Hôm 28/5, Quốc hội (Nhân đại) Trung Quốc đã bỏ phiếu thông qua Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông, điều này sẽ gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế của Hồng Kông và Trung Quốc Đại Lục. Cùng ngày, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã trả lời các câu hỏi của các phóng viên về các vấn đề như Hồng Kông và xu thế tách rời Trung Quốc với Mỹ.

Li Keqiang Chinese and foreign press conference
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã trả lời các câu hỏi của phóng viên về các vấn đề như Hồng Kông cùng xu thế chia tách giữa Trung Quốc và Mỹ. (Ảnh: zh.wikipedia.org)

Hôm 28/5, kỳ họp Nhân đại của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kết thúc, về Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông đã có tổng cộng 2.885 đại biểu bỏ phiếu thông qua, có 1 phiếu chống và 6 phiếu trắng.

Theo nội dung của Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông: Ban Thường vụ Nhân đại Trung Quốc sẽ được ủy quyền xây dựng luật để phòng ngừa, ngăn chặn, và trừng phạt bất kỳ hành vi nào gây nguy hiểm nghiêm trọng cho an ninh quốc gia Trung Quốc như chia rẽ đất nước, lật đổ quyền lực nhà nước, tổ chức các hoạt động khủng bố, và vấn đề thế lực nước ngoài hoạt động can thiệp vào Hồng Kông.

Ngoài nội dung liên quan đến an ninh quốc gia, toàn vẹn chủ quyền và chống can thiệp từ nước ngoài, đạo luật cũng yêu cầu Chính phủ Hồng Kông thiết lập các cơ chế để bảo đảm an ninh quốc gia.

Trong kỳ họp báo của Nhà Trắng vào hôm 26/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết rằng Mỹ sẽ có phản ứng mạnh mẽ đối với Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông và dự kiến ​​sẽ công bố các biện pháp chống lại chính quyền Bắc Kinh trước cuối tuần này.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc có nên áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Kinh liên quan vấn đề Hồng Kông hay không, ông Trump nói rằng Nhà Trắng đang thực hiện một số kế hoạch, “Trước cuối tuần này, bạn sẽ nghe tin này, tôi nghĩ nó sẽ rất mạnh mẽ.”

Theo Fox News, thư ký truyền thông Nhà Trắng Kayleigh McEnany cho biết: “Hồng Kông sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì vị thế là một trung tâm tài chính”.

Có thể thấy trước rằng Mỹ sẽ sử dụng các điều khoản của “Đạo luật chính sách Mỹ-Hồng Kông” (United States–Hong Kong Policy Act), là đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1992. Mục đích đạo luật này là Chính phủ Mỹ xác định lại chính sách của Mỹ đối với Hồng Kông vì từ ngày 1/7/1997, nước Anh kết thúc vai trò quản trị Hồng Kông, khiến Hồng Kông trở thành khu vực hành chính đặc biệt của Trung Quốc Đại Lục. Mỹ dựa trên cam kết tự chủ cao đối với Hồng Kông theo “Tuyên bố chung Trung Quốc-Anh”, qua đó đối xử với Hồng Kông khác với Trung Quốc Đại Lục; Mỹ cũng xem Hồng Kông là một khu vực thuế quan độc lập; đồng thời căn cứ vào khuôn khổ “một quốc gia, hai chế độ” để ủng hộ nhân quyền, dân chủ và tự chủ của Hồng Kông, bảo vệ lối sống của Hồng Kông cùng các doanh nghiệp do Mỹ đầu tư vào trung tâm tài chính quốc tế và cảng tự do này. Sau ngày 1/7/1997, ngoài quốc phòng và ngoại giao, Mỹ sẽ tiếp tục bảo đảm cho Hồng Kông vị thế khu vực thuế quan độc lập nếu Hồng Kông được duy trì quyền tự chủ cao.

Hôm 27/5, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã đệ trình lên Quốc hội “Báo cáo Đạo luật Chính sách Hồng Kông” (Hong Kong Policy Act Report), qua đó xác định Hồng Kông đã bị mất quyền tự chủ cao nên không thể tiếp tục được hưởng đãi ngộ đặc biệt mà luật pháp Mỹ đưa ra kể từ tháng 7/1997.

Theo Đài phát thanh Hồng Kông (RTHK), nhà kinh tế Andy Cheuk-Chiu Kwan (Quan Trác Chiếu) tại Hồng Kông nhận định rằng phản ứng nhanh chóng của Mỹ lần này cho thấy có hành động thực tế và không còn e ngại Trung Quốc nữa, nhưng vẫn để lại hy vọng bỏ ngỏ vì chưa có thông báo trực tiếp nào để hủy bỏ địa vị đặc biệt của Hồng Kông. Dự kiến, giống như cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, sẽ lại có những đòn trả đũa qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc và có thể gây ra những cú sốc cho thị trường.

Ông chỉ ra một khi Mỹ hủy bỏ vị thế đặc biệt của Hồng Kông thì Hồng Kông sẽ được coi là một thành phố bình thường thuộc Trung Quốc Đại Lục và sẽ mất vị thế là một khu vực hải quan độc lập, sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của Trung Quốc Đại Lục và Hồng Kông.

Ví dụ, chính sách thuế quan bằng không (0) của Hồng Kông đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ có thể dẫn đến các biện pháp trả đũa của chính quyền Bắc Kinh. Theo Cục Thống kê Mỹ, năm 2019 Hồng Kông là nơi có thặng dư thương mại song phương lớn nhất của hàng hóa Mỹ.

Có thể thấy, qua hai năm chiến tranh thương mại đã khiến quan hệ Trung-Mỹ gần như đóng băng, nhưng giờ đây lại có khả năng chia tách nghiêm trọng hơn nữa.

Hôm 28/5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến các vấn đề nóng như quan hệ Trung-Mỹ: “Chúng tôi luôn chủ trương từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh. Liên quan đến cái gọi là tách rời, có thể nói rằng việc tách rời hai nền kinh tế chủ yếu sẽ không tốt cho bất kỳ ai, cũng sẽ gây hại cho thế giới.”

Ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh, “Chúng ta nên căn cứ vào đồng thuận quan trọng đạt được giữa nguyên thủ hai nước để thúc đẩy quan hệ Trung-Mỹ trên cơ sở hài hòa, hợp tác và ổn định”.

Một báo cáo nghiên cứu do HSBC công bố vào ngày 12/5 chỉ ra, do căng thẳng quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục leo thang có thể ảnh hưởng đến tâm lý giới đầu tư, cộng thêm các yếu tố như sụt giảm nặng nhu cầu bên ngoài và phản ứng chính sách thận trọng có thể khiến tốc độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc chậm hơn dự kiến.

Trong báo cáo, chuyên gia kinh tế cao nhất của HSBC là ông Khuất Hồng Bân (Qu Hongbin) cho biết rằng dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán dường như đã củng cố quyết tâm của Mỹ trong việc tìm hướng gia tăng tách rời khỏi nền kinh tế Trung Quốc. Cuộc chiến chính có thể chuyển từ thương mại sang công nghệ, chuỗi cung ứng và dòng vốn. Đặc biệt, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra vào cuối năm nay cũng sẽ khiến vấn đề quan tâm đến Trung Quốc gia tăng thêm.

Huệ Anh

Xem thêm: