Truyền thông Anh tiết lộ, thời gian gần đây ông Tập Cận Bình đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ quan điểm cho rằng sửa đổi Hiến pháp để mở đường cho việc cầm quyền trọn đời. Phát biểu của ông Tập diễn ra trong một số cuộc họp có tham gia của quan khách nước ngoài, qua đó cho biết cộng đồng quốc tế đã hiểu lầm ý đồ sửa đổi Hiến pháp.

Tập Cận Bình
Ông Tập Cận Bình (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Bác bỏ khôi phục chế độ cầm quyền trọn đời

Ngày 15/4, Thời báo Tài chính tại Anh (Financial Times) đưa tin, thời gian gần đây có ba lần hội nghị quan chức Trung Quốc có khách quý nước ngoài tham dự, lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là ông Tập Cận Bình đã lên tiếng bác bỏ về chế độ cầm quyền trọn đời, ông Tập cho rằng giới quan sát nước ngoài hiểu sai quyết định sửa đổi Hiến pháp bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước.

Ông Tập giải thích, mục đích của Hiến pháp là để đảm bảo tính nhất quán về chức vụ lãnh đạo Chính phủ và Đảng (Hiến pháp Trung Quốc cũng không quy định giới hạn về nhiệm kỳ đối với chức vụ Tổng Bí thư ĐCSTQ).

Thông tin cho biết, tin tức này được nhiều người tham gia Hội nghị hoặc hiểu rõ nội dung Hội nghị tiết lộ. Trong đó có hai người cho biết, ông Tập Cận Bình đã chủ động nhắc đến thắc mắc của giới quan sát nước ngoài liên quan đến sửa đổi Hiến pháp, làm các khách quý nước ngoài tham dự Hội nghị cảm thấy bất ngờ.

Nhưng ông Tập Cận Bình không nói rõ ràng về bản thân có kéo dài thời hạn cầm quyền hay không.

Tại Đại hội 19 ĐCSTQ vào năm ngoái,  “người tiếp quản” quyền lực theo dự kiến đã không thể vào được Ban Thường vụ Bộ Chính trị, khiến giới quan sát suy đoán ông Tập muốn phá bỏ quy tắc nội bộ về người đứng đầu ĐCSTQ không được đảm nhiệm quá hai nhiệm kỳ liên tiếp, sẽ tiếp tục tái nhiệm Tổng Bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương tại Đại hội 20. Vì ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn phát động chiến dịch chống tham nhũng đã tạo ra vô số kẻ thù, nên vì an toàn bản thân, hoặc là họ phải đưa thân tín lên tiếp quản quyền lực, hoặc chỉ có thể đích thân họ tiếp tục cầm quyền.

Bước đi đầu tiên xây dựng chế độ Tổng thống?

Tuy vậy, liệu ông Tập thực sự có ý định hoặc có thể hiện thực hóa được việc cầm quyền kéo dài hay không? Vấn đề này giới quan sát có nhiều quan điểm khác nhau.

Sau khi sửa đổi Hiến pháp bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước, đa số dư luận cho rằng ông Tập muốn quay lại chế độ cầm quyền trọn đời (như ông Mao Trạch Đông), tuy nhiên cũng có học giả chính trị cho rằng ông Tập đã hứa không làm như vậy để đổi lấy việc giới nguyên lão ĐCSTQ đồng ý cho sửa đổi Hiến pháp.

Khi Bắc Kinh sửa đổi Hiến pháp, truyền thông Nhà nước Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh, việc bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước để “hoàn thiện thể chế tam vị nhất thể giữa lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Quân đội”, vì không có văn bản nào quy định giới hạn nhiệm kỳ đối với chức Tổng Bí thư ĐCSTQ và Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Điều này hoàn toàn nhất quán với giải thích trên của ông Tập Cận Bình.

Từ sau thời ông Đặng Tiểu Bình, ĐCSTQ đã có quy tắc nội bộ về nhiệm kỳ của người đứng đầu Đảng, vì thế ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đều phải nghỉ hưu sau khi đảm nhiệm hai khóa, còn việc ông Giang Trạch Dân làm thêm hai năm Chủ tịch Quân ủy Trung ương phải nhờ vào phát động binh biến để thực hiện. Điều này cho thấy về thực tế chức vụ lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Quân đội của nhà cầm quyền Trung Quốc đều bị giới hạn nhiệm kỳ như nhau (dù không có văn bản nào quy định giới hạn nhiệm kỳ đối với chức Tổng Bí thư ĐCSTQ và Chủ tịch Quân ủy Trung ương), vì thế cách nói “hoàn thiện thể chế tam vị nhất thể” có thể có ẩn tình khác (với cách nghĩ mà đa số giới quan sát bên ngoài cho là ông Tập Cận Bình khôi phục lại chế độ cầm quyền trọn đời).

Có nhận định, nếu ông Tập có ý định cầm quyền trọn đời thì chỉ cần tiếp tục làm Tổng Bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, hoặc buông rèm chấp chính là được, cho nên việc ông Tập chú ý giữ lại “chức vụ ảo” Chủ tịch nước nhiều khả năng là bước đi đầu tiên để chuyển sang chế độ Tổng thống.

Truyền thông Nhật Bản từng chỉ ra, hiện nay trong ĐCSTQ, có lẽ chỉ có ông Vương Kỳ Sơn là biết rõ nhất con đường của ông Tập Cận Bình.

Ông Tập từng bày tỏ chí hướng “vẽ ra cho Trung Quốc một kế hoạch vĩ đại đặc biệt hấp dẫn”, “hoàn thành không hẳn là tôi”. Tuy nhiên “giấc mơ Trung Quốc” của ông Tập liệu có thể thực sự xây dựng trên cơ sở thoát khỏi thể chế cộng sản hiện nay không thì phải tiếp tục theo dõi.

Huệ Anh

Xem thêm: