Chủ nhiệm Văn phòng liên lạc Trung ương trú tại Đặc khu hành chính Macau – Trịnh Hiểu Tùng (Zheng Xiaosong) đã nhảy lầu tự sát ngày 20/10 trong khi không có dấu hiệu báo trước nào, Văn phòng Sự vụ Hồng Kông và Macau thuộc Quốc vụ viện cho cho biết nguyên nhân Trịnh Hiểu Tùng tự tử là do trầm cảm. Đây là vụ việc quan chức trung ương Trung Quốc đầu tiên tại Macau xảy ra chuyện do đó cũng đã thu hút nhiều tranh luận của dư luận. 

trinh hieu tung
Hình ảnh ông Trịnh Hiểu Tùng tham dự vào một hội nghị truyền thông tại Macau (Ảnh: Epoch Times)

Cái chết bí ẩn của Trịnh Hiểu Tùng

Ngày 21/10, Văn phòng Sự vụ Hồng Kông và Macau công bố thông tin cho biết, tối ngày 20/10, Chủ nhiệm Văn phòng liên lạc Trung ương tại Macau là Trịnh Hiểu Tùng đã nhảy lầu tự tử tại nơi cư trú ở Macau.

Trang web của Văn phòng liên lạc Trung ương tại Macau còng cho hay, trước một ngày Trịnh Hiểu Tùng nhảy lầu tự tử (ngày 19/10), ông đã gặp mặt Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Liên minh nhân dân Thi Gia Luân; ngày 18/10, Trịnh Hiểu Tùng còn tham gia hoạt động khác tại Macau, trong đó có cuộc gặp mặt với các quan chức cấp cao như Trưởng Đặc khu Macau Thôi Thế An, Phó Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Hà Hậu Hoa. 

Trước khi xảy ra việc Trịnh Hiểu Tùng nhảy lầu tự tử hoàn toàn không có triệu chứng báo trước nào, còn phía chính quyền Trung Quốc cho biết Trịnh nhảy lầu tự tử là vì trước đó đã bị chứng trầm cảm.

Trịnh Hiểu Tùng tự tử trước ngày thông xe Cầu Hồng Kông – Chu Hải – Macau, cây cầu này thi công hơn 9 năm với chi phí lên đến hàng chục tỷ Đô la Mỹ. Cây cầu này sẽ được thông xe vào ngày 23/10.

Tờ HK01 tại Hồng Kông trước đó đã từng tiết lộ, công trình Cầu Hồng Kông – Chu Hải – Macau trong quá trình thi công đã có ít nhất vài trăm công nhân bị thương, khoảng 20 công nhân tử vong.

Trịnh Hiểu Tùng là ai?

Trịnh Hiểu Tùng năm nay 59 tuổi, từng làm Bí thư thứ nhất Vụ Tây Âu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Phó tuần sát viên Tân Hoa Xã tại phân xã Hồng Kông, Vụ trưởng Vụ Quốc tế thuộc Bộ Tài chính, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính, Giám đốc điều hành Ngân hàng Phát triển Á châu Trung Quốc, Phó tỉnh trưởng tỉnh Phúc Kiến, Thưởng ủy Tỉnh ủy kiêm Tổng thư ký tỉnh Phúc Kiến, Phó trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương.

Tháng 9/2017, Trịnh Hiểu Tùng được bổ nhiệm là Chủ nhiệm Văn phòng liên lạc Trung ương trú tại Đặc khu hành chính Macau.

Sau khi Bắc Kinh công bố thông tin Trịnh Hiểu Tùng tử vong, truyền thông tại Macau cũng đã xác nhận, Trịnh Hiểu Tùng nhảy lầu tại tòa nhà Trung tâm Hồng An. Tòa nhà cư dân này nằm ngay phía sau Tòa nhà Văn phòng liên lạc Trung ương tại Macau, xung quanh là các sòng bài và tiệm cầm đồ có mặt khắp con phố.

Theo Đài Phát thanh Truyền hình Hồng Kông (RTHK), Trung tâm Hồng An thực tế được gọi là tòa nhà Trung Liên, năm 1999 sau khi chủ quyền Macau được trao cho Trung Quốc không lâu thì được đổi tên, đồng thời trở thành nơi ở của nhân viên Văn phòng liên lạc Trung ương tại Macau, tòa nhà này có bảo vệ riêng, người ngoài không thể vào được.

Hiện tại, phía cảnh sát Macau chỉ cho biết đang tiến hành các trình tự liên quan đến vụ án.

Điều khiến dư luận chú ý đó là, trước khi Văn phòng Sự vụ Hồng Kông và Macau công bố thông tin, truyền thông Macau không hề có thông tin nào liên quan đến nhảy lầu tự tử, đến khi Bắc Kinh lên tiếng xác nhận, thì báo chí tại Macau mới nói thêm về vụ án.

Ngoài ra, tờ Apple Daily tại Hồng Kông cũng chỉ ra, sự kiện Trịnh Hiểu Tùng nhảy lầu tự tử có điểm đáng nghi lớn nhất chính là phía cảnh sát Macau nhấn mạnh vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra, tuy nhiên Văn phòng Sự vụ Hồng Kông, Macau lại tuyên bố Trịnh Hiểu Tùng tử vong là do chứng trầm cảm. 

Còn Trung tâm Thông tin Vận động nhân quyền Trung Quốc có trụ sở tại Hồng Kông lại dẫn nguồn tin cho hay, Trịnh Hiểu Tùng gần đây đã bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương hỏi thăm, đây có thể là một trong những nguyên nhân Trịnh Hiểu Tùng tự sát.

Hãng tin Reuters đưa tin cho biết, Văn phòng Liên lạc Trung ương tại Macau có nhiệm vụ thúc đẩy quan hệ giữa chính quyền Trung ương Bắc Kinh và chính quyền địa phương Macau.

Theo thông tin của chính quyền Trung Quốc, tiền thân của Văn phòng Liên lạc Trung ương tại Macau là phân xã của Tân Hoa Xã tại Macau. Giống như Hồng Kông, mặc dù Macau có thể tự tiến hành bầu cử người đứng đầu đặc khu theo khuôn khổ “một nước hai chế độ“, nhưng vẫn cần phải được Bắc Kinh công nhận.

Quan chức Trung ương Trung Quốc tử vong tại Macau gây nhiều tranh luận

Hiện tại, cái chết của quan chức Trung Quốc Đại lục tại Macau cũng khiến dư luận chú ý.

Phó giáo sư Từ Vĩnh Dật thuộc Khoa Chính phủ và Hành chính của Đại học Macau chia sẻ với Đài BBC cho biết, “Ông ấy (Trịnh Hiểu Tùng) là quan chức trung ương, nguyên nhân cái chết của ông ta xác thực là do trung ương quyết định công bố, tuy nhiên, vấn đề là sự việc này phát sinh tại Macau. Vậy thì lằn ranh (giữa một nước và hai chế độ) rốt cuộc nên vạch ra ở bên nào? Lằn ranh này phải chăng đã thu hẹp lại rồi? Đây là mới thực sự là điều chúng ta nên suy nghĩ.”

Ông nói, ông chưa từng tiếp xúc với ông Trịnh Hiểu Tùng, nhưng trong ấn tượng của ông đối với các nhiệm kỳ Chủ nhiệm Văn phòng liên lạc Trung ương tại Macau thì đây là một chức quan tương đối không có tiếng nói. Sự kiện lần này khiến ông cảm thấy kỳ lạ, nhưng điểm nghi vấn thậm chí còn ít hơn so với vụ án một quan chức của Macau tự sát cách đây vài năm.

Tháng 10/2015, người đứng đầu Hải quan Macau là bà Lại Mẫn Hoa (Lai Minhua) được phát hiện tử vong trong nhà vệ sinh công cộng ở “Vườn hoa Hải Dương”. Tối cùng ngày, Trưởng Đặc khu hành chính Macau Thôi Thế An đã công bố thông tin Lại Mẫn Hoa tự sát, Cựu Chủ tịch Ủy ban lập pháp Tào Kỳ Chân sau đó đã đăng blog nói, khi còn sống Lại Mẫn Hoa bị chứng trầm cảm. Thời điểm đó, dư luận cũng cảm thấy nghi hoặc đối với phát ngôn của Trưởng Đặc khu về sự việc cũng như nguyên nhân cái chết của Lại Mẫn Hoa.

Từ Vĩnh Dật nói: “Tôi nghĩ, chính quyền cần hạn chế không nói về việc này (Trịnh Hiểu Tùng tự sát), nhưng nếu mà không nói nữa, mọi người lại nghi ngờ rốt cuộc chuyện này là như thế nào. Do đó, tình hình hiện tại cũng rất khó xử.” 

Cái chết của Trịnh Hiểu Tùng cũng thu hút nhiều bình luận trên mạng xã hội. Có người dùng Twitter nói, “Quan chức chính quyền Trung Quốc là những nhóm người ngày càng có nguy hiểm mức độ cao, quỹ đạo cuộc đời cơ bản là: hại người … bị hại … các cách chết khác nhau.”, “Trùng hợp vậy ư? Trước khi cắt băng khánh thành cầu Hồng Kông – Chu Hải – Macau thì lại bị bệnh?”, “Sự tham ô hủ bại trong hệ thống quan chức Macau thực ra là vô cùng nghiêm trọng.”

Quan chức Trung Quốc liên tiếp “nhảy lầu” tự tử

Theo các tư liệu được công khai, trong năm nay (2018) đã xảy ra nhiều vụ quan chức Trung Quốc nhảy lầu tự tử.

Tháng 9, Thường Kiện – Phó thị trưởng thị xã Du Thụ, thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm nhảy lầu bị thương.

Tháng 7, Cao Trung Hiếu – Phó Tổng Thư ký Thường ủy Nhân đại thành phố Trương Gia Khẩu tỉnh Hà Bắc nhảy lầu tự vong.

Tháng 6, Lý Cường – Điều tra viên Cục Lương thực thành phố Hoài Bắc tỉnh An Huy nhảy lầu tử vong. Khi đó, chính quyền địa phương cho biết lúc còn sống, Lý Cường mắc chứng trầm cảm.

Tháng 5, Thành Vạn Đông – Phó phòng Tổ chức huyện ủy Kiến Hồ tỉnh Giang Tô kiêm Trưởng phòng Cán bộ nghỉ hưu huyện Kiến Hồ đã tự sát. Trong cùng tháng, Trịnh Kim Xa – Cục trưởng Cục công an quận Quảng Phong, thành phố Thượng Hiểu tỉnh Giang Tây nhảy lầu tử vong.

Tháng 4, Phùng Trung Hồng – Phó thị trưởng thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang nhảy lầu tử vong.

Ngày 1/6, Mai Chấn Học – Phó thị trưởng thành phố Giai Mộc Tư tỉnh Hắc Long Giang nhảy lầu tự tử.

Trí Đạt

Xem thêm: