Gần đây có tin, tân Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Vương Hỗ Ninh được phân công quản lý vấn đề ngoại giao với Bắc Triều Tiên.

GettyImages 163797850
Ông Vương Hỗ Ninh đi giữa ông Tập Cận Bình (trái) và ông Lý Khắc Cường (phải) (Ảnh: Feng Li/Getty Images)

Ngày 15/12, trang tin Duowei News (DW News) dẫn nguồn từ Bắc Kinh cho biết, trong số 7 Thường ủy Bộ Chính trị khóa 19, ông Vương Hỗ Ninh được phân công quản lý về hình thái ý thức và đảng vụ, hiện được phân công quản lý về ngoại giao với Bắc Triều Tiên.

Cũng theo DW News, đây là chuyện bình thường của hoạt động bàn giao nhiệm vụ trong công tác của Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Vì Trung Quốc – Triều Tiên có mối quan hệ đặc thù, trong thời gian dài vừa qua người phụ trách về mặt đảng vụ cũng phụ trách về vấn đề ngoại giao với Bắc Triều Tiên, hai người tiền nhiệm chủ quản về hình thái ý thức là ông Lý Trường Xuân và Lưu Vân Sơn cũng đều như vậy.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng cách nói này của DW News không hoàn toàn phù hợp thực tế. Trước đó, tiền nhiệm của ông Lý Trường Xuân là Thường ủy Bộ Chính trị Hồ Khởi Lập và Lý Thụy Hoàn không hề quản lý về ngoại giao với Bắc Triều Tiên. Bên cạnh đó, Lý Trường Xuân và Lưu Vân Sơn đều được cho là người thuộc phe cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân. Trước đó có nhiều thông tin tiết lộ, phe cánh của ông Giang và gia quyến họ Kim của Bắc Triều Tiên từng có mối quan hệ mật thiết trong thời gian dài.

Theo tin tức công khai từ Trung Quốc Đại Lục, tháng 3 năm 1990, ông Giang Trạch Dân làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, chuyến thăm nước ngoài đầu tiên là đến Bắc Triều Tiên, ông Giang còn thề với ông Kim Il-song (Kim Nhật Thành) rằng vĩnh viên không phụ Bắc Triều Tiên. Ông Tăng Khánh Hồng được ví như “quân sư” của ông Giang Trạch Dân, khi thăm Bắc Triều Tiên vào tháng 3/2001 đã làm tăng thêm độ thân mật với ông Kim Jong-il (Kim Chính Nhật), về sau Bắc Triều Tiên còn đặc biệt phát hành bộ tem cỡ nhỏ về ông Kim Jong-il và Tăng Khánh Hồng.

Ba đời nhà họ Kim luôn tiếp đãi vô cùng nhiệt tình với các chuyến thăm của người thuộc phe ông Giang Trạch Dân, từ ông Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng, đến Chu Vĩnh Khang và Lưu Vân Sơn, đều được đón tiếp đặc biệt. Trong đó có chuyến thăm Bắc Triều Tiên của ông Lưu Vân Sơn vào cuối tháng 10/2007, ông Lưu được lãnh đạo tối cao của Bắc Triều Tiên là Kim Jong-il tiếp kiến. Chu Vĩnh Khang và Lưu Vân Sơn cũng từng được mời tham dự nghi thức duyệt binh của Bắc Triều Tiên.

Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông Kim Jong-un đã nhiều lần có những hành động khiêu khích để tỏ rõ sự bất mãn đối với Trung Quốc khiến cho quan hệ Trung – Triều trở nên căng thẳng. Trong tình hình đó, ngày 9/10/2015, ông Lưu Vân Sơn đến thăm Bắc Triều Tiên. Đến tháng 12/2015 thì xảy ra việc hai nhóm nhạc của Bắc Triều Tiên, trong đó có nhóm nhạc Moranbong từ chối diễn ở Bắc Kinh. Từ đó mà dư luận nghi ngờ về chuyến đi Bắc Triều Tiên của ông Lưu Vân Sơn.

Ngoài ra, ngày 18/4/2017, Đài phát thanh SOH dẫn nguồn tin ngoài Trung Quốc cho biết, 7 năm trước ông Chu Vĩnh Khang đại diện cho Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn đoàn thăm Bắc Triều Tiên, không biết do vô tình hay cố ý mà tiết lộ với lãnh đạo tối cao của Bắc Triều Tiên Kim Jong-il rằng con trai cả Kim Jong-nam đang được bí mật đào tạo bồi dưỡng ở Trung Quốc, khiến cho phe thân Trung của trung ương Bắc Triều Tiên bị loại trừ.

Nguồn tin còn tiết lộ, ông Chu Vĩnh Khang còn tiết lộ với Kim Jong-un về nội dung cuộc nói chuyện bí mật giữa ông Jang Sung-taek (chú của ông Kim Jong-un) với ông Hồ Cẩm Đào khi ông Jang thăm Trung Quốc, khiến cho ông này bị giết và toàn bộ quan chức Bắc Triều Tiên thân Trung đều bị thanh trừng, do đó mới có cục diện ngày hôm nay.

Ông Vương Hỗ Ninh được cho là tiếp quản vấn đề ngoại giao với Bắc Triều Tiên, bởi ông đã từng phò tá 3 thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc là ông Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình. Trong 7 Ủy viên Ban thường vụ hiện tại ông đang xếp vị trí thứ 5, theo thông lệ sẽ tiếp quản công tác tuyên truyền, xây dựng đảng và hình thái ý thức.

Trong 5 năm chấp chính của ông Tập Cận Bình, ông Vương Hỗ Ninh luôn là người tháp tùng ông Tập trong các chuyến thăm, và được coi là người được ông Tập tín nhiệm.

Tờ New York Times từng tiết lộ, ông Vương Hỗ Ninh rất được ông Tập Cận Bình tín nhiệm, 4 năm trước ông Vương đã có được quyền hạn đặc biệt, quản lý việc đăng các bức ảnh của ông Tập Cận Bình trên các kênh truyền thông nhà nước. Bài viết “Vì sao Vương Hỗ Ninh không đổ sau 3 triều đại” của nhà bình luận thời sự Văn Vũ chỉ ra, trên lập trường chính trị, ông Vương Hỗ Ninh không đứng về phe nào, chỉ biết theo ai thì ra sức giúp cho người đó.

Gần đây bài viết trên Tạp chí Ngoại giao của một trợ lý giáo sư về Luật học của Đại học Trung văn Hồng Kông cho rằng, ông Vương Hỗ Ninh là người duy nhất sau thời ông Đặng Tiểu Bình, được cả 3 ông Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình không coi là mối uy hiếp và không ghét.

Điều đáng chú ý là, trong số Thường ủy khóa trước, ngoài ông Lưu Vân Sơn, thì hai người Trương Đức Giang và Trương Cao Lệ thuộc phe ông Giang Trạch Dân do cùng từng “lưu học” tại Bắc Triều Tiên nên đều được coi là có quan hệ mật thiết với nhà họ Kim. Tại Đại hội 19, cả 3 Thường ủy Lưu Vân Sơn, Trương Đức Giang và Trương Cao Lệ chính thức rút lui khỏi Bộ Chính trị.

Lần này ông Vương Hỗ Ninh chính thức tiếp quản vấn đề ngoại giao với Bắc Triều Tiên thay ông Lưu Vân Sơn, cho thấy ý đồ của ông Tập Cận Bình đối với Bắc Triều Tiên được thể hiện trực tiếp qua ông Vương Hỗ Ninh.

Trí Đạt

Xem thêm: