Sau khi xảy ra sự kiện Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu bị Canada bắt giữ, ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập Huawei và cũng là bố của bà Mạnh Vãn Châu vẫn luôn giữ im lặng, nhưng cuối cùng ông đã lên tiếng về vụ việc này trong cuộc gặp mặt với báo chí nước ngoài hôm 15/1.

 

Embed from Getty Images

Ông Nhậm Chính Phi trong cuộc gặp gỡ với báo chí nước ngoài tại trụ sở chính của Huawei tại Thâm Quyến hôm 15/1/2019 (Ảnh: Getty Images)

Ngày 15/1, trụ sở chính của Huawei tại Thâm Quyến Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị bàn tròn với phóng viên nước ngoài, tại hội nghị này, ông Nhậm Chính Phi đã nói về sự kiện con gái Mạnh Vãn Châu bị Canada bắt giữ, đồng thời cũng giữ thái độ chờ đợi xem Tổng thống Mỹ Donald Trump có can thiệp vào vụ việc này không. Đây là lần đầu tiên ông Nhậm Chính Phi bày tỏ thái độ công khai kể từ khi con gái Mạnh Vãn Châu xảy ra chuyện.

Ngày 1/12, Canada đã tiến hành bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu theo yêu cầu của Mỹ. Phía Mỹ cáo buộc Huawei vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ, bán thiết bị sản xuất tại Mỹ cho Iran. Sau khi bị giam giữ hơn 1 tuần, bà Mạnh Vãn Châu đã được bảo lãnh tại ngoại, hiện đang chờ các thủ tục pháp lý để dẫn độ tới Mỹ.

Đối với vấn đề khi chính quyền Trung Quốc yêu cầu Huawei cung cấp thông tin bí mật của khách hàng nước ngoài hoặc thiết bị mạng của khách hàng, Huawei sẽ trả lời như thế nào, ông Nhậm Chính Phi cho biết, “Đối với yêu cầu như thế này, chúng tôi chắc chắn sẽ từ chối”. Ông còn tuyên bố, Huawei chưa bao giờ nhận được bất cứ yêu cầu cung cấp thông tin không chính đáng của bất cứ chính phủ nước nào.”

Ông Nhậm Chính Phi còn nói: “Tôi yêu đất nước tôi, tôi ủng hộ đảng Cộng sản Trung Quốc”, “Khái niệm chính trị của cá nhân tôi không có quan hệ chặt chẽ với sự vận hành kinh doanh của Huawei.”

Ông Nhậm còn có ý muốn làm mờ nhạt đi việc một số quốc gia đang ngăn chặn Huawei tham gia vào xây dựng mạng 5G, ông nói, hiện tại Huawei đã ký kết 30 hợp đồng xây dựng mạng 5G trên toàn cầu.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) bình luận cho rằng, hành động này của ông Nhậm Chính Phi là có ý muốn giảm bớt lo lắng về rủi ro an ninh mà các nước phương Tây cho rằng thiết bị của Huawei có thể gây ra.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) tại Hồng Kông đưa tin, đây là cuộc họp với truyền thông quốc tế lần thứ 3 trong 30 năm qua kể từ khi ông Nhậm Chính Phi nắm quyền chính của Huawei. Lần phát biểu trước đó với truyền thông quốc tế của ông Nhậm Chính Phi (một người dường như có tư thái ở ẩn) là năm 2015. Bản tin cho rằng, nếu Huawei không bị lún sâu vào khủng hoảng, bị công kích như hiện nay, ông Nhậm Chính Phi có lẽ sẽ vẫn kín tiếng.

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cũng cho rằng, thời gian gần đây, các nước phương Tây đã tập trung vào việc cân nhắc về an ninh quốc gia và chọn cách loại trừ Huawei.Việc ông Nhậm Chính Phi xuất hiện và lên tiếng đã cho thấy ông chống muốn lại tình hình bất lợi cho Huawei.

Nhậm Chính Phi từng làm việc trong quân đội Trung Quốc, bối cảnh liên quan đến quân đội và cả việc ông có quan hệ với chính phủ Trung Quốc đã khiến cho các nước phương Tây cho rằng, thiết bị của Huawei có thể tồn tại “cửa hậu” (back door), và bị chính phủ Trung Quốc dùng để tiến hành các hoạt động gián điệp nhắm vào các nước phương Tây. Tháng trước (tháng 12/2018), chính phủ Nhật Bản phát hiện, sau khi tháo dỡ thiết bị của Huawei, đã thấy trong phần cứng có chứa các linh kiện không cần thiết, các linh kiện này có thể đe dọa đến an ninh quốc gia của Nhật Bản.

Năm ngoái, các nước như Mỹ, Anh, Nhật Bản, New Zealand, Úc đã lần lượt quyết định cấm sử dụng các thiết bị của Huawei trong mạng 5G của mình. Mới đây, chính phủ Na Uy cũng cho biết, đang cân nhắc đến các biện pháp tương tự. Tuần trước, quan chức cấp cao của Ba Lan tiết lộ, Ba Lan có thể sẽ suy xét đến việc cấm sử dụng sản phẩm của Huawei trong các cơ quan hành chính công. Bộ trưởng Nội chính Ba Lan Joachim Brudzinski trả lời phỏng vấn của báo chí đã nói, Liên minh châu Âu (EU) và các nước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cần đạt được nhận thức chung về vấn đề liệu có loại bỏ Huawei khỏi thị trường của mình hay không.

Huệ Anh

Xem thêm: