Hôm thứ Ba (20/8), ông Đàm Văn Hào (Jeremy Jansen Tam Man-ho) – thành viên Hội đồng lập Pháp Hồng Kông, người đã công tác gần 20 năm tại Cathay Pacific đã công bố từ chức phi công của hãng hàng không này. Trong thông cáo từ chức của mình, ông đã tiết lộ việc đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây áp lực đối với doanh nghiệp Hồng Kông để phục vụ cho mục đích chính trị của Bắc Kinh. Truyền thông Nhật Bản cho biết, vòi bạch tuộc chính trị của Bắc Kinh vươn đến Hồng Kông, đã tạo ra một bóng đen bao trùm lên doanh nghiệp Hồng Kông. 

Embed from Getty Images

Phi công Đàm Văn Hào (Jeremy Jansen Tam Man-ho) – thành viên Hội đồng lập Pháp Hồng Kông, người đã công tác gần 20 năm tại Cathay Pacific đã công bố từ chức hôm 20/8. Ảnh ông Đàm Văn Hào trong một cuộc họp của Hội đồng lập pháp hồi tháng 7. (Ảnh: Getty Images)

Hãng hàng không Cathay Pacific gần đây đã xảy ra hàng loạt sự kiện sa thải nhân viên và từ chức, trong đó có Giám đốc điều hành Rupert Hogg và Giám đốc phụ trách khách hàng và thương mại Lư Gia Bồi (Paul Loo) đều từ chức. Trước đó, nhân viên của Cathay Pacific tham gia vào kháng nghị phản đối dự luật dẫn độ nên bị Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (ĐCSTQ) và các kênh truyền thông nhà nước của ĐCSTQ điểm tên và bêu xấu.

ĐCSTQ gây áp lực cho doanh nghiệp quốc tế để phục vụ mục tiêu chính trị

Hôm thứ  Ba, ông Đàm Văn Hào đã chia sẻ thông cáo từ chức trên Facebook cá nhân và nói: “Lần này Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (ĐCSTQ) đã vươn cánh tay của mình đến Hồng Kông, trực tiếp gây áp lực đến công ty hàng không tại đây, không còn nghi ngờ gì, đây chính là một cuộc khủng bố trắng, từ những nhân viên ở tuyến đầu cho đến CEO của tập đoàn đều từ chức vì cuộc xét xử chính trị này. Tôi quyết định buông bỏ công việc tôi từng yêu mến này, mục đích cũng là vì bảo vệ công ty hàng không từng có chỗ đứng hơn 70 năm qua ở Hồng Kông để công ty không còn bị tấn công vô lý nữa.”

“Nhìn lại toàn bộ phong trào phản đối dự luật dẫn độ, rất nhiều sinh viên vì thế mà bị thương, phải chịu đói, những người tóc bạc chống đỡ khói hơi cay mà bước lên tuyến đầu, có người bị bắt, có thể mất đi tiền đồ, có người bị mất thị lực vĩnh viễn, thậm chí có người nguyện bỏ ra cả mạng sống của mình. So với những người đấu tranh khác, Đàm Văn Hào chỉ là từ bỏ một công việc, từ bỏ một con đường rút lui, quả thật là việc nhỏ bé không đáng nói. Do đó, mọi người không nên quá cảm thấy tiếc nuối cho tôi, so với việc tôi lái máy bay bay tự do trên bầu trời, tôi càng muốn một lòng một dạ cùng người Hồng Kông cùng nhau bảo vệ tự do và  bảo vệ sự tự do cho thế hệ sau của chúng ta. Tôi cam kết với mọi người, dù thế nào, tôi cũng sẽ cùng mọi người tiếp tục chống chọi.” Đàm Văn Hào nói. 

Ông Đàm Văn Hào đăng thông cáo từ chức phi công Cathay Pacific trên Facebook cá nhân. 

“Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) không cho rằng doanh nghiệp cần phải tách riêng khỏi quốc gia, và đã biểu thị rõ ràng, công ty cần phải thể hiện ra sự trung thành với Bắc Kinh.” ông Steve Vickers – Giám đốc điều hành công ty tư vấn rủi ro chính trị và doanh nghiệp Steve Vickers&Associates nói. 

Những doanh nghiệp quốc tế có kinh doanh và đầu tư lớn ở trên lãnh thổ Trung Quốc sẽ dễ bị chính quyền ĐCSTQ gây áp lực nhất, trong đó có lĩnh vực hàng không, lĩnh vực hàng xa xỉ, giải trí hoặc những công ty nước ngoài không ở trong lãnh thổ Trung Quốc nhưng người tiêu dùng Trung Quốc là khách hàng quan trọng của họ.

“Tình huống này khiến cho những công ty kinh doanh tại Hồng Kông lâm vào thế ‘lưỡng nan’”, ông Steve Vickers nói. 

Một nữ tiếp viên hàng không có thời gian dài làm việc ở Cathay Pacific nói với tờ Nihon Keizai Shimbun, cô và đồng nghiệp của mình đều tỏ ra kinh ngạc về sự kiện sa thải và từ chức xảy ra trong thời gian gần đây. 

“Cảm giác của tôi lâu nay vẫn là, Cathay là một công ty của nước Anh, có chính sách tương đối mở đối với nhân viên.”, vị nữ tiếp viên hàng không từng tham gia hoạt động kháng nghị này nói, “Nhưng lần này, áp lực chính trị trực tiếp đến từ Trung Quốc. Đây là sự việc mà chúng tôi chưa hề trải qua hoặc liệu trước được.”

Tập đoàn Swire (Swire Group) là cổ đông lớn nhất của Cathay Pacific, nắm khoảng 45% cổ phần, trong khi Công ty Hàng không quốc tế Trung Quốc nắm giữ 29,99% cổ phần. Ngoài các chuyến bay đến Trung Quốc Đại lục, rất nhiều đường bay của Cathay Pacific đi đến châu Âu và Mỹ cũng đi qua không phận Trung Quốc. 

Vị nữ tiếp viên hàng không này tiết lộ với tờ Nihon Keizai Shimbun, rất nhiều đồng nghiệp của cô đã tham gia kháng nghị nhưng không biểu đạt quan điểm chính trị của mình trên mạng xã hội, bởi vì họ lo lắng thông tin cá nhân của mình sẽ bị giao cho chính quyền Trung Quốc Đại lục. Từ đầu tháng này (tháng 8), Cathay Pacific có khoảng 1500 nhân viên tham gia hoạt động bãi công trên toàn Hồng Kông. 

“Chúng tôi hiểu được áp lực mà công ty phải đối mặt”, cô nói, “Việc chúng tôi lo lắng nhất là, có một ngày, Tập đoàn Swire buộc phải từ bỏ công ty hàng không này (Cathay Pacific) và giao nó cho ĐCSTQ. Càng có nhiều nhân viên hơn nữa sẽ buộc phải từ bỏ tự do chính trị hơn nữa để bảo toàn công việc của mình.”

Khuất phục trước áp lực của ĐCSTQ, doanh nghiệp nước ngoài đối mặt rủi ro mất nhân tài

Nihon Keizai Shimbun phân tích cho rằng, một mặt, công ty quốc tế đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ Trung Quốc, mặt khác, nếu những công ty này lựa chọn khuất phục ĐCSTQ, sẽ dẫn đến rủi ro khác, như xa rời nhân tài. 

Một ví dụ đó là, một nhóm nhân viên giấu tên thuộc 4 hãng kiểm toán lớn nhất thế giới (Big4) gần đây đã đăng quảng cáo trên tờ Nhật báo Apple. Họ chỉ trích công ty của mình công khai lên án người biểu tình Hồng Kông, chỉ quan tâm đến lợi ích của mình, mà làm ngơ “khát vọng tự do dân chủ” của nhân viên. Big 4 bao gồm 4 công ty kiểm toán quốc tế lớn như PricewaterhouseCoopers (PWC), Deloitte (Deloitte), Ernst and Young (E&Y), KPMG.

“Tuyên bố của công ty không đại diện cho chúng tôi”, những nhân viên nói trên quảng cáo.

Quảng cáo này đã khiến cho ĐCSTQ chú ý, tờ Thời báo Hoàn Cầu của chính quyền ĐCSTQ đăng bài viết thúc giục Big 4 tìm ra những nhân viên đứng sau nội dung quảng cáo và đuổi việc họ. 

Nghị viên Hội đồng lập pháp Hồng Kông Lương Kế Xương (Kenneth Leung) đại diện giới kiểm toán Hồng Kông nói, yêu cầu của Thời báo Hoàn Cầu là “xằng bậy”, ông cũng kêu gọi tầng quản lý của những công ty kiểm toán này không nên khuất phục trước áp lực của ĐCSTQ, bởi vì nhân viên là tài sản quý giá của công ty.

Kenneth Leung, phản đối luật dẫn độ, Hồng Kông
Ông Lương Kế Xương (Kenneth Leung), nghị viên Hội đồng lập pháp Hồng Kông. (Ảnh từ Facebook @Kenneth Leung)

“Bạn không thể vì tín ngưỡng chính trị của nhân viên, mà sa thải hoặc giáng chức hoặc gây khó dễ cho nhân viên”, ông Lương Kế Xương nói. 

Mặc dù ĐCSTQ có thể huỷ bỏ tư cách doanh nghiệp hoặc sử dụng các thủ đoạn khác để gây tổn hại đến công ty ở Trung Quốc Đại lục, nhưng ông Lương Kế Xương cũng cho biết, Big 4 vẫn có năng lực mặc cả rất lớn đối với loại áp lực đến từ ĐCSTQ này. 

Ông cho biết thêm, các doanh nghiệp Đại lục được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán bên ngoài Trung Quốc, sẽ không được được công nhận là có độ tin cậy cao nếu họ không để Big 4 tham gia bất kỳ công việc kiểm toán nào.

ĐCSTQ làm xói mòn Hồng Kông, có thể khiến cho sức hút đầu tư vào Hồng Kông suy giảm

Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, ông Joseph Bosco – người từng phụ trách các vấn đề Trung Quốc thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết, Hồng Kông vẫn luôn được gọi là trung tâm tài chính, bởi vì nền pháp trị của Hồng Kông được phương Tây tiếp nhận, cũng đã thu hút rất nhiều cơ hội đầu tư. Nhưng Trung Quốc (ĐCSTQ) hiện đang cố gắng làm xói mòn sự tự trị của Hồng Kông. ĐCSTQ dường như không thể nào ý thức được tự do kinh tế của Hồng Kông có quan hệ mật thiết tới tự do chính trị của Hồng Kông. Theo một nghĩa nào đó, sự can dự của Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với hệ thống chính trị của Hồng Kông sẽ khiến cho sức hút các nhà đầu tư bên ngoài giảm, bởi vì các nhà đầu tư cần dựa vào hệ thống luật pháp và có thể dự đoán được. Đây là điều thịnh hành của phương Tây, nhưng ở Trung Quốc lại không đạt được, bởi vì sự tham nhũng của Trung Quốc (ĐCSTQ) và thiếu niềm tin vào hệ thống đảng cộng sản. 

Gần đây,  lãnh đạo đa số Thượng viện Mỹ, ông Mitch McConnell đã phát biểu tuyên bố về sự kiện phản đối dự luật dẫn độ tại Hồng Kông rằng: “Sự tự trị, tự do chính trị và nền pháp trị ổn định của Hồng Kông, là tiền đề quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ và phồn vinh của vùng đất này. Công ty Mỹ đã rót hàng chục tỉ Đô la Mỹ cho kinh tế Hồng Kông, bởi vì họ tin vào môi trường chính trị, chế độ tư pháp độc lập, và mức độc lập với Bắc Kinh của khu tự trị này. Ngược lại, lo lắng về sự hủ bại, chuyên chế, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hoạt động gián điệp được sự hỗ trợ của quốc gia (ĐCSTQ), hiện các công ty quốc tế đang rút khỏi Trung Quốc Đại lục.”

Ông Mitch McConnell còn nói: “Khi Trung Quốc đối mặt với sự tăng trưởng kinh tế chậm lại, Bắc Kinh nên nghĩ cách bắt chước Hồng Kông. Không nên lấy ý thức hình thái của ĐCSTQ để nuốt chửng Hồng Kông, tạo một Hồng Kông khác. Trung Quốc (ĐCSTQ) lâu nay vẫn luôn cố gắng gia tăng sức ảnh hưởng và quyền lực của mình tại Hồng Kông.”

Trí Đạt

Xem thêm: