Chiểu theo lệ cũ, vào ngày kỷ niệm Triều Tiên thành lập chính quyền, lãnh đạo Trung Quốc sẽ gửi điện chúc mừng tới Bình Nhưỡng, và các kênh truyền thông nhà nước của Trung Quốc và Triều Tiên đều sẽ đưa tin rầm rộ. Chỉ có năm ngoái và năm nay là ngoại lệ, không cách nào kiểm chứng được là liệu Bắc Kinh có gửi điện chúc mừng tới Bình Nhưỡng hay không.

Ngày 9/9 là ngày Triều Tiên thành lập chính quyền. Trên các kênh truyền thông chính thức của cả Trung Quốc lẫn Triều Tiên đều chưa thấy xuất hiện những tin tức nói về việc Trung Quốc gửi điện chúc mừng tới Bình Nhưỡng. Giới phân tích chỉ ra, đây là cách mà ông Tập Cận Bình đáp trả lại việc vài ngày trước Triều Tiên đã dùng việc thử hạt nhân để làm rối Hội nghị Thượng Đỉnh BRICS được tổ chức ở Hạ Môn. Thực ra trước đây, ông Kim Jong-un đã nhiều lần khiêu khích vào những thời điểm ông Tập Cận Bình có các sự việc ngoại giao quan trọng.

Vào ngày kỷ niệm Triều Tiên thành lập chính quyền, căn cứ theo các kênh truyền thông chính thức của Trung Quốc và Triều Tiên, Tổng thống Nga, Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng Sản Cuba, Tổng thống Ấn Độ cho đến Chủ tịch Lào đều đã gửi điện chúc tới Triều Tiên nhưng không có tin nào đề cập đến Bắc Kinh.

Trên các kênh truyền thông nhà nước của Trung Quốc và các nước khác như Nhật, Hàn, Nga cũng không tìm được tin tức nào liên quan tới việc Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình gửi điện chúc mừng tới Bình Nhưỡng.

Vì những năm gần đây, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đã dẫn đến sự trừng phạt của xã hội quốc tế, nên càng làm cho quan hệ Trung – Triều trở nên bất hòa, thậm chí ở một mức độ nào đó, đã nổi lên ý đối địch.

Ngày 3/9, Triều Tiên tiến hành lần thử nghiệm hạt nhân thứ 6, đúng ngày ông Tập Cận Bình chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở Hạ Môn. Có phân tích rằng ông Kim Jong-un cố ý chọn ngày này để khiêu khích, đơn giản là khiến cho ông Tập Cận Bình bẽ mặt. Do vậy, lần này việc Bắc Kinh không gửi điện chúc tới Bình Nhưỡng, có thể là cách để họ biểu đạt thái độ phản đối việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân, hoặc có thể là đáp lại các hành động gây rối của Triều Tiên đối với các hoạt động ngoại giao quan trọng của Bắc Kinh.

Trước đây, Triều Tiên phái đoàn nhạc Moranbong tới Bắc Kinh, chuẩn bị diễn xuất từ ngày 12 đến 14/12/2015, nhưng trước giờ diễn khoảng vài giờ thì chương trình bị hủy và đoàn nhạc này cũng rời Bắc Kinh về Bình Nhưỡng vào ngày 12. Trước đó vào ngày 12/10/2015, Triều Tiên đột ngột tuyên bố có bom hydro, ý đồ là ép Trung Quốc âm thầm đồng ý cho Triều Tiên có vũ khí hạt nhân. Nhưng sau đó Trung Quốc lại công khai thể hiện sự phản đối, nên mới dẫn đến sự kiện đoàn nhạc Triều Tiên hủy diễn bỏ về nước, quan hệ hai bên cũng vì thế mà xuất hiện rạn nứt nghiêm trọng.

Vào ngày 6/1/2016, ông Kim Jong-un lại hạ lệnh tiến hành thử hạt nhân lần thứ 4. Ngoại giới phân tích rằng hành vi này là một sự trả miếng công khai đối với Bắc Kinh.

Sau đó, Triều Tiên còn tăng tốc bắn thử tên lửa đạn đạo và thử nghiệm hạt nhân, và nhiều lần có hành động khiêu khích vào những lần ông Tập Cận Bình có hoạt động ngoại giao quan trọng, dường như là gây thêm phiền phức cho Bắc Kinh.

Ngày 5/9/2016, vào đúng thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh G20, tại bờ đông của bán đảo Triều Tiên, ông Kim Jong-un lại phóng một quả tên lửa đạn đạo.

Ngày 5/4 năm nay, ông Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp mặt lần đầu tiên, cũng là ngày Triều Tiên lại phóng một quả tên lửa.

Ngày 18/5, ông Tập Cận Bình cử hành một hội nghị quốc tế ở Bắc Kinh. Tại hội nghị ông có bài phát biểu nhằm thúc đẩy dự án “Một vành đai, một con đường”. Nhưng trước đó vài giờ, ông Kim Jong-un lại phóng một quả tên lửa.

Ngày 4/7 năm nay, Triều Tiên thử phóng một quả tên lửa xuyên lục địa đầu tiên. Lúc đó ông Tập Cận Bình đang có cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin.  

Thành Đô

Xem thêm: