Mặc dù người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi luôn một mực phủ nhận Huawei có bối cảnh liên quan đến chính quyền Trung Quốc, tuy nhiên một quản lý cấp cao của Huawei khi tham dự điều trần tại Quốc hội Anh Quốc đã thừa nhận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Huawei Tôn Á Phương từng có liên quan đến cơ quan tình báo của chính quyền Bắc Kinh.

ton a phuong
Cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Huawei Tôn Á Phương – người có mối liên hệ với cơ quan tình báo của Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc (Ảnh: Wikipedia)

Thừa nhận có mối liên hệ với cơ quan tình báo

Tờ Nhật báo Kinh tế Hồng Kông đưa tin, hôm thứ Hai (10/6), John Suffolk – một người đứng đầu về An ninh mạng và bảo mật toàn cầu của Huawei, đã tham dự một buổi điều trần của Quốc hội Anh, tại đây ông đã thừa nhận Chủ tịch Hội đồng quản trị Huawei Tôn Á Phương từng có mối liên hệ với tình báo Bắc Kinh, tuy nhiên lại phủ nhận công ty Huawei bị ép hợp tác với cơ quan tình báo, đồng thời cũng cho biết công ty không có nghĩa vụ hoạt động gián điệp cho Bắc Kinh.

Về việc dư luận nói sản phẩm của Huawei có cài phần mềm cửa hậu (back door), có Nghị viên Quốc hội Anh đặt nghi vấn, liệu có phải Bắc Kinh đã cài phần mềm back door lên sản phẩm của Huawei trong tình huống công ty không biết gì, John Suffolk không trả lời thẳng vào vấn đề.

Khi Chủ tịch Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Quốc hội Anh Norman Lamb cáo buộc Huawei trợ giúp công an Tân Cương giám sát người dân và xâm phạm nhân quyền, John Suffolk chỉ nhấn mạnh, Huawei chỉ là đối tác hợp tác cung cấp công nghệ và dịch vụ cho những việc cụ thể, và đã ký hợp đồng cung cấp với bên thứ 3 tại Tân Cương, do đó vụ việc Tân Cương cần do chính phủ xác định đúng sai.

Ngoài ra, khi bị hỏi về việc liệu Huawei có thu được lợi ích từ việc giám sát tại Tân Cương hay không, John Suffolk trả lời: “Đúng, chúng tôi (Huawei) là một công ty thương mại.”

Bản tin cũng chỉ ra, Nghị viên Julian Lewis thuộc đảng Bảo thủ của Anh có nhắc đến việc chính quyền Bắc Kinh thông qua pháp luật để quy định bất cứ công dân và công ty nào của Trung Quốc đều cần phải phối hợp với chính phủ thu thập tình báo. Về việc này, John Suffolk trả lời rằng, câu chữ trong quy định pháp luật trong trường hợp này là mơ hồ, sau một thời gian dài làm rõ với chính quyền Bắc Kinh, thì đã xác định luật này không liên quan đến hoạt động gián điệp.

Julian Lewis nói giải thích của John Suffolk khiến người khác khó có thể tin, ông hình dung quản lý cấp cao của Huawei là “khoảng trống đạo đức” (moral vacuum). Ông nói, “Chính quyền Trung Quốc có rất nhiều luật nhưng lại không tuân thủ, giống như Đức Quốc xã có rất nhiều luật.”

Liên tiếp có nhiều tranh luận liên quan đến bối cảnh của Huawei

Trên thực tế, bối cảnh của Nhậm Chính Phi và Tôn Á Phương (hai người được coi như linh hồn của Huawei) cũng đã gây nhiều tranh cãi.

Người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi từng phục vụ trong quân đội đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1974 đến 1983. Năm 1978, Nhậm Chính Phi dùng thân phận trong quân đội để tham dự Đại hội Khoa học toàn quốc. Năm 1983, Nhậm Chính Phi rời quân đội, năm 1987 thành lập Huawei.

Sau khi xảy ra sự kiện Mạnh Vãn Châu bị bắt tại Canada, tờ Sankei Shimbun tại Nhật Bản tiết lộ, có nguồn tin đáng tin cậy cho biết, khi ông Nhậm Chính phi công tác trong quân đội, đã được huấn luyện một cách có hệ thống về thu thập tình báo; tờ Financial Times cũng chỉ ra, nhiều dấu hiệu cho thấy, lịch sử khởi nghiệp của ông Nhậm Chính phi từng có được sự hỗ trợ của cựu lãnh đạo tối cao của đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân.

Còn về bối cảnh của bà Tôn Á Phương, theo Trung tâm Nguồn mở (Open Source Center,OSC) thuộc Cục Tình báo Trung ương Mỹ tiết lộ, sau khi bà tốt nghiệp ngành Công nghệ điện tử, từng làm ở cơ quan thông tin thuộc Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc, sau đó, dưới sự bố trí của Bộ này, bà mới vào làm việc tại Huawei. Ngày 23/3/2018, bà Tôn Á Phương giải nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Huawei, sau đó chức vụ này do Lương Hoa lên thay.

Huệ Anh

Xem thêm: