Tại Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần thứ 17, ông Tập Cận Bình đã “vượt rào Bộ Chính trị”, vào thẳng Ban Thường vụ Bộ Chính trị, trở thành người được chỉ định kế nhiệm Tổng Bí thư (khi đó ông Tập Cận Bình không phải Ủy viên Bộ Chính trị). Nguồn tin chia sẻ cho biết, trong chuyện này ngoài vấn đề bị các cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng ở hậu trường gây sức ép, một vấn đề khác khiến ông Hồ Cẩm Đào từ bỏ ủng hộ ông Lý Khắc Cường để chọn ông Tập Cận Bình kế nhiệm là có liên quan đến cố lãnh đạo Hồ Diệu Bang.

GettyImages 465251200
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

“Đại tổng quản” Trần Lương Vũ “ngã ngựa”

Trước Đại hội 17 ĐCSTQ, vào đầu tháng 05/2006, Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào bí mật đến Thanh Đảo thăm Hạm đội Biển Bắc. Khi ông Hồ Cẩm Đào đang ở trên chiếc tàu khu trục đạn đạo thị sát thì có hai tàu quân đội đã xả súng về phía tàu khu trục chở ông Hồ Cẩm Đào làm 5 lính hải quân trên tàu khu trục thiệt mạng, tàu khu trục tên lửa lập tức đưa ông Hồ Cẩm Đào rời khỏi khu vực tập trận đến vùng biển an toàn, sau đó một máy bay trực thăng đã đưa Hồ trở về căn cứ tại Thanh Đảo, nhưng cũng không nán lại căn cứ và không quay trở lại Bắc Kinh mà bay thẳng về Vân Nam. Một tuần sau, khi tình hình tại Bắc Kinh được bố trí ổn thỏa, ông Hồ Cẩm Đào mới trở về Bắc Kinh.

Theo thông tin, vụ ám sát Hồ Cẩm Đào là do các cựu lãnh đạo cùng phe cánh gồm cựu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân, cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai đã phạm gây ra.

Đối với thông tin trên truyền thông nước ngoài về việc ông Hồ Cẩm Đào bị ám sát tại vùng biển Hoàng Hải, đến nay giới chức ĐCSTQ vẫn không có phản hồi. Nhưng sau đó ông Hồ Cẩm Đào đã mượn cớ chống tham nhũng để tập trung thanh trừng phái Giang, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò lãnh đạo tuyệt đối của ĐCSTQ đối với lực lượng vũ trang để ngăn chặn đảo chính quân sự. Động thái này của ông Hồ Cẩm Đào phần nào cho thấy thông tin Hồ bị ám sát hụt không phải vô căn cứ.

Năm đó khi trở về Bắc Kinh, Hồ đã thực hiện một loạt các hành động.

Bước đầu tiên quan trọng nhất là lấy cớ chống tham nhũng loại bỏ triệt để kẻ kế thừa quyền lực do phái Giang Trạch Dân chỉ định: Bí thư Thượng Hải là Trần Lương Vũ (Chen Liangyu).

Ngày 24/9/2006, “bảo kiếm đắc lực” Trần Lương Vũ của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân khi đó là Bí thư Thượng Hải và Ủy viên Bộ Chính trị đã đến Bắc Kinh tham dự Phiên họp toàn thể của Bộ Chính trị, nhưng vừa xuống máy bay đã bất ngờ bị bắt giữ; năm 2008, Trần Lương Vũ bị xử tù 18 năm.

Trần Lương Vũ chính là kẻ đã được cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân hướng tới để tiếp quản quyền lực, từ năm 1984, khi Trần nhậm chức Bí thư Đảng ủy Công ty Công nghiệp Điện gia dụng Thượng Hải đã có điều kiện tiếp xúc lấy lòng bà vợ Vương Dã Bình (Wang Yeping) của Giang Trạch Dân, từ đó con đường quan lộ của Trần Lương Vũ như diều gặp gió, trở thành “đại tổng quản” phái Giang cai quản đại bản doanh Thượng Hải được Giang Trạch Dân tin tưởng nhất.

Sau Đại hội 16 ông Giang Trạch Dân đã có ý đào tạo Trần Lương Vũ làm người kế nhiệm cách khóa. Vì thế mà Giang đã đứng sau hậu trường gây khó khăn cho Hồ, còn Trần trực tiếp tham chính công khai lên án các chính sách kiểm soát kinh tế vĩ mô của Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo, thái độ khinh miệt Hồ Cẩm Đào ra mặt. Giang đã chuẩn bị để đưa Trần vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội 17 để có thể lên thay Hồ Cẩm Đào tại Đại hội 18.

Dưới cai quản của Trần Lương Vũ, Thượng Hải như một “vương quốc độc lập”, Hồ Cẩm Đào không thể trực tiếp can thiệp một cách đường đường chính chính, phải thông qua các vụ án kinh tế đưa số lượng lớn thân tín bí mật vào Thượng Hải điều tra tình hình, thu thập chứng cứ.

Thông qua điều tra thu thập bằng chứng từ ba vụ án tại Thượng Hải liên quan đến Chu Chính Nghị (Zhou Zhengyi, nhà phát triển bất động sản nổi tiếng Thượng Hải), Lưu Kim Bảo (Liu Jinbao, cựu giám đốc điều hành của Bank of China Limited và phó chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc), Quỹ An sinh xã hội Thượng Hải, ông Hồ Cẩm Đào đã thu được số lượng lớn bằng chứng phạm tội của Trần Lương Vũ. Tháng 7/2006, ông Hồ Cẩm Đào bắt đầu truy cứu Trần Lương Vũ từ vấn đề Quỹ An sinh xã hội Thượng Hải, trước bằng chứng không thể chối cãi cuối cùng ông Giang Trạch Dân đã phải từ bỏ Trần Lương Vũ để tự bảo vệ mình.

Hồ Cẩm Đào đành chọn Tập Cận Bình, từ bỏ Lý Khắc Cường

Sau khi Trần Lương Vũ bị hạ bệ, Giang Trạch Dân buộc phải tìm ứng viên thay thế. Vậy là “thái tử Đảng” Bạc Hy Lai được Giang nhắm tới do đã tích cực tham gia giúp Giang đàn áp Pháp Luân Công, tuy nhiên một việc cấp bách hơn của Giang trong năm 2007 là ngăn chặn Hồ Cẩm Đào chỉ định Lý Khắc Cường kế nhiệm.

Giới truyền thông Nhật Bản đã dẫn ba nguồn tin khác nhau chỉ ra, trong đợt bỏ phiếu trong Đảng tại địa phương vào đầu năm 2007 thì ông Tập Cận Bình nhận được số phiếu bầu cao nhất; lần bỏ phiếu đầu tiên tại Thượng Hải, ông được 90% số phiếu; một nguồn tin khác cho biết, về mức độ ủng hộ của người đứng đầu cấp uỷ đảng các địa phương thì ông Tập Cận Bình cao nhất toàn quốc.

Khi đó, trong số Uỷ viên Ban thường vụ Bộ Chính trị khóa 17 mới trúng cử thì ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường là người mới, nhưng ông Tập xếp vị trí thứ sáu, còn Lý Khắc Cường thứ bảy. Có nghĩa là ông Tập Cận Bình sẽ trở thành Tổng Bí thư và Chủ tịch nước vào năm 2012, còn ông Lý Khắc Cường sẽ là Thủ tướng Chính phủ.

Lý Khắc Cường là người kế nhiệm được Hồ Cẩm Đào lựa chọn, nhưng tại sao lại xếp sau Tập Cận Bình?

Theo người cung cấp thông tin, “tam Hồ” (Hồ Diệu Bang, Hồ Khải Lập, Hồ Cẩm Đào) thuộc Đoàn Thanh niên Cộng sản đã rất kỳ vọng vào cha con Tập Trọng Huân (cha Tập Cận Bình), đây là lý do khiến cuối cùng Hồ Cẩm Đào đã chấp nhận Tập Cận Bình.

Hồ Cẩm Đào xưa nay luôn đặc biệt kính trọng “bang chủ” Đoàn Thanh niên Cộng sản là Hồ Diệu Bang. Vì thời Hồ Diệu Bang còn quyền lực đã rất quan tâm Hồ Cẩm Đào. Vào những năm 1980, khi Hồ Cẩm Đào nhậm chức trong Đoàn Thanh niên Cộng sản đã bị giới con cháu nhiều lãnh đạo cốt cán trong Đoàn Thanh niên Cộng sản chèn ép, năm 1985 Hồ Cẩm Đào bị đẩy về tỉnh vùng xa Quý Châu.

Tết Nguyên đán Trung Quốc năm 1986, Hồ Diệu Bang đã đặc biệt về Quý Châu ăn Tết, một mặt để điều tra cơ sở, mặt khác cũng để động viên tinh thần Hồ Cẩm Đào.

Bình sinh, Hồ Diệu Bang rất xem trọng Tập Trọng Huân, điều này Hồ Cẩm Đào cũng hiểu rõ. Vì là chiến hữu thân cận của Hồ Diệu Bang nên Tập Trọng Huân luôn ủng hộ chia sẻ mọi việc với Hồ Diệu Bang. Dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Tập Trọng Huân năm 2003 thời ông Hồ Cẩm Đào, ĐCSTQ đã cho tổ chức lễ kỷ niệm long trọng (khi đó ông Tập Trọng Huân mới qua đời năm 2002).

Giới tin tức Hồng Kông cũng đã chỉ ra, sau khi Hồ Cẩm Đào được Đặng Tiểu Bình chỉ định là người kế nhiệm, ông Tập Trọng Huân đã đích thân lên tiếng ca ngợi Hồ Cẩm Đào, đã khiến Hồ rất cảm kích.

Vào dịp ngày Quốc khánh Trung Quốc 01/10/1999, ông Tập Trọng Huân đến Bắc Kinh để tham gia các hoạt động chào mừng. Tại bữa tiệc, ông Hồ Cẩm Đào đã đến kính rượu ông Tập Trọng Huân với thái độ đặc biệt kính cẩn, khi đó còn cúi xuống ghé tai nói kín với ông Tập Trọng Huân.

Người cung cấp thông tin chia sẻ, ông Hồ Cẩm Đào đã sớm muốn dìu dắt con của ông Tập Trọng Huân, muốn kéo ông Tập Cận Bình về dưới trướng mình. Vậy là Đại hội 17, ông Hồ Cẩm Đào đã chấp nhận ông Tập Cận Bình trở thành người kế nhiệm, đến Đại hội 18 đã rút lui triệt để khỏi mọi chức vụ, chuyển giao hết cho ông Tập Cận Bình, câu chuyện này lý giải việc liên minh Hồ Cẩm Đào – Tập Cận Bình đã liên kết trừng trị phe cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân.

Còn hai cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng cũng có âm mưu đằng sau việc đồng ý để Tập Cận Bình vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị, đó là kế hoạch dự tính trong khoảng hai năm sau Đại hội 18, sẽ thông qua chiến dịch “ca đỏ đánh đen” (ca ngợi Đảng, tổ quốc, lãnh tụ vĩ đại, thành quả vĩ đại chủ nghĩa xã hội; thanh trừng giới xã hội đen và quan chức liên quan…) của Bạc Hy Lai tại Trùng Khánh để giành được tín nhiệm trên toàn quốc, quảng bá “mô hình Trùng Khánh” trên toàn quốc, cùng lúc dùng Ban Chính trị Pháp luật và Bộ đội Cảnh sát vũ trang do Chu Vĩnh Khang kiểm soát và thế lực quân đội toàn quốc do Bạc Hy Lai phụ trách cộng thêm thế lực quân đội của Giang Trạch Dân, để bãi miễn và thậm chí bắt giam Tập Cận Bình, khi đó giang sơn Trung Quốc lại thuộc về phe cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng.

Nhưng trước thềm Đại hội 18, vào ngày 06/02/2012, tay chân ác ôn của Bạc Hy Lai là cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân (Wang Lijun) vì trở mặt với Bạc Hy Lai, để tránh bị Bạc thủ tiêu diệt khẩu nên Vương Lập Quân đã mang theo tài liệu mật chạy trốn vào Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, làm cho âm mưu đảo chính của của thế lực phái Giang bại lộ và thất bại.

Trí Đạt

Xem thêm: