Kinh.”

Ông Kim Chung nhận định, vì sắp đến ngày 1/10 nên chính quyền ĐCSTQ đưa ra “thao tác nhượng bộ nhỏ” vì những hoạt động cận kề trước mắt, hy vọng sớm bình ổn được cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông. Tuy nhiên việc hủy bỏ Dự luật dẫn độ còn xa mới đáp ứng được yêu cầu của người dân Hồng Kông, vì vẫn còn đó 4 yêu cầu khác.

Đề xuất từng bị Bắc Kinh từ chối

Ngày 30/8, Reuters dẫn lời ba nguồn tin cho biết, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã từng đề xuất với Bắc Kinh việc hủy bỏ Dự luật dẫn độ, điều tra độc lập lực lượng cảnh sát, như vậy sẽ giúp hạ nhiệt khủng hoảng chính trị Hồng Kông đang ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên ĐCSTQ đã từ chối lời đề nghị của bà Lâm, đã ra lệnh không được khuất phục trước bất kỳ yêu cầu nào của người biểu tình.

Hôm 30/8, cô Mao Mạnh Tĩnh người triệu tập của Trại Dân chủ Hồng Kông đã tuyên bố công khai rằng, nguồn tin của Reuters cho thấy rõ, về cơ bản bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga là “con rối” của Bắc Kinh. Nghị sĩ Lương Kế Xương của Trại Dân chủ cũng nhận định rằng chính phủ Hồng Kông hiện nay hoàn toàn không có chút quyền lực gì.

Bí mật trong quyết định “tạm ngưng” hồi tháng Bảy

Học giả chính trị độc lập Cố Vi Quần ở Mỹ cho biết, trước đến nay chưa từng có dấu hiệu gì cho thấy bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga sẵn sàng hủy bỏ Dự luật dẫn độ, và rồi mà đột nhiên thay đổi quan điểm, đây có thể là chỉ đạo từ Bắc Kinh.

Ông cho rằng, có lẽ khi Chính phủ Hồng Kông công bố “tạm ngưng” Dự luật dẫn độ, họ vẫn ôm ấp tia hy vọng rằng mặc dù kế hoạch đã kết thúc, nhưng trong tương lai vẫn có thể khởi động lại. Thái độ hành động như vậy là Chính phủ Hồng Kông muốn đảm bảo tính linh hoạt. “Tôi cảm thấy Chính phủ Hồng Kông đã đánh giá thấp mức độ ác cảm của người dân Hồng Kông đối với Chính phủ và ĐCSTQ, đánh giá thấp quyết tâm của người dân Hồng Kông trong hành động.”

Nhận định về động thái tuyên bố chính thức hủy bỏ Dự luật dẫn độ này, ông cho biết: “Tôi cho rằng đây là một nhượng bộ mới của Lâm Trịnh Nguyệt Nga sau khi tham khảo ý kiến ​​của ĐCSTQ, nhưng nhượng bộ này thực sự quá nhỏ bé.”

Đề xuất được Bắc Kinh chấp thuận

Vào chiều ngày 4/9 bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã vội vã gặp mặt giới Đại biểu Nhân đại, Ủy viên Chính hiệp và giới chính trị phe kiến chế thân Bắc Kinh của Đặc khu Hồng Kông để tuyên bố việc chính thức hủy bỏ Dự luật dẫn độ.

Theo trang tin tức “Hồng Kông 01” (Hk01) đưa tin hôm 5/9, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga luôn bày tỏ quan điểm không thỏa hiệp về việc hủy bỏ Dự luật dẫn độ, mới tuần trước khi gặp giới phóng viên trước buổi Hội nghị hành chính vẫn còn cứng rắn khẳng định không chấp nhận 5 yêu cầu chính của người biểu tình. Vậy mà chỉ qua tuần sau bà Lâm đột nhiên thay đổi quan điểm.

Theo một nguồn tin do người phe kiến chế tiết lộ, quyết định hủy bỏ Dự luật dẫn độ đã được bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đưa ra vào ngày 30/8. Khi đó bà Lâm nhận thấy rằng tình hình căng thẳng phản đối Dự luật dẫn độ rất khó lắng dịu, vì vậy đã đề nghị với Bắc Kinh chấp thuận ít nhất một yêu cầu đầu tiên của người biểu tình (chính thức tuyên bố hủy bỏ Dự luật dẫn độ), hy vọng sẽ làm dịu tình hình, cuối cùng đã được Bắc Kinh đồng ý.

Tuyết Mai

Xem thêm: