Vấn nạn thực phẩm bẩn tại một trường học ở một thành phố phía Tây Nam (Trung Quốc) mới đây đã làm tôi nhớ tới một chuyện mà đích thân mình trải qua hồi năm ngoái.

thực phẩm bẩn
Nhiều phụ huynh ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) biểu tình vì nhà trường sử dụng thực phẩm bẩn để chế biến bữa ăn cho học sinh. Sự kiện xảy ra hồi giữa tháng 3/2019 (Ảnh cắt từ video đăng tải trên internet)

Tháng 9/2018, tôi vô ý đã “gây ra một chuyện lớn” – bởi vì tiện tay đăng một dòng tin lên Weibo, khiến cho hiệu trưởng của một trường tiểu học quê tôi bị cách chức. Ở quê tôi, có thể lên đến chức hiệu trưởng của một trường tiểu học của huyện hoặc của thị trấn là điều không dễ dàng. Một dòng tin trên Weibo đã cắt đứt tiền đồ của một hiệu trưởng, thì ít nhất ở nơi đó có thể coi là một chuyện không hề nhỏ.

Sự việc như dưới đây:

Nửa đêm, một người bạn ở quê gửi cho tôi một đoạn video ngắn chưa đầy 2 phút qua Wechat. Anh ấy nói là thấy trong một nhóm trên Wechat, xem thì giống như là trường tiểu học ở quê. Nội dung của video này là, một phụ huynh học sinh nhìn thấy bữa cơm của con mình ở trường có vấn đề nên đã quay lại.

Đêm đó cũng gần 11 giờ, tôi đăng đoạn video đó lên Weibo, và viết một câu, “Quê tôi, huyện abc, bữa cơm dinh dưỡng của một trường học”, sau đó tôi đi ngủ. Sáng sớm hôm sau, Weibo của tôi như “bùng nổ”. Đoạn video ngắn đó trên tài khoản Weibo của tôi có hàng triệu lượt xem. Hai ngày sau đó, số lượt xem đã vượt quá 10 triệu, và còn có nhiều kênh khác tải về và đăng lại trên Weibo của họ nên tổng số lượt xem không thể tính được.

Sau đó, truyền thông trong nước (Trung Quốc) cũng đồng loạt đưa tin, quan chức lên tiếng, trường học chỉnh đốn. Một trong những biện pháp chỉnh đốn đó là, lãnh đạo huyện đến trường học đó và ăn cơm cùng học sinh; một trong những kết quả của chỉnh đốn đó là hiệu trưởng bị cách chức.

Mức độ chú ý của đoạn video ngắn chưa đầy 2 phút này và sự xung kích mà nó gây ra, đã vượt quá sự tưởng tượng của tôi. Tiêu điểm của dư luận tập trung vào đoạn video ngắn này, trong khi cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra được kết quả xử lý vụ việc, thì đã xuất hiện một số tình huống khiến tôi thể hội được những thứ không được học trong sách vở.

1. Có người hỏi tôi trên Weibo, “vì sao không phơi bày rõ là trường học ở huyện nào, bạn sợ hãi?”

2. Có người bắt đầu xem lại lịch sử đăng Weibo từ trước giờ của tôi, sau đó tổng kết lại trên Weibo của họ rằng, tôi là “tung tin đồn thất thiệt làm hoang mang dư luận”.

3. Có người viết bài phê bình chỉ trích tôi, trong video không có nói rõ ràng thời gian, địa điểm, nhân vật, hoàn toàn là cóp nhặt giả tạo, vì để thu hút sự chú ý, nên việc đăng đoạn video này của tôi là có động cơ khác.

4. Có bạn học thuở nhỏ của tôi hiện đang ở nơi xa đã liên hệ với tôi, hy vọng tôi xóa bỏ đoạn video đó. Có bạn cùng trường khi xưa không liên lạc, hiện đang ở Bắc Kinh cũng liên lạc với tôi, yêu cầu tôi xóa bỏ dòng Weibo đó.

5. Người của cơ quan chức năng ở huyện cũng gửi tin nhắn muốn nói chuyện với tôi. Nhưng tôi từ chối.

6. Đương nhiên, rất nhiều cư dân mạng đã bị “sốc” khi xem đoạn video đó, và họ chia sẻ rộng rãi cho người khác. Có rất nhiều người biểu đạt ý kính nể tôi, cho rằng tôi đã làm chuyện tốt, khuyến khích tôi cố chịu đựng [búa rìu dư luận], thậm chí có người còn coi tôi như anh hùng.

Đến nay, tôi vẫn không xóa dòng Weibo đó. Sau đó, bạn học từng có ý bảo tôi xóa dòng Weibo đó đã nói với tôi, anh ta rất hối hận vì khi đó nhận được sự nhờ vả từ người khác, và anh ấy tán thành cách làm của tôi. Tôi rất vui mừng và thấy nhẹ nhõm, bởi trước đó tôi lo lắng vì sự việc này mà ảnh hưởng tới tình cảm bạn học của chúng tôi.

Tuy nhiên, đến khi hiệu trưởng bị cách chức, tôi lại không những không có cảm giác đạt được điều gì đó, ngược lại tôi có chút bất an. Bởi vì một bạn học làm trong ngành giáo dục ở quê nói với tôi một sự thật – hiệu trưởng trường tiểu học về cơ bản không thể quyết định được ai sẽ là nhà thầu cung cấp thực phẩm cho nhà ăn của trường, nhà thầu không để ý đến hiệu trưởng. Dù cho hiệu trưởng nhìn thấy chất lượng bữa ăn có vấn đề, muốn nhà thầu nâng cao chất lượng, nhà thầu bỏ mặc ngoài tai thì ông ấy (hiệu trưởng) cũng không bị cách chức. Do đó, người bạn này cho rằng hiệu trưởng bị oan.

Điều này khiến tôi có chút kinh hoàng và bất an – khi chúng ta đều cho rằng dư luận đã làm một việc quang vinh và chính xác, thực ra có thể đã có người trở hành vật hy sinh.

Nếu mà vị hiệu trưởng bị cách chức đó thực sự bị oan uổng, thì qua đây tôi cũng xin biểu đạt sự xin lỗi tới vị ấy. Điều khiến tôi vui mừng đó là, chất lượng bữa ăn của trẻ đã được nâng cao rõ ràng. Nhưng, việc nâng cao chất lượng bữa ăn này có thể được duy trì không? Thậm chí theo logic hiện thực, tôi thiếu sự lạc quan.

Hôm nay, tôi lại xem lại dòng Weibo đó của tôi, số lượt xem đoạn video đó đã hơn 16 triệu lượt. Vì sao có nhiều người chia sẻ video này như vậy, tôi suy nghĩ và thấy nguyên nhân đại khái là: Lòng trắc ẩn ai ai cũng có; dáng vẻ bất hạnh của những trẻ nhỏ đúng là khiến người ta phải xót xa; người lớn quan tâm đến trẻ nhỏ, đó là bản năng…

Nhưng những nguyên nhân này chưa đủ để thuyết phục tôi, bởi vì tôi nghĩ đến một vấn đề khiến tôi giật mình – vì sao nhiều cư dân mạng ở các nơi trên khắp Trung Quốc không liên quan, lại quan tâm đến bữa cơm của một nhóm trẻ em ở quê tôi? Trong khi nhiều cư dân mạng không liên quan lại quan tâm đến bữa ăn của trẻ ở quê tôi, thì ông chủ của nhà ăn ở trường kiếm tiền từ trẻ nhỏ đó lại không hề quan tâm đến bữa ăn của chúng, vì sao vậy? Thông thường mà nói, nhân tính về cơ bản là giống nhau, vì sao nhà thầu kia lại không có “lòng trắc ẩn”? Vì sao thái độ đối với bữa ăn của trẻ của cư dân mạng và nhà thầu kia lại khác nhau một trời một vực?

Vấn đề này đã trôi qua khá lâu, tôi cũng dần quên. Nhưng gần đây, khi một trường học ở thành phố phía Tây Nam của Trung Quốc cũng lại xảy ra sự kiện thực phẩm bẩn tương tự, chuyện cũ lại xuất hiện trong đầu tôi, và tôi vừa viết vừa tiếp tục suy nghĩ về vấn đề này.

Kết quả, tôi có được một đáp án, đó là xem xong video đó, những cư dân mạng và cả tôi xót xa, lên tiếng cho trẻ nhỏ ở trường học của quê tôi, rất có thể đều là “ngụy thiện” (giả thiện).

“Nhân chi sơ, tính bản thiện”, chỉ là nhân tính chưa được khảo nghiệm – bản thân tôi và cư dân mạng (những người xót xa, lên tiếng cho những trẻ ở trường học quê tôi), nếu như có thể trở thành nhà thầu cung cấp thực phẩm cho nhà ăn của trường học, nếu cần tham ô, nếu muốn kiếm nhiều tiền bằng sự tham lam, thì liệu chúng ta có đảm bảo sẽ không “nhúng bàn tay đen” vào bữa ăn của trẻ không? Thử nghĩ, nếu bạn đã “giải quyết được vấn đề với cấp trên”, nắm được quyền thầu nhà ăn, khi những đứa trẻ ngây thơ vô tri bị cuốn vào trong không gian kín để trở thành người tiêu dùng, khi mà những đứa trẻ hàng ngày đều phải trở thành người tiêu dùng mà không có quyền đổi nhà cung cấp khác, khi mà hiệu trưởng đã hết cách nào với bạn, khi bạn hạ thấp một chút chất lượng để đổi lại là lợi nhuận tăng cao, khi bạn biết hạ thấp chất lượng bữa ăn dù có bị phơi bày những cũng không đến nỗi ngồi tù, thì bạn có dám đảm bảo bạn sẽ không “tham” thêm một chút nữa chăng?

Nói một cách thật lòng, khi đứng trước cám dỗ mà không có chút rủi ro nào, tôi thực sự không dám đảm bảo tâm mình sẽ không “biến thành xấu”. Tôi tin chắc rằng những nhà thầu kia, ở nhà họ chắc chắn sẽ cho con cái mình ăn những bữa ăn tốt nhất, nhưng một khi đến trường, đối mặt với những người tiêu dùng “vô tri”, nhân tính của họ không trụ nổi khảo nghiệm lợi ích cũng là điều không khó hiểu.

Đạo đức là do chính bản thân tự ước chế, nhân tính luôn ẩn nấp trong nội tâm. Chúng ta cần phải tin rằng, nhân tính không thể chịu nổi khảo nghiệm, thuyết giáo đạo đức chưa bao giờ đáng tin. Nhìn lại lịch sử, ở một nơi khép kín, trong tình huống mà thu được lợi ích lớn và rủi ro nhỏ, trong tình huống tránh né được sự giám sát đôn đốc, xảy ra sự việc phản nhân tính, vô đạo đức không chỉ là “trong tình, trong lý”, mà thậm chí sẽ chắc chắn xảy ra.

>> Tôi rút ra được gì sau khi bị bể bánh xe 3 lần trong 2 tuần?

Vậy nếu đảm bảo chất lượng bữa ăn thì sao? Hiển nhiên không phải là điều khó khăn. Những người nghiên cứu kinh tế học, sẽ cảm thấy đây chính là vấn đề về kinh tế học, đưa vào cạnh tranh để tránh bị một nhà thầu độc quyền nhà ăn của trường học là có thể giải quyết được vấn đề; còn người nghiên cứu ngành khác lại cảm thấy rằng, để hiệu trưởng, giáo viên cùng học sinh ăn bữa cơm giống nhau, thì có thể giải quyết được vấn đề; người nghiên cứu ngành nào đó lại cảm thấy rằng, đưa đại diện phụ huynh học sinh vào kiểm tra bữa ăn của trường một cách định kỳ, thì có thể giải quyết vấn đề.

Bạn thấy đấy, với điều kiện kinh tế hiện nay, có rất nhiều cách làm để giải quyết vấn đề về bữa ăn của trẻ ở trường học. Nhưng vì sao những biện pháp này lại không được phổ biến và nhân rộng? Bởi vì một mặt sẽ làm tăng chi phí quản lý, một mặt lại động chạm đến lợi ích thiết thân của một số người.

Viết tới đây tôi lại nghĩ đến ngôi trường tiểu học ở quê. Sau sự kiện hồi tháng 9 năm ngoái, vấn đề chất lượng thực phẩm đã được nâng cao, nhưng không biết có tiếp tục duy trì hay không.

(Bài viết thể hiện quan điểm và lập trường của cá nhân tác giả)

Blog Hải Đào

Xem thêm: