Hơn nghìn người hôm thứ Tư (26/6) đã tập hợp trong một cuộc tập trung tại Hồng Kông và tổ chức tuần hành tới các lãnh sự quán nước ngoài đặt tại hòn đảo này để vận động các chính phủ quốc tế dấy lên vấn đề khủng hoảng chính trị Hồng Kông tại thượng đỉnh G-20 diễn ra ở Osaka, Nhật Bản tuần này, theo The Guardian đưa tin.

Embed from Getty Images

Nhiều người trong đám đông tập trung tại Chater Garden ở trung tâm của quận kinh doanh Hồng Kông mặc những chiếc áo phông trắng mang thông điệp: “Giải phóng Hồng Kông!”, giương cao các tấm biển hiệu và hô vang các khẩu nhiệu như: “Tự do cho Hồng Kông!”

“Giải phóng Hồng Kông khỏi thuộc địa của Trung Quốc,” một tấm bảng hiệu ghi. Một tấm bảng khác viết: “Tổng thống Trump, Xin hãy giải phóng Hồng Kông!” Một người đàn ông giương cao một tấm bảng đen ghi thông điệp viết vội: “Chúng tôi là những người Hồng Kông có một giấc mơ: được sống trong phẩm giá và không có nỗi sợ hãi. Nói KHÔNG với dẫn độ tới Trung Quốc!”

Người biểu tình tuần hành tới các lãnh sự quán Mỹ và Anh Quốc, cũng như văn phòng đại diện của Liên Minh Châu Âu. Khi tới nơi, người biểu tình đã đọc to các lá thư thỉnh nguyện của họ trước khi giao nộp những bức thư này cho các quan chức lãnh sự quán.

Một người biểu tình đọc từ một bức thư viết cho ông Trump: “Trong sự tuyệt vọng, chúng tôi tìm kiếm sự tham gia và trợ giúp của ngài để cùng chúng tôi đấu tranh chống lại chế độ độc tài này.”

Theo Reuters, tại lãnh sự quán Mỹ, những người biểu tình đã đệ trình bức thư thỉnh nguyện trong đó yêu cầu Tổng thống Donald Trump “ủng hộ Hồng Kông tại Thượng đỉnh G-20”. Họ thúc giục ông Trump trong các cuộc thảo luận của ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hãy lên tiếng ủng hộ việc rút lại hoàn toàn dự luật dẫn độ và điều tra độc lập về các hành động của cảnh sát Hồng Kông với người biểu tình.

Ông Ventus Lau, một người tổ chức buổi tuần hành, đã tuyên bố rằng có khoảng 1.500 người tham gia. Trong khi những người phía trước đoàn đã tới các lãnh sự quán nước ngoài, thì nhiều người hơn vẫn đang đợi tại công viên để bắt đầu cuộc tuần hành.

Những người biểu tình cũng chuyển thư thỉnh nguyện của họ tới các nước khác trong 19 nước tham gia thượng đỉnh G-20, trong đó có Úc, Canada và Nhật Bản. Một cuộc tập trung khác đã được lên lịch diễn ra vào tối thứ Tư 26/6 (giờ Hồng Kông).

Nhiều người trong đoàn tuần hành nói rằng họ thất vọng vì Trưởng Đặc khu Hồng Kông Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt  Nga) không đáp ứng các đòi hỏi của họ.

“Chừng nào chính quyền không rút lại dự luật, và họ từ chối phản hồi, thì chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục đấu tranh,” Reuters dẫn lời Aslee Tam, sinh viên 19 tuổi tham gia cuộc tuần hành.

“Chúng tôi muốn lên tiếng nhân dịp cuộc họp G-20 để các nước khác thảo luận về các vấn đề tại Hồng Kông,” Aslee Tam nói thêm.

Sau các cuộc biểu tình rầm rộ tuần trước, bà Lam đã tuyên bố đình chỉ vô thời hạn dự luật dẫn độ gây tranh cãi và xin lỗi vì đã gây ra sự bất ổn xã hội, nhưng từ chối rút lại hoàn toàn dự luật và cũng không lên án cảnh sát sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình.

Ông Ventus Lau nói: “Chính quyền địa phương của chúng tôi đã phớt lờ chúng tôi vì vậy chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế”. Ông Lau cho biết ông hy vọng rằng các nước có thể xem xét về dự luật dẫn độ tại G-20 để giúp duy trì vị thế đặc biệt của Hồng Kông.

Trong khi đó, ông Zhang Jun – trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc tuần này đã lên tiếng khẳng định rằng Trung Quốc sẽ không cho phép vấn đề Hồng Kông được thảo luận tại G-20 ở Osaka, Nhật Bản.

Ngoài việc biểu tình, các nhà hoạt động Hồng Kông cũng đã huy động được hơn 5 triệu đô la Hồng Kông (khoảng 640.606 USD) trong một chiến dịch vận động quần chúng để tiến hành đặt quảng cáo trên các kênh truyền thông nước ngoài lớn như New York Times trong thời gian diễn ra thượng đỉnh G-20 nhằm thu hút sự chú ý của toàn cầu, theo Reuters.

Một số nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông được cho là cũng đã tới Osaka, Nhật Bản để tổ chức thỉnh nguyện ôn hòa.

Như Ngọc