Mới đây, cựu Đặc khu Trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh hiện là Phó chủ tịch Chính hiệp ĐCSTQ đã chỉ trích Ngân hàng HSBC rằng chưa thể hiện quan điểm về Luật An ninh Quốc gia, cảnh báo rằng HSBC có thể bị ngân hàng Trung Quốc thay thế bất cứ khi nào.

Lương Chan Anh HSBC
Ông Lương Chấn Anh và Ngân hàng HSBC ở Hồng Kông (Ảnh wiki và Andrew and Annemarie)

Ông Lương Chấn Anh cảnh báo HSBC

Hôm 29/5, cựu Đặc khu Trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh đã chia sẻ trên mạng xã hội Facebook rằng đã một tuần kể từ khi Hội nghị Nhân đại tại Bắc Kinh tuyên bố thông qua Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông nhưng HSBC vẫn chưa thể hiện quan điểm về việc lập pháp này, chất vấn liệu ngân hàng có hướng theo Chính phủ Anh cũng như Mỹ hay không, thậm chí cảnh báo lợi nhuận của HSBC chủ yếu đến từ Trung Quốc, không nên để ngân hàng của Anh này “vừa kiếm tiền ở Trung Quốc lại vừa hùa cùng phương Tây gây thiệt hại cho Trung Quốc”.

101015489 2520022444994355 7132796495073378304 n
Facebook ông Lương Chấn Anh

Ông Lương Chấn Anh thậm chí còn đe dọa rằng hoạt động kinh doanh của HSBC tại Trung Quốc hoàn toàn có thể bị các ngân hàng Trung Quốc cũng như của các nước khác thay thế nhanh chóng. Ông Lương cũng cho biết phải để Chính phủ cũng như các chính trị gia Anh biết các tổ chức do Anh đầu tư như HSBC đang kiếm được lợi ích từ đâu (which side of the bread is buttered).

Đài phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) đưa tin, vào ngày hôm đó (29/5) giá cổ phiếu của HSBC đóng cửa ở mức 35,85 đô la Hồng Kông, giảm 3,11% so với ngày hôm trước, cao hơn mức giảm 0,74% của thị trường chứng khoán ngày hôm đó. Nhưng vấn đề hài hước là thực tế cổ đông lớn nhất của HSBC là BlackRock, công ty quỹ của Mỹ này nắm giữ 7,32% cổ phần HSBC; còn cổ đông lớn thứ hai là công ty tài chính khổng lồ Ping An của Trung Quốc, nắm giữ 7,01% cổ phần.

Phong cách kiểu thời Cách mạng Văn hóa

Trong khi Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông bị cáo buộc phá hủy cam kết “một quốc gia, hai chế độ” đối với Hồng Kông, hiện đang đứng trước lên án và trừng phạt từ cộng đồng quốc tế, nhưng Bắc Kinh và phe kiến chế thân thiết ở Hồng Kông đã phát động chiến dịch thể hiện ủng hộ lập pháp An ninh Quốc gia. Việc cả “lãnh đạo cấp quốc gia” như Lương Chấn Anh công khai gây áp lực với HSBC đã gây nhiều nghi vấn về việc một số người bày tỏ quan điểm là “ủng hộ” thật là hay “bị ép buộc”?

RFI đưa tin rằng trong vấn đề ĐCSTQ thúc đẩy Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông, họ đang tận dụng mọi cách để yêu cầu mọi tầng lớp xã hội bày tỏ ủng hộ, cả thương nhân cỡ lớn cũng không ngoại lệ. Nhà cầm quyền Bắc Kinh âm thầm dùng nhiều cách để yêu cầu các giới trong xã hội công khai thể hiện quan điểm ủng hộ, hiện nay Hồng Kông đang xảy ra tình huống như trong Cách mạng Văn hóa khi buộc mọi người bày tỏ rõ ý kiến ​​của mình.

New York Times đưa tin rằng nhà cầm quyền Bắc Kinh đang dùng đe dọa và áp lực để hối thúc giới doanh nhân Hồng Kông ủng hộ lập trường ngày càng cứng rắn của Bắc Kinh đối với Hồng Kông. Vài ngày trước, Tổng hội Công đoàn ngành Tài chính Hồng Kông (HKFUnion) đã khiếu nại với cơ quan quản lý tài chính Hồng Kông rằng, ban quản lý của Chiyu Bank (một công ty con của Ngân hàng Quốc tế Hạ Môn) đã gửi tin nhắn WhatsApp cho nhân viên và yêu cầu họ ký tên để ủng hộ Luật An ninh Quốc gia mới; ngân hàng Wing Lung cũng yêu cầu tương tự đối với nhân viên. Các nhân viên còn bị yêu cầu chụp ảnh màn hình chữ ký của họ và chia sẻ công khai.

Khiếu nại của công đoàn đã chất vấn rằng cách làm như vậy là dùng quyền lực để ép buộc nhân viên, gây cảm giác khó chịu trong nhân viên. Họ lo lắng rằng nếu họ từ chối ký để ủng hộ Luật An ninh Quốc gia thì họ sẽ trở thành mục tiêu bị ảnh hưởng sau này trong công việc.

Người Hồng Kông phản đối Luật an ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông ngày 25/5/2020.
Người Hồng Kông phản đối Luật an ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông ngày 25/5/2020. (Ảnh: Jimmy Siu / Shutterstock)

Tờ New York Times chỉ ra nhiều doanh nhân hàng đầu Hồng Kông đang tuyên bố tin tưởng vào chính quyền trung ương; nhiều quan chức với các cấp bậc khác nhau đang học theo kiểu thề thốt trung thành thường thấy trong ĐCSTQ tại Đại Lục khi họ lần lượt công khai cam kết ủng hộ lập pháp. Hiện nay chính quyền Bắc Kinh đã phát động một chiến dịch hoành tráng nhằm tô vẽ cách họ ứng xử với Hồng Kông ‘đầy tuyệt vời’; đây cũng là một hành vi đê tiện nhằm trấn áp các tiếng nói chỉ trích trong khi Bắc Kinh đang đứng trước thực trạng bị toàn thế giới lên án vì kế hoạch tại Hồng Kông.

Thứ Sáu tuần trước (29/5), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tổ chức họp báo chỉ trích Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông đã biến “một quốc gia, hai chế độ” thành “một quốc gia, một chế độ”, bóp nghẹt tự do của Hồng Kông, tuyên bố Mỹ sẽ bãi bỏ địa vị đặc biệt của Hồng Kông và có biện pháp trừng phạt quan chức Trung Quốc và Hồng Kông. Phân tích của Thời báo New York chỉ ra khi Mỹ đe dọa trả đũa bằng chế tài kinh tế thì giới quan chức ĐCSTQ biện bạch rằng họ đang đáp ứng mong muốn của người dân Hồng Kông, chính sách độc đoán của họ được ủng hộ rộng rãi của công chúng.

Nghị sĩ: Thủ đoạn đáng kinh tởm, họ muốn lừa ai?

New York Times đề cập đến thực tế là kể từ khi Hồng Kông bùng nổ các cuộc biểu tình đến nay thì ĐCSTQ vẫn gây áp lực để kéo giới doanh nhân Hồng Kông về Đại Lục, lợi dụng thị trường khổng lồ của Đại Lục để khích lệ họ tuân theo đường lối của ĐCSTQ. Báo đáp cho thương giới ủng hộ ĐCSTQ là sẽ nhận được hợp đồng lớn ở Trung Quốc Đại Lục. “ĐCSTQ rất cần hợp tác của họ vì họ đóng vai trò nòng cốt trong cuộc bầu cử Đặc khu Trưởng. Đổi lại, việc kinh doanh của họ ở Trung Quốc Đại Lục và Hồng Kông được tạo điều kiện”, nhà đầu tư thường xuyên ở Hồng Kông là David Webb cho biết.

Phong trào của nhà cầm quyền Bắc Kinh thậm chí đã thay đổi giọng điệu của các thành viên ôn hòa thuộc phe kiến chế thân Bắc Kinh. Ví dụ về ông Điều Bắc Thần (Michael Tien) phe kiến chế là ủy viên Hội đồng Lập pháp, trong chiến dịch biểu tình năm ngoái đã từng kêu gọi giải pháp thỏa hiệp giữa chính phủ và công chúng, nhưng giờ đây ông ta nói rằng cần phải ban hành luật nghiêm khắc hơn để đối phó với “một số ít đối tượng kích động xung đột ở Hồng Kông”.

Nguồn tin cũng dẫn quan điểm của nghị viên Hội đồng Lập pháp phe dân chủ Mao Mạnh Tĩnh (Claudia Mo) nói rằng phong trào này cho thấy ĐCSTQ đã xem Hồng Kông là một thành phố bình thường của Trung Quốc, sẽ đẩy mạnh thống nhất về ý thức hệ giữa Hồng Kông và Đại Lục. Bà nói: “Họ đang làm mọi thứ có thể để tạo ra bầu không khí phấn chấn chào đón đạo luật mới này… Thủ đoạn thật kinh tởm. Họ muốn lừa ai?”

Tuyết Mai

Xem thêm: