Trong bối cảnh một tòa án độc lập điều tra về thu hoạch tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc đã công bố một Tuyên án dài 60 trang, kết luận về tội ác Chống lại loài người của chính quyền Trung Quốc, một tạp chí nhân quyền tại Ý đã phỏng vấn tiến sĩ Lý Huy Qua (Li Huige), Giảng sư tại Trung tâm Y tế Đại học thuộc Đại học Johannes Gutenberg – trường đại học lớn thứ 5 ở Đức. Ông Lý Huy Qua đã trình bày về vấn đề thu hoạch tạng này từ góc nhìn của một chuyên gia y tế.

Phỏng vấn chuyên gia: Tội ác Chống lại loài người của chính quyền TQ
Ông Lý Huy Qua xuất hiện trên kênh 3SAT của Đức.

Cuộc phỏng vấn của tạp chí nhân quyền Bitter Winter với tiến sĩ Lý bắt đầu bằng thông tin về một bộ phim tài liệu nổi tiếng năm 2014 có tiêu đề Thu hoạch Nhân thể (Human Harvest), do nhà làm phim Leon Lee ở Vancouver, Canada, đạo diễn.

Ông có thể tóm lược ngắn gọn nội dung của bộ phim Thu hoạch Nhân thể cho độc giả của chúng tôi hay không?

Thu hoạch Nhân thể là một bộ phim tài liệu của hãng phim Flying Cloud Productions ở Vancouver, Canada. Bộ phim đã giành được Giải thưởng Peabody và một số giải thưởng khác. Bộ phim bắt đầu với câu chuyện của các bệnh nhân Đài Loan đến Trung Quốc Đại Lục và được cấy ghép tạng chỉ trong vòng vài tuần. Trung Quốc không có hệ thống hiến tạng trước năm 2010 và các quan chức Trung Quốc tuyên bố rằng phần lớn tạng là do tù nhân bị xử tử hiến tặng. Tuy nhiên, số lượng các vụ tử hình quá thấp khi đặt trong tương quan với số ca cấy ghép tiến hành mỗi năm, chưa kể thời gian chờ đợi ghép tạng cực ngắn. Một loạt cuộc điều tra của ông David Matas, ông David Kilgour và các nhà hoạt động nhân quyền khác cho thấy, các cơ quan tạng chủ yếu đến từ tù nhân lương tâm là người tập Pháp Luân Công, khi phong trào thực hành tâm linh này bị đàn áp ở Trung Quốc từ năm 1999.

Ông đã gây chú ý khi góp mặt trong một phiên bản của bộ phim đó. Ông đóng vai trò gì trong phim?

Vào năm 2016, mạng truyền hình tiếng Đức, 3sat, đã chuyển thể bộ phim Thu hoạch Nhân thể sang phiên bản tiếng Đức với tựa đề “Ausgeschlachtet: Organe auf Bestellung” (Ăn thịt đồng loại: Tạng theo đặt hàng). Trong phiên bản này, 3sat đã phỏng vấn tôi và lồng ghép phát biểu của tôi vào đoạn phim được đặt tên tiếng Đức. Trên thực tế, phiên bản tiếng Đức này là một phiên bản làm lại của 3sat. Đóng góp của tôi là giải thích tình hình ở Trung Quốc, ví dụ như, tại sao không phải tất cả các cơ quan tạng từ tù nhân hành quyết đều có thể sử dụng cho cấy ghép. Tuy nhiên, thông điệp chính của bộ phim vẫn giữ nguyên; nó chủ yếu dựa trên cuộc điều tra của hai ông Matas và Kilgour.

Trong nhiều năm, tội ác “Thu hoạch đẫm máu” (Bloody Harvest – tên một cuốn sách của hai tác giả Matas và Kilgour) đặc biệt nhằm vào phong trào Pháp Luân Công. Mặc dù chúng ta biết rằng tội ác tương tự cũng đồng thời diễn ra ở các cộng đồng khác, nhưng khi bộ phim được phát hành, người tập Pháp Luân Công vẫn là nhóm nạn nhân đặc thù. Tại sao lại là Pháp Luân Công?

Chính cuộc đàn áp tàn bạo đối với phong trào Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khiến cho toàn bộ tội ác thu hoạch tạng trở nên khả thi. Tại sao Pháp Luân Công bị bức hại? Báo cáo của Freedom House 2017 chỉ ra rằng đó là trận chiến của ĐCSTQ nhắm vào linh hồn Trung Quốc. Pháp Luân Công là nhóm tín ngưỡng độc lập lớn nhất phát triển nhanh chóng sau Cách mạng Văn hóa. Đó là lý do tại sao Pháp Luân Công trở thành mục tiêu của ĐCSTQ. Chiến dịch “nhổ tận gốc” phong trào này bắt đầu từ những năm 1990, khi mà mạng Internet chưa phổ biến rộng rãi như ngày nay và người dân ở Trung Quốc chỉ có quyền truy cập hạn chế vào các nguồn thông tin độc lập. Do đó, tuyên truyền bôi nhọ Pháp Luân Công của ĐCSTQ hiệu quả đến mức nhiều người Trung Quốc tin rằng người tập Pháp Luân Công đáng bị giết. Một số bác sĩ liên quan đến tội ác mổ cướp tạng thậm chí còn nghĩ rằng họ đang làm những việc tốt: loại bỏ kẻ thù, đồng thời, giúp đỡ bệnh nhân tiếp tục sống sót nhờ các cơ quan tạng của kẻ thù.

Thật tàn khốc! Tại sao ĐCSTQ sợ Pháp Luân Công?

ĐCSTQ không chỉ sợ Pháp Luân Công. Nó lo sợ mọi đoàn nhóm nếu nhóm đó lớn mạnh và không ngừng phát triển, đặc biệt là các nhóm tôn giáo. Ngày nay, tín đồ Kitô hữu cũng bị gia tăng đàn áp tại Trung Quốc chỉ vì số lượng của họ đang tăng lên nhanh chóng.

Tình hình Pháp Luân Công ở Trung Quốc ngày nay thế nào? Còn lại bao nhiêu người? Và ngoài Trung Quốc thì sao?

Bất chấp cuộc đàn áp tàn bạo, Pháp Luân Công vẫn tồn tại ở Trung Quốc. Freedom House ước tính số người tối thiểu ở Trung Quốc tập luyện Pháp Luân Công hiện nay trong khoảng từ 7 đến 10 triệu, trong khi các nguồn tin của Pháp Luân Công ở nước ngoài ước tính, tổng số này là 20 đến 40 triệu. Trên thực tế, cuộc đàn áp của ĐCSTQ tại Trung Quốc đã đẩy nhanh sự phát triển của Pháp Luân Công bên ngoài Trung Quốc. Pháp Luân Công hiện đã được truyền bá đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của phong trào này, cũng đã được xuất bản với 40 ngôn ngữ khác nhau.

ĐCSTQ đã tạo ra một cơ quan đặc biệt vượt trên cả pháp luật nhằm điều tra và đàn áp các tôn giáo bị cấm mà chế độ coi là “phi tôn giáo” hoặc dán nhãn tà giáo. Cơ quan này chính là Phòng 610 khét tiếng. Ngay cả khi giờ đây Phòng 610 đã ngừng hoạt động, chức năng của nó vẫn được chuyển giao cho các cơ quan nhà nước khác. Có thể nói là nó đã đóng một vai trò quan trọng trong tội ác cưỡng bức thu hoạch tạng của tù nhân lương tâm.

Trước khi chính thức phát động chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công, ĐCSTQ đã tạo ra một “Nhóm lãnh đạo trung ương xử lý vấn đề Pháp Luân Công”, theo đó “Văn phòng của nhóm lãnh đạo xử lý vấn đề Pháp Luân Công” được thành lập. Văn phòng này được gọi là “Phòng 610”, lấy tên theo ngày thành lập, ngày 10 tháng 6 năm 1999.

Trong một báo cáo mới dài 342 trang xuất bản hồi tháng 7/2018, Trung tâm Nghiên cứu Thu hoạch Nội tạng Trung Quốc (COHRC), “Chương VII – Lạm dụng cấy ghép ở Trung Quốc vẫn tiếp tục bất chấp Tuyên bố cải cách” đã viết, với cấu trúc xuyên suốt từ trên xuống dưới trong toàn Đảng, chính phủ và quân đội, Phòng 610 được trao quyền chỉ huy tất cả các cơ quan cảnh sát và tư pháp. Nó giữ một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ buôn bán tạng từ người tập Pháp Luân Công theo yêu cầu. Các cuộc điều tra gần đây của các nhà báo Hàn Quốc vào năm 2017, hay các kênh khác vào năm 2018 cho thấy, thời gian chờ đợi tạng để cấy ghép ở Trung Quốc chỉ trong khoảng vài ngày đến vài tuần. Một hệ thống ghép tạng theo yêu cầu như vậy chỉ có thể vận hàng khi có kho tạng sống khổng lồ. Điều này có nghĩa là tội ác thu hoạch tạng do chính quyền hậu thuẫn vẫn đang diễn ra, và nếu không có Phòng 610 và cơ quan kế nhiệm nó thì điều này là không thể.

Tôi luôn bị sốc bởi số lượng án tử hình tù nhân lương tâm hàng năm ở Trung Quốc. Các tổ chức nổi tiếng thế giới, như Tổ chức Ân xá Quốc tế chỉ ra rằng chúng ta thực sự không biết có bao nhiêu vụ hành quyết mỗi năm vì con số đó là bí mật quốc gia. Mặc dù vậy, chúng ta có thể tính được đến hàng nghìn người. Có mối tương quan nào giữa số án tử hình được thực hiện hàng năm ở Trung Quốc đối với tù nhân lương tâm và số lượng tạng theo nhu cầu thị trường quốc tế về buôn bán các bộ phận cơ thể người?

Chúng ta phải phân biệt hai loại tù nhân khác nhau: tù nhân bị kết án tử hình và tù nhân lương tâm. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng trước năm 2010, các cơ quan tạng cho cấy ghép chủ yếu đến từ các tù nhân bị hành quyết. Tuy nhiên, số vụ tử hình, cho dù con số ước tính cao nhất, cũng quá thấp so với số ca cấy ghép được thực hiện. Số ca cấy ghép thậm chí tiếp tục tăng mạnh sau năm 2007, dù thời điểm đó các vụ hành quyết đã chính thức giảm. Có thể thấy, phần lớn tạng cấy ghép không đến từ các tù nhân bị hành quyết, mà từ việc giết hại tù nhân lương tâm vốn không bị kết án tử hình một cách hợp pháp.

Chính quyền Trung Quốc nói rằng việc thu hoạch nội tạng chỉ còn là chuyện dĩ vãng và giờ đã kết thúc. Họ nói rằng họ đã dừng việc đó vào năm 2015. Điều này có đúng không?

Trung Quốc lần đầu tiên thừa nhận việc thu hoạch tạng từ các tử tù vào năm 2005. Mười năm sau, đến 2015 họ tuyên bố ngừng sử dụng tạng tù nhân. Tuy nhiên, thông báo này không đi kèm với bất kỳ thay đổi nào về điều luật hay quy định hiến tạng. Các quan chức Trung Quốc cũng đã lên kế hoạch tích hợp tạng tù nhân vào hệ thống hiến tặng tự nguyện, coi đây là hiến tặng tự nguyện từ công dân. Một số đồng nghiệp và tôi đã phân tích thủ thuật ngữ nghĩa mà họ sử dụng. Cho đến bây giờ, Trung Quốc vẫn chưa chịu thừa nhận hành vi thu hoạch tạng từ tù nhân lương tâm.

Ông đã đề cập đến các chương trình hiến tặng tự nguyện. Những chương trình này có thể thực sự đáp ứng được số lượng tạng theo yêu cầu?

Chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng, sau năm 2015, toàn bộ tạng cho cấy ghép đều là tự nguyện hiến tặng. Điều này hiển nhiên không thể là sự thật.

Hãy cùng so sánh con số chính thức từ Trung Quốc và Mỹ năm 2017. Hoa Kỳ có khoảng 130 triệu người đăng ký hiến tạng, trong đó chỉ có 5.000 người sau khi qua đời có thể hiến tạng thực sự. 5.000 người khác qua đời trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) mà chưa đăng ký danh sách hiến tạng. Ngay cả nếu 10.000 người này đều có thể hiến tạng, thì thời gian chờ đợi trung bình cho một ca ghép thận ở Mỹ năm 2017 là 3,6 năm.

Cuối năm 2017, Trung Quốc chỉ có 373.536 người đăng ký hiến tặng. Con số này quá ít, không xác đáng. Quan chức Trung Quốc tuyên bố, có 5.146 người đăng ký hiến tạng qua đời vào năm 2017, chủ yếu là trong phòng ICU. Đây chính là vấn đề. Nếu người ta không muốn đăng ký hiến tạng, vậy tại sao tỷ lệ hiến tạng của các bệnh nhân trong phòng ICU có thể cao như vậy? (*) Một nghiên cứu gần đây sử dụng phương pháp thống kê pháp y để kiểm tra các bộ dữ liệu hiến tạng từ năm 2010 đến 2018 tại Trung Quốc đã tìm thấy bằng chứng về sự giả mạo và thao túng một cách hệ thống.

(*) LND: Ý nói tỉ lệ 5.000/130 triệu người hiến tạng ở Mỹ quá thấp so với tỉ lệ 5.146/373.536 người hiến tạng ở TQ dù Mỹ có hệ thống hiến tạng đứng đầu thế giới.

Ngay cả khi con số 5.146 người tự nguyện hiến tạng là đúng, điều này có thể giải thích cho số ca ghép tạng mà chính phủ công bố là 15.000 ca. Nhưng vẫn không thể giải thích cho thời gian chờ đợi ghép tạng quá ngắn, từ vài ngày đến một tuần (như tôi đã nói trước đó). Thời gian chờ đợi ngắn này chỉ khả thi trong trường hợp có tồn tại sẵn một nguồn tạng sống khổng lồ và “những người hiến tạng” có thể bị giết theo nhu cầu mua bán tạng.

Buôn bán tạng trên thị trường quốc tế là một món hời béo bở. Có phải chính phủ Trung Quốc đã và đang tích cực dựa vào nguồn thu màu mỡ này?

Các bệnh viện được hưởng lợi trực tiếp từ việc buôn bán tạng. Chính phủ hưởng lợi gián tiếp. Các bệnh viện “giàu có” sẽ đòi hỏi chính phủ hỗ trợ tài chính ít hơn.

Ngày nay, các nhóm khác ngoài Pháp Luân Công, đặc biệt là người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ (hiện đang được lập hồ sơ DNA) cùng Hội Đông phương Thiểm điện (thường gọi là Church of Almighty God trong tiếng Anh), một phong trào Kitô giáo mới và đang phát triển nhanh chóng, là mục tiêu bị mổ lấy tạng. Tại sao?

Đây đều là các nhóm dễ bị tổn thương ở Trung Quốc, và tình hình hiện tại rất nghiêm trọng. May mắn thay, vấn nạn thu hoạch tạng của Trung Quốc hiện đã được biết đến một cách rộng rãi và giành được sự chú ý khá cao của cộng đồng quốc tế. Đây là những yếu tố khiến tình hình của các nhóm này tốt hơn chút ít so với Pháp Luân Công vào những năm 2000. Báo cáo chuyên sâu của các kênh truyền thông và nhân quyền quốc tế hy vọng có thể ngăn các nhóm này tránh khỏi bị ĐCSTQ thu hoạch tạng theo hệ thống. Do đó, việc cộng đồng quốc tế duy trì áp lực đối với Trung Quốc là hết sức trọng yếu.

Tháng 2/2017, ông Hoàng Khiết Phu (hiện là chủ tịch Ủy ban Hiến tặng và Cấy ghép Quốc gia Trung Quốc và cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc) đã được mời phát biểu tại một hội nghị về buôn bán tạng do Viện Khoa học Giáo hoàng Vatican tổ chức. Điều này khiến nhiều người có ấn tượng sâu sắc, và cũng khiến tôi nghĩ đến một vấn đề quan trọng. Chế độ Bắc Kinh có khuynh hướng nói rằng các vụ cưỡng bức mổ lấy nội tạng vốn không phải là theo lệnh Trung Quốc, mà bởi một số “tư nhân” và các công ty. Cái cớ này cũng được sử dụng để chỉ trích người khác và khoác cho mình cái vẻ vô tội. Chúng ta đương nhiên đều biết rằng tại Trung Quốc, tất cả đều do nhà nước kiểm soát, và không thể có chuyện khu vực “tư nhân” có thể đứng ra thực hiện những việc này. Có chứng cứ nào chứng minh được người thực sự tiến hành tội ác đẫm máu kinh khiếp này chính là chính quyền, là ĐCSTQ, là nhà nước và chính phủ không?

Khi tuyên bố cải cách hệ thống cấy ghép tạng năm 2015, Trung Quốc đã khiến người ta hiểu lầm, vì thế mà Trung Quốc đã được sự công nhận và ủng hộ của các tổ chức quốc tế. Nhiều tổ chức học thuật và các công ty đã gia hạn hợp tác với ngành cấy ghép Trung Quốc mà không cần xác minh tình hình thực tế.

Tội phạm về tạng ở Trung Quốc khác hẳn với ở bất kỳ quốc gia nào khác. Thời gian chờ đợi tạng cực ngắn không chỉ diễn ra ở một hoặc hai bệnh viện này kia, mà ở hầu hết các bệnh viện trên đất nước; không chỉ ở một vài thời điểm riêng lẻ, mà là nhất quán và liên tục từ những năm 2000 đến nay. Phải có một hệ thống đằng sau nó. Các nhóm tội phạm “tư nhân” không thể cung cấp một số lượng lớn tạng như vậy, mà phải có sự hậu thuẫn của nhà nước, thành lập một hệ thống cung cấp tạng theo nhu cầu thì mới được hiện được.

Thêm nữa, còn có những cuộc điều tra quan chức cấp cao của ĐCSTQ. Kết quả của các cuộc điều tra này, mặc dù vẫn do các bên thứ ba xác minh, nhưng cũng cho thấy cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã ra lệnh thu hoạch tạng từ Pháp Luân Công. Trong đó, Ủy ban Chính trị Pháp luật của ĐCSTQ, bao gồm cả Phòng 610, đã phát huy vai trò then chốt trong tội ác này (Xem mục IV. Các cuộc điện thoại – Chương VIII của báo cáo COHRC 2018).

Có phải khi thu hoạch tạng từ các tù nhân hành quyết, đôi khi nạn nhân vẫn chưa chết đã bị mổ lấy tạng để có nguồn tạng tươi sống hơn?

Một nguyên tắc đạo đức cốt lõi trong cấy ghép tạng là “quy tắc người tử vong hiến tặng”, nêu rõ rằng người hiến tạng phải qua đời trước khi tiến hành mổ lấy tạng, và việc mổ lấy tạng không được gây ra cái chết của người hiến. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy tại Trung Quốc, nhiều cơ quan tạng đã bị trích mổ từ các thân thể sống, và những người này tử vong trong quá trình thực hiện. Đây gọi là hành động “thu hoạch tạng sống”. Điều này không chỉ nói về việc tạng được mổ lấy từ những người còn có ý thức mà không gây mê, nó còn có nghĩa là “những người hiến tạng” còn sống (có thể gây mê hoặc không) tại thời điểm bắt đầu phẫu thuật mổ lấy tạng. Dựa trên bằng chứng có sẵn, trong tuyên bố của tôi đệ trình lên Toà án Trung Quốc (tên gọi tắt của tòa án độc lập điều tra về thu hoạch tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc), tôi đã phân loại hành vi thu hoạch tạng sống ở Trung Quốc thành bốn loại:

Loại 1: Thu hoạch tạng từ các tù nhân bị xử bắn mà chưa hoàn toàn tử vong. Tình huống này chỉ xảy ra trong quá trình xử bắn tù nhân. Có những trường hợp được ghi chép rõ rằng khi bắn súng sẽ cố tình bắn vào ngực phải thay vì vào đầu tù nhân. Mục đích là để duy trì lưu thông máu nhằm cải thiện chất lượng tạng khi thu hoạch. Trong những trường hợp như vậy, tạng được thu hoạch từ các cơ thể còn sống mà không cần gây mê (Xem thêm tại BMC Medical Ethics).

Loại 2: Thu hoạch tạng từ các tù nhân sau khi tiêm thuốc độc. Ở Trung Quốc, có thể tuyên bố tử vong trong vòng vài chục giây sau khi bắt đầu tiêm thuốc độc. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, cả hai tiêu chí chung cho việc đánh giá một người là “chưa tử vong” là không chết tim phổi cũng như không chết não đều được đáp ứng. Mổ lấy tạng từ các tù nhân sau khi tiêm thuốc độc được thực hiện trong điều kiện các tù nhân vẫn còn sống (Xem thêm tại Cambridge Quarterly of Healthcare Ethics).

Loại 3: Thu hoạch tạng cũng chính là phương thức hành quyết tù nhân. Đây rất có thể là tình huống mổ cướp tạng từ các tù nhân lương tâm. Tù nhân lương tâm không bị kết án tử hình, nên sẽ không hành quyết (như Loại 1 hoặc Loại 2). Do đó, việc mua sắm nội tạng từ các tù nhân lương tâm hầu như luôn luôn là thu hoạch tạng sống vì giết chết tù nhân trước khi thu hoạch tạng sẽ làm giảm chất lượng tạng. Tạng được thu hoạch từ các cơ thể sống, rất có thể được gây mê, giống như trong một thủ thuật bình thường, sự khác biệt duy nhất là việc mổ lấy các cơ quan tạng trọng yếu sẽ dẫn đến cái chết của tù nhân. Có một báo cáo trong một Tạp chí Y học Trung Quốc từng xuất bản một bài báo mô tả quá trình như vậy (Xem thêm các phân tích).

Loại 4: Thu hoạch tạng với lý do chết não. Rất nhiều luận văn chuyên ngành y học của Trung Quốc tuyên bố, tạng cấy ghép là do “những người chết não hiến tặng”, nhưng quá trình mổ lấy tạng lại cho thấy sự thực không phải như vậy. Trong những trường hợp này, hiển nhiên là chưa hề tiến hành trắc định chết não, bởi vì những người hiến tặng đã không sử dụng máy thở (do đó không có tiến hành xét nghiệm ngừng hô hấp) trước khi mổ lấy tạng. Hơn nữa, trong những trường hợp đó, quy trình mổ lấy tạng cho thấy rõ, trái tim của nhiều người hiến tạng vẫn còn đập. Điều này có nghĩa là tình trạng của những người hiến tặng này không đáp ứng tiêu chí chết não cũng như chết tim, vậy thì tạng đã được thu hoạch từ cơ thể sống (Xem thêm tại bản tóm tắt P107B).

Thu hoạch tạng bắt đầu từ năm nào và đặc biệt là từ khi nào thì bắt đầu hành vi thu hoạch sống?

Lịch sử thu hoạch tạng sống ở Trung Quốc có chiều dài gần như bằng chính lịch sử ghép tạng của Trung Quốc. Vụ việc thu hoạch tạng sống đầu tiên được ghi chép rõ ràng là từ một tù nhân chính trị vào ngày 30/4/1978. Nạn nhân là một nữ giáo sư tên Chung Hải Nguyên. Những năm 1990, Tân Cương cũng từng báo cáo nhiều vụ thu hoạch tạng sống từ các tù nhân chính trị. Tuy nhiên, chỉ sau năm 2000, thu hoạch tạng sống mới đi vào hoạt động có hệ thống ở Trung Quốc.

Tuy là rất khó để đưa ra, nhưng có bất kỳ số liệu, hoặc ước tính nào về tội ác thu hoạch đẫm máu này không? Có tổng số bao nhiêu người đã bị lạm dụng và giết chết để thu hoạch tạng? Mỗi năm có bao nhiêu người bị hại? Có bao nhiêu người tập Pháp Luân Công trong tổng số đó?

Thật sự rất khó để ước tính con số chính xác vì sự không minh bạch của Trung Quốc. Nhưng điều chắc chắn là con số chính thức 10.000 ca cấy ghép mỗi năm mà quan chức Trung Quốc công bố thấp hơn hẳn con số thực tế. Năm 2006, đã có báo cáo rằng khoảng 1.000 bệnh nhân Hàn Quốc đã đến Trung Quốc để cấy ghép mỗi năm. Theo báo cáo, tổng số bệnh nhân nước ngoài được cấy ghép tạng ở Trung Quốc (còn gọi là du lịch ghép tạng) trong năm 2006 lên đến hơn 11.000 người. Do đó, số lượng cấy ghép thực sự (bao gồm cả bệnh nhân nước ngoài và trong nước) rất có thể lên đến vài chục nghìn ca mỗi năm, mà phần lớn tạng cấy ghép đến từ người tập Pháp Luân Công.

Gần đây, tạp chí y khoa BMJ – British Medical Journal, một trong những tạp chí y khoa lâu đời nhất thế giới, đã đăng tải một nghiên cứu kêu gọi cộng đồng y học ghép tạng thế giới tẩy chay 400 bài báo khoa học về cấy ghép tạng của Trung Quốc, trong bối cảnh lo ngại rằng những nghiên cứu này lấy nguồn tạng phi đạo đức từ tù nhân Trung Quốc. Ông nghĩ gì về điều này?

Nghiên cứu này chỉ ra rằng cộng đồng quốc tế đã không tuân thủ tiêu chuẩn đạo đức của chính mình. Thật không may, nhiều tổ chức và đoàn thể xã hội vẫn chưa ý thức được việc lạm dụng cấy ghép tạng ở Trung Quốc là một vấn đề nghiêm trọng và là hành vi vi phạm nhân quyền khốc liệt.

Bắt đầu từ tháng 12 năm 2018, Tòa án Độc lập đã điều tra các tội ác của chế độ ĐCSTQ. Họ đã nghe nhiều nhân chứng trong phiên điều trần và thu thập rất nhiều bằng chứng. Ông đã làm chứng trước tòa. Ông có thể chia sẻ trải nghiệm đó không?

Tòa án Độc lập được hỗ trợ khởi xướng bởi ETAC, một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận quốc tế, bao gồm các luật sư, học giả, nhà đạo đức, chuyên gia y tế, nhà nghiên cứu và người ủng hộ nhân quyền nhằm chấm dứt vấn nạn thu hoạch tạng ở Trung Quốc.

Mục đích của Toà án là điều tra những hành vi phạm tội hình sự, nếu có, đã được thực hiện bởi các cơ quan/tổ chức/cá nhân được nhà nước hoặc nhà nước phê duyệt ở Trung Quốc có thể đã tham gia vào việc thu hoạch tạng.

Theo giải thích của Giáo sư Wendy Rogers, Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Quốc tế của ETAC, “Tòa án là một đáp ứng đối với các cáo buộc liên tục và đáng tin cậy liên quan đến việc giết tù nhân lương tâm nhằm lấy khí quan của họ ở Trung Quốc. Để giải quyết các tội phạm bị cáo buộc ở mức độ này, cộng đồng quốc tế yêu cầu phân tích pháp lý mạnh mẽ liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan/tổ chức của nhà nước hoặc được nhà nước phê duyệt ở Trung Quốc đã tham gia vào thu hoạch tạng cưỡng bức. Toà án sẽ cung cấp phân tích này, cùng với một hồ sơ bằng chứng thu hoạch tạng cưỡng bức minh bạch và dài hạn.”

Kể từ tháng 3 năm 2018, Toà án đã đánh giá hàng trăm tài liệu, bao gồm các báo cáo của David Matas, David Kilgour, Ethan Gutmann và của Trung tâm nghiên cứu thu hoạch tạng Trung Quốc. Toà án đã mời hàng chục chuyên gia, nhân chứng và thân nhân của các nạn nhân và tổ chức ba phiên điều trần cả ngày từ ngày 8 đến 10 tháng 12 năm 2018. Trung Quốc cũng được mời nhưng từ chối tham gia. Vào ngày 10 tháng 12 (Ngày Nhân quyền), Toà án tuyên bố Phán quyết Tạm thời: Chúng tôi chắc chắn, đồng thuận, không chút hoài nghi rằng tại Trung Quốc, việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm đã được thực hiện trên quy mô lớn, trong một thời gian dài, dẫn tới số lượng nạn nhân rất lớn.

Đã đến lúc hành động. Đây không còn là lúc thích hợp để lảng tránh!

Ngày 17/6/2019, Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc đã công bố một Tuyên án dài 60 trang, kết luận về tội ác Chống lại loài người của chính quyền Trung Quốc

Chủ tọa của tòa án độc lập là ngài Geoffrey Nice, một luật sư Anh Quốc rất uy tín trên trường quốc tế, từng tham gia vào nhiều tòa án độc lập quốc tế, hoạt động trong Tòa án Hình sự Quốc tế và tư vấn luật miễn phí cho các nhóm nạn nhân khác nhau. Đáng chú ý, ông đã đảm trách vụ truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế.

Ngài Geoffrey Nice cũng cho biết bên cạnh tội ác Chống lại loài người là thu hoạch tạng, chính quyền Trung Quốc đồng thời vi phạm một lúc ít nhất 7 điều của Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế

Kể từ khi phán quyết tạm thời được công bố, nó đã trở thành một nền tảng quan trọng để cộng đồng quốc tế mạnh mẽ lên tiếng về tội ác thu hoạch tạng tại Trung Quốc, đáng chú ý có các động thái lập pháp từ nhiều nước trên thế giới vào nửa đầu năm 2019

Trong tuyên án, Tòa cũng cho rằng quan trọng nhất là “người dân, các nhà hoạt động, các chính trị gia” cần phải gây áp lực lên “chính phủ để họ phải thực hiện nghĩa vụ của họ khi đối mặt với một vấn đề đồi bại đến thế”.

Marco Respinti phỏng vấn

Theo BitterWinter (bitterwinter.org), một tạp chí có trụ sở tại Ý chuyên nghiên cứu nhân quyền Trung Quốc, nắm các nguồn tin từ góc nhìn thứ nhất trực tiếp tại Trung Quốc.

Minh Ngọc biên dịch