Trong thời gian diễn ra “Lưỡng hội”, bên cạnh tập trung sự chú ý vào ông Tập Cận Bình, hướng đi của ông Hồ Xuân Hoa cũng thu hút sự chú ý của giới quan sát. Truyền thông ngoài Trung Quốc cho biết, ông Hồ Xuân Hoa mất đi địa vị “người kế nhiệm” lại tỏ ra ung dung, nhưng người cùng sinh sau năm 1960 là ông Trần Mẫn Nhĩ,  lại tỏ ra tương đối nặng nề.

Trần Mẫn Nhĩ
Ông Trần Mẫn Nhĩ (trái) và ông Hồ Xuân Hoa (phải) đều là Ủy viên Bộ Chính trị sinh sau năm 1960

Hiện tại, chức vụ của 25 người thuộc Bộ Chính trị về cơ bản đã được xác định, chỉ còn ông Hồ Xuân Hoa là vẫn chưa rõ. Tháng Mười năm ngoái, sau Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Hồ Xuân Hoa trúng cử Ủy viên Bộ Chính trị, đồng thời giải nhiệm chức Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông. Hiện tại chức vụ của ông chỉ là danh phận Ủy viên Bộ Chính trị trong ĐCSTQ. Giới quan sát đồn đoán, ông Hồ Xuân Hoa có thể giữ chức Phó thủ tưởng Quốc vụ viện.

Ngày 7/3, Đài Phát thanh quốc tế Pháp (RFI) đưa tin, mặc dù ông Hồ Xuân Hoa đã mất danh phận “người kế nhiệm cách khóa”, nhưng coi như đã vượt qua được cửa ải tại Đại hội 19, để tiếp tục bảo lưu chức Ủy viên Bộ Chính trị. Chiều ngày 5/3, ông Hồ Xuân Hoa và ông Vương Kỳ Sơn cùng tham dự hội nghị của đoàn đại biểu Hồ Nam. Ông Hồ Xuân Hoa có vẻ tương đối thoải mái, dư luận coi như không còn cùng nhắc đến tên ông cùng với Tôn Chính Tài nữa.

Trước đó, sau khi ông Tôn Chính Tài “ngã ngựa”, mỗi lần truyền thông đưa tin, chỉ cần nhắc đến ông Tôn Chính Tài thì ắt sẽ nhắc đến ông Hồ Xuân Hoa. Nguyên nhân rất đơn giản, bởi ông Hồ Xuân Hoa cũng là một trong những người được coi là “người kế nhiệm cách khóa”.

Tại “Lưỡng hội” (Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân) năm nay, sẽ có 4 Phó thủ tướng Quốc vụ viện mới. Ông Trương Cao Lệ, Lưu Diên Đông, Mã Khải đều đã đến tuổi về hưu. Ông Uông Dương được vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội 19, cũng sẽ giải nhiệm chức Phó thủ tướng. Tại hội nghị đoàn chủ tịch Ủy ban Chính hiệp lần này, ông Uông Dương là người chủ trì, điều này cho thấy ông Uông Dương đảm nhiệm chức Chủ tịch Chính hiệp khóa mới dường như đã là chắc chắn.

Trong số ứng cử viên chức Phó thủ tướng, những nhân vật được cho là ứng cử viên sáng giá có ông Hàn Chính, Hồ Xuân Hoa, Lưu Hạc, Tôn Xuân Lan, Dương Khiết Trì. Giới quan sát dự đoán, ông Hồ Xuân Hoa sẽ thay thế ông Uông Dương, quản lý về nông nghiệp và kinh tế đối ngoại.

Theo nghị trình tại Đại hội Nhân đại lần này, ngày 19/3 tới đây, danh sách Phó thủ tướng, Ủy viên Quốc vụ viện và các bộ trưởng sẽ được công bố. Đến lúc đó, hướng đi của ông Hồ Xuân Hoa mới rõ được.

Ngày 7/3, Đài RFI đưa tin, người tỏ ra đang gánh vác trách nhiệm tương đối nặng nề tại “Lưỡng hội” là ông Trần Mẫn Nhĩ – Bí thư thành phố Trùng Khánh. Cho đến khi diễn ra cuộc họp báo, ông Trần Mẫn Nhĩ vẫn tiếp tục chú trọng nói với báo giới về vấn đề “thanh trừng dư độc Bạc Hy Lai, Tôn Chính Tài”. Ông Trần Mẫn Nhĩ vẫn đem lý luận của ông Vương Kỳ Sơn để áp dụng với Bạc Hy Lai, Tôn Chính Tài, điểm chung của hai người này “vấn đề nổi cộm nhất chính hủ bại về chính trị”.

>>“Loại bỏ tàn dư độc hại” trong chính trường Trung Quốc, thực chất là “tàn dư” hay “nguồn gốc”?

RFI cho biết, rất khó làm quan ở Trùng Khánh, tại nơi đây từng lưu truyền câu nói “hoặc là vào đảng, hoặc là vào ngục”, ông Trần Mẫn Nhĩ biết rất rõ ý đồ của ông Tập Cận Bình trong việc ủy nhiệm mình, thanh trừng dư độc của Bạc Hy Lai và Tôn Chính Tài là việc quan trọng trong những việc quan trọng. Xây dựng thành tựu hay bản đồ quy hoạch đều có thể không bàn đến.

Ngày 6/3, theo Nhật báo Trùng Khánh đưa tin, ngày 5/3, khi ông Trần Mẫn Nhĩ nghiên cứu về Báo cáo công tác chính phủ, tiếp tục nhắc đến ảnh hưởng của Tôn Chính Tài và di độc tư tưởng của Bạc Hy Lai, Vương Lập Quân.

Ông Trần Mẫn Nhĩ chỉ trích Bạc Hy Lai, Tôn Chính Tài là “nguồn ô nhiễm bầu sinh thái chính trị”, di độc tư tưởng của Bạc Hy Lai đến nay vẫn chưa được xóa sạch, do đó cần kết hợp cả với việc xóa bỏ ảnh hưởng xấu của Tôn Chính Tài, thanh trừng di sản độc hại của họ về mặt chính trị.

Ông Trần Mẫn Nhĩ cho biết, Thị ủy Trùng Khánh đã liệt ra 10 “danh sách phụ diện”, chính là những sai trái về chính trị, tư tưởng, tác phong, kỷ luật, dùng người, pháp trị của hai người Bạc Hy Lai và Tôn Chính Tài.

Trí Đạt

Xem thêm: