Sự kiện thương nhân bí ẩn Quách Văn Quý (Guo Wengui) “mất tích” hơn một năm bất ngờ xuất hiện trên truyền thông ngoài Trung Quốc và lên tiếng “sẽ trả thù” cùng việc tỷ phú Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua) bị bắt ngay 30 Tết (27/1) tại Hồng Kông báo hiệu cơn sóng dữ trong cuộc đấu đá nội bộ quan trường Trung Quốc thời gian tới vô cùng gay cấn.

Quách Văn Quý và Tiêu Kiến Hoa cùng bị cho rằng có liên quan đến gia tộc cựu lãnh đạo Tăng Khánh Hồng.
Quách Văn Quý (trái) và Tiêu Kiến Hoa (phải) cùng bị cho rằng có liên quan đến gia tộc cựu lãnh đạo Tăng Khánh Hồng.

Hai thương nhân Tiêu Kiến Hoa và Quách Văn Quý là những tỷ phú Trung Quốc điển hình làm giàu nhờ thủ đoạn cấu kết chia phần với giới quan chức. Ông Tiêu Kiến Hoa từng là Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Bắc Kinh trong thời gian xảy ra phong trào sinh viên đòi dân chủ năm 1989 tại quảng trường Thiên An Môn, là nhân vật đứng sau tập đoàn Tomorrow Holdings. Còn ông Quách Văn Quý có xuất thân chỉ là một nông dân ở tỉnh Hà Nam, được mệnh danh là “thợ săn quyền lực”, người khống chế cổ phần tập đoàn Zenith Holdings Bắc Kinh.

Tiêu Kiến Hoa và gia tộc Tăng Khánh Hồng

Ngày 1/2, Thời báo Tài chính của Anh đưa tin, tỷ phú Tiêu Kiến Hoa đã bị an ninh Trung Quốc bắt đưa về Trung Quốc đại lục tại khách sạn Bốn Mùa ở Hồng Kông. Thông tin dẫn ý kiến của hai người am hiểu tình hình cho biết, ông Tiêu Kiến Hoa bị bắt là người có quan hệ với một bộ phận giới lãnh đạo tối cao của Trung Quốc.

Trước đó, tờ Bowenpress có trụ sở tại Mỹ cũng đã đưa tin, ông Tiêu Kiến Hoa bị bắt về Bắc Kinh vì liên quan đến cuộc đấu đá của giới quan chức cấp cao Trung Quốc.

Vào năm 2014, tỉ phú này từng phủ nhận việc chạy đến Hồng Kông để tránh bị liên lụy trong kế hoạch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình.

Theo bảng xếp hạng tỉ phú của Hurun, vào năm 2013 Tiêu Kiến Hoa sở hữu 12 tỷ Nhân dân tệ, sau đó 3 năm số tài sản tăng lên đến 40 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 6 tỷ đô la Mỹ), đứng thứ 32 ở Trung Quốc đại lục.

Thời báo New York có nhận định, ông Tiêu Kiến Hoa xây dựng được mối quan hệ thân thiết với giới quan chức cấp cao Trung Quốc, là người trung gian giúp việc cho giới quyền quý Trung Quốc.

Thời báo Tài chính của Anh chỉ ra, Tiêu Kiến Hoa đã tích cực thiết lập mối quan hệ với giới quan to Trung Quốc, trong thời kỳ thị trường tư bản Trung Quốc đại lục mới nổi đã trở thành một trong những người đứng đầu giới tài chính Trung Quốc đại lục trong việc xây dựng được mối quan hệ mật thiết với Chính phủ.

Năm 2007, tờ Tài chính (Caijing) tại Trung Quốc đại lục từng đưa thông tin liên quan đến nội tình tư hữu hóa tập đoàn Luneng Sơn Đông, theo đó Bắc Kinh Guoyuan (tập đoàn năng lượng lớn nhất Bắc Kinh) đã chỉ phải bỏ ra 3,73 tỷ nhân dân tệ để mua lại 90% cổ phần tập đoàn Luneng có giá trị 73,8 tỷ nhân dân tệ.

Tờ Thời báo Tài chính nhận định, thực tế của thương vụ mua bán này là do Tăng Vĩ (con của ông Tăng Khánh Hồng) thực hiện thông qua hàng loạt “công ty trên giấy” (shelf company), trong đó nhiều công ty có chủ sở hữu là Tiêu Kiến Hoa.

Thương nhân Quách Văn Quý bất ngờ hiện thân

Cùng thời điểm ông Tiêu Kiến Hoa bị bắt, một thương nhân Trung Quốc nổi tiếng khác có quan hệ mật thiết với giới chính trị là ông Quách Văn Quý bất ngờ xuất hiện trên truyền thông ngoài Trung Quốc đại lục sau hơn một năm “mất tích”. Việc ông tỷ phú Quách Văn Quý xuất hiện đã gây sóng gió trong quan trường Trung Quốc, theo đó ông Quách Văn Quý đề cập ba mục đích: giữ mạng, giữ tiền, và phải trả thù. Thương nhân này cho biết sẽ công khai những thông tin chấn động liên quan đến một số Ủy viên Bộ Chính trị.

Ông Khương Duy Bình (Jiang Weiping), một người từng trải trong giới truyền thông cho biết, thương nhân Quách Văn Quý có quan hệ thân thiết với những quan to trong “bang Hà Bắc” như Chu Bản Thuận, Lương Tân, Cảnh Xuân Hoa và Trương Việt…

>> Trương Việt ngã ngựa vì bức hại Pháp Luân Công?

Ngày 16/4/2016, trang thông tin Tài Tân (Caixin) tại Trung Quốc đại lục chỉ ra, cựu Giám đốc Công an tỉnh Hà Bắc Trương Việt (Zhang Yue) và cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Mã Kiến (Ma Jian) có quan hệ mật thiết với “thương nhân bí ẩn” Quách Văn Quý. Thương nhân Quách Văn Quý kết thân với Trương Việt thông qua một cựu quan chức ngành công an, sau đó Trương Việt lại giới thiệu Quách Văn Quý với Mã Kiến, từ đây họ kết thành đồng minh.

Quách Văn Quý nhờ trợ giúp của Mã Kiến và Trương Việt để giành được ưu thế trong nhiều thương vụ làm ăn.

Tạp chí Tiền Tiêu tại Hồng Kông số tháng 4/2015 từng có bài viết về nội tình ông Tăng Khánh Hồng đề bạt Mã Kiến. Sau khi Tăng Khánh Hồng nhậm chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương năm 1999 đã đưa nhiều thân tín tại các tỉnh thành lên chức, trong đó có Mã Kiến.

Sau khi được đề bạt, Mã Kiến trở thành một thành viên quan trọng của ông Tăng Khánh Hồng, nhờ được ông Tăng Khánh Hồng nâng đỡ nên Mã Kiến được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc an vào tháng 8/2006.

Mã Kiến “ngã ngựa” ngày 16/1/2015, còn Trương Việt “ngã ngựa” ngày 16/4/2016.

Quan truong Trung Quoc
Mã Kiến (trái) “ngã ngựa” ngày 16/1/2015, Trương Việt (giữa) “ngã ngựa” ngày 16/4/2016 và thương nhân Quách Văn Quý (phải)

Giới quan sát cho rằng, cả hai sự kiện về hai ông trùm Tiêu Kiến Hoa và Quách Văn Quý báo hiệu cơn sóng dữ trong cuộc đấu đá nội bộ quan trường Trung Quốc thời gian tới vô cùng gay cấn.

Mộc Vệ (T/H)

Xem thêm: