“Quá ít việc làm được tạo ra, trong khi nợ ngày càng nhiều” – đó là cảnh báo của Đặc phái viên về quyền con người của Liên Hợp Quốc (LHQ) đối với Lào trong việc nước này ưu tiên chiến lược “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc hơn chính người dân của mình.

dap thuy dien Xayaburi
Đập thủy điện Xayaburi, Lào. (Ảnh: Shutterstock)

SCMP đưa tin, mới đây, đặc phái viên về quyền con người của LHQ, ông Philip Alston, tuyên bố việc chính phủ Lào liên tục ưu đãi cho các dự án đắt đỏ của Trung Quốc, cũng như chấp thuận nhiều nhượng quyền quan trọng về đất đai và các nguồn tài nguyên là nguyên nhân khiến nền kinh tế ngày càng nghèo đi và khiến đời sống người dân càng thêm khó khăn.

Ông Alston cho rằng Lào nên bớt tập trung vào các hợp đồng xây đập thuỷ điện và đường sắt sử dụng vốn đầu tư nước ngoài mà nên dành nhiều nguồn lực hơn vào việc giúp đỡ trẻ em và người nghèo.

“Nền kinh tế nghèo nàn của Lào chỉ có thể tiến triển nếu các nhà lãnh đạo quan tâm nhiều hơn đến giáo dục và chăm sóc người dân. Chiến lược hiện hành ưu đãi các dự án tốn kém cùng các nhà đầu tư Trung Quốc và dành nhiều đặc quyền lớn về đất đai và các nguồn tài nguyên khác đang làm lợi cho giới tinh hoa giàu có trong khi bỏ rơi những người dân khác,” ông Alston nhận nhận xét trong một cuộc họp báo được phát sóng trực tiếp từ Viên Chăn, thủ đô của Lào, sau khi ông thị sát nhiều vùng nông thôn của Lào, gồm cả một vùng bị tàn phá bởi một con đập bị vỡ hồi năm ngoái.

Nền kinh tế của Lào đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, nhưng  phần lớn cư dân ở vùng núi và nông thôn không được hưởng những ích lợi của sự tăng trưởng đó.

Ông Alston nói các dự án hạ tầng đồ sộ đã lấy đi đất đai của cư dân địa phương, buộc họ phải di dời tái định cư. Trong khi đó, chúng tạo ra quá ít việc làm và dẫn đến kết quả là mắc nợ quá nhiều.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã liên tục thúc ép lên Lào với các các dự án xây dựng khổng lồ liên quan tới “Sáng kiến Vành đai và Con đường”, với mục tiêu xây dựng một hệ thống giao thông và thương mại toàn cầu cùng viễn cảnh nền kinh tế Lào sẽ hoà vào với nền kinh tế của khu vực và thế giới, từ đó phát triển thịnh vượng.

Ông Alston cho biết, chính phủ Lào có thể đã nhượng quyền cho phép Trung Quốc khai thác phải đến “40% lãnh thổ”, tuy nhiên điều này sinh ra rất ít lãi cho ngân sách quốc gia. “Chúng tạo ra rất ít doanh thu thực để có thể chi cho phúc lợi cho người dân Lào, và tất nhiên chúng sẽ dẫn đến việc mất quyền sở hữu trên diện rộng.”

laos railway
Sơ đồ Đường sắt Lào – Trung Quốc

Trước đó, ông Alston đã có 11 ngày đi thị sát ở Lào. Ông nhận thấy rõ rằng cả đất nước đang phải vật lộn với đói nghèo.

Ông nhận thấy phụ nữ Lào đa phần bị loại ra khỏi tiến trình ra quyết sách của chính quyền; các tộc người thiểu số vốn chiếm gần nửa dân số “bị tước đoạt nặng nề” lợi ích liên quan đến các chính sách. Mức thu nhập của họ cũng rất thấp, điều kiện tiếp cận giáo dục và y tế ở mức kém.

Dù cho có những tiến bộ to lớn trong việc xoá nghèo, hơn một phần năm trẻ em Lào thiếu cân, 9% bị “suy kiệt”, hoặc suy dinh dưỡng nặng và một phần ba bị còi. Chưa tới một nửa trong số chúng được tiêm phòng.

Ông Alston nhận xét mục tiêu của chính phủ về đầu tư nước ngoài có xu hướng sử dụng nguồn tài nguyên như trang trại trồng cao su, khai mỏ và đập thuỷ điện liên quan trực tiếp tới nạn đói nghèo vì chúng không tạo ra nguồn thu nhập từ thuế hoặc việc làm cần thiết để giảm nghèo.

Trước những nhận xét của ông Alston, một viên chức ngoại giao Lào, ông Phetvanxay Khousakoun, đã bày tỏ sự phản đối.

“Một vài thông tin mà ông ta nhận được có thể sai lệch. Cũng vậy, các tổ chức phi chính phủ có thể che giấu nhiều việc. Điều này có thể mang đến cho ông ta một số nhận thức sai lầm về đất nước Lào”, ông nói. “Những nhóm cư dân đó khá nhỏ để có thể phản ánh được thực trạng của cả đất nước.”

Quan chức này cũng cho rằng những bình luận của ông Alston đã vượt ra ngoài khuôn khổ nhiệm vụ của ông.

Trong khi đó, ông Alston cho rằng nói ra những việc này gắn với sứ mệnh của ông, và rằng “Nghèo đói là một lựa chọn chính trị.”

Bảo Minh

Xem thêm: