Mới đây, trong một diễn biến đáng chú ‎ý liên quan đến tình hình Hồng Kông hôm 1/1, có 40 người gồm nghị sĩ quốc hội và lãnh đạo tôn giáo từ 18 quốc gia đã cùng nhau ký vào một bức thư công khai gửi Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga, liên quan đến vấn đề bạo lực của cảnh sát Hồng Kông trong thời gian Giáng sinh, yêu cầu có biện pháp kiềm chế cảnh sát, tôn trọng quyền biểu tình ôn hòa của người dân Hồng Kông, thúc đẩy cải cách chính trị. Ngay lập tức Chính phủ Hồng Kông đã phản hồi trong một tuyên bố vào sáng 1/1 rằng bức thư chứa đầy quan điểm sai lệch.

Cảnh sát Hồng Kông
Trong hoạt động diễu hành “Ngày Thế giới chống Cộng sản” 29/9/2019, cảnh sát Hồng Kông đã điên cuồng bắt giữ những người biểu tình ở Kim Chung (Ảnh: Epoch Times)

Thư công khai của 40 nhân sĩ từ 18 quốc gia

Từ những nguồn tin của truyền thông Hồng Kông cho thấy, những người đồng ký tên đến từ ít nhất 18 quốc gia bao gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada, Malaysia và Hàn Quốc. Trong đó có những nhân vật đáng chú ‎ ý như cựu Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Anh Malcolm Rifkind, Helena Kennedy – Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Hội Luật sư Quốc tế, David Kilgour – cựu Giám đốc Bộ phận Châu Á – Thái Bình Dương của Canada, Lord Alton (tại Liverpool) – người bảo trợ giám sát Hồng Kông, Mantas Adomenas – nghị sĩ Quốc hội Litva, Lee Jong suk- Đại sứ Nhân quyền Hàn Quốc, và Charles Bo – Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á châu…

Bức thư công khai thể hiện quan điểm bất bình khi trong thời điểm Giáng sinh và cuối tuần sau đó, cảnh sát Hồng Kông đã bắn hồ tiêu, xịt hơi cay và bắn đạn cao su vào khách hàng tại trung tâm mua sắm, người biểu tình ôn hòa và người qua đường vô tội. Cảnh sát cũng đánh trẻ em và thanh niên, bắn đạn cao su vào mặt người dân. Giới chuyên gia vũ khí cho rằng đó là hành động có thể gây thương vong và vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn quốc tế.

Những người đồng ký tên đã thúc giục Chính phủ Hồng Kông phải kiểm điểm lại về chiến lược đàn áp của họ. Kêu gọi bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga chỉ đạo cảnh sát kiềm chế, tôn trọng các cuộc biểu tình ôn hòa và sử dụng vũ lực tương xứng để chống lại bạo lực; mở điều tra độc lập về tình hình bạo lực của cảnh sát; thả tất cả những người bị bắt chỉ vì tham gia biểu tình ôn hòa.

Ngoài ra, bức thư cũng kêu gọi bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cải cách chính trị, xem trọng thông điệp về kết quả bầu cử Hội đồng quận vào tháng 11 năm ngoái. Theo bức thư chung, nếu bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga bỏ qua cơ hội nhằm giảm bớt khủng hoảng sẽ chỉ khiến Hồng Kông càng chìm sâu trong đau khổ, sợ hãi, bạo lực và bất ổn, tình hình sẽ khiến nhu cầu quốc tế về việc sử dụng Đạo luật Magnitsky để xử phạt các quan chức Hồng Kông vi phạm nhân quyền sẽ mạnh mẽ hơn.

Thư công khai cũng viết: “Hồng Kông là một thành phố quốc tế lớn, một trung tâm thương mại và tài chính quốc tế quan trọng, cũng là cửa ngõ quan trọng của Trung Quốc và phần còn lại của châu Á. Nếu Hồng Kông mất vai trò này, bị mất hết danh tiếng vì hoạt động đàn áp thì sẽ là một bi kịch.”

Liên quan đến bức thư công khai, người phát ngôn của Chính phủ Hồng Kông đã  lập tức có phản hồi rằng, bức thư công khai “dùng ngôn từ thiên vị và sai lệch”, cáo buộc “những người biểu tình làm leo thang bạo lực”, “cảnh sát đã khôi phục trật tự xã hội bằng vũ lực tối thiểu”.

Cảnh sát Hồng Kông bắt giữ ba quan sát viên nhân quyền vào ngày đầu năm mới

Sau lá thư công khai của nhiều nhân vật có uy quyền quốc tế công bố vào ngày 1/1, ngày 2/1 Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Hồng Kông đã ra tuyên bố lên án cảnh sát Hồng Kông cản trở và bắt giữ nhiều quan sát viên nhân quyền trong các hoạt động công khai vào ngày đầu năm mới. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã thông báo về vụ bắt giữ gây tranh cãi này cho nhân viên nhân quyền Liên Hợp Quốc để theo dõi. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng kêu gọi Liên Hợp Quốc và các cơ quan quốc tế điều tra về tình trạng cảnh sát Hồng Kông lạm dụng vũ lực.

Tuyên bố chỉ ra, trong chiến dịch biểu tình chống Dự luật Dẫn độ, cảnh sát Hồng Kông đã nhiều lần có hành vi ứng xử bất hợp lý với các nhà quan sát nhân quyền ở Hồng Kông. Trong quá trình làm nhiệm vụ theo dõi biểu tình, họ đã bị quấy rối, ngăn chặn việc quay phim và thậm chí bị xua đuổi bằng vũ lực. Kể từ tháng 11 năm ngoái, cảnh sát Hồng Kông đã không ngừng tăng cường hành vi nghiêm trọng, như bắt giữ Robert Godden (quan sát viên của Rights Exposure) khi đang theo dõi hoạt động biểu tình bên ngoài PolyU, hay như ngày đầu năm mới đã bắt giữ ba quan sát viên của Tổ chức Theo dõi Dân quyền (Civil Rights Observer).

Tuyên bố nêu rõ, tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế chỉ rõ Chính phủ không nên ngăn cản các nhà quan sát đến thăm những nơi nghi ngờ vi phạm nhân quyền. Tuyên bố trích dẫn Điều 39 của Luật Cơ bản Hồng Kông nêu rõ “Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị” áp dụng cho Hồng Kông.

Tuyên bố nhắc lại Chính phủ Hồng Kông nên thành lập Ủy ban Điều tra Độc lập để điều tra tình trạng cảnh sát Hồng Kông lạm dụng vũ lực trong chiến dịch biểu tình chống Dự luật Dẫn độ, trừng phạt các cảnh sát vi phạm quy tắc và pháp luật.

Cảnh sát mang thường phục đi đập phá và vu khống người biểu tình?

Mặc dù Chính phủ Hồng Kông làm ngơ trước thực trạng cảnh sát lạm dụng vũ lực khiến công luận phẫn nộ, trái lại còn luôn cáo buộc bạo lực do người biểu tình gây ra, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy cảnh sát nhiều lần giả dạng người biểu tình để đập phá, gây sự cố để vu oan người biểu tình.

Hoạt động diễu hành lớn ở Hồng Kông trong dịp năm mới một lần nữa chứng kiến ​​cảnh tượng ngoạn mục khi có cả triệu người ra đường đồng hành. Nhưng trong thời gian diễn ra hoạt động diễu hành đã có kẻ đập vỡ kính của sảnh tòa nhà Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Trung Quốc. Những người diễu hành nghi ngờ có thể kẻ phá hoại là cảnh sát mặc thường phục, sau đó có người muốn bắt giữ hai người này nhưng họ chạy trốn đến khu cảnh sát chống bạo động và hét lên “người phe mình”, vậy là cảnh sát không bắt giữ hai người này.

Nhân chứng đã kể rằng, hành động của họ đã cho thấy họ không phải người biểu tình. Họ đã phá hủy cửa hàng, và bằng chứng lớn nhất là họ đã thông báo cho cảnh sát là “người phe mình”, sau khi những cảnh sát nghe thấy thông báo đã không có bất cứ hành động bắt giữ nào.

Vào khoảng 4 giờ chiều cùng ngày, trang Facebook của City Broadcasting Channel (CBC) Hồng Kông cũng đăng tải thông tin cho biết, có một người đàn ông và một người phụ nữ cố gắng đập phá các cửa hàng gần đường Hennessy, khi người biểu tình chất vấn: “Các anh có phải người cùng chúng tôi?” thì họ không trả lời, mặt biến sắc. Khi có chất vấn khác rằng “Anh có phải là cảnh sát bẩn không?” thì họ bỏ chạy.

Tuyết Mai

Xem thêm: