Tháng 8 năm 1975 tại tỉnh Hà Nam đã xảy ra thảm hoạ vỡ đập tồi tệ nhất trong lịch sử Trung Quốc: đập thuỷ điện Bản Kiều bị vỡ, cướp đi sinh mệnh của hơn 200.000 người, 11 triệu người bị mất nhà cửa, gần 6 triệu ngôi nhà bị phá huỷ, 300.000 gia súc bị cuốn trôi.

1360287103419 Banqiao Dam China
Đập Bản Kiều (wikimedia)

Đêm tháng Tám kinh hoàng

Đập Bản Kiều (Banqiao) thuộc tỉnh Hà Nam, được xây dựng và hoàn tất trên sông Nhữ vào năm 1952, vừa để chống lũ lụt vừa để sản xuất điện. Tháng Tám năm 1975, do ảnh hưởng của bão Nina, khu vực này đã hứng chịu những trận mưa lớn nhất trong lịch sử, lượng mưa trong cả năm đã đổ xuống chỉ trong 24 giờ.

Mực nước ở vùng thượng lưu của các con sông trong vùng nhanh chóng dâng cao và dần biến thành lũ lớn. Khi cơn lũ tràn qua, các đập nước lần lượt bị vỡ và Trú Mã Điếm, nơi có đập Bản Kiều, trở thành rào chắn cuối cùng.

Đêm ngày 8/8/1975, hàng trăm người gồng mình trong cơn bão, cố gắng chồng những bao cát lên để bảo vệ đập Bản Kiều. Đó là một cuộc chiến gần như vô vọng bởi cơn lũ quá lớn. Dưới vùng hạ lưu, hàng triệu người đang chìm trong giấc ngủ.

Một nhân chứng sống sót kể lại rằng, vào lúc hơn 1h sáng, ông nghe thấy một âm thanh giống như “bầu trời sụp đổ và mặt đất nứt ra”, con đập bị vỡ. Một lượng nước tương đương 280.000 bể bơi cỡ Olympic đã tạo ra một cơn đại hồng thuỷ với cơn sóng khổng lồ trải rộng gần 10km, cao từ 3 đến 7,5m, lao đi với vận tốc 48km/h, cuốn trôi toàn bộ thị trấn.

Từ 170.000 đến 240.000 người đã thiệt mạng trong vụ vỡ đập này, theo kênh Discovery, tuy nhiên con số chính thức mà chính quyền công bố chỉ là 85.600 người chết. Ngày nay, rất ít người trong và ngoài Trung Quốc biết đến thảm họa này.

Tại sao đập Bản Kiều lại bị vỡ?

Đập Bản Kiều được hoàn thành vào năm 1952, là một phần của chiến dịch “Chế ngự sông Hoài” và các nhánh của nó sau những trận lụt nghiêm trọng xảy ra vào các năm trước. Trong những năm 1950, cùng với đập Bản Kiều, đã có hơn 100 đập và hồ chứa được xây dựng chỉ ở Trú Mã Điếm, tỉnh Hà Nam.

Khi cuộc cách mạng Đại nhảy vọt bắt đầu vào năm 1958, chiến dịch đã được xem như một mô hình quốc gia kiểu mẫu trong việc “ưu tiên tích nước phục vụ cho tưới tiêu.” Từ những năm 1950 đến những năm 1970, khoảng 87.000 hồ chứa đã được xây dựng trên toàn quốc.

Trần Hưng (Chen Xing), nhà thuỷ văn người Trung Quốc tham gia xây dựng đập Bản Kiều đã bày tỏ sự lo lắng về chính sách xây đập của chính phủ. Ông cảnh báo rằng việc xây dựng quá nhiều các đập và hồ chứa có thể khiến mực nước ngầm ở Hà Nam vượt quá mức an toàn và dẫn đến thảm họa.

Ông cũng đã đề nghị xây 12 cửa xả cho đập Bản Kiều – nhưng ĐCSTQ đã chỉ trích ông vì quá “thận trọng” và dự án đã được thu nhỏ lại thành 5 cửa xả.

Cơn bão lớn bất thường Nina được chính phủ Trung Quốc cho là nguyên nhân dẫn tới việc vỡ đập. Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu nước ngoài đã cho rằng còn có yếu tố về chất lượng tiêu chuẩn yếu kém của con đập, mà đằng sau nó là sự tham nhũng tràn lan của các quan chức trong ĐCSTQ.

Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ là Mao Trạch Đông luôn muốn có “kết quả tức thời”, bao gồm cả đập Bản Kiều, theo cuốn sách “Mao: Câu chuyện không được biết”.

Khi đập Bản Kiều và các con đập cùng thời khác của Trung Quốc được xây dựng, các vết nứt đã xuất hiện và chúng liên tục cần các kỹ sư Liên Xô sửa chữa.

Theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền năm 1995, “vụ đập Bản Kiều và Thạch Mãn Than sụp đổ là một thảm hoạ quy mô lớn do con người gây ra, là kết quả của sự thiếu sót trong các chính sách kiểm soát dòng nước. Nhìn chung sự thiếu sự minh bạch của chính phủ trong quá trình xây dựng đập đã góp phần gây ra tình huống nhiều đập của Trung Quốc bị coi là không an toàn.”

Báo cáo này còn cho biết vụ vỡ đập Bản Kiều vào năm 1975 gần như hoàn toàn không được báo cáo ngoài phạm vi lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc.

Trung bình mỗi năm, Trung Quốc có 68 đập bị vỡ

Theo tuyên bố của một quan chức trong Bộ Tài nguyên nước, mỗi năm Trung Quốc có khoảng 68 đập (chủ yếu là đập nhỏ) bị vỡ.

Hiện tại, Trung Quốc có hơn 85.000 đập chứa nước. Từ năm 1954 đến năm 2005, tổng số 3.486 đập chứa nước đã bị vỡ. Mỗi năm, nhiều hồ chứa bị thiệt hại do lũ lụt gây ra.

Theo báo cáo của China Newsweek, trong số hơn 85.000 hồ chứa ở Trung Quốc, hơn 30.000 (35%) có vấn đề nhưng vẫn tiếp tục hoạt động, là mối nguy lớn đe doạ đến tính mạng và tài sản của nhiều người.

Tại Trung Quốc hiện tại, không một tỉnh hoặc thành phố nào không có hồ chứa nguy hiểm. Tại các tỉnh Hồ Nam, Quảng Đông, Tứ Xuyên, Sơn Đông, Vân Nam, Hồ Bắc và Giang Tây, mỗi tỉnh có hơn 1.600 hồ chứa nguy hiểm. Ở tỉnh Quảng Đông, có 3.685 hồ chứa nguy hiểm, chiếm 55% tổng số hồ chứa trong tỉnh.

Bảo Minh (t/h)

Xem thêm: