Gần đây, cựu Bí thư Ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc Vương Kỳ Sơn được bầu vào đại biểu Nhân đại toàn quốc. Nhiều người cho rằng điều này có nghĩa là quan chức này sẽ trở lại chính giới, có dự đoán cho rằng Vương sẽ trở thành Phó Chủ tịch nước. Một cơ quan truyền thông Mỹ nhận định, tương lai của hệ thống Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục thể chế Tập – Vương, quyền lực thực sự của Vương sẽ không chỉ vượt qua các Phó Chủ tịch nước khác trong quá khứ, thậm chí còn đứng trên cả các Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

GettyImages 513502618
(Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Hiếm có quan chức cao cấp nào của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sau khi rời khỏi vị trí lãnh đạo lại được giới truyền thông các nước quan tâm đặc biệt như ông Vương Kỳ Sơn. Đầu tiên phải kể là SCMP (South China Morning Post, Hồng Kông), tờ này nhận định ông Vương Kỳ Sơn dù rời khỏi Ban Thường vụ Bộ Chính trị nhưng vẫn tham gia trong các cuộc họp của cơ quan này. Còn nữa, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Trung Quốc sau Đại hội 19, Vương đã sát cánh cùng Tập trong buổi tiệc tiếp đón vợ chồng Trump.

Ngày 29/1 vừa qua, ông Vương Kỳ Sơn được bầu làm đại biểu Nhân đại toàn quốc tại tỉnh Hồ Nam, một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý. Trong quá khứ, những lãnh đạo trung ương đã rời Ban Thường vụ Bộ Chính trị sẽ không thể tiếp tục được chọn làm đại biểu Nhân đại.

Truyền thông bên ngoài Trung Quốc phân tích, do xung đột thương mại Trung – Mỹ leo thang, ông Tập Cận Bình cần một đồng minh chính trị đáng tin cậy để giúp xử lý mối quan hệ Trung – Mỹ gai góc, Vương Kỳ Sơn là người lý tưởng nhất. WSJ (Wall Street Journal, Mỹ) trích ý kiến của một quan chức cấp cao Trung Quốc tiết lộ, ông Tập Cận Bình hy vọng đồng minh chính trị của ông, cựu chiến tướng đứng đầu chống tham nhũng Vương Kỳ Sơn có thể giúp ông xử lý quan hệ Trung -Mỹ rất quan trọng nhưng đang rơi vào nguy cơ, đặc biệt là trong đám mây đen u ám của cuộc chiến thương mại.

Quan chức này cho biết, trong tháng 10 năm ngoái, do liên quan đến tuổi tác, ông Vương Kỳ Sơn phải rời khỏi Ban Thường vụ Bộ Chính trị, có thể được xem xét cho giữ chức vụ quan trọng khác, trong đó có chức Phó Chủ tịch nước.

Trong một bài viết ngày 02/7, Đài Phát thanh Á châu Tự do (RFA) dẫn lời một quan chức cấp cao Trung Quốc cho biết, ông Vương Kỳ Sơn có quan hệ thân thiết với giới chính trị gia, giới kinh doanh và phố Wall của Mỹ. Trong giải quyết những rắc rối leo thang của quan hệ Mỹ – Trung hiện nay, “đội trưởng cứu hỏa” Vương Kỳ Sơn là ứng cử viên tốt nhất.

Bài viết cho biết, việc Vương được bổ nhiệm Phó Chủ tịch nước vào Tháng Ba là khá chắc chắn. Điều này có nghĩa là Vương sẽ vẫn là cánh tay trái và phải của Tập, thể chế của ĐCSTQ sẽ vẫn là thể chế Tập – Vương.

Đài RFA nhận định, ông Vương Kỳ Sơn trở lại bộ máy chính trị, quyền lực không chỉ vượt qua các Phó Chủ tịch nước trong quá khứ, thậm chí còn hơn cả 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Thể chế ĐCSTQ sau này vẫn sẽ là thể chế Tập – Vương.

Trên Dwnews (Mỹ) ngày 08/2 có bài viết chỉ ra, trở lại bộ máy chính trị có thể ông Vương Kỳ Sơn sẽ cai quản ba vấn đề. Một là ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ. Cơ quan quyết định cao nhất của ngoại giao Trung Quốc là “Ban Chỉ đạo Công tác Đối ngoại Quốc gia”, chức Phó Chủ tịch nước là Phó ban của ban này. Thứ hai là công tác Đoàn, bao gồm Trung ương đoàn Thanh niên Cộng sản. Thứ ba, Vương có thể đóng vai trò rất quan trọng trong xử lý công việc liên quan đến Hồng Kông.

Tuyết Mai

Xem thêm: