Hôm 12/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông báo rằng họ đã nhận được thông tin về bản đồ gen “virus corona mới 2019″ (2019-nCov) gây bệnh “viêm phổi lạ” ở Vũ Hán, Trung Quốc, điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu chế tạo công cụ chẩn đoán cụ thể. Tuy nhiên, đáng chú ý là hầu hết phóng viên và các tổ chức muốn đến Vũ Hán đưa tin về tình hình dịch bệnh đều bị cảnh sát ngăn chặn.

Bệnh nhân chủ yếu tập trung tại bệnh viên Kim Ngân Đàm – Vũ Hán

kim dam benh vien
Hiện nay thành phố Vũ Hán đã tập trung các bệnh nhân liên quan “viêm phổi lạ” tại Bệnh viện Kim Ngân Đàm (Nguồn: Trang web Bệnh viện Kim Ngân Đàm)

Ngày 14/1, hãng tin TVB Hồng Kông đưa tin, hiện nay các bệnh nhân liên quan “viêm phổi lạ” tại Vũ Hán Trung Quốc chủ yếu tập trung tại khoa bệnh truyền nhiễm thuộc bệnh viện Kim Ngân Đàm, tất cả nhân viên y tế trong bệnh viện đều mặc quần áo và khẩu trang bảo vệ, nhiều người bệnh đến bệnh viện khám bệnh cũng mang khẩu trang bảo vệ.

Thông tin TVB cũng cho biết vào sáng ngày 14/1, nhiều tổ chức truyền thông Hồng Kông đã đến bệnh viện Kim Ngân Đàm để tìm hiểu tình hình dịch bệnh, nhưng không ngờ họ bị nhiều cảnh sát (mặc thường phục) chặn lại truy hỏi, thậm chí có phóng viên bị bắt vào phòng bảo vệ trong bệnh viện để tra hỏi. Họ bị yêu cầu phải xóa các video và hình ảnh họ đã chụp và bị chụp lại các giấy tờ tùy thân bao gồm thẻ phóng viên. Sau toàn quá trình mất khoảng một tiếng đồng hồ thì phóng viên mới được thả.

Một thông tin do RTHK (Đài phát thanh truyền hình Hồng Kông) đưa tin cho biết, các phóng viên của các tổ chức như RTHK, Đài phát thanh thương mại Hồng Kông, TVB, Kênh tin NOW… đều bị cảnh sát Đại Lục chặn lại và đưa vào phòng cảnh sát ở bệnh viện Kim Ngân Đàm. Trong thời gian này họ đã bị kiểm tra đồ đạc, chụp lại các giấy tờ liên quan gồm cả thẻ phóng viên và bị yêu cầu xóa các video cũng như hình ảnh ghi cảnh trong bệnh viện.

Còn theo Stand News, hôm 13/1 nhóm chuyên gia tại Hồng Kông với tư cách là thành viên của phái đoàn chính phủ Hồng Kông đến đến Vũ Hán tìm hiểu tình hình dịch bệnh nhưng đã không được cung cấp thông tin chi tiết cụ thể. Nhóm chuyên gia gồm có Từ Đức Nghĩa (Xu Deyi) – Phó Cục trưởng Cục Thực phẩm và Sức khỏe, Trương Trúc Quân (Zhang Zhujun) – Giám đốc Bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hồng Kông, và Lại Vĩ Văn (Lai Weiwen) – Chủ nhiệm Tổng Kiểm soát truyền nhiễm của Cục Quản lý Bệnh viện Hồng Kông (HA).

Bản đồ gen virus “viêm phổi lạ” giống SARS đến 80%

Trước đó, trong một bản tin vào hôm 12/1, WHO cho biết họ đã nhận được thông tin về bản đồ gen “virus corona mới 2019″ (2019-nCov) được phát hiện từ các trường hợp viêm phổi do lạ ở Vũ Hán do cơ quan chức năng Trung Quốc Đại Lục cung cấp. Điều này có ý nghĩa quan trọng để có thể phát triển công cụ chuẩn đoán loại bệnh này. WHO cũng đã cảnh báo “virus corona mới” xuất hiện ở Vũ Hán có thể được truyền từ người sang người với “mức độ hạn chế”, qua đó nhắc nhở khả năng dịch bệnh có thể lây lan. Các biểu hiện lâm sàng của loại bệnh này chủ yếu là sốt, một số ít trường hợp khó thở, chụp X quang ngực cho thấy tổn thương xâm lấn cả hai phổi.

Ngoài ra, Bộ y tế tại Đài Loan cũng đã phát hiện mức tương đồng đạt tới 87% giữa virus gây “bệnh phổi lạ” này với virus corona từ loài dơi, từ đó suy đoán về khả năng cao bắt nguồn từ dơi, trong khi mức tương đồng với SARS là gần 80%.

Theo thông tin, nghiên cứu về loại virus corona mới này đã loại trừ một số khả năng, theo đó đây không phải thể virus đường hô hấp giống như cúm, cúm gia cầm, virus adeno, virus corona, hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV), virus corona chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV).

Hôm 13/1 Ủy ban Y tế và Sức khỏe thành phố Vũ Hán cho biết tính đến ngày 12/1 ở Vũ Hán có 41 trường hợp đã được chẩn đoán nhiễm dịch bệnh “viêm phổi do virus corona mới”, 7 trường hợp nghiêm trọng và 1 trường hợp tử vong; đang theo dõi tổng cộng 763 người tiếp xúc mật thiết với dịch bệnh nhưng hiện không phát hiện trường hợp nào nhiễm bệnh.

Trước đó, trong một thông tin ngày 6/1, Ủy ban Y tế và Sức khỏe Thành phố Vũ Hán cho biết dự tính số trường hợp nhiễm bệnh ​​sẽ tăng lên trong quá trình triển khai công việc phòng ngừa liên quan.

Tờ Vision Times đưa tin, tính đến ngày 13/1, Hồng Kông đã phát hiện 68 trường hợp nghi ngờ; tại Macau tính đến ngày 7/1 có 8 trường hợp nghi ngờ; Đài Loan đến ngày 5/1 đã có 8 chuyến bay trực tiếp từ Vũ Hán nhập cảnh Đài Loan với tổng cộng 747 hành khách và thành viên tổ bay;  Hàn Quốc vào ngày 8/1 đã thông báo có trường hợp đầu tiên bị nghi mắc “viêm phổi lạ”, bệnh nhân là một phụ nữ Trung Quốc; Bộ Y tế Singapore thông báo một bé gái 3 tuổi từng đến thăm Vũ Hán bị nghi mắc viêm phổi lạ; Thái Lan vào ngày 13/1 xác nhận trường hợp bệnh đầu tiên đến từ Trung Quốc.

Nguy cơ truyền bệnh tăng cao do “xuân vận” tại Trung Quốc

Qua bản đồ Trung Quốc có thể thấy Vũ Hán là thành phố trung tâm ở miền trung Trung Quốc; là thành phố lớn nối liền với 9 tỉnh gồm Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Hà Nam, Hồ Nam, Quý Châu, Giang Tây, An Huy, Giang Tô và Hồ Bắc.

Như vậy, cùng với vị trí địa lý Vũ Hán là trung tâm vận tải ở giữa Trung Quốc Đại Lục, thêm vào dịp mùa xuân cận Tết Nguyên đán lưu lượng giao thông khổng lồ tại Trung Quốc Đại Lục nên càng gây nguy cơ cao về khả năng bệnh lan truyền rộng. Trước đây cơn sốt lợn châu Phi tại Trung Quốc cũng đã ngoài tầm kiểm soát ngay sau đợt “xuân vận” khổng lồ này của Trung Quốc.

Theo thông tin của Hội nghị Công tác “xuân vận” Vũ Hán vào ngày 27/12/2019, “xuân vận” Vũ Hán 2020 sẽ bắt đầu vào ngày 10/1 và kết thúc vào ngày 18/2, kéo dài 40 ngày. Ước tính Vũ Hán sẽ có khoảng 15 triệu lượt hành khách di chuyển bằng đường sắt, đường cao tốc và hàng không.

Tuyết Mai

Xem thêm: