Gần đây, có thông tin cho rằng phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh bị điều tra vì bị tình nghi “lật đổ chính quyền nhà nước”.

Hoa Xuân Oánh
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Ảnh cắt từ video Youtube)

Ngày 28/2, Thời báo Tự do (Liberty Times) tại Đài Loan đưa tin, có nguồn tin tiết lộ Phó trưởng Ban Thông tin kiêm Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã bị an ninh Trung Quốc khám nhà riêng và thu giữ 5 triệu Đô la Mỹ. Thông tin cho rằng bà Hoa đang chuẩn bị di cư sang Mỹ, hiện bà đã bị chuyển tới cơ quan điều tra về “tội lật đổ chính quyền”.

Tuy nhiên, theo Nhật báo Apple (Hồng Kông) đưa tin, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác tin đồn này tại cuộc họp báo thường kỳ được tổ chức vào chiều ngày 28/2 vừa qua, đồng thời đề cập Hoa Xuân Oánh sẽ ra mặt trong ngày để chủ trì buổi họp báo “sắp tới“. Trang mạng Duowei News tại Mỹ cho biết, đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện thông tin bà Hoa Xuân Oánh di cư sang Mỹ. Vào năm 2016 và 2017 đã có những tin đồn tương tự lưu truyền trên Internet và sau đó đều bị bác bỏ. Ngoài ra, chủ trì các cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc áp dụng theo thể thức luân phiên, hiện không phải đợt của bà Hoa Xuân Oánh.

Sau lần chủ trì họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 01/2, bà Hoa Xuân Oánh “mất tích” hơn 20 ngày. Cho đến 3 giờ chiều ngày 1/3, bà Hoa mặc một bộ đồ màu đen, xuất hiện tại “Phòng Xanh” nằm tại tầng 3 South Tower, địa điểm tổ chức họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Một phóng viên hỏi: Thượng viện Mỹ đang xem xét thông qua “Đạo luật Ngoại giao với Đài Loan”, quan điểm của Trung Quốc như thế nào? Bà Hoa trả lời: Đã có thương thảo nghiêm túc với Mỹ.

Điều đáng chú ý là tin tức tiêu cực về nhân vật này lan truyền tại thời điểm nhạy cảm: nhiều nguồn tin đã chỉ ra rằng hệ thống Ngoại giao Trung Quốc sắp có cuộc cải cách lớn.

Đầu tháng 3/2018, Trung Quốc sẽ tổ chức “lưỡng hội”, sẽ công bố bản danh sách quan chức ngoại giao cấp cao Trung Quốc mới, Reuters (Anh) từng chỉ ra, ba vị quan chức trụ cột ngoại giao của Trung Quốc sẽ là Vương Kỳ Sơn, Dương Khiết Trì và Vương Nghị.

Ngày 07/2, Bloomberg (Mỹ) cũng đã chia sẻ thông tin cho biết, chính quyền Bắc Kinh sắp cải cách triệt để Bộ Ngoại giao, sẽ có đợt điều chỉnh quy mô lớn về nhân sự trước khi kết thúc năm 2018.

Như vậy, dù bà Hoa Xuân Oánh đã lộ diện trở lại cũng chưa thể xua tan đám mây mù về hoàn cảnh thực sự mà bà Hoa đang phải đối diện.

Ngày 30/1 năm nay, Hiệp hội Các phóng viên nước ngoài tại Trung Quốc Đại Lục (FCCC) đã công bố Báo cáo Khảo sát thường niên, phản ánh điều kiện làm việc của phóng viên nước ngoài tại Trung Quốc Đại Lục tồi tệ hơn năm trước. Khoảng 57% số phóng viên được hỏi than phiền rằng, họ đã bị can thiệp, cản trở và thậm chí tấn công bạo lực khi đang làm nhiệm vụ. Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày, khi một phóng viên hỏi bà Hoa Xuân Oánh, liệu Trung Quốc có biện pháp để cải thiện điều kiện làm việc của phóng viên nước ngoài? Bà Hoa không trả lời trực tiếp, mà đưa ra một loạt các câu hỏi cho các phóng viên: các phóng viên tại đây ai có thể đại diện cho tổ chức này (FCCC), ai là thành viên của nó, có tán đồng với báo cáo không. Những phóng viên có mặt chỉ im lặng.

Trong lần xuất hiện vào ngày 01/2, bà Hoa Xuân Oánh đã trả lời phóng viên của tờ Sankei Shimbun (Nhật Bản) rằng “bản thân nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận”. Khi đó, phóng viên của Sankei Shimbun cho biết, trong buổi họp báo ngày 30/1 liên quan đến Báo cáo của “Hiệp hội phóng viên nước ngoài trú tại Trung Quốc (FCCC)” đã không có mặt, vì thế xin cho ý kiến muộn rằng, “hiện tại xin biểu thị tán đồng với nội dung Báo cáo, vì chúng tôi đích thân trải qua một số vấn đề được nhắc đến, chúng tôi hy vọng rằng phía Trung Quốc cũng sẽ có cải thiện.”

Bà Hoa Xuân Oánh đáp lại: “Mấy vấn đề hôm nay ông trình bày là không có thiện chí.” Và đề nghị phóng viên của Sankei Shimbun suy nghĩ lại, “Tại sao Sankei Shimbun cảm thấy như thế?”

>>Phóng viên thường trú tại Trung Quốc gặp nhiều khó khăn khi tác nghiệp

Peter, nhà bình luận có thâm niên đã đăng bài viết trên Nhật báo Đông phương Hồng Kông (Orientaldaily.on.cc) cho biết, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc có hai căn bệnh: thứ nhất, không nói như người bình thường, ưa dùng ngữ khí nặng nề, luôn mang đến cho người nghe một cảm giác khó chịu, tương tự phát thanh viên Ri Chun-hee của Đài Truyền hình Trung ương Bắc Triều Tiên; thứ hai, truyền đạt không rõ ràng, làm người nghe suy nghĩ nhiều mà vẫn thấy mù mờ.

Tuyết Mai

Xem thêm: